Nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam cao nhất thế giới

Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên cao nhất thế giới, 30% là các bé gái từ 15-19 tuổi, 70% đang là học sinh, sinh viên.

1.000 trẻ sinh ra có đến 44 trường hợp là từ trẻ vị thành niên

Hiện nay, trẻ vị thành niên mang thai và phá thai có xu hướng ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối và được toàn xã hội quan tâm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tương lai của các em, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng dân số, sự phát triển của xã hội.

Theo báo cáo năm 2022 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên cao nhất thế giới, với khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong số này có 30% là các bé gái từ 15-19 tuổi, có đến 70% đang là học sinh, sinh viên.

Thực trạng này đã có xu hướng gia tăng từ nhiều năm trước. Số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), ghi nhận tỷ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 2,9% (năm 2010) lên 3,2% (năm 2012). Tỷ lệ phá thai ở nhóm tuổi này cũng dao động ở mức 2,2% đến 2,4%.

Song song đó, thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có đến 44 trường hợp là từ các bà mẹ tuổi vị thành niên (15-19 tuổi). Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm tuổi 15-19 tuổi.

mang-thai-vtn.jpg
Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới - Ảnh minh họa BVCC

TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.

Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai; Quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; Quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân.

Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

huong-ung-ngay-dan-so-the-gioi-3-8456.jpg
Ảnh minh họa BVCC

Nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ

Tiến sĩ Loan cho hay, mang thai ở tuổi vị thành niên, trẻ dễ gặp những nguy cơ như: Ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh: Đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

Tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi vị thành niên trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.

Về mặt kinh tế – xã hội, khi có thai ở tuổi vị thành niên phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ vị thành niên vào con đường bế tắc. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ vị thành niên. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.

huong-ung-ngay-dan-so-the-gioi-2-2963.jpg
Ảnh minh họa BVCC

Nguy cơ khi phá thai ở tuổi vị thành niên

Do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. Trẻ vị thành niên thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, nên không tìm đến cơ sở y tế sớm dẫn đến phá thai to.

Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể rất nặng nề và kéo dài.

Dấu hiệu phát hiện sớm trẻ vị thành niên mang thai

Cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai chưa có sự phát triển hoàn chỉnh vì thế khá khó để nhận biết chính xác việc mang thai trong những tuần đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai vẫn có một số dấu hiệu mang thai sớm để nhận biết. Cụ thể:

Trẻ chậm kinh hoặc mất kinh.

Buồn nôn và nôn.

Thay đổi ở ngực, vú căng và nổi tĩnh mạch quanh quầng vú.

Tiết sữa non từ tuần thứ 16 của thai kỳ.

Nhiệt độ cơ thể tăng cao.

Thay đổi về da: Nám da, sẫm màu ở núm vú.

Chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể nhầm lẫn với ra máu kinh nguyệt bình thường.

Cách giúp trẻ tránh mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên

Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm.

Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

Trầm cảm tuổi vị thành niên - "cơn bão lặng" gầm thét trong tâm hồn trẻ

Ở tuổi dậy thì, trầm cảm thường biểu hiện qua cáu kỉnh thay vì buồn bã, dễ bị nhầm lẫn với "khủng hoảng tuổi teen" nên nhiều trường hợp không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Cách gì giúp con thoát bệnh?

Thiếu hiểu biết, nhiều người bệnh bị bỏ sót

Trầm cảm là vấn đề phổ biến ở tuổi vị thành niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10-20% trẻ vị thành niên trải qua ít nhất một rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là phổ biến nhất. Tại Việt Nam, báo cáo tỷ lệ này dao động 5-8%, nhưng nhiều trường hợp vẫn bị bỏ sót do thiếu hiểu biết. Qua hai ca lâm sàng đau lòng, bài viết này phân tích sâu về nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo cùng giải pháp phòng ngừa từ chuyên gia.

Cảnh báo trầm cảm tuổi vị thành niên

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên đang ngày càng phổ biến, nhưng dễ bị bỏ qua vì những biểu hiện âm thầm. Nếu không được nhận diện, hỗ trợ kịp thời, hậu quả có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành – thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Lên kế hoạch tự tử vì... trầm cảm

Trường hợp bệnh nhân N.T.L 19 tuổi nhập viện vì buồn chán, có ý định tự sát bằng cách treo cổ.

Xu hướng "yêu sớm" ở tuổi vị thành niên, bác sĩ cảnh báo nhiều rủi ro

Trẻ quan hệ tình dục sớm, chưa có kiến thức về tình dục an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, lứa tuổi vị thành niên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tình dục, cơ thể chưa phát triển một cách hoàn thiện, tâm lý cũng chưa ổn định. Do đó quan hệ tình dục sớm sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả về thể chất và tinh thần.

Quan hệ tình dục không phải là xấu, nhưng lứa tuổi vị thành niên, tuổi mới lớn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tình dục thì “chuyện ấy” sẽ mang đến hậu quả khôn lường. Vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản khuyến cáo tốt nhất là không nên quan hệ tình dục trước tuổi 20 đối với nam và trước 18 tuổi đối với nữ.