![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
24 tuổi, lấy chồng rồi về làm dâu, ai cũng bảo số cô là số hưởng. Gia đình chồng tuy không giàu đến “nứt đố đổ vách”, nhưng với hoàn cảnh một mẹ, một con, căn nhà rộng hơn 60m2, có hai lầu và một sân thượng, thêm cô về nữa thì chừng ấy diện tích vẫn là quá rộng.
Mẹ chồng chỉ mới ngoài 60, chuyện bếp núc khỏi phải bàn. Khoảng thời gian trước khi cô sinh em bé, thỉnh thoảng nàng dâu mới vào bếp tự tay chế biến món này món kia đãi chồng và mẹ chồng. Còn lại hầu hết các bữa ăn trong ngày, hai vợ chồng đã quen với việc đi làm về nhà có cơm canh dọn sẵn, chỉ việc thay đồ, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn, cà kê trăm ngàn chuyện vụn vặt trên đời. Thu chi trong nhà đã có một tay mẹ chồng quán xuyến.
Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ gửi bà một khoản cố định gọi là tiền chợ, tiền điện, tiền nước. Hơn một năm đầu hạnh phúc trong cảnh vợ chồng son, cô chưa một lần bận tâm đến chuyện chợ búa, tiền bạc. Cơm canh mỗi bữa mẹ chồng cho ăn gì, hai người ăn nấy. Món nào không hợp khẩu vị thì cứ vờ chạm đũa, đến tối hai vợ chồng trốn ra ngoài với lý do “hóng gió”, song thực tế là lang thang hàng quán kiếm món “tủ”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ừ, thì chẳng chết. Nhưng nhìn con ăn uống một cách thiếu khoa học, có người mẹ nào chặc lưỡi cho qua. Ngay đến việc mua đồ chơi cho con, chọn loại tã lót, sữa tắm em bé của hãng nào cũng bị mẹ chồng chi phối. Lần nào cũng vậy, cô chỉ biết trốn vào phòng riêng ngồi khóc một mình. Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng. Người ta đã quen với việc mặc định cô được phép làm, không được phép làm điều gì, ngay cả chuyện can thiệp hay góp ý cũng là điều không tưởng.
Ngày xưa còn có chồng hú hí. Ở nhà không ưng bụng điều gì hai vợ chồng trốn ra ngoài tìm cái “ưng” cho riêng mình. Còn bây giờ, chồng bận bù đầu, con đã có nội trông. Cô làm mẹ mà ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng không quyết định được cho con mình. Ngày qua ngày trôi theo một chu trình được cài đặt sẵn: buổi sáng dắt xe ra khỏi nhà đến chỗ làm, buổi trưa chạy về nhà ăn cơm và ngồi làm khách nhìn bà nội chăm cháu. Chiều quay lại chỗ làm, chờ đến hết giờ lại chạy về nhà làm khách. Muốn nhúng tay vô việc gì cũng bị chặn “để đó mẹ làm cho”. Hai việc cô có thể làm trong ngôi nhà này mà không bị ai ngăn cản hay cấm đoán là quét nhà và… cho con bú.
Bạn bè nhìn vào, nội ngoại hai bên trông sang, ai cũng cho cô là có số hưởng. Ừ thì đúng cô được “hưởng” nhiều thật. Cô giống như con rô–bốt được người ta ôm về chưng trong tủ kính, chẳng biết thời tiết nóng lạnh là gì, đến giờ ăn thì người ta nhấn nút báo hiệu cho nó ngồi vào bàn ăn, đến giờ ngủ thì đọc câu mệnh lệnh cho nó phải ngủ. Trong ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang đó, nó gần như chưa có quyền đưa ra bất cứ quyết định hay yêu cầu gì, dù đôi khi quyết định đó liên quan đến chính bản thân nó hay núm ruột do nó đứt ruột đẻ ra.
Cô thèm một lần được bận bịu như chú ong cần mẫn chăm sóc cho chồng con. Thèm được nấu một món ăn ngon, mua một món đồ chơi đẹp và hạnh phúc ngồi nhìn con ăn hết chén hoặc ôm chầm lấy mẹ. Nhưng than ôi, ngay cả quyền được nói ra những mong muốn, khao khát thầm kín đó cô còn không có, nói chi đến quyền làm mẹ, làm vợ, làm dâu.
Cuối cùng anh cũng chịu quay về sau nửa năm chúng tôi ly thân. Khấp khởi mừng thầm, nào ngờ, đất trời như đổ sụp dưới chân khi anh chìa lá đơn ly hôn, bảo tôi ký.
Anh ôn tồn: “Đến mức này, có về sống với nhau thì mọi chuyện sẽ không còn như trước. Mình nên chia tay, cô có nhiều người theo đuổi, lựa chọn, họ xứng đáng hơn tôi”. Muốn níu kéo anh, muốn giải thích, song sĩ diện một lần nữa nổi lên, thôi thúc tôi hãy ly hôn đi, xem thử không có tôi, cuộc sống của anh sẽ thế nào, mối quan hệ giữa anh với tình nhân duy trì được bao lâu; rồi lúc nào đó anh sẽ quay về xin tôi tha thứ… Tôi đặt bút ký đơn.
Anh là người hiền lành, luôn bằng lòng với hiện tại, không muốn hơn thua ai nhưng cực kỳ dễ tổn thương nếu bị xúc phạm. Mười năm chung sống, anh vẫn là… nhân viên quèn làm việc cho một công ty phát hành sách. Mọi trang trải gia đình đều do tôi lo liệu. Tôi thật sự bị sốc khi biết anh ngoại tình. Người đàn bà anh yêu thua tôi mọi mặt: lớn tuổi hơn, nhan sắc trung bình, chủ một cửa hàng nhỏ mua bán sách báo cũ. Anh trở nên chướng mắt, thừa thãi trong ngôi nhà tôi mua trước khi cưới nhau. Tôi đuổi anh đi, viện lẽ vợ chồng nên ly thân để cùng nhìn nhận lại. Dù anh hứa sẽ chấm dứt quan hệ ngoài luồng, song tôi bất chấp. Tôi muốn trừng phạt anh, để anh gặm nhấm những sai trái của mình.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bạn bè anh kể lại, anh nhậu nhẹt nhiều hơn, tâm trạng rất… chán đời. Tôi thấy đã nư, lần nữa tin mình đúng. “Chiêu” cuối cùng của tôi là mượn một người bạn lái ô tô đưa tôi đến chỗ anh làm, vờ báo có chuyến công tác gấp nên giao lại việc học hành, đưa đón các con ba ngày tới cho anh. Nhìn tôi tình tứ khoác tay người đàn ông chỉn chu, sang trọng, anh nhíu mày khó chịu, trả lời tôi từng tiếng nhát gừng. Tôi vui, hả dạ bởi biết anh đang ghen. Chuyến công tác của tôi là ba ngày đến ở nhờ nhà của cô bạn thân. Lúc trở về, tôi nghe con gái khoe: “Ba đưa con đến ăn cơm nhà cô Ngân bán sách, cô tặng con nhiều sách lắm”. Tôi giận run người, điên loạn giật mớ sách trên tay con xé nát. Tôi còn trút giận lên con bằng trận đòn vì tội dám mang những thứ vớ vẩn, cũ nát về ngôi nhà sang trọng của mình.
Nửa năm anh ra ngoài sống, nhớ anh, nhiều lần tôi mượn cớ nhờ anh về sửa ống nước, chỉ con học, phụ đám giỗ ba… cốt để gặp mặt. Thế nhưng, khi thì anh trả lời: “Không có tôi, cô vẫn làm được hết mọi việc”, lúc đáp giọng tự ái: “Đâu phải cô là chủ nhà rồi muốn đuổi hay kêu ai về cũng được?”. Giờ đây, nghe con gái kể về trận đòn, anh gửi cho tôi tin nhắn: “Chiều nay sau giờ làm, tôi về bên ấy, cô có đi với ai hãy đợi tôi nói chuyện xong”. Tôi chảy nước mắt mừng rỡ khi nhận được thông báo của anh. Tôi tin, một người cha rất thương con như anh sẽ không muốn con sống trong bầu không khí ngột ngạt, bị lôi vào chuyện người lớn. Tôi sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện để tiếp tục cuộc hôn nhân. Vậy mà… Có phải “cái tôi” ngang bướng, sĩ diện cùng những việc làm ngốc nghếch của tôi đã đẩy anh đến gần với nhân tình, rời xa mái ấm, để tôi vĩnh viễn mất anh?
Năm nay tôi 34 tuổi, là nhân viên kế toán một cơ quan hành chính sự nghiệp, chồng 39 tuổi, là phó phòng kinh doanh của một ngân hàng có tiếng. Tôi và chồng quen biết và yêu nhau từ ngày học đại học. Tình yêu của chúng tôi gặp rất nhiều sóng gió từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là do phía bố mẹ chồng tôi không đồng ý.
Sở dĩ bố mẹ chồng tôi nhất quyết không cho chúng tôi đến với nhau bởi vì gia đình hai bên không “môn đăng hộ đối”. Trong khi nhà chồng có nhà cửa đàng hoàng ở Thủ đô thì nhà tôi lại ở vùng quê nghèo, bố mẹ quanh năm vất vả cũng chỉ làm đủ ăn và dành giụm cho chị em tôi ăn học.
Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất là bố mẹ tôi sinh con một bề (tôi là cả, dưới còn hai em gái). Chồng là con độc đinh, nhà chồng lại ở vai vế cao trong họ nên bố chồng tôi có tư tưởng rất nặng nề về việc có con trai nối dõi. Bố chồng tôi cho rằng, nếu con trai lấy tôi, ông sẽ không có thằng cháu đích tôn nối dõi tông đường. Theo ông, về chuyện sinh đẻ, con gái thường giống mẹ. Vì mẹ tôi có tới 3 đứa con gái nên tôi sau này có lấy chồng cũng khó mà có con trai.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Những ngày đầu về làm dâu, bố mẹ chồng ra lườm vào nguýt và còn bóng gió cho rằng chồng lấy phải đứa “tịt ngòi” vì mãi không thấy con dâu có tin mừng. Một năm sau, tôi có thai. Những ngày đầu sau khi được vợ chồng tôi thông báo, ông bà mừng ra mặt, và cũng nhờ con tôi được bố mẹ chồng cho hưởng hạnh phúc làm dâu mà cả năm trời tôi vẫn ao ước. Bố chồng không còn lườm, nguýt, nói xoáy tôi nữa, còn mẹ chồng sáng nào cũng hỏi tôi muốn ăn gì, thèm gì để đi chợ mua.
Cái phúc ấy của tôi cũng chỉ được vỏn vẹn 3 tháng đầu, từ sau khi siêu âm biết kết quả là con gái, chuyện đâu lại về đó, thậm chí còn nặng nề hơn. Suốt thời gian mang thai đến khi sinh, tôi đều tự làm mọi việc nhà, từ chuyện chợ búa cơm nước, đến giặt giũ, lau nhà cửa. Dù mẹ chồng tôi đã nghỉ hưu, nhưng bà không hề giúp tôi chuyện nhà, thời gian rảnh rỗi, bà đi chơi họ hàng, tập Yoga, sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí hoặc xem tivi.
Khi con gái đầu được một tuổi, vì có mẹ đẻ từ quê lên chăm sóc con giúp nên tôi cũng đỡ bận viêc hơn. Nghe các chị cùng cơ quan, tôi tiếp tục mang thai bé thứ 2 vì nghĩ sinh và chăm một thể. Nhưng bố chồng không hài lòng, ông nói vì con cái còn nhỏ quá không nên đẻ ngay, để hai năm nữa là năm đẹp. Nhưng tôi biết đấy chỉ là cái cớ mà thôi bởi ông đâu có quý cháu gái, cái chính là ông đã tính toán kỹ lưỡng, xem thầy bói và được thầy phán hai năm nữa tôi sẽ sinh được con trai. Ông muốn tôi bỏ cái thai đó đi, nhưng tôi không làm theo.
Con gái nhỏ chưa đầy năm tôi phải cai sữa vì không thể có nhiều thời gian bên con. Đáng lẽ phải cho con ngủ với ông bà nội để cháu quên hẳn ti mẹ, thì chồng tôi lại không đồng ý vì sợ cháu quấy làm mất giấc ngủ của ông bà, nên vẫn để con ngủ trong nôi phòng hai vợ chồng. Tối đến, con khát sữa đòi mẹ nên khóc ré lên. Chỉ đến khi con bé khóc đến lạc cả giọng, mẹ chồng tôi mới đón cháu về phòng. Lúc đó, chồng tôi bực mình nên đã chửi tôi trước mặt bố mẹ và cả vợ chồng cậu em. Tôi bực quá đã cãi nhau lại với chồng và định bế con đi khỏi nhà.
Bố chồng tôi thấy vậy không những không can ngăn lại, ông chạy đến chỗ tôi, tát tôi một cái như trời giáng cho rằng tôi hỗn láo. Đã vậy, ông còn lôi xềnh xệch hai mẹ con ra khỏi nhà và đuổi đi giữa đêm khuya và không quên ném vào mặt tôi câu nói đầy chua chát: “Mày cút khỏi nhà tao đồ không biết đẻ con trai. Mày cút đi để thằng Hùng đi lấy đứa khác, chứ cái ngữ mày có đẻ nữa cũng chỉ thị mẹt mà thôi”.
Tôi đau đớn, ê chề khi phải bước ra khỏi nhà chồng giữa đêm khuya lạnh lẽo. Đến gõ cửa nhà đứa bạn vào nửa đêm và kể mọi chuyện, nó khuyên tôi nên về nhà xin lỗi bố mẹ chồng bởi nếu bây giờ ra đi, tôi sẽ mất tất cả. Mất quyền nuôi một đứa con nếu ly dị, và quan trọng hơn, với đồng lương ít ỏi, tôi sẽ không thể cho con gái cuộc sống no ấm, còn một đứa nữa sẽ phải ở với dì ghẻ, rồi tương lai của nó sẽ ra sao.
Hôm sau tôi quay về xin lỗi bố mẹ chồng và bố chồng ra điều kiện, ông chỉ chấp nhận nếu tôi sinh cho ông một đứa cháu trai. Nhưng làm sao tôi có thể chắc chắn nếu sinh nữa tôi sẽ đẻ con trai, hơn nữa sau khi đẻ hai đứa đầu bằng phương pháp sinh mổ, tôi sợ đẻ đứa thứ ba sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bây giờ không tiếp tục đẻ tôi buộc phải ký vào đơn ly dị, sẽ mất hết tất cả. Tôi nên làm thế nào bây giờ?