Mẩn ngứa suốt 2 năm, người phụ nữ bất ngờ phải cắt gan

Sỏi đường mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật, viêm tuỵ, xơ gan…Ngoài ra, sỏi đường mật trong gan là yếu tố nguy cơ gây ung thư đường mật trong gan.

Hai năm nay, bà N.T.H 59 tuổi, (Hóc Môn, TP HCM) thường xuyên cảm thấy ngứa khắp người không rõ lý do. Cho dù bà đã đi thăm khám nhiều nơi, kể cả bệnh viện về da liễu, uống nhiều loại nước bổ trợ mát gan nhưng tình trạng ngứa vẫn không cải thiện.

Thời gian gần đây, bà nhận thấy da mình vàng hơn và sạm màu hơn trước. Lo lắng cho sức khỏe bản thân, bà H. đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM để đăng ký khám sức khỏe tổng quát.

Thông qua kết quả siêu âm, các bác sĩ nghi ngờ bà có nhiều sỏi trong đường mật và đã chuyển qua khoa Ngoại tổng quát để được thăm khám chuyên sâu hơn.

Tại đây, sau khi xem xét các thông tin về siêu âm, ThS.BS. CKII. Phan Văn Sơn đã chỉ định người bệnh chụp MRI (cộng hưởng từ) vùng gan - mật, kết quả cho thấy có một lượng lớn sỏi trong ống mật chủ đồng thời nhiều viên sỏi nhỏ và túi chứa sỏi len lỏi khắp trong đường mật gan trái.

Dựa trên các kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận định sỏi đã hình thành lâu trong ống mật chủ dẫn đến tắc mật, đồng thời ống gan trái bị chít hẹp khiến cho toàn bộ thùy gan trái của bệnh nhân đã bị xơ teo và tạo các túi sỏi.

Hình ảnh CT vùng gan tổn thương của bệnh nhân. Ảnh BVCC

Hình ảnh CT vùng gan tổn thương của bệnh nhân. Ảnh BVCC

Trước tình trạng này, các bác sĩ khoa Ngoại tổng quát đã đưa ra chỉ định phẫu thuật nội soi tán lấy sỏi và cắt thùy gan trái xơ teo chứa sỏi. Giải thích lý do phải tiến hành cắt gan trong trường hợp này, ThS.BS.CKII. Trần Văn Minh Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng quát cho biết: “Với trường hợp bệnh nhân H., nếu không điều trị cắt phần gan chứa sỏi thì nguy cơ tái phát sỏi đường mật sau điều trị là rất cao, người bệnh dễ bị áp xe gan tái đi tái lại, đồng thời phần gan xơ teo này có nguy cơ ung thư đường mật trong gan rất cao. Vì vậy, cắt gan là giải pháp tối ưu nhất cho trường hợp này”.

Bệnh nhân H. có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường vì thế trước ca phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại tổng quát đã phối hợp với khoa Nội tiết, khoa Nội Tim mạch, khoa Hô hấp, Gây mê hồi sức để kiểm tra, đánh giá toàn diện cho sức khỏe người bệnh trước phẫu thuật. Sau khi đánh giá các chức năng ổn định, bệnh nhân H. được tiến hành phẫu thuật.

Hình ảnh sỏi và thùy gan trái được cắt bỏ của bệnh nhân. Ảnh BVCC

Hình ảnh sỏi và thùy gan trái được cắt bỏ của bệnh nhân. Ảnh BVCC

ThS.BS.CKII. Trần Văn Minh Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng quát cho biết, hình ảnh nội soi cho thấy ống mật chủ giãn lớn với đường kính gần 20mm, gan trái teo một phần, đường mật gan trái tạo các ổ mủ có chứa nhiều sỏi tụ thành đám. Trong quá trình mổ, ê-kíp chúng tôi đã nội soi mở ống mật chủ để lấy ra nhiều viên sỏi có kích thước từ 4- 10 mm, đồng thời cắt gan thùy trái và đặt dẫn lưu vào ống mật chủ.

Sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân H. đã hồi phục nhanh chóng, có thể đi lại, tình trạng ngứa ngày không còn nữa.

Theo các BS Tuấn, sỏi đường mật là một bệnh khá thường gặp tại Việt Nam. Đa phần những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc sỏi đường mật cao hơn người trẻ. Đặc biệt người có tiền sử có sỏi mật hay các bệnh túi mật sẽ có nguy cơ có sỏi ống mật chủ. Ngoài ra bệnh có liên quan nhiều đến các yếu tố nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng đường ruột. Sỏi đường mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật, viêm tuỵ, xơ gan…Ngoài ra, sỏi đường mật trong gan là yếu tố nguy cơ gây ung thư đường mật trong gan.

Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán, phát hiện sớm sỏi ống mật chủ như siêu âm, chụp CT scan bụng, nội soi mật tuỵ ngược dòng ERCP, chụp cộng hưởng từ mật tuỵ (MRCP)…

Việc phát hiện sớm thông qua thăm khám sức khoẻ định kỳ sẽ giúp cho quá trình điều trị được hiệu quả hơn, an toàn hơn.

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết thêm, sỏi đường mật và biến chứng của nó rất khó lường nên người bệnh cần chủ động phòng bệnh bằng cách điều chỉnh lối sống và dinh dưỡng (tăng chất xơ và giảm chất béo bão hòa), ăn uống hợp vệ sinh để làm giảm khả năng hình thành sỏi túi mật. Ngay khi có triệu chứng của sỏi đường mật (đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt, vàng da…) thì cần chủ động thăm khám, điều trị sớm nhằm tránh các biến chứng nếu bệnh kéo dài.