Nữ giáo sư Việt được chồng, nhà vật lý lừng danh nể phục

Bà là nhà khoa học có ba bài đăng trên Nature, người khiến cả chồng, giáo sư vật lý nổi tiếng quốc tế phải thừa nhận: “Bà ấy giỏi hơn tôi".

Hơn nửa thế kỷ song hành bên nhau, từ phòng thí nghiệm đến những chuyến thiện nguyện xuyên quốc gia, Giáo sư Lê Kim Ngọc không chỉ là người bạn đời thủy chung mà còn là đồng nghiệp, tri kỷ trong khoa học của Giáo sư Trần Thanh Vân, một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới, khiến ông trân trọng, nể phục.

"Bà nổi tiếng hơn tôi rất nhiều"

Sinh năm 1934 tại Vĩnh Long, GS Lê Kim Ngọc theo gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống từ nhỏ. Những năm học trung học tại trường Pháp Marie Curie đã mở ra cánh cửa đầu tiên đưa bà đến với khoa học. Tại đây, cô học sinh Kim Ngọc không chỉ nổi bật với thành tích học tập xuất sắc mà còn giành được nhiều giải thưởng lớn, trở thành một trong số ít học sinh được chọn cử sang Pháp du học.

gs-tran-thanh-van.png
Vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc. Ảnh: ICISE.

Năm 16 tuổi, bà bắt đầu theo học ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Sorbonne (Paris), một trong những đại học danh giá nhất châu Âu, và tốt nghiệp loại ưu. Tiếp đó, bà làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), nơi các nghiên cứu về sinh lý học thực vật của bà nhanh chóng gây tiếng vang, được báo chí Pháp chú ý và ca ngợi.

Nếu như Giáo sư Trần Thanh Vân được biết đến là “bậc thầy của các nhà vật lý lý thuyết”, thì bà Lê Kim Ngọc được coi là “bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học”. GS Vân cũng từng khiêm nhường nhận định: “Vợ tôi làm khoa học giỏi hơn tôi nhiều. Bà ấy có số ấn phẩm khoa học gấp 100 lần tôi. Trong giới nghiên cứu, bà nổi tiếng hơn tôi rất nhiều”. Thực tế, bà có tới ba bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng toàn cầu như Nature và Science, tên tuổi được cộng đồng khoa học thế giới biết tới, ghi nhận.

Người đặt nền móng cho “cuộc cách mạng” trong sinh học thực vật

Trong lịch sử ngành sinh học thực vật hiện đại, cái tên GS.TS Lê Kim Ngọc được ghi nhớ như một trong những nhà khoa học tiên phong mở ra hướng đi mới đầy đột phá đặc biệt với công trình giới thiệu kỹ thuật “Thin Cell Layer” (Lát mỏng tế bào) vào năm 1973. Đây được xem là một bước ngoặt trong công nghệ sinh học thực vật, thay đổi tư duy truyền thống về nuôi cấy mô và tạo nên một làn sóng nghiên cứu sâu rộng trong lĩnh vực này.

le-kim-ngoc-2.jpg
GS. Lê Kim Ngọc trò chuyện với các mẹ và trẻ em làng SOS.

Khái niệm “thin cell layer” mà bà đề xuất dựa trên ý tưởng chỉ cần sử dụng một lát mỏng mô thực vật, dày vài lớp tế bào, để cảm ứng và kiểm soát sự tái sinh cơ quan thực vật (rễ, chồi, hoa…). Công trình này được đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature, nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng khoa học quốc tế. Tạp chí Science et Vie của Pháp khi ấy gọi đây là “cuộc cách mạng trong công nghệ sinh học thực vật”, bởi lần đầu tiên giới nghiên cứu chứng minh rằng việc kiểm soát sinh trưởng ở mức tế bào nhỏ nhất có thể tạo ra cây hoàn chỉnh.

Phương pháp của bà không chỉ mở ra cách tiếp cận hiệu quả trong nghiên cứu phát triển thực vật, mà còn có ý nghĩa ứng dụng sâu rộng trong nhân giống, chọn tạo giống cây trồng, lai ghép gen, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với nhu cầu lương thực và bảo tồn đa dạng sinh học. Công trình cũng góp phần hình thành nền tảng cho nhiều hướng nghiên cứu hiện đại về chuyển gen, sinh sản vô tính và sinh học phân tử thực vật sau này.

Ngoài ra, bà còn có nhiều nghiên cứu quan trọng về cơ chế ra hoa của thực vật, phân tích vai trò của hormone và điều kiện môi trường lên sự phát triển của cây. Những kết quả này không chỉ được đánh giá cao trong các hội nghị quốc tế, mà còn được trích dẫn rộng rãi trong các tài liệu học thuật.

Với những đóng góp xuất sắc, bà vinh dự được trao Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier, 2016; Officier, 2025), một trong những phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp dành cho giới trí thức.

Khi khoa học gắn liền với tình yêu và trách nhiệm

Trong suốt hơn 60 năm hoạt động khoa học, GS.TS Lê Kim Ngọc luôn giữ vững một triết lý giản dị: “Khoa học không thể chỉ là lý thuyết trong phòng thí nghiệm, nó phải phục vụ con người, đặc biệt là những số phận yếu thế”.

gs-le-kim-ngoc.png
GS Lê Kim Ngọc và chồng đã dành trái tim nhân ái, chắp cánh cho cuộc đời nhiều đứa trẻ.

Dù thành danh tại Pháp, nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh danh giá, bà chưa bao giờ quên nguồn cội. Trong tâm tưởng của mình, bà luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Mỗi đứa trẻ mồ côi, mỗi mảnh đời thiếu thốn ở quê hương đều khiến bà day dứt, không thể ngồi yên.

Năm 1970, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bà cùng chồng, GS Trần Thanh Vân thành lập Hội giúp trẻ em Việt Nam (AEVN) tại Pháp. Từ đó, hàng loạt làng trẻ SOS đã được xây dựng tại Huế, Đà Lạt, Đồng Hới... Nuôi dưỡng và dạy dỗ hàng nghìn trẻ em mồ côi, khuyết tật, đó là một phần trái tim của bà gửi về quê hương.

Bà không chỉ vận động tài chính cho các công trình nhân đạo, mà còn trực tiếp theo dõi từng dự án, từng đứa trẻ. Với bà, giúp đỡ một đứa trẻ được học hành, có mái nhà, là tạo nên một tương lai khác cho cả xã hội.

“Tôi và chồng tôi, GS Trần Thanh Vân không bao giờ nghĩ mình sống chỉ để nghiên cứu. Chúng tôi muốn cống hiến cho đất nước, cho nhân loại, dù sống ở đâu. Giúp một đứa trẻ thoát nghèo, được học hành cũng là cách tạo ra một tương lai mới”, bà chia sẻ.

Từ những công trình khoa học đến những hành động đầy nhân văn, GS Lê Kim Ngọc và người bạn đời của mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn, cống hiến không chỉ bằng trí tuệ, mà bằng cả trái tim.

Tổng thống Pháp vừa có quyết định thăng cấp Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc nhân kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14-7). Huân chương Bắc đẩu Bội tinh ra đời từ năm 1802, gồm 5 hạng. Đây là phần thưởng cao quý nhất của nhà nước Pháp, trao cho những người có đóng góp trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Việt Nam có 2 HCV lọt top 10 Olympic Hóa học Quốc tế

Đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành 4 Huy chương vàng, trong đó có 02 HCV nằm trong top 10 kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế (ICHO) năm 2025.

img-1596.jpg
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam giành 4 Huy chương vàng (HCV) trong một Kì thi Olympic Hóa học Quốc tế. Ảnh: MOET.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam giành 04 Huy chương vàng (HCV) trong một Kì thi Olympic Hóa học Quốc tế (ICHO) được tổ chức trực tiếp. Trong đó có 02 HCV nằm trong top 10, cụ thể:

9X Việt chinh phục Pháp, về nước giải bài toán kháng thuốc

Sau thành công với thuốc nano trị ung thư tại Pháp, TS Nguyễn Phước Vinh  (SN 1994) trở về nước, giải bài toán kháng kháng sinh cấp bách tại Việt Nam.

Sinh ra ở vùng quê ven biển Sông Cầu (Phú Yên), tuổi thơ của TS Nguyễn Phước Vinh, Phó trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM gắn liền với những buổi trưa nắng chang chang mò cua, bắt ốc. Những lần đổ bệnh khiến Vinh sớm cảm nhận sự nhiệm màu của những viên thuốc. Hồi học cấp ba, một câu nói của thầy chủ nhiệm đã in sâu trong tâm trí anh: “Nếu làm ra được một loại thuốc, cuộc sống của hàng triệu người có thể tốt hơn”.

nguyen-phuoc-vinh.jpg
TS Nguyễn Phước Vinh, Phó trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tiến sĩ trẻ đứng sau dự án triệu USD xử lý nước thải

Từ vùng quê nghèo Hậu Giang, Võ Trường Giang vươn lên thành tiến sĩ, góp mặt trong dự án trị giá 1,4 triệu USD về xử lý nước thải tại Singapore.

Ở tuổi 34, TS Võ Trường Giang vẫn ngày ngày có mặt trong phòng thí nghiệm, theo đuổi công trình xử lý nước thải bằng công nghệ điện hóa, phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với anh, khoa học không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm.

vo-truong-giang-3.jpg
TS Võ Trường Giang được vinh danh giải thưởng Quả cầu vàng năm 2024.