Lý do thực sự của ly hôn là bởi tình dục?

Cái giá phải trả cho hôn nhân không phải là sự nhu nhược, sự chịu đựng, là niềm hạnh phúc giả vờ, là tiếng rên hạnh phúc đầy gượng gạo...

Hơn ba người đàn ông trong lúc trà dư tửu hậu đã nói với tôi rằng đằng sau những lý do thể hiện tính thuần phong mỹ tục trên tờ đơn ly dị như không còn yêu nhau, bất đồng quan điểm, không hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân… đều có một lý do thật sự đứng đằng sau có liên quan đến tình dục trong cuộc sống vợ chồng. Tôi không tin và từng nghĩ đó là suy nghĩ lệch lạc của đàn ông, đặc biệt là khi họ có chút hơi men. Nhưng thật lòng tôi cũng muốn hỏi bạn một điều nho nhỏ: “Lý do thật sự của việc bạn ngoại tình hay ly hôn (nếu có) là gì?”.
Khi đọc bất kỳ chuyên mục tâm sự trên các trang báo mạng bạn cũng dễ dàng tìm thấy những lá thư tâm sự của phụ nữ có chồng ngoại tình chia sẻ để tìm kiếm lời khuyên nên giữ chồng hay bỏ chồng. Không chỉ là những phụ nữ rất trẻ vừa chập chững bước vào cuộc sống hôn nhân mà còn có cả những phụ nữ sắp sửa lên chức bà ngoại mới phát hiện chồng có cô vợ hai. Đau đớn khi vợ hai cũng được cưới hỏi đàng hoàng hơn 10 năm để chồng kịp tích luỹ thêm “của để dành” là vài thằng con kháu khỉnh.
Có không ít phụ nữ bỏ ra số tiền hơn nửa tháng lương để mong nhận được bằng chứng xác thực từ thám tử về lời thề chung thủy của chồng để tận mắt chứng kiến tấm ảnh chồng mình được một cô em xinh tươi ôm chặt yêu thương. Phụ nữ vẫn tìm kiếm lý do mang tính 100% sự thật để chứng tỏ mình không phải tuýp chị em ghen bóng ghen gió hay hồ đồ nông cạn. Tuy nhiên khi nhìn thấy rõ sự thật xấu xí thì có bao nhiêu phụ nữ dứt khoát quyết định chấm dứt hôn nhân? Hay họ vẫn tiếp tục vật vã khóc lóc và đi tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè, từ những người xa lạ trên các trang báo? Hoặc rụt rè bỏ thêm chút chi phí để tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Khi một cô bạn tìm đến tôi để xin một lời khuyên với câu chuyện đẫm nước mắt, tôi không khuyên cô ấy nín khóc rồi mọi chuyện cũng sẽ qua. Tôi cũng không khuyên cô ấy mạnh mẽ (trong sự cố gắng hết sức rồi gục ngã), ly hôn hay đóng kịch lạt mềm buộc chặt.
Tôi thường khuyên người phụ nữ đang đau khổ hãy trung thực với trái tim cô ấy, hãy đối diện với chính trái tim cô ấy rồi tự trả lời câu hỏi “Mình thật sự muốn gì ở cuộc hôn nhân ?”. Bạn muốn có cuộc sống chăn gối mặn nồng hằng đêm cuồng nhiệt với chồng, muốn có những bó hoa tươi thắm từ chồng vào những ngày lễ để những cô bạn đồng nghiệp phải ganh tỵ, muốn có người luôn nắm tay mình dịu dàng khi đi ngoài phố, muốn có một người đàn ông luôn khen mình đẹp và hôn lên tóc mình dù mình chưa đánh răng rửa mặt, muốn gì ở một người đàn ông thì họ cũng sẽ đáp ứng cho bạn. Nhưng phụ nữ thường chấp nhận trả một cái giá rất phi lý cho một cái áo được gắn nhãn hiệu nổi tiếng mà lại ít chịu thương lượng hay chấp nhận trả một cái giá cho những gì mình muốn từ đàn ông. Để có được tất cả những gì bạn đòi hỏi từ người đàn ông thì bạn hãy biết cái giá của anh ta là bao nhiêu để mà trả chứ?
Cái giá phải trả cho hôn nhân không phải là sự nhu nhược, là sự chịu đựng, là niềm hạnh phúc giả vờ, là tiếng rên hạnh phúc đầy gượng gạo với đôi mắt ráo hoảnh nhìn lên trần nhà. Tôi muốn nói đến giá trị sòng phẳng mà đàn ông và đàn bà cần trung thực trao đổi với nhau để chọn một con đường đi thẳng đến chiếc giường không chỉ trao đổi cho nhau cơ thể mà còn là những câu chuyện cơm áo gạo tiền công việc cuộc sống.
Con đường có thể sình lầy, con đường có thể là đường trải nhựa, con đường có thể toàn những lỗ đen bí ẩn nhưng lối đi ngay dưới chân mình. Tôi thiết nghĩ chỉ cần bạn không thỏa hiệp với những điều không xứng đáng với giá trị của chính bạn, vì nếu không bạn sẽ nhận ra toàn bộ cuộc sống hôn nhân của bạn đã diễn ra trên chiếc giường thút thít.
Tôi nhìn thấy những phụ nữ làm mọi điều, thậm chí đánh mất những phần tốt đẹp trong tính cách của họ để giữ lấy một người đàn ông mà họ thừa biết chỉ cần hai giờ nghỉ trưa cũng đủ để anh ta say đắm bên cô người yêu bé nhỏ.
Tôi cũng gặp cả những người đàn ông nguội lạnh cảm xúc với vợ nhưng không dám đối diện sự thật với người phụ nữ mà anh ta từng nắm tay vào nhà thờ cùng lời thề thuỷ chung, để rồi mỗi sáng thức giấc đều nơm nớp sợ hãi không biết khi nào cơn sóng thần sẽ đổ ập lên đầu anh ta khi nhân tình và vợ cùng hiểu ra cả hai là nạn nhân của sự hèn nhát dối trá.
Đổ thừa duyên phận, định mệnh hay thậm chí con cái đều là những lý do nguỵ biện cho sự thiếu dũng cảm và trung thực với chính mình. Con người vẫn luôn có xu hướng tự bào chữa và tự tưởng tượng ra nghịch cảnh. Cả hai xu hướng này tôi hay bạn đều ít nhất một lần trong đời từng trải qua khi đứng trước những quyết định khó khăn của đời mình.
Khi bạn đứng trước câu hỏi nên tiếp tục níu giữ cuộc hôn nhân hay chấm dứt nó bằng một tờ quyết định của tòa án, tôi muốn nhắn nhủ với bạn một điều: “Hôn nhân đôi khi đáng sợ khi phải đối diện với ly hôn, nhưng đừng để nỗi sợ hãi đánh mất cơ hội được hưởng hạnh phúc trọn vẹn của chính bạn trong cuộc đời ngắn ngủi này.”
Giữ hay bỏ, con đường sình lầy hay con đường trải đầy hoa hồng (hoa hồng thì lại luôn có gai) sẽ dẫn chúng ta đi đâu trong cuộc sống hôn nhân tùy thuộc vào sự trung thực của trái tim bạn.

Là đàn ông…

Là đàn ông, hắn có đủ bản lĩnh để nâng niu những điều yêu dấu trong cuộc đời và có đủ hơi ấm tỏa ra từ trái tim hào hiệp.

Chẳng ai nói với cô là đàn ông thì phải như thế nào, nhưng cô nghĩ cứ như “hắn” thì không thể gọi là đàn ông. Là một trong bảy nam nhân hiếm hoi trong lớp đại học toàn nữ, thế mà có bao giờ cô thấy hắn có chút nam tính nào như sáu tên kia đâu.

Lần đầu tiên cô thể hiện thái độ phủ nhận với hắn là khi bầu ban cán sự lớp. Hắn xung phong làm bí thư, cô gạch tên thẳng tay. Người gầy nhom, ẻo lả như con gái, nói năng nhẹ nhàng… không ra hơi, lại thích bon chen! Chẳng hiểu có phải vì thiếu một phiếu không mà lần ấy, hắn vuột mất chức bí thư. Nhưng trông hắn vẫn ra dáng quan chức lắm, ngày ngày quần tây áo sơ mi sạch tinh tươm lên lớp (có hôm bác giữ xe còn nhầm hắn là giảng viên!). Hắn là chúa đi học muộn, bao giờ thầy bắt đầu giảng chừng năm phút thì hắn mới rụt rè bước vào, lẻn ngay vào một góc cuối lớp. Cô ghét nhất loại con trai vô nguyên tắc, thiếu kỷ luật một cách… có quy luật như thế. Cộng thêm vài lần làm việc nhóm chung, cô khốn khổ vì không bao giờ tập hợp được hắn đến các buổi họp, cô điên người khi hắn trả lời tin nhắn: “Tui cần làm phần nào, bạn nhắn qua email nha, tui sẽ nộp đủ. Chứ đến họp, hết nửa buổi ngồi tám với ăn hàng không à…”, vậy là cô nghiến răng lưu tên hắn trong điện thoại: “T. đáng ghét!”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Con người đáng ghét ấy trái ngược với mọi tiêu chuẩn vàng về đàn ông trong cô: phải “ra dáng”, phải phong trần chút đỉnh, phải cao to vạm vỡ, phải có mặt ngay khi con gái cần, phải ga lăng, phải… Hắn biến mất tăm trong mọi dịp con trai thể hiện mình. Biến đi đâu, cuối cùng cô cũng biết: hắn dành mọi thời gian rỗi rảnh không phải đến trường để đi làm thêm. Hóa ra, hắn lại còn… ham tiền, thiệt là ghét… hết sức!

Thực tập chung ở tỉnh xa, không ngờ hắn lại đỡ đần cô nhiều thứ. Lần đầu tiên cô nhận ra ánh mắt hắn ấm áp và đàn ông… Phải, “đàn ông” từ những chăm chút ân cần nhỏ nhất. 5h sáng, cả lũ con gái còn ngủ nướng, hắn đã dậy quét sân, lau nhà. Đi đường xa, hắn nhường cô áo khoác để tránh cái nắng oi nồng xứ cao nguyên. Hắn gồng lên chăm lo cho cả mười đứa nhắng nhít còn ham ăn ham chơi. Lần đầu tiên cô thấy hắn không… mềm yếu như vẻ ngoài. Là đàn ông, hình như không cứ phải phong trần bụi bặm, bởi trong vẻ mềm mỏng của hắn có bao nhiêu trách nhiệm và sự khoan dung mà cô ngỡ ngàng nhận ra mình thật an tâm khi dựa vào.

Cô cũng ngỡ ngàng khi hắn đùng đùng đứng lên cự lại đám thanh niên địa phương say xỉn chặn đường chọc ghẹo cô. Lần ấy cô sợ xanh mặt, cứ nghĩ lỡ tên say nào đó vung tay đánh hắn một cái, hắn làm sao đỡ nổi. Vậy mà chẳng hiểu ánh giận dữ cương quyết nào đó trong mắt hắn đã khiến mấy tên kia chỉ gầm gừ rồi văng tục, bỏ đi. Hắn quay lại, thấy cô rơm rớm nước mắt, khẽ gắt “Sợ gì chứ!”.

Sinh nhật cô được tổ chức ở chốn núi rừng giữa đợt thực tập. Hắn ngắt về mấy bó bằng lăng cắm thành một bình to để giữa phòng, rồi lặng lẽ nhét vào tay cô một dải dây dừa kết thành hình trái tim. Những vật bé mọn run lên trong tay cô. Lần đầu tiên cô thấy hắn… ga lăng theo kiểu rất “đàn ông”. Và, dù đôi mắt hắn ẩn nhiều xa xăm khó hiểu, cô biết mình đã gắn bó với hắn rồi.

Hắn đưa cô về quê chơi, kèm lời dặn trước: “Quê tui chẳng có gì, đừng trông chờ. Nhà tui nghèo lắm đó, đừng buồn nghe…”.

Mẹ hắn đứng đón ở cổng, cười móm mém khi vừa thoáng thấy xe hắn ló ra từ mấy lùm cây đầu con ngõ, rồi cười sượng khi thấy cô. Mẹ hắn không biết có khách, nên chẳng chuẩn bị gì. Cô lại bối rối nhận ra hắn phải gánh vác nhiều thứ quá: mẹ hắn già rồi, có bảy đứa con nhưng chỉ trông vào mình hắn thôi. Ai biểu hắn là đứa thảo nhất, học hành đàng hoàng nhất. Ông anh cất cái nhà, túng quá, hắn ráng kiếm thêm tiền giúp anh. Thằng em nghỉ học sớm, ở nhà làm vườn năm ba hôm lại cạn vốn, cũng hỏi hắn. Em gái út vừa qua lớp 12, cũng nhờ hắn luôn… Cô hiểu ra, đó chính là nguyên nhân của những lần hắn nghỉ học, trốn họp trước đây…

Trên đường về thành phố, cô nép đầu vào vai hắn, cảm thấy đôi vai ấy đủ rộng dài để cô tựa vào đó mà yên tâm về đến nhà mình.

Chẳng ai nói cho cô biết là đàn ông thì phải thế nào, nhưng giờ cô biết, hắn là người đàn ông của cô. Vẻ phong trần nam tính bên ngoài có thể mờ phai theo tháng năm, ga lăng hào hoa có thể chai sạn cùng sự quen hơi quen mặt. Nhưng… là đàn ông, hắn có đủ bản lĩnh để nâng niu những điều yêu dấu trong cuộc đời và có một hơi ấm tỏa ra từ trái tim hào hiệp, để ít nhất cô đã nhận ra.

Chán chồng, nhiều phụ nữ trẻ muốn ly hôn

Mặc dù đã được hòa giải, nhưng những người vợ trẻ đứng đơn ly hôn luôn giữ thái độ cương quyết bỏ chồng.

Nhóm các gia đình trẻ, độ tuổi 20 - 35 có học vấn cao, thu nhập khá, ra tòa ly hôn ngày một nhiều và đặc biệt có đến 70% số phụ nữ đứng đơn ly hôn.

Những nguyên nhân của việc này không hề mới như: Thiếu trách nhiệm, rượu chè bê tha, ngoại tình... song với quan niệm dễ yêu, dễ bỏ đã khiến nhiều gia đình trẻ tan vỡ.

70% phụ nữ đang đứng đơn ly hôn

Tại không ít phiên tòa xử lý hôn, mặc dù đã được hòa giải, nhưng những người vợ trẻ đứng đơn ly hôn luôn giữ thái độ cương quyết bỏ chồng. Lý do mà họ đưa ra rất rõ ràng: “Tôi đã quá mệt mỏi, tôi không thể chịu được việc chồng coi nhà mình như quán trọ, chỉ trở về trong tình trạng say xỉn... Con đau, lo liệu nội, ngoại đều dồn cho tôi hết thì tôi còn cần chồng để làm gì?”.

Hoặc “Tôi bị bỏ rơi, đơn độc, tự bơi để duy trì mái ấm bên cạnh người chồng vô tâm, hờ hững ngày càng đè nặng khiến tôi muốn phát điên và ly hôn là cách tôi tự giải thoát cho mình. Cái tôi cần của người chồng là niềm vui, sự chia sẻ, thương yêu, chứ không cần một người chồng cho có...”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên, phụ nữ ngày nay có điều kiện mở rộng quan hệ, tự lập trong cuộc sống và kiếm được tiền không phải sống dựa dẫm vào chồng, nên họ rất dễ đưa ra quyết định ly hôn. Người phụ nữ trẻ hiện đại luôn mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tìm kiếm hạnh phúc cho mình, không cam chịu cuộc hôn nhân đã thành địa ngục.

Tôi cho rằng đây là sự tiến bộ, là chuyển biến rất tích cực và đó chính là lý do hiện nay có đến 70% phụ nữ đứng đơn ly hôn.

Cương quyết ly hôn

Với những vụ án mà nguyên đơn là phụ nữ, khả năng hòa giải thành công rất thấp, bởi khi quyết định chấm dứt hôn nhân, người vợ đã suy nghĩ rất kỹ, nên sự cương quyết rất cao. Đó là nhận định của một thẩm phán chuyên xử các vụ ly hôn.

Đưa ra nhiều lý lẽ như: Vì hạnh phúc con cái, vì điều tiếng của xã hội, những khó khăn của người mẹ đơn thân... để thuyết phục những người vợ trẻ hàn gắn lại cuộc hôn nhân, thì nhiều phụ nữ nói sẽ dũng cảm chấp nhận những đổ vỡ “hậu ly hôn”.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, gánh nặng, sự tổn thương do ly hôn mang lại cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Người phụ nữ khi ly dị thường trở thành bà mẹ đơn thân, phải vất vả bươn chải nuôi con.

Không ít phụ nữ không có điều kiện nuôi con, phải nuốt nước mắt để con ở lại cho chồng nuôi, còn mình bị mang tiếng bỏ con, bị lên án, đánh giá về nhân cách. Vì thế, để bước qua những đổ vỡ của hôn nhân, người phụ nữ cần rất nhiều nỗ lực.

“Thời điểm sau ly hôn, tôi gần như bị stress, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước đó gần nửa năm, nhưng tôi vẫn không quen với việc tự mình gánh vác việc của một người đàn ông. Và nhiều lúc nghe con nhắc tới bố, tôi đã bật khóc, và nghĩ đây liệu có phải là quyết định sai lầm.

Nhưng thời gian đã giúp tôi cân bằng cuộc sống, và hiện tại, mẹ con tôi hạnh phúc vì điều đó” - một phụ nữ chia tay chồng sau 5 năm chung sống tâm sự. “Cách vượt “sốc” tốt nhất là hãy dành thời gian cho công việc, chăm sóc con cái và chăm sóc bản thân. Rồi hạnh phúc sẽ lại đến” - một phụ nữ đã ly hôn chia sẻ.

Bất cứ ai khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân đều mong muốn có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Nhưng khi cuộc sống hôn nhân rạn nứt, không còn tình yêu, hôn nhân chỉ là những đau khổ, thì giải pháp cuối cùng là kết thúc sự đổ vỡ của tình yêu hoặc chấm dứt một cuộc hôn nhân.

Đó là cách nghĩ, cách làm của đa số những phụ nữ trẻ hiện đại.

Nhường cho vợ “trái ngọt”

Anh rất tự hào về con cái của mình khi chúng hiếu thuận, biết kính trên nhường dưới. Trái ngọt này, anh xin nhường cả cho em…

Giờ thì anh thấy em hoàn toàn có lý khi đã kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Em luôn dạy các con đi đâu, làm gì, ăn uống bất cứ thứ gì cũng phải nhớ đến ông bà, cha mẹ.

Có một cái bánh, em cũng cắt ra bảo con để phần cho ba dù chỉ là một miếng nhỏ. Lên bàn ăn, trước khi gắp thức ăn cho con, bao giờ em cũng gắp bỏ vào chén anh trước.

Em bảo phải dạy con thảo ăn, biết nghĩ tới người khác. Song, anh thì lại hay cằn nhằn: “Có một chút xíu, ăn không dính kẽ răng mà để phần làm chi?”. Anh nói như vậy là vì thương con, muốn nhịn miệng cho con. Hồi đó nhà nghèo, bữa ăn có gì đâu mà phải chừa, phải để, phải nhường nhịn qua lại cho mất công?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thế nhưng, em vẫn không cho phép con đụng đến phần ăn đã để dành cho ba hay ông bà nội. Đôi khi anh rất bực mình vì sự máy móc đó nhưng em vẫn kiên trì thuyết phục: “Phải dạy con biết chừa, biết để từ nhỏ anh à. Nếu không, sau này con cái lớn lên, chúng sẽ rất ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân chứ không nghĩ đến những người xung quanh”.

Em đi đâu về, có cái bánh ngon vẫn bảo con mang lên cho ông bà mặc chúng thòm thèm. Lên bàn ăn, miếng ngon nhất vẫn là để cho ông bà và ba. Con lớn lên một tí, có dịp tụ tập bạn bè vui chơi, bày chuyện nấu nướng, em vẫn dặn dò nấu xong phải lấy riêng phần cho ba rồi mới được ăn uống… Em đúng là bảo thủ!

Cho đến khi anh sang nhà bà con, bạn bè và tận mắt chứng kiến cảnh con cháu ăn hỗn, không biết chừa, biết để, lên bàn ăn có miếng ngon chẳng biết nhường nhịn, anh mới nghĩ là em có lý. Nghe bạn bè than phiền về con cái của họ, anh càng nể em hơn. Trong chuyện này, em đã đúng hoàn toàn. Anh rất tự hào về con cái của mình khi chúng hiếu thuận, biết kính trên nhường dưới. Trái ngọt này, anh xin nhường cả cho em…