Là đàn ông…

Là đàn ông, hắn có đủ bản lĩnh để nâng niu những điều yêu dấu trong cuộc đời và có đủ hơi ấm tỏa ra từ trái tim hào hiệp.

Chẳng ai nói với cô là đàn ông thì phải như thế nào, nhưng cô nghĩ cứ như “hắn” thì không thể gọi là đàn ông. Là một trong bảy nam nhân hiếm hoi trong lớp đại học toàn nữ, thế mà có bao giờ cô thấy hắn có chút nam tính nào như sáu tên kia đâu.
Lần đầu tiên cô thể hiện thái độ phủ nhận với hắn là khi bầu ban cán sự lớp. Hắn xung phong làm bí thư, cô gạch tên thẳng tay. Người gầy nhom, ẻo lả như con gái, nói năng nhẹ nhàng… không ra hơi, lại thích bon chen! Chẳng hiểu có phải vì thiếu một phiếu không mà lần ấy, hắn vuột mất chức bí thư. Nhưng trông hắn vẫn ra dáng quan chức lắm, ngày ngày quần tây áo sơ mi sạch tinh tươm lên lớp (có hôm bác giữ xe còn nhầm hắn là giảng viên!). Hắn là chúa đi học muộn, bao giờ thầy bắt đầu giảng chừng năm phút thì hắn mới rụt rè bước vào, lẻn ngay vào một góc cuối lớp. Cô ghét nhất loại con trai vô nguyên tắc, thiếu kỷ luật một cách… có quy luật như thế. Cộng thêm vài lần làm việc nhóm chung, cô khốn khổ vì không bao giờ tập hợp được hắn đến các buổi họp, cô điên người khi hắn trả lời tin nhắn: “Tui cần làm phần nào, bạn nhắn qua email nha, tui sẽ nộp đủ. Chứ đến họp, hết nửa buổi ngồi tám với ăn hàng không à…”, vậy là cô nghiến răng lưu tên hắn trong điện thoại: “T. đáng ghét!”.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Con người đáng ghét ấy trái ngược với mọi tiêu chuẩn vàng về đàn ông trong cô: phải “ra dáng”, phải phong trần chút đỉnh, phải cao to vạm vỡ, phải có mặt ngay khi con gái cần, phải ga lăng, phải… Hắn biến mất tăm trong mọi dịp con trai thể hiện mình. Biến đi đâu, cuối cùng cô cũng biết: hắn dành mọi thời gian rỗi rảnh không phải đến trường để đi làm thêm. Hóa ra, hắn lại còn… ham tiền, thiệt là ghét… hết sức!
Thực tập chung ở tỉnh xa, không ngờ hắn lại đỡ đần cô nhiều thứ. Lần đầu tiên cô nhận ra ánh mắt hắn ấm áp và đàn ông… Phải, “đàn ông” từ những chăm chút ân cần nhỏ nhất. 5h sáng, cả lũ con gái còn ngủ nướng, hắn đã dậy quét sân, lau nhà. Đi đường xa, hắn nhường cô áo khoác để tránh cái nắng oi nồng xứ cao nguyên. Hắn gồng lên chăm lo cho cả mười đứa nhắng nhít còn ham ăn ham chơi. Lần đầu tiên cô thấy hắn không… mềm yếu như vẻ ngoài. Là đàn ông, hình như không cứ phải phong trần bụi bặm, bởi trong vẻ mềm mỏng của hắn có bao nhiêu trách nhiệm và sự khoan dung mà cô ngỡ ngàng nhận ra mình thật an tâm khi dựa vào.
Cô cũng ngỡ ngàng khi hắn đùng đùng đứng lên cự lại đám thanh niên địa phương say xỉn chặn đường chọc ghẹo cô. Lần ấy cô sợ xanh mặt, cứ nghĩ lỡ tên say nào đó vung tay đánh hắn một cái, hắn làm sao đỡ nổi. Vậy mà chẳng hiểu ánh giận dữ cương quyết nào đó trong mắt hắn đã khiến mấy tên kia chỉ gầm gừ rồi văng tục, bỏ đi. Hắn quay lại, thấy cô rơm rớm nước mắt, khẽ gắt “Sợ gì chứ!”.
Sinh nhật cô được tổ chức ở chốn núi rừng giữa đợt thực tập. Hắn ngắt về mấy bó bằng lăng cắm thành một bình to để giữa phòng, rồi lặng lẽ nhét vào tay cô một dải dây dừa kết thành hình trái tim. Những vật bé mọn run lên trong tay cô. Lần đầu tiên cô thấy hắn… ga lăng theo kiểu rất “đàn ông”. Và, dù đôi mắt hắn ẩn nhiều xa xăm khó hiểu, cô biết mình đã gắn bó với hắn rồi.
Hắn đưa cô về quê chơi, kèm lời dặn trước: “Quê tui chẳng có gì, đừng trông chờ. Nhà tui nghèo lắm đó, đừng buồn nghe…”.
Mẹ hắn đứng đón ở cổng, cười móm mém khi vừa thoáng thấy xe hắn ló ra từ mấy lùm cây đầu con ngõ, rồi cười sượng khi thấy cô. Mẹ hắn không biết có khách, nên chẳng chuẩn bị gì. Cô lại bối rối nhận ra hắn phải gánh vác nhiều thứ quá: mẹ hắn già rồi, có bảy đứa con nhưng chỉ trông vào mình hắn thôi. Ai biểu hắn là đứa thảo nhất, học hành đàng hoàng nhất. Ông anh cất cái nhà, túng quá, hắn ráng kiếm thêm tiền giúp anh. Thằng em nghỉ học sớm, ở nhà làm vườn năm ba hôm lại cạn vốn, cũng hỏi hắn. Em gái út vừa qua lớp 12, cũng nhờ hắn luôn… Cô hiểu ra, đó chính là nguyên nhân của những lần hắn nghỉ học, trốn họp trước đây…
Trên đường về thành phố, cô nép đầu vào vai hắn, cảm thấy đôi vai ấy đủ rộng dài để cô tựa vào đó mà yên tâm về đến nhà mình.
Chẳng ai nói cho cô biết là đàn ông thì phải thế nào, nhưng giờ cô biết, hắn là người đàn ông của cô. Vẻ phong trần nam tính bên ngoài có thể mờ phai theo tháng năm, ga lăng hào hoa có thể chai sạn cùng sự quen hơi quen mặt. Nhưng… là đàn ông, hắn có đủ bản lĩnh để nâng niu những điều yêu dấu trong cuộc đời và có một hơi ấm tỏa ra từ trái tim hào hiệp, để ít nhất cô đã nhận ra.

Sự lựa chọn của một người vợ

Mẹ chồng tôi kể, ngày ấy thay vì ghen tuông, đau khổ, bà Hằng lại cảm thấy yên tâm vì cuộc sống của ông bớt thiệt thòi. 

Cả một thời tuổi trẻ vất vả lo kinh tế để chồng rảnh rang theo đuổi học hành, khi chồng công tác trên thành phố thì một tay chăm mẹ già, quán xuyến gia đình và nuôi dạy 2 con nhỏ...

Sự hi sinh của bà Hằng cho chồng, cho con biết bao nhiêu mà kể xiết. Ai cũng bảo chỉ thời gian ngắn nữa thôi bà sẽ tha hồ mà hưởng phúc bởi người tử tế như ông Lâm khi nghỉ hưu sẽ phải bù đắp cho vợ nhiều lắm. Vậy mà khi ông vừa trở về bên bà chưa được bao lâu thì ngã bệnh hiểm nghèo.

Những ngày cuối đời của ông, bà hết lòng chăm sóc. Vậy mà một hôm, ông Lâm nắm chặt tay vợ xin lỗi bà rồi thú nhận lâu nay mình đã có vợ bé con riêng bên ngoài. Bà Hằng choáng váng nhưng rồi cuối cùng cũng chấp nhận cho ông thỏa ước nguyện cuối đời là cho vợ bé, con riêng về nhận họ hàng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chứng kiến cảnh ấy, sự kính trọng đối với ông Lâm trong tôi sụp đổ. Thậm chí tôi có phần hoang mang khi chồng mình cũng là dân công trình và thường đi làm xa nhà, biết đâu một ngày anh cũng giống như ông Lâm thì sao. Là người cả nghĩ, tôi đã từng thử đặt mình vào vị trí của bà Hằng và càng thấy uất ức thay cho bà. Bà đã hi sinh cả một đời cho gia đình chồng và giờ cái bà được nhận lại là sự phản bội, rồi lại phải nhận họ nhận hàng người đã cướp hạnh phúc bấy lâu nay của mình. Ai cũng nghĩ, giá như ông Lâm cứ mang bí mật kia xuống mồ thì có lẽ sẽ tốt cho bà hơn, đằng này… Chuyện bà Hằng bị chồng phản bội “to tày trời” đối với anh em, họ hàng, làng xóm ấy vậy mà trong gia đình bà thì lại yên ả khác thường. Mọi người đoán già đoán non chắc vợ bé ông Lâm giàu có, đã mang nhiều tiền của về “mua chuộc” nên bà mới bỏ qua dễ dàng thế.

Tôi đem chuyện kể với mẹ chồng, cứ nghĩ bà cũng sẽ giống tôi oán trách ông Lâm và chỉ trích sự bao dung “dại dột” của bà Hằng. Không ngờ mẹ chồng tôi tiết lộ một bí mật khác: Chuyện chồng có vợ bé thực ra bà Hằng đã biết từ rất lâu. Cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của ông bà lâu nay gắn kết bằng cái nghĩa vợ chồng chứ không phải bằng tình yêu nữa. Chính vì bà Hằng là người vợ đảm đang hết lòng vì chồng con, là cô con dâu hiếu nghĩa với nhà chồng không có gì chê trách được mà ông Lâm không thể bội nghĩa, dứt tình với bà.

Trước đây, khi ổn định công việc trên thành phố, ông Lâm cũng đã về quê bàn với bà đưa con cái ra đó sống. Nhưng bà thấy trách nhiệm với cha mẹ hai bên còn nặng, bản thân cũng không thích hợp với cuộc sống phố xá nên đã kiên quyết ở lại quê. Vậy là ông Lâm đành sống cảnh gối chiếc chăn đơn một mình nơi thành phố. Một lần ông Lâm về quê thăm vợ con với dáng vẻ tươm tất khác thường, bà Hằng đã nhận ra sự thay đổi ở chồng. Rồi những lần về sau đó, con người ông toát lên niềm hạnh phúc viên mãn, bà lờ mờ đoán được sự việc.

Mẹ chồng tôi kể, ngày ấy thay vì ghen tuông, đau khổ, bà Hằng lại cảm thấy yên tâm vì cuộc sống của ông bớt thiệt thòi. Đối với bà, ông chẳng ngược đãi, ruồng bỏ, vẫn đối xử tốt, giữ cho bà một gia đình không xáo trộn, con cái được lớn lên trưởng thành trong gia đình bình yên, thế là đủ. Những ngày cuối đời, ông vẫn tìm về bên bà, vẫn xem gia đình này là bến bờ duy nhất. Người phụ nữ bên ngoài kia bao nhiêu năm nay đã thay bà chăm sóc ông mà không đòi hỏi danh phận, cũng chẳng lúc nào có suy nghĩ tìm về giành giật tài sản với mẹ con bà. Ước nguyện cuối đời của ông là để đứa con riêng biết được gốc gác, tổ tông họ hàng của mình. Đó cũng là quyền chính đáng của mỗi đứa trẻ, bà nỡ lòng nào từ chối.

Đó cũng là sự lựa chọn của bà bao năm nay cũng như việc đón nhận và tha thứ lỗi lầm của ông Lâm.

Đàn ông có lúc thích một mình

Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa.

Khi chúng ta quyết định kết hôn là đồng nghĩa với việc tự nguyện chung sống với ai đó suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng, như thế không có nghĩa là lúc nào cũng phải bên nhau.

Nếu cả hai vợ chồng đều hiểu được nhu cầu cần có những giây phút ở một mình, chắc chắn họ sẽ không có cảm giác bị tổn thương khi người kia từ chối tiếp xúc. Một người đàn ông tâm sự: “Có khi về đến nhà sau những cuộc họp tranh luận căng thẳng ở cơ quan, tôi khao khát có được một khoảng thời gian và không gian riêng cho mình. Chỉ một chút thôi cũng đủ làm tiêu tan những căng thẳng trong ngày, sau đó chắc chắn tôi sẽ cư xử dịu dàng hơn với vợ”.

Các nhà tâm lý cho rằng, nhu cầu được có một khoảng thời gian cho riêng mình là nhu cầu có thật của đàn ông nói riêng và con người nói chung; nhất là khi họ trở về nhà sau một ngày vật lộn với bao nhiêu vụ việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu vừa về đến nhà, đàn ông đã phải làm ngay một việc gì đó hoặc phải nói chuyện ngay, họ sẽ mang cả tâm trạng bực dọc đó vào lời nói của mình, vô tình làm cho quan hệ vợ chồng xấu đi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đàn ông có gia đình luôn chuyển động trong khát vọng chung sống với nhau và cả ý thích được tách ra một mình. Trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi một mình đó, người ta thường cảm thấy tinh thần sung mãn, sức mạnh tràn trề, giống như được hồi sinh từ những mệt mỏi để có thể tiếp tục cuộc chiến đấu mới. Nhà tâm lý học người Đức, Spielberg cho rằng: “Kết hôn là chúng ta đã lựa chọn cuộc sống chung với một người khác, nhưng nếu hiến dâng tất cả cho cái chung đó thì vô tình phủ định chính mình. Cho nên, nếu người vợ yêu cầu chồng lúc nào cũng phải cặp kè bên nhau thì chẳng những đã xâm hại đến quyền tự do của họ mà còn ngăn cản sự hoàn thiện cá nhân họ nữa”.

Có hai con đường hoàn thiện bản thân:

Một là, sống chung và chịu ảnh hưởng của người khác.

Hai là, tách ra và tự hoàn thiện chính mình.

Spielberg khuyên: “Trong một số thời khắc nào đó của cuộc đời, bạn nên có những giây phút tĩnh lặng, cắt hết mọi quan hệ với người khác. Ngay trong cuộc sống gia đình hàng ngày, nếu lúc nào vợ chồng cũng cặp kè bên nhau sẽ làm cho hai bên phủ nhận nhu cầu tâm lý của nhau. Tách rời nhau ra, họ có cơ hội thăm dò chính mình, phát hiện giá trị bản thân. Nếu bạn không có thời gian đó, bạn sẽ không bao giờ hiểu được chính bạn”.

Vợ chồng giáo sư tâm lý học Richars White đã thử dùng phương pháp tạo ra những khoảng thời gian ở một mình một cách độc đáo. Vì công việc của giáo sư phần lớn làm ở nhà và liên quan đến những lý luận trừu tượng nên ông có nhu cầu tư duy một mình. Ông quy định khi nào đang suy nghĩ một vấn đề không muốn bị vợ làm gián đoạn, ông sẽ đội lên đầu một chiếc mũ nồi đen. Đó là tín hiệu: “Tôi đang suy nghĩ, lúc này hãy để tôi yên”. Vợ giáo sư cũng phát tín hiệu muốn ở một mình bằng cách quàng cái khăn màu tím. Nhờ cách đó, hai ông bà không bao giờ làm phiền nhau, luôn tôn trọng nhau và đã sống với nhau rất dễ chịu.

Vợ chồng anh Hưng, sống ở khu bờ hồ Tây Hà Nội. Cả hai đều thích tập thể dục vào buổi sáng nhưng anh Hưng thích đạp xe quanh hồ, trong khi chị Quyên - vợ anh, lại thích đi bộ. Lúc đầu chị phản đối việc chồng đạp xe, để chị đi bộ một mình. Sau anh phải nói thật là đạp xe một mình có cái thú của nó. Có lúc anh dừng xe bên ghế đá, ngồi ngắm mặt trời lên. Có lúc thả hồn phiêu du cho xe từ từ lăn bánh. Cuộc thể dục trở thành liệu pháp thư giãn tâm hồn. Chị Quyên cũng tìm được mấy người bạn gái đi cùng, vừa thể dục vừa trò chuyện vui vẻ. Hai người trở về ăn sáng cùng nhau, có bao nhiêu chuyện để nói. Thế mới biết, tách nhau ra một lúc không thiệt hại gì mà còn khiến cho cả hai cùng hài lòng.

Theo các nghiên cứu tâm lý hôn nhân, khi người đàn ông cần khoảng thời gian tách rời vợ, ngay cả sự quan tâm săn sóc chân tình cũng không có tác dụng gì mà trái lại, có thể làm cho nhau khó chịu. Nếu bạn ngại nói: “Xin đừng quấy rầy tôi” vì sợ làm tổn thương người bạn đời thì có thể quy định một tín hiệu phi ngôn ngữ. Người vợ nhạy cảm là người chỉ cần lướt qua ánh mắt chồng đã biết lúc nào anh ta không muốn nói chuyện, lúc nào có nhu cầu chia sẻ, gần gũi. Đến mức ấy mới là vợ chồng thực sự hiểu nhau và rất dễ sống bên nhau. Ở một mình không nhất thiết là phải mỗi người một phòng. Thực ra, vợ chồng cùng trong căn phòng nhưng nếu tôn trọng nhau vẫn có thể không làm phiền nhau. Có những người đàn ông hay bỏ đi ra khỏi nhà, đến một nơi nào đó, chẳng phải họ giận vợ hay muốn đi tìm “của lạ” mà có khi chỉ vì nhu cầu muốn ở một mình một lúc. Nếu chúng ta hiểu đó là nhu cầu cần thiết và chính đáng của mỗi người, chúng ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi người kia từ chối thân mật. Sự “xa cách” trong khoảnh khắc như vậy không bao giờ làm tình yêu suy giảm mà giống như những liều thuốc “tăng lực” làm cho tình cảm mặn nồng hơn.

Tôi biết có những anh, vợ đi đâu một ngày là tranh thủ gọi điện rủ bạn đến nhà chơi. Họ thích ngồi uống cà phê, nghe nhạc, xem phim cùng bạn bè hoặc đọc cho nhau nghe bài thơ mới làm, những thứ mà vợ chưa chắc đã thích, nhất là thơ tình thì thế nào chẳng có “em - anh”, vợ nghe thấy lại khó chịu hoặc làm cụt hứng. Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa, nên giận dỗi, nghi ngờ, ghen tuông vô cớ.

Điều trớ trêu là, đôi khi vào thời điểm mà sự thân mật giữa hai người đạt đến đỉnh cao thì trong người đàn ông, tiếng gọi độc lập lại vang lên. Điều này có khi làm chị em bối rối, chẳng hiểu mình đã làm gì khiến người-đàn-ông-của-mình lảng tránh. Họ đâu biết rằng chính anh ta cũng không chủ ý làm vậy. Nếu người vợ hiểu điều đó và chủ động tạo ra khoảng cách cần thiết, đồng thời dành thời gian cho riêng mình để đi mua sắm, đi làm đẹp, trò chuyện với bạn gái mà không cần có chồng đi kèm. Thế là sợi dây tình cảm của chồng được co vào, dãn ra nhịp nhàng. Tự nhiên, họ thấy chồng tươi tỉnh hơn, gắn bó với vợ hơn và nói chung là anh ta trở nên đáng yêu hơn nhiều.