Vào 18h55 ngày 17/7, họa sĩ Lê Thiết Cương, người vẽ bằng tĩnh lặng, người sống như một thiền giả giữa sắc màu đã khép lại hành trình 63 năm đời mình (1962–2025), sau thời gian chống chọi căn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 63 tuổi.
Sự ra đi của ông để lại khoảng trống khó lấp trong giới nghệ thuật Việt Nam. Suốt hành trình hơn 30 năm, họa sĩ Lê Thiết Cương là người kiên định với một phong cách: tối giản, kiệm màu, kiệm hình, thâm trầm và cô đọng. Ông từng viết: “Tối giản là thiền. Là yên tĩnh. Là vô ngôn kiệm hình… nói bằng im lặng, im lặng sấm sét”.

Vẽ từ im lặng, sống như thiền
Sinh năm 1962, trong một gia đình nghệ thuật, bố là nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên; mẹ là quay phim Đỗ Phương Thảo, họa sỹ Lê Thiết Cương sớm tiếp xúc với mỹ thuật và triết học phương Đông. Ông học tại Trường Sân khấu–Điện ảnh Hà Nội từ 1985 đến 1990, sau đó bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp mà không lệ thuộc vào bất kỳ trường phái hàn lâm nào.

Điều khiến ông nổi bật là sự trung thành tuyệt đối với phong cách tối giản, không màu mè, không tả thực, không chiều chuộng thị hiếu. Những bức tranh của ông thường chỉ có vài mảng màu phẳng, một hai hình khối cô đọng, đủ gợi lên không gian mênh mang của tâm tưởng.
“Tôi không làm được gì ngoài tối giản. Tối giản là tôi. Tôi là tối giản. Tối giản là thiền. Là yên tĩnh. Là vô ngôn kiệm hình… nói bằng im lặng, im lặng sấm sét", ông từng viết trong Thấy, một cuốn sách do chính ông tự tuyển chọn, tự in, tự phát hành.
Triết lý ấy không chỉ hiện diện trên tranh mà còn chi phối cả đời sống thường nhật của ông: từ cách ăn mặc, cách trang trí nhà cửa đến cung cách giao tiếp. Trong mắt bạn bè, ông là người khẳng khái, nóng tính nhưng sâu sắc, tinh tế và yêu cái đẹp một cách thuần khiết.
Một thế giới tối giản nhưng không đơn điệu
Họa sĩ Lê Thiết Cương là người tiên phong trong việc định hình phong cách tối giản trong mỹ thuật đương đại Việt Nam. Suốt hơn 30 năm sáng tác, ông trung thành với lối biểu đạt “kiệm hình, kiệm màu, giàu ẩn dụ” – nơi mọi đường nét, mảng màu đều được tiết chế đến mức tối đa nhưng lại mở ra không gian nội tâm sâu lắng. Ông từng khẳng định: “Tối giản là thiền. Là yên tĩnh. Là vô ngôn kiệm hình… nói bằng im lặng, im lặng sấm sét”.
Dấu ấn của ông không chỉ ở tranh mà còn lan tỏa sang gốm, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế nội thất và viết phê bình mỹ thuật. Ông đã tổ chức hàng chục triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, tại các thành phố như Paris, Zurich, Rome, Bangkok, Singapore, Washington D.C...
Cống hiến lớn nhất của ông là giúp định danh và nâng tầm hội họa đương đại Việt Nam trong bối cảnh hậu Đổi mới. Lê Thiết Cương cũng là người khởi xướng và giám tuyển cho nhiều triển lãm nhóm có chiều sâu nghệ thuật.

Từ năm 2017, ông bắt đầu xuất bản sách: Thấy (2017), Nhà & Người (2024) và đặc biệt là Trò chuyện với hội họa (2025), tập hợp 70 bài viết phê bình, chiêm nghiệm, ghi chép về nghệ thuật và hành trình tìm bản thể của người nghệ sĩ.
“Vẽ là viết. Và viết là cách tôi đối thoại với chính mình, với lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại”, ông chia sẻ trong lời tựa cuốn Trò chuyện với hội họa
Cuối đời, dù sức khỏe yếu, ông vẫn là giám tuyển triển lãm gốm “Nguyễn Huy Thiệp – Màu lửa thời gian”, như một cách tưởng nhớ người bạn vong niên đã khuất.
Không chỉ là một họa sĩ, ông còn là một người “giữ đạo”, một kẻ tu hành trong thế giới sắc màu, nơi hội họa trở thành phương tiện để ông thể hiện sự tỉnh thức, cô tịch và lòng tin vào cái đẹp giản dị nhưng trường tồn.
Cái đẹp là chuẩn mực tối thượng của nghệ thuật
Trong một cuộc trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, họa sĩ Lê Thiết Cương đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về nghệ thuật. “Nghệ thuật trước hết phải đẹp. Cái đẹp là tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân định giá trị một tác phẩm. Bạn có thể vẽ một bãi phân chim – nếu nó đẹp, tôi sẵn sàng treo trong phòng khách. Nhưng nếu anh vẽ một bầu trời sao mà xấu thì cũng chẳng ai cần”, ông chia sẻ.

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, đề tài không phải là yếu tố quyết định giá trị của nghệ thuật. Từ tranh phong cảnh, đến tượng khỏa thân, từ cảnh sinh hoạt đời thường đến chủ đề phồn thực, tất cả đều có thể trở thành nghệ thuật nếu được thể hiện bằng hình thức và ngôn ngữ tạo hình đúng đắn.
“Không có đề tài nào tự thân cao quý hay thấp hèn. Cái quyết định là hình thức thể hiện, là bố cục, tỷ lệ, chất liệu, nhịp điệu. Nghệ sĩ phải biến được nhục cảm thành mỹ cảm, nếu không thì chỉ là sự mô tả thuần túy, không phải nghệ thuật”, ông bày tỏ.

Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng nghệ thuật không có chuẩn mực. Nếu nghệ thuật không có tiêu chuẩn, thì tại sao trống đồng Đông Sơn lại được coi là đẹp? Tại sao gốm Chu Đậu thế kỷ XV lại được lưu giữ trong bảo tàng? Vì nó có tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng, có hình thức hoàn chỉnh?
Với ông, thưởng thức nghệ thuật không chỉ cần con mắt cảm xúc, mà còn cần được trang bị tri thức: “Đến ăn còn phải học, huống chi là thưởng thức nghệ thuật. Nếu trong đầu bạn chỉ có dục vọng thì bạn nhìn gốc cây cũng thấy dâm, chứ không cần đến tranh khỏa thân”, anh thẳng thắn.
Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng nghệ thuật là sự thanh lọc, và nhiệm vụ tối thượng của người nghệ sĩ là tạo ra cái đẹp, bằng hình thức biểu đạt sâu sắc, gạn lọc từ chiêm nghiệm đời sống chứ không chiều theo thị hiếu hay gây sốc để chú ý.
“Một tác phẩm có thể gây tranh cãi, có thể khiến người ta suy nghĩ, nhưng tối thiểu nó phải đẹp. Nếu không đẹp, thì không xứng là nghệ thuật”, ông khẳng định.
“Tôi không ra đi, mà đang đến với tình yêu vĩnh cửu”…
Dù cá tính thẳng thắn, thậm chí nóng tính, họa sỹ lê Thiết Cương luôn được bạn bè kính trọng vì tấm lòng hào hiệp và tinh thần hỗ trợ không vụ lợi: “trọng nghĩa, khẳng khái… không tiếc công sức và tiền bạc giúp bạn bè không đủ điều kiện làm sách, ra tác phẩm”.

Trước sự ra đi của của ông, nhiều văn nghệ sỹ, bạn bè thân thiết… đã chia sẻ những hồi ức xúc động về ông, thương tiếc một người nghệ sỹ tài hoa và tử tế, như chia sẻ của nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương trên trang cá nhân của chị: "Người ta có thể ngưỡng mộ tài năng nhưng chỉ có thể yêu thương và kính trọng sự tử tế".
“Chúng ta nói gì về Lê Thiết Cương? Nói rằng: đó là một hoạ sĩ tài hoa đã tối giản cái sống và cái vẽ của mình để thành một tối giản Lê Thiết Cương riêng anh.
Nói rằng: đó là một người văn hoá trong đời sống và trong văn chương nghệ thuật. Văn hoá tinh tế, lịch lãm, nghiêm cẩn, kiêu hãnh và cả kênh kiệu.
Nói rằng: đó là một người biết trân trọng, đề cao và phát huy những giá trị tinh thần văn chương nghệ thuật mà mình yêu quý, coi trọng, cả của các bậc tiền bối và các đồng nghiệp anh em.
Nói rằng: đó là một người không phải dễ chịu dễ gần nhưng thâm tâm anh biết mình biết người. Và khi đã tìm được đồng điệu tri âm thì Cương là người sống hết tình cảm của mình”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động: “Cuối cùng Cương đã được về nhà, nơi Cương đã sống những tháng năm đẹp nhất, sáng tạo nhất, hạnh phúc nhất và cũng đau đớn nhất, nơi những người bạn chân thành nhất đã bên anh, nơi Cương bày con người anh ra mà không hề che giấu: thông thái, tài hoa, mê đắm, kiêu ngạo, nhân ái, điên rồ, yếu đuối.
Cho dù đoạn đường đời Cương đi chưa phải dài, nhưng Cương đã đi một cách trọn vẹn đoạn đường ấy: sống đúng con người Cương ở nhiều nghĩa và không sợ hãi. Người bị bệnh ung thư thường tỉnh táo đến giây phút cuối cùng. Khi nhìn Cương tôi biết thời gian của Cương không còn nhiều nữa. Trong đôi mắt Cương nhìn bạn bè, tôi nhận ra ánh sáng của sự sống đang dần tắt nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ một tia sợ hãi nào trong đó. Vĩnh biệt Cương thân yêu”.
Dịch giả Vũ Hoàng Linh chia sẻ trên trang cá nhân kỷ niệm với họa sĩ Lê Thiết Cương: Ngày 28/07/2014, anh đã nhận được tin nhắn của họa sỹ Lê Thiết Cương sau khi họa sỹ đọc một bài thơ của Borges anh đã dịch và post trên Facebook: "Cho anh xin bản text, anh in ra cho mấy bạn của anh Tks !" (hai người không là bạn, và cũng chưa từng trò chuyện trước đó).
Sau khi nhận được bản text, họa sỹ đã nhắn lại cho dịch giả: "Nhanh quá, anh cảm ơn em nhiều, anh sẽ cố theo ý của bài này để sống lỏng lẻo hơn. A hơi giật mình vì anh cũng là người cả nghĩ trong khi đã ngoại ngũ tuần rồi, đằng nào cũng nguội".
“Mình post lại hai bài thơ của Borges mà mình gửi cho anh, coi như là một nén hương tưởng nhớ anh và mong anh siêu thoát. Mình tin là anh cũng đã sống trọn vẹn như vậy rồi, để không còn nhiều điều phải nuối tiếc khi lên đường sang bờ bền kia của dòng sông”, dịch giả Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
Đó là bài "Khoảnh khắc" và "Chúng ta là thời gian".
Khoảnh khắc
(Jorge Luis Borges)
Nếu tôi có thể sống lại cuộc đời
Tôi sẽ thử
Phạm nhiều sai lầm hơn
Tôi sẽ không cố trở nên hoàn hảo
Tôi sẽ sống thoải mái
Tôi sẽ sống đủ đầy- hơn tôi hôm nay.
Tôi sẽ ít coi trọng mọi sự
Tôi sẽ ít ăn ở vệ sinh
Tôi sẽ mạo hiểm hơn
Tôi sẽ đi nhiều hơn
Tôi sẽ ngắm những hoàng hôn
Tôi sẽ leo những ngọn núi
Tôi sẽ bơi trên nhiều dòng sông
Tôi sẽ đến những nơi mà tôi chưa từng đến,
Tôi sẽ ăn nhiều kem và ít đậu
Tôi sẽ gặp nhiều vấn đề thực sự -
và ít thứ tự tưởng tượng ra
Tôi là một trong những người
sống cuộc đời cẩn trọng, chăm chú
-trong mỗi phút cuộc đời.
Tất nhiên tôi từng có niềm vui
Nhưng nếu tôi có thể trở lại
Tôi sẽ sống chỉ với niềm vui
Nếu bạn không biết- thế nào là cuộc đời
Đừng đánh mất khoảnh khắc này!
Tôi là một trong những kẻ không bao giờ đi xa
Nếu không có thân nhiệt kế
Nếu không có bình nước ấm
Nếu không có ô và không có dù,
Nếu có thể sống lại- tôi sẽ đi lại với ít đồ đạc
Nếu tôi có thể sống lại- tôi sẽ gắng làm việc với đôi chân trầnTừ đầu mùa xuân
Đến cuối mùa thu,
Tôi sẽ rong ruổi trên những chuyến xe ngựa,
Tôi sẽ ngắm nhiều hoàng hôn và chơi với nhiều trẻ con
Nếu tôi có thể sống lại cuộc đời
Nhưng tôi đã tám mươi nhăm tuổi
Và tôi biết mình đang chết.
Chúng ta là thời gian
(Jorge Luis Borges)
Chúng ta là thời gian.
Chúng ta là ẩn dụ nổi tiếng
của Heraclitus, nhà triết học U Tối
Chúng ta là nước, chúng ta không phải kim cương
Chúng ta sẽ mất đi, chúng ta không đứng lại.
Chúng ta là sông và chúng ta là gã Hy Lạp ngắm mình trên sông.
Bóng gã biến thành làn nước trong tấm gương đang thay đổi
Biến thành pha lê và pha lê đổi thay như lửa.
Chúng ta là dòng sông tiền định phù phiếm
Trên hành trình ra tới biển.
Bóng tối bao quanh dòng sông.
Mọi thứ đều vĩnh biệt, mọi thứ đều vĩnh quyết ra đi.
Ký ức không lưu lại dấu ấn của mình.
Thế nhưng, vẫn còn điều gì ở lại
Thế nhưng, vẫn còn điều gì thở than.
Trên trang cá nhân, Lê Nguyên Nhật, con trai trưởng của họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đã chia sẻ lại bài thơ “Khi tôi chết” của tác giả Rumi từ Facebook của dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ, như một lời tưởng nhớ tới người cha của mình:
“Khi linh cữu tôi
Được đưa ra
Bạn đừng bao giờ nghĩ
Tôi đang nhớ tiếc cõi này
Đừng để lệ rơi
Đừng khóc than
Đừng hối tiếc
Không phải tôi đang rơi
Xuống một vực thẳm quái đản nào
Khi bạn thấy
Thân xác tôi được khiêng đi
Đừng khóc cho sự ra đi của tôi
Tôi không ra đi
Mà đang đến với tình yêu vĩnh cửu
Khi bạn bỏ tôi lại
Trong huyệt mộ
Đừng nói lời chia tay
Hãy nhớ rằng một nấm mồ
Chỉ là một tấm rèm
Trước một thiên đường phía sau
Bạn chỉ mới thấy tôi
Nằm xuống một huyệt mộ
Giờ thì hãy xem tôi trỗi dậy
Làm gì có chuyện cáo chung
Khi mặt trời lặn xuống
Hoặc mặt trăng cũng vậy
Trông như một cáo chung
Có vẻ như một hoàng hôn
Nhưng thực ra là một bình minh
Khi huyện mộ giam giữ ta
Đó là lúc linh hồn ta được giải thoát
Bạn có bao giờ thấy
Một hạt giống rơi xuống đất
Mà lại không trỗi dậy với một cuộc sống mới
Sao bạn có thể nghi ngờ sự trỗi dậy
Của một hạt giống có tên người
Bạn có bao giờ thấy
Một gầu giếng chìm xuống đáy
Mà trở lại rỗng không
Sao phải than khóc cho một linh hồn
Khi nó sẽ còn trở lại
Như thánh Joseph từ lòng giếng
Khi là lần cuối cùng
Ta câm nín
Để lời ta và linh hồn ta
Sẽ thuộc về một cõi
Không nơi chốn, không thời gian”.
Theo thông báo từ gia đình, tang lễ của họa sĩ sẽ diễn ra vào 9h30 đến 11h sáng ngày 21/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu vào di quan từ 11h đến 11h30 cùng ngày. Họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ được an táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn – Hòa Bình).