Giấc mơ đại học "chênh vênh" vì điểm thi không như kỳ vọng: "Khi con cần được lắng nghe thay vì bị so sánh..."

Không ít phụ huynh cho rằng việc so sánh con mình với những bạn học giỏi hơn là cách để tạo động lực. Thế nhưng, theo các chuyên gia tâm lý, những lời nhận xét có hàm ý lại dễ khiến trẻ hình thành suy nghĩ kém tích cực, tự ti vì điểm thấp, lâu dần đánh mất niềm tin vào bản thân.

Ở thời điểm “cân não” để điều chỉnh nguyện vọng, nhiều thí sinh đang rơi vào trạng thái bối rối khi điểm thi không đủ để tự tin giữ nguyên lựa chọn ban đầu. 

Có những bạn đã xác định rất rõ ngành học mơ ước từ trước, nhưng nay lại đứng trước nguy cơ trượt vì điểm thi thấp hơn mặt bằng năm trước. Việc lựa chọn giữa theo đuổi giấc mơ với tỉ lệ cạnh tranh cao, hay điều chỉnh sang phương án “an toàn” hơn để chắc suất đậu đang khiến nhiều sĩ tử trăn trở. 

Không chỉ là câu chuyện chiến lược xét tuyển, đây còn là giai đoạn mà mỗi quyết định đều mang theo áp lực tâm lý - bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến một ngành học, mà còn có thể định hình cả hướng đi tương lai.

Bên cạnh đó, không ít thí sinh chia sẻ cảm giác áp lực, tự ti khi xung quanh là những gương mặt đạt điểm cao, được gọi tên trên truyền thông, trở thành hình mẫu lý tưởng trong mắt người lớn. Những bạn đạt điểm xuất sắc bất đắc dĩ trở thành “con nhà người ta” - một kiểu thước đo vô hình mà nhiều học sinh khác bị đem ra so sánh. Điều này khiến không ít sĩ tử cảm thấy thành tích của mình là chưa đủ tốt, dù đã nỗ lực hết sức.

Dù vô tình hay hữu ý, việc so sánh này có thể để lại hệ quả nặng nề về mặt tâm lý, đặc biệt với những học sinh sở hữu điểm số không như kỳ vọng ở kỳ thi quan trọng. (Ảnh minh họa).

Đôi khi sự so sánh là giọt nước tràn ly

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhiều học sinh chia sẻ trên các hội nhóm rằng các em cảm thấy buồn, tự ti, thậm chí tổn thương khi bị cha mẹ so sánh với bạn bè. Những câu như: “Bạn A học cùng lớp mà điểm cao hơn con 2 điểm” hay “Con bác B được 27 điểm, còn con thì…” tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến các em cảm thấy mình không đủ giỏi và không được công nhận.

Dưới góc nhìn tâm lý, Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý học đường nhận định việc so sánh khiến trẻ áp lực và dễ tổn thương tâm lý hơn bất kỳ tác động nào khác từ bố mẹ. 

Đối với Ths Huân, một phần nguyên nhân khiến câu chuyện điểm số hậu kỳ thi của con trở nên nghiêm trọng, đen tối là vì phụ huynh chưa biết cách thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ nỗi buồn cùng con. “Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, phụ huynh thực sự lúng túng khi tìm cách động viên và giáo dục con cái. Họ thấy so sánh dễ làm hơn cả, và “khích tướng” con là biện pháp được nhiều người áp dụng, dẫu không ít người đã cảnh báo rằng nó dễ gây sai lệch trong định hướng giáo dục” - Ths Huân tâm sự.

Theo Ths Huân, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, với năng lực, sở thích, khả năng nhận thức và điều kiện phát triển khác nhau. Việc đem trẻ này ra đối chiếu với trẻ khác chỉ vì cùng tuổi, cùng lớp, cùng điều kiện học tập là một sự đánh đồng thiếu công bằng, dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực cho người bị so sánh.

Thực tế đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi học sinh rơi vào trầm cảm, có ý nghĩ tiêu cực, thậm chí là tự gây tổn thương cho bản thân, chỉ vì cảm thấy mình “kém cỏi”, “bị bỏ lại phía sau”, hay “không xứng đáng” với kỳ vọng của bố mẹ sau mỗi lần bị so sánh. Ở một độ tuổi nhạy cảm như tuổi 18, khi các em đang tự định hình bản sắc cá nhân, nhu cầu được công nhận và cảm giác an toàn từ gia đình là vô cùng quan trọng.

Ths Huân cho biết việc so sánh vốn dĩ không phải là hành vi giáo dục tích cực, càng trở nên phản tác dụng hơn hoặc nguy hại khi con trẻ ở tình trạng buồn đau, bế tắc. Các con cần được trải lòng, động viên và tiếp thêm năng lượng để vượt qua “cú sốc tinh thần” sau khi thi cử không đạt kỳ vọng.

Điểm số thi cử là quan trọng nhưng… chưa đủ để đánh giá

“Điểm số đương nhiên không phải là tất cả, nhưng vẫn được xem là yếu tố quan trọng ở lứa tuổi học trò, góp phần đo đếm năng lực học tập, sự tập trung, tư duy và sáng tạo của học sinh. Không tuyệt đối hóa, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của điểm số trong hành trình rèn luyện của các con” - Ths Huân nhấn mạnh. 

Theo Ths Huân, vấn đề không nằm ở điểm số, mà nằm ở cách nhìn nhận và phản ứng của bố mẹ. Với những học sinh có kết quả chưa như mong muốn, điều các em cần nhất là sự đồng hành chứ không phải là phán xét hay so sánh.

Khi được hỏi, phụ huynh nên làm gì sau khi biết con có kết quả thi chưa cao, Ths Huân đưa ra lời khuyên rất cụ thể: “Hãy ở bên con, lắng nghe hơn là nói. Trấn an con bằng những điều giản dị: một bữa cơm ngon, một câu nói nhẹ nhàng như: “Không sao cả, con đã cố gắng rất nhiều rồi”. Hãy cho con quyền được buồn, thất vọng, được trải nghiệm cảm xúc thật của mình mà không bị kiềm nén hay chịu thêm áp lực từ sự trách móc, la rầy”.

Ths Huân chia sẻ ngay giai đoạn này phụ huynh nên là "ngọn đèn" soi sáng đoạn đường phía trước của con, đồng hành, sẻ chia và cùng con vượt qua những ám ảnh về điểm số.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các hoạt động thư giãn để giúp con tái tạo nguồn năng lượng tích cực: “Khuyến khích con đi dạo, về quê nghỉ ngơi, chơi thể thao hoặc làm điều mình yêu thích. Hãy để con biết rằng, kết quả thi chỉ là một bước trong hành trình dài phía trước. Dù thế nào đi nữa, con vẫn là con ngoan của ba mẹ. Nếu có vấp ngã, thì hãy cùng con đứng dậy. Chỉ cần còn sức khỏe, còn ý chí luôn có cách để làm lại”.

Một trong những sai lầm thường gặp khác là phụ huynh thay con quyết định việc chọn ngành, chọn trường, đặc biệt khi điểm thi không đủ để đậu vào nguyện vọng ban đầu. Ths Huân cho rằng: “Việc chọn ngành học nên là quyết định của con. Bố mẹ có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp thêm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hoặc nhờ đến chuyên gia tư vấn nếu cần. Không nên vội vàng ép con học ngành này hay trường kia chỉ để "an toàn" hay vì… con nhà người ta học vậy”.

Ở tuổi 18, các em cần được tin tưởng, lắng nghe và dẫn dắt - thay vì bị điều khiển hay áp đặt. Sự đồng hành đúng cách từ bố mẹ không chỉ giúp các em ổn định tâm lý sau kỳ thi mà còn giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho những lựa chọn quan trọng sắp tới trong hành trình trưởng thành.

Sau mỗi mùa thi, điều quan trọng không chỉ là những tấm giấy báo trúng tuyển vào đại học trường TOP hay vinh danh trên bảng vàng thành tích. Mà đó là sự trưởng thành về cảm xúc, là cách con trẻ học cách đứng dậy từ thất bại và rút kinh nghiệm từ chính những sai sót của mình.

Khi con không còn cảm thấy an toàn trong chính gia đình mình, những cú vấp dù nhỏ cũng có thể trở thành vết thương in hằn trong tâm trí. (Ảnh minh họa). 

Kỳ thi này dù có quan trọng đến đâu cũng chỉ là một trong rất nhiều ngã rẽ trên hành trình dài phía trước. Có thể hôm nay, con buồn vì không đạt được điều mong muốn. Có thể con thấy hụt hẫng, trống rỗng, thấy bản thân không bằng ai đó. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, con sẽ thấy chính từ những thất bại, vấp ngã sẽ là bài học, hành trang theo con vào cánh cổng đại học. 

Đối với các bậc phụ huynh, nếu con có điểm số không được như kỳ vọng, nếu có buồn thì hãy để bản thân mình “trải nghiệm” cảm xúc ấy. Sau đó, hãy bình tĩnh và tìm giải pháp phụ hợp cho con phát triển những tiềm năng vốn có của mình. Ngoài ra, hãy cùng con lựa chọn môi trường học tập phù hợp trong tương lai, để con thoải mái tinh thần và tiếp tục hành trình chinh phục tri thức. 

Đôi khi cuộc đời này chẳng đi theo đường thẳng, điều kỳ diệu nhất là sau những vấp ngã, những ai can đảm bước tiếp thường sẽ là người chạm được vào giấc mơ của mình theo một cách thật riêng…

Bạn có thể quan tâm