Tisco nói gì khi bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và tăng lỗ sau kiểm toán?

(Vietnamdaily) - Tăng lỗ ròng sau kiểm toán, Gang thép Thái Nguyên còn nhận được ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đồng thời còn bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do dự án TISCO 2 đình trệ và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) vừa công bố giải trình về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên và sự chênh lệch liên quan đến báo cáo tài chính sau kiểm toán của công ty so với báo cáo tự lập trước đó.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024 mới công bố, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 10.601 tỷ đồng, không thay đổi so với báo cáo tài chính chưa kiểm toán.

Tuy nhiên, Công ty ghi nhận lỗ gần 8,4 tỷ đồng, tăng 55,5% so với mức lỗ ròng gần 5,4 tỷ đồng so với báo cáo tài chính trước kiểm toán.

Công ty cho biết nguyên nhân có sự chênh lệch này chủ yếu do loại trừ các khoản chi phí không được tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong kỳ.

Cụ thể, chi phí thuế hiện hành tăng đột biến 34,77% (tăng thêm 3,07 tỷ đồng lên 11,9 tỷ đồng), lợi nhuận gộp giảm 7,14 tỷ đồng (còn 340,5 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận khác tăng thêm 6,92 tỷ đồng (lên 66,31 tỷ đồng).

Kết quả này đã đánh dấu năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp ngành thép này. Tuy nhiên, mức lỗ ròng của năm 2024 cũng đã giảm mạnh so với con số lỗ gần 177 tỷ đồng của năm 2023.

Mặc dù khoản lỗ đã giảm so với năm trước, công ty kiểm toán AASC vẫn đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Tisco. Lý do chính là liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của công ty, được khởi công từ năm 2007 nhưng đã tạm dừng thi công từ năm 2013 do nhiều vướng mắc.

Theo đó, kiểm toán viên không thể đánh giá hết ảnh hưởng của các giao dịch liên quan đến dự án TISCO 2 đến BCTC, bao gồm các khoản trả trước, chi phí xây dựng dở dang, phải trả người bán, chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay vốn hóa.

Tính đến cuối năm 2024, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án TISCO 2 gần 6.360 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay vốn hóa hơn 3.145 tỷ đồng. Dự án ban đầu có tổng vốn đầu tư 3.844 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên 8.105 tỷ đồng. Hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc - MCC được ký từ tháng 7/2007, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Tisco noi gi khi bi nghi ngo kha nang hoat dong lien tuc va tang lo sau kiem toan?
 Ảnh minh họa

Ngoài ra, TIS ghi nhận hoàn nhập hơn 51 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác trích thửa tại các mỏ Bắc Làng Cầm, Nam Làng Cầm và Cánh Chìm - Phấn Mễ vào thu nhập khác năm 2024, nhưng việc cấp đổi giấy phép mỏ Nam Làng Cẩm chưa hoàn tất. Kiểm toán viên chưa thể thu thập đủ bằng chứng về việc ghi nhận này.

Kiểm toán viên cũng nhấn mạnh nợ ngắn hạn của TIS vượt tài sản ngắn hạn (hơn 3.455 tỷ đồng), dự án TISCO 2 đình trệ ảnh hưởng đến tài chính và hoạt động, cùng với một số khoản nợ vay quá hạn. Các yếu tố này đặt ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Ngoài ra, CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Thái Trung (công ty con của TIS) tạm dừng hoạt động từ năm 2014 để hoàn thiện thủ tục cấp phép. Số liệu hợp nhất chỉ bao gồm bảng cân đối kế toán do thiếu dữ liệu khác.

Liên quan đến các ý kiến ngoại trừ trên của kiểm toán, TIS giải trình như sau: Đối với dự án TISCO 2, lãnh đạo TIS cho biết, thực hiện chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC, Công ty đang tích cực triển khai, bố trí nhân sự làm việc liên tục, phối hợp với MCC, tư vấn giám sát và các nhà thầu phụ để rà soát, ghi nhận hiện trạng thực tế, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, TIS đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt cấp quyền khai thác tại một số khu vực mỏ của Mỏ than Phấn Mễ đến tháng 5/2022. Căn cứ vào sản lượng khai thác thực tế đến 31/12/2024, Công ty đã quyết toán thuế, đồng thời hoàn nhập phần chênh lệch đã hạch toán vào chi phí từ các năm trước vào thu nhập 2024.

Hiện tại, Công ty đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để sớm được cấp đổi giấy phép khai thác khu vực Nam Làng Cầm và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác đối với trữ lượng còn lại của khu vực này.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TIS vẫn thuộc diện cảnh báo (theo quyết định ngày 31/03/2023) do BCTC bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Ở một diễn biến khác, TIS dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 trong tháng 4 tại Thái Nguyên, ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/03/2025.

Vi phạm công bố thông tin, Hoà Bình Takara bị phạt 152 triệu đồng

(Vietnamdaily) - CTCP Hòa Bình Takara bị xử phạt 152 triệu đồng do các vi phạm về công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngày 19/02/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 71/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Hòa Bình Takara (HNX: CTP).

Theo đó, Hoà Bình Takara bị phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Khoáng sản Bắc Kạn nói gì về cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp?

(Vietnamdaily) - Cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn đang trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán khi liên tục tăng trần 19 phiên liên tiếp từ 21/01-21/02, trong đó có tới 18 phiên tăng trần.

Ngày 20/02/2025, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (HNX: BKC) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc giải trình cổ phiếu BKC tăng trần 05 phiên liên tiếp từ ngày 07/2 – 20/2/2025.

Tương tự như văn bản giải trình ngày 6/2 về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 21/1 đến ngày 5/2/2025. BKC cho biết những kết quả kinh doanh khả quan của Công ty trong quý 4/2024 là một trong các yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu BKC trong thời gian vừa qua, các diễn biến giá cả của cổ phiếu BKC hoàn toàn phản ánh diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán và nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty.