Ngừng tim ngay trên sân pickleball
Ngày 8/5, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân P.T.H (56 tuổi, ngụ Quận Tân Bình), có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở khi đang chơi pickleball.
Theo người nhà, bệnh nhân chơi pickleball cùng nhóm bạn trên sân thể thao thuộc địa bàn quận Tân Bình. Khoảng 15h, bệnh nhân bất ngờ ngã quỵ, gọi không phản ứng. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, không bắt được mạch, toàn thân tím tái.
Sau 45 phút hồi sinh tim phổi, bệnh nhân không hồi phục.
![]() |
Khoa cấp cứu cho bệnh nhân - Ảnh BVCC |
BS.CK2. Nguyễn Thụy Trang, Phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo, việc tham gia thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý hiện có của người dân là rất quan trọng. Người dân cần chơi thể thao ở mức vừa phải, không gắng sức quá mức, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến các vấn đề tim mạch.
“Chỉ 4 phút sau ngừng tim, không có máu nuôi não, não sẽ tổn thương không hồi phục. Do đó, khi phát hiện người có biểu hiện đột ngột bất tỉnh, lay gọi không đáp ứng, nghi ngờ ngưng tim, ngưng thở, người xung quanh cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu cơ bản (ép tim ngoài lồng ngực, kêu gọi sự giúp đỡ).
Đồng thời, gọi 115 để nhanh chóng có lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp tới hiện trường giúp nhận diện, xử trí chuyên nghiệp, kịp thời”, BS.CK2. Nguyễn Thụy Trang lưu ý.
Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để được nhân viên y tế tư vấn chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp với từng loại bệnh lý cũng như tùy thể trạng của mỗi người.
Người chơi lâu vẫn có nguy cơ đột quỵ
TS.BS Võ Tường Kha - Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết pickleball giống tennis, bóng bàn, cầu lông, là bài tập vận động hỗn hợp sức mạnh, tốc độ, sức bền, đang được nhiều người yêu thích.
Với một số người, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao trong đó có pickleball có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử, đột quỵ.
![]() |
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa cấp cứu bệnh viện - Ảnh BVCC |
Điển hình là những người chưa, ít tập thể thao hoặc có sẵn bệnh lý tim mạch nhưng không biết. Bởi lượng vận động lớn sẽ dẫn tới hưng phấn tối đa gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, thể gây rung nhĩ/thất, gây nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu não (đột quỵ).
Ngay cả với những người từng tập luyện lâu dài, cơ thể đã thích nghi nhưng lượng vận động vượt ngưỡng chịu đựng có thể dẫn tới tế bào, tổ chức thiếu máu, oxy, dinh dưỡng. Trong đó, tim và não là tổ chức bị thiếu hụt và thiệt hại sớm nhất, nếu không được bù kịp sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, khi trời lạnh, mạch máu dễ co thắt cũng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hoặc vỡ mạch.
Để giảm nguy cơ đột quỵ khi chơi thể thao, bác sĩ khuyến cáo người chơi nên khởi động từ 10-15 phút để làm nóng cơ thể, giúp mạch máu giãn nở và giảm nguy cơ co thắt khi vận động.
Với các bộ môn ngoài trời, khi nhiệt độ thấp, người tập cần mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm cổ, tay và chân. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường hoặc người lớn tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia các môn thể thao này.