Vợ sợ làm dâu

Vợ cháu toàn làm chuyện ngược, chỉ vì sợ ở riêng và làm dâu, sợ phải lo đi chợ, chăm con một mình. 

Cô kính mến!
Hai vợ chồng cháu cùng là giáo viên nhưng cuộc sống hôn nhân lại luôn bị lộn tùng phèo buồn cười. Cháu nghĩ mãi mà không có cách gì điều chỉnh được.
Cháu gặp vợ cháu bây giờ khi đã đổ vỡ một lần (vợ và con trai cháu đi Mỹ sau khi ly hôn). Không có chuyện cướp chồng ở đây nhưng gia đình cô vợ bây giờ vẫn không chấp nhận. Họ lý luận rằng con gái một, lấy đàn ông có một đời vợ, nhục, phức tạp, dù con riêng chồng không phải nuôi nhưng vẫn cứ là không ra làm sao.
Cuối cùng chúng cháu vẫn cưới nhau nhưng nhà ai nấy ở. Vợ cháu bị mẹ giữ khư khư, bên cháu các chị đều “ghê gớm” nên không cần cô ấy làm dâu vẫn “không ai chết cả!”. Vợ cháu dạy học ở trường huyện, cháu có thể xin cho về thị xã được ngay nhưng bản thân cô ấy cũng không muốn hợp lý hóa cuộc sống vợ chồng.
Con gái sinh ra, bà ngoại càng chăm bẵm. Hai anh trai của cô ấy bắt đầu thắc mắc sao lấy chồng mà nó không theo chồng. Hai bà chị dâu của cô ấy cũng đâu có thích cảnh mẹ chồng ôm chặt con gái ruột và cháu ngoại như báu vật.
Còn cháu, làm sao cháu có thể chấp nhận cảnh vợ chồng chỉ có thể riêng tư với nhau vào cuối tuần như vậy? Mà chủ yếu là chồng đến chỗ nhà bà mẹ vợ, làm “chó nằm gầm chạn” (nói theo người Bắc) hai ngày hai đêm rồi lại trở về nơi xuất phát.
Con gái bọn cháu nay đã 5 tuổi, sắp vào lớp một mà vợ cháu phế cho bà ngoại muốn cho ăn kiểu gì, muốn nhồi nhét vào đầu nó thứ gì, mặc kệ.
Có thể nào chấp nhận chuyện vợ chồng không bếp chung, không có không gian riêng cho gia đình nhỏ của mình? Trên đời có ai lại dễ dàng chấp nhận cuộc sống như vậy không cô? Đàn ông ai chẳng cần bữa cơm của vợ, ai chẳng thích một căn buồng của mình, bên cạnh là đứa con duy nhất đêm hôm?
Vợ cháu toàn làm chuyện ngược, chỉ vì sợ ở riêng và làm dâu, sợ phải lo đi chợ, chăm con một mình. Có lẽ vợ cháu là người duy nhất của thế gian làm vậy. Gần đây cháu bực quá có lớn tiếng và bạt tai cô ấy trước mặt mẹ vợ. Thế là chiến tranh nổ ra. Cháu ra tối hậu thư, về tỉnh, thuê nhà ở riêng rồi dần dần sẽ mua nhà, hoặc là đường ai nấy đi.
Cô thấy cháu sai đúng chỗ nào và làm sao để tổ chức cuộc sống một cách bình thường, như bao người?
Cô giữ kín email cho cháu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cháu thân mến!

Cô cũng thấy như cháu, có lẽ vợ cháu là người hy hữu của thế gian. Muốn lấy chồng mà sợ nhà chồng, sợ làm dâu (dù chiếu lệ), sợ ăn và ngủ cùng với chồng. Định nghĩa thế nào về một người như vậy?
Thứ nhất, cô ấy yêu một người đã có một đời vợ và có con riêng (dù vợ cũ và con riêng người ta đã di cư xa). Vợ cháu sợ quá khứ của cháu mặc dù khi lao vào thì không nghĩ ngợi gì. Cô ấy sợ bị so sánh với người cũ và … nói chung là một nỗi sợ mơ hồ nhưng không phải không có tác động của ba mẹ ruột.
Thứ hai, góc độ này mới là chính, cô ấy là con gái út, con gái một của gia đình đã quyết không gả đi. Nhiều hệ lụy từ quyết định này. Ví như cứ làm cho vợ cháu sợ nhà chồng, sợ cực thân, sợ gánh vác…Ví như không chịu nổi trống vắng trong lòng khi không thấy bóng con gái như mình quen thấy. Và, khi vợ cháu sinh con, thì cháu ngoại một, cháu ngoại duy nhất, quá cưng, quá thích, quá ôm ấp rồi quen mùi, quen bao biện, cáng đáng.
Thứ ba, điều này cũng không kém quan trọng, vợ cháu, như đã nói, là gái vàng gái bạc nhà người ta, vì vậy là không quen việc, ích kỷ, ỷ lại…hầu như nhược điểm nào cô ấy cũng có hết.
Cháu đã cưới trong may rủi, như bao người. Nếu vợ chồng ở riêng nhau một mái nhà độc lập, có khi chồng thành nội tướng còn cô vợ không biết thành cái gì. Vậy đó, rồi cũng xong, vung và nồi, méo thì chỉnh, có khi chỉnh mãi thì vung méo nhưng có vung còn hơn là nồi không vung hoặc phải bỏ, đi tìm một cái vung mới.
Sự cố đáng tiếc ở chỗ, cháu đã mạnh tay với vợ ngay trong gia tộc vợ, để các anh vợ ra tay và ba má vợ phiền lòng. Rất không nên dù vợ cháu có lỗi đến mức nào. Phải xin lỗi ba má, vì chuyện của các cháu mà làm ba má ưu phiền. Nếu được, hãy xin lỗi các anh của vợ như những người đàn ông sòng phẳng với nhau. Ví như em gái cháu bị chồng nó hành hung trước mặt mình, cháu sẽ xử lý ra sao?
Rất cần thuyết phục vợ đồng ý theo cháu về tỉnh, thu xếp một chỗ riêng và xây dựng với nhau từ cái bếp, cái phòng ngủ, cái túi tiền chung như bao người. Không có công thức khác. Kéo dài mãi tình trạng như hiện nay, cô e, chính cháu sẽ nguội lòng và rồi sẽ có “cái vung mới” xuất hiện trong tầm mắt.
Lại ly dị, đàn ông hai lần vợ cũng nhàu nát lắm, bình tâm và cẩn trọng nhá. Cô thương và tin ở cháu nhiều. Những người đàn ông còn trẻ đã qua một lần đò thường sâu đằm, nội tâm và cũng rất đa cảm. Hãy mạnh mẽ lên cháu để làm chỗ dựa cho vợ và con, để níu kéo lại một mái ấm đang như dần xa tầm tay mình.
Mong mọi việc sớm vuông tròn và hãy hồi âm lại tin vui cho cô nhé.

Con sẽ đi theo ai!

Mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngân lên đỉnh điểm, cu Tít đứng ngơ ngác ở góc nhà, lúng túng khi bố mẹ hỏi “con sẽ đi theo ai”.

Nửa đêm, tiếng chuông cửa réo rắt khiến ông bà bật dậy. Vừa mở cửa, ông vừa đánh tiếng hỏi ai. Bên ngoài, tiếng cô con gái gấp gáp: “Bố mở cửa cho con”. Cửa mở, ông bà ngạc nhiên trước cảnh Ngân tay xách nách mang lỉnh kỉnh va li, túi xách. “Con quyết định sống ly thân ”. “Rồi cu Tít phải làm sao?”. “Nó sẽ sống cùng bố”. Ngân nói rồi lên phòng nằm khiến ông bà trăn trở cả đêm.

“Nguyên nhân là gì mà vợ chồng lại đến nông nỗi này?”, “Vẫn là chuyện dạy bảo cu Tít…”. Ông bà nhìn nhau thở dài “chuyện bé mà cả hai đứa xé ra to thế này sao?”. “Con không thể chịu nổi nữa”… Bà bấm máy gọi cho con rể. “Việc dạy bảo cu Tít, con cũng có quyền nhưng cô ấy cứ phản đối rồi gây chuyện. Lần này cô ấy thích sống ly thân hay ly hôn, con cũng… chiều”. Con rể bức xúc cúp máy luôn.

Cuộc hôn nhân của cô con gái chỉ êm ả trong thời gian chưa có cu Tít. Từ ngày có con, vợ chồng chúng nó liên tục cãi vã. Trước đây, bà nghĩ đó là chuyện vặt vì vợ chồng nào chẳng có lúc xô xát. Với lại, chúng nó cũng chỉ cãi nhau quanh cái chuyện cho con ăn cái này, mua cho con cái nọ, dạy con chơi kiểu gì chứ không phải ra ngoài “ăn chả ăn nem” hay cờ bạc, lô đề gì. Thỉnh thoảng, con gái giận chồng ôm con về nhà, ông bà phân tích thiệt hơn. Hai đứa hạ hỏa nhanh chóng rồi lại ríu rít bồng bế nhau về. Thế nhưng từ ngày cu Tít đi học, chuyện nuôi dạy đứa con duy nhất khiến hai vợ chồng bất hòa nhiều hơn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Có hôm mới sáng sớm tinh mơ, Ngân đã gọi điện mếu máo với mẹ: “Con muốn hè này cu Tít về quê để trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn còn anh ấy lại nhất quyết bắt thằng bé tham gia học kỳ quân đội. Vì chuyện này mà vợ chồng con cãi nhau cả đêm”. Lại có hôm mưa tầm tã, ông bà thấy con rể đội mưa gió đến mời nhạc phụ sang “dạy bảo” lại con gái vì “không coi chồng ra cái gì khiến con không thể dạy nổi con trai”. Nguyên nhân là Ngân không muốn cho cu Tít tiếp xúc với tiền quá sớm trong khi chồng cô lại suốt ngày dùng tiền làm “phần thưởng”. Chiều nay Ngân được cô giáo gọi lên thông báo cu Tít rủ bạn bỏ học đi chơi game cả buổi. Về nhà, cô tra hỏi con lấy tiền đâu để chơi, nó bảo đó là tiền thưởng của bố và tiền mỗi lần nó đi mua đồ giúp bố thừa lại. Vậy là bao nhiêu nỗi tức giận cô trút lên chồng. Không dừng lại ở đó, cô luôn lấy lỗi dạy con không đúng cách ấy của chồng để áp đảo anh mỗi lần dạy con sau đó. Còn chồng cô vẫn dạy bảo, yêu chiều con theo cách của mình bất chấp sự can thiệp của vợ.

Ngân về nhà bố mẹ đến ngày thứ hai thì nhận được tin cu Tít theo đám bạn xấu lấy cắp đồ trong siêu thị. Hai vợ chồng hớt hải chạy đến khắc phục hậu quả và xin đón con về để dạy bảo. Về đến nhà, cả hai thi nhau đổ lỗi do cách dạy con của người nọ, người kia đã làm cho thằng bé hư hỏng. Cuộc chiến quy trách nhiệm của hai vợ chồng đang căng thẳng thì ông bà đến.

Chứng kiến cảnh con gái ký xẹt vào lá đơn ly hôn một cách kiên quyết còn con rể cũng chẳng ngần ngại ký ngay sau đó, ông bà buồn bã: “Lẽ ra giờ này các con phải nhận ra được sai lầm của cách dạy “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mà khắc phục chứ không phải ký nhanh vào lá đơn này”. Nhưng hình như mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngân đã không còn gỡ được, chỉ có cu Tít đứng ngơ ngác ở góc nhà, lúng túng không biết trả lời thế nào khi bố mẹ hỏi “con sẽ đi theo ai”.

Phận làm dâu nhà giàu

Từ lúc chị về làm dâu, đến nay đã tròn 8 tháng. Chưa một lần chị cảm thấy một ngày mình được nghỉ ngơi.

Ngày cưới, chị hạnh phúc như bất cứ cô gái nào trong làng. Váy trắng tinh khôi, tiệc cưới linh đình. Chị cứ như mê đi trong hạnh phúc. Cả làng mừng cho chị và những chàng trai thì thầm tiếc nuối chị - cô gái xinh đẹp và dịu dàng nhất làng đã lên xe hoa.

Người tình lộ mặt thật

Chị đau khi biết rõ anh đang nói về chị, về người tình trong bóng tối bấy lâu vẫn được anh đưa lên tận mây xanh bằng những mỹ từ.

Tình cờ, chị đọc được mấy dòng comment của anh dưới một status trên facebook của bạn anh mà chắc anh không thể ngờ có lúc chị đọc được. Những con chữ cứ nhảy múa trước mắt chị như trêu ngươi. Chị thấy thất vọng tột cùng về anh – người đàn ông không phải chồng chị!

Bằng giọng điệu thô tục mà chị chưa bao giờ hình dung nổi một người có phong cách lịch thiệp, nhã nhặn khiến chị ngưỡng mộ bấy lâu như anh lại có thể thốt ra, dù chỉ qua những dòng bình luận trên mạng ảo. Anh “khoe” với bạn bằng giọng tự hào pha chút hợm hĩnh, lố bịch về một phụ nữ có chồng mà vẫn “mê” anh như điếu đổ, chẳng cần vận công tốn sức hay bất kỳ điều gì khác anh cũng có được cô ấy một cách dễ dàng, kiểu “tình cho không biếu không”. Có một số comment trao đổi qua lại giữa anh với bạn anh về chủ đề này, nhưng chính câu kết của nó mới thực sự là nhát dao kết liễu những tình cảm bấy lâu chị dành cho anh: “Tại không muốn thôi chứ mấy thứ này bây giờ ra đường tao hốt cả rổ!” Chị đau khi biết rõ anh đang nói về chị, về người tình trong bóng tối bấy lâu vẫn được anh đưa lên tận mây xanh bằng những mỹ từ như “vợ anh”, “con mèo ướt”, “thiên thần trong bóng đêm”…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh làm việc cho một đối tác của công ty chị. Sau vài lần sang công ty chị giao dịch, anh bắt đầu để ý đến chị. Từ nhắn tin với nội dung liên quan đến công việc, về sau mức độ “lạc đề” tăng dần. Chị không phải tuýp phụ nữ dễ xao lòng dù vẫn có không ít đàn ông công khai lẫn ngấm ngầm tăm tia chị - một phụ nữ “hai lửa nhưng vẫn còn ngon cơm” như cách tếu táo của mấy cô bạn thân. Thế nhưng không hiểu sao, với anh, chị thấy mình bị quyến rũ bởi một lực hút vô hình nào đó thật khó cưỡng. Anh không đẹp trai nhưng nét mặt cùng phong thái cư xử thật lịch thiệp, nam tính. Anh không tán tỉnh chị, cũng không vồ vập săn đón một cách lộ liễu như bao người đàn ông khác mà chỉ bày tỏ tình cảm một cách thâm trầm, kín đáo. Chị hiểu và không bắt bẻ anh vì cả hai đã chẳng còn tự do cũng như không thể lý giải được tại sao họ bị cuốn vào nhau trong khi cả hai đều có một gia đình dẫu không hoàn mỹ nhưng cũng chẳng có khiếm khuyết gì đáng để cho là nguyên do để họ đi tìm tình cảm ở người khác.

Cứ thế, trong suốt hai năm trời, chị lén lút qua lại với anh, phần vì không muốn ảnh hưởng đến công việc, phần cũng không ai muốn đánh đổi gia đình. Họ ngầm thoả thuận đây chỉ là mối quan hệ để “bổ sung” cho những gì họ không tìm thấy ở người bạn đời của mình. Anh trong chị, không chỉ là tình yêu dành cho một người tình mà còn là sự ngưỡng mộ dành cho thần tượng của mình. Vậy mà, chỉ trong phút chốc, khi chiếc mặt nạ tưởng chừng thật hoàn hảo kia rơi ra, mọi hình ảnh đẹp đẽ về anh như bị xé nát. Chị bẽ bàng, ê chề với câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu như cái bóng ma: chị là gì trong cái “rổ” mà anh dễ dàng “hốt được ngoài đường” kia?

Chị chưa biết chọn lý do gì để nói với anh. Bảo chị đã hết yêu chắc chắn anh sẽ không tin. Còn bảo chị muốn rút lui vì tự trọng ư? Có khi anh sẽ cười thầm trong bụng vì chính chị đã tự rũ bỏ cái món xa xỉ ấy kể từ khi bước vào mối quan hệ này. Cũng có khi chẳng cần viện một lý do nào đó cho có vì rồi anh cũng sẽ hiểu thôi, chị tin thế! Hoặc cũng có khi không cần chị rút lui trước thì biết đâu chẳng có lúc anh rũ bỏ chị không thương tiếc, như cái cách anh ngạo mạn khoe khoang với người bạn kia? Chị thấy mình thật dại dột, ngu ngơ ngay cả khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.

Cũng may, người chồng mà chị từng cho là cục mịch, vụng về, khô khan kia vẫn chưa biết chuyện. Nếu không, không biết có còn lối về cho chị hay không?…