Hạnh phúc như cái bóng

Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng.

24 tuổi, lấy chồng rồi về làm dâu, ai cũng bảo số cô là số hưởng. Gia đình chồng tuy không giàu đến “nứt đố đổ vách”, nhưng với hoàn cảnh một mẹ, một con, căn nhà rộng hơn 60m2, có hai lầu và một sân thượng, thêm cô về nữa thì chừng ấy diện tích vẫn là quá rộng.
Mẹ chồng chỉ mới ngoài 60, chuyện bếp núc khỏi phải bàn. Khoảng thời gian trước khi cô sinh em bé, thỉnh thoảng nàng dâu mới vào bếp tự tay chế biến món này món kia đãi chồng và mẹ chồng. Còn lại hầu hết các bữa ăn trong ngày, hai vợ chồng đã quen với việc đi làm về nhà có cơm canh dọn sẵn, chỉ việc thay đồ, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn, cà kê trăm ngàn chuyện vụn vặt trên đời. Thu chi trong nhà đã có một tay mẹ chồng quán xuyến.
Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ gửi bà một khoản cố định gọi là tiền chợ, tiền điện, tiền nước. Hơn một năm đầu hạnh phúc trong cảnh vợ chồng son, cô chưa một lần bận tâm đến chuyện chợ búa, tiền bạc. Cơm canh mỗi bữa mẹ chồng cho ăn gì, hai người ăn nấy. Món nào không hợp khẩu vị thì cứ vờ chạm đũa, đến tối hai vợ chồng trốn ra ngoài với lý do “hóng gió”, song thực tế là lang thang hàng quán kiếm món “tủ”.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cuộc sống cứ thế yên ả trôi qua, mãi đến khi cô có bầu rồi sinh con, chồng thuyên chuyển công tác. Không còn “đồng minh” trong những phi vụ ra ngoài “hóng gió”, với lại con còn nhỏ, cô cũng ngại ra ngoài một mình. Cả chuyện nấu cháo cho con, mẹ chồng cũng giành làm nốt. Nhiều lúc đọc sách báo, xem ti vi, cô biết nên bổ sung thêm chất gì cho con, không nên kiêng kỵ những món ăn nào, nhưng hỡi ôi, tất cả đã vào guồng do mẹ chồng quán xuyến, không cách nào thay đổi. Giải thích xa gần đủ điều, mua sách báo, tạp chí dinh dưỡng về cho bà coi nhưng đều bị bà thẳng thừng từ chối: “Ngày xưa một tay mẹ nuôi thằng Minh khôn lớn, học hành đỗ đạt đến hôm nay. Trước giờ con không biết gì chuyện bếp núc, cứ để mẹ lo, đừng nhúng tay vào”. Tối về tỉ tê với chồng, anh xua tay bảo: “Mấy chục năm qua mẹ quán xuyến trong ngoài có xảy ra việc gì đâu. Em cứ để mẹ lo, chẳng chết đâu mà sợ”.
Ừ, thì chẳng chết. Nhưng nhìn con ăn uống một cách thiếu khoa học, có người mẹ nào chặc lưỡi cho qua. Ngay đến việc mua đồ chơi cho con, chọn loại tã lót, sữa tắm em bé của hãng nào cũng bị mẹ chồng chi phối. Lần nào cũng vậy, cô chỉ biết trốn vào phòng riêng ngồi khóc một mình. Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng. Người ta đã quen với việc mặc định cô được phép làm, không được phép làm điều gì, ngay cả chuyện can thiệp hay góp ý cũng là điều không tưởng.
Ngày xưa còn có chồng hú hí. Ở nhà không ưng bụng điều gì hai vợ chồng trốn ra ngoài tìm cái “ưng” cho riêng mình. Còn bây giờ, chồng bận bù đầu, con đã có nội trông. Cô làm mẹ mà ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng không quyết định được cho con mình. Ngày qua ngày trôi theo một chu trình được cài đặt sẵn: buổi sáng dắt xe ra khỏi nhà đến chỗ làm, buổi trưa chạy về nhà ăn cơm và ngồi làm khách nhìn bà nội chăm cháu. Chiều quay lại chỗ làm, chờ đến hết giờ lại chạy về nhà làm khách. Muốn nhúng tay vô việc gì cũng bị chặn “để đó mẹ làm cho”. Hai việc cô có thể làm trong ngôi nhà này mà không bị ai ngăn cản hay cấm đoán là quét nhà và… cho con bú.
Bạn bè nhìn vào, nội ngoại hai bên trông sang, ai cũng cho cô là có số hưởng. Ừ thì đúng cô được “hưởng” nhiều thật. Cô giống như con rô–bốt được người ta ôm về chưng trong tủ kính, chẳng biết thời tiết nóng lạnh là gì, đến giờ ăn thì người ta nhấn nút báo hiệu cho nó ngồi vào bàn ăn, đến giờ ngủ thì đọc câu mệnh lệnh cho nó phải ngủ. Trong ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang đó, nó gần như chưa có quyền đưa ra bất cứ quyết định hay yêu cầu gì, dù đôi khi quyết định đó liên quan đến chính bản thân nó hay núm ruột do nó đứt ruột đẻ ra.
Cô thèm một lần được bận bịu như chú ong cần mẫn chăm sóc cho chồng con. Thèm được nấu một món ăn ngon, mua một món đồ chơi đẹp và hạnh phúc ngồi nhìn con ăn hết chén hoặc ôm chầm lấy mẹ. Nhưng than ôi, ngay cả quyền được nói ra những mong muốn, khao khát thầm kín đó cô còn không có, nói chi đến quyền làm mẹ, làm vợ, làm dâu.

Bất lực trốn chạy nỗi cô đơn

Chị mua thêm mấy bộ váy mới, uốn lại mái tóc bồng… Nhưng chị không thể trốn chạy nỗi cô đơn.

“May mà mày vẫn chưa có con, vẫn có thể làm lại từ đầu”, cô bạn thân của chị an ủi. Chị mím môi, quay mặt vào tường tránh cái nhìn thương hại của bạn. Giá mà chị đã có con… Có con thì bám vào con mà sống, lo cho con mà sống, còn hơn bây giờ sống mà không biết bước tiếp theo mình phải làm gì. “Tao bơ vơ quá mày ơi!”, chị bất giác thốt lên, vai rung rung theo tiếng nấc nghẹn ngào.

Sau bao nỗ lực níu kéo, chị không thể giữ được anh ở lại bên mình. Cuộc hôn nhân kéo dài hai năm thì chấm dứt. Có hình bóng của một người trong quá khứ xen vào cuộc tình của họ, anh ra đi không nhẹ nhõm gì, chị ở lại cũng chông chênh. Yêu nhau thì có muôn vàn lý do, ly hôn cũng thế. Lúc đang yêu nồng say, muốn “chia” kiểu gì đều không được. Khi trái tim bắt đầu mệt mỏi, chán nản thì muốn níu thế nào cũng chẳng xong.

Chị tránh những cuộc điện thoại của ba má và không dám về quê. Chị sợ phải đối mặt với mọi người, sợ những lời xì xầm. Lên cơ quan, chị lẳng lặng làm việc, xong thì về. Chị biết, sau lưng mình luôn có những ánh mắt bám theo khó hiểu. Là người thất bại trong hôn nhân, chị chỉ biết âm thầm chịu đựng và tập cho mình một lối sống bình thản. Chị mua thêm mấy bộ váy mới, uốn lại mái tóc bồng… Nhưng chị không thể trốn chạy nỗi cô đơn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trước đây, anh đã cứu vớt chị thoát khỏi cuộc hôn nhân với một tay lọc lừa, dối trá. Chị như từ địa ngục được anh đưa lên mặt đất, được mở mắt nhìn thấy hoa cỏ. Trang đời tươi đẹp mở ra, chị đón nhận nó với tất cả hy vọng, hân hoan… Anh là điểm tựa cuộc đời chị. Thế rồi một ngày… Anh chìa lá đơn ly hôn ra và nói: “Hãy quên anh đi!”.

Có người động viên: “Chị chỉ đang một mình thôi chứ không hề cô độc”. Chị bật cười: “AQ đến thế là cùng”. Sau hai lần đổ vỡ, chị xa lánh đàn ông. Chị như con chim sợ cành cong, sợ phải đau thêm lần nữa. Chị thôi khao khát cái cảm giác bình yên khi được nép mình bên một người đàn ông vững chãi. Đối với chị, những điều đó bây giờ thật xa xỉ. Chị muốn về quê, hít hà cái không khí thảnh thơi của đồng nội, nhưng lại không dám. Về quê lại thấy ba nằm gác tay lên trán thở dài, má quay mặt vào tường rơi nước mắt, vừa giận vừa thương con mình dại dột, bất hạnh.

Đang đi trên đường, chợt bắt gặp một đôi vợ chồng nhặt rác cười nói và nhìn nhau trìu mến. Chị bật khóc. Điểm tựa của cuộc đời đâu cần gì cao sang, đâu có gì xa xôi. Vậy mà, chị - trong bộ váy công sở đẹp đẽ - lại ước ao được như đôi vợ chồng đang lem luốc và tất tả ngược xuôi kia.

Buổi tối, không còn anh làm bạn, chị mạnh dạn đi dạo một mình. Đường rộng thênh thang nhưng cảm giác như thể nó quá nhỏ bé, bé đến nỗi không tìm được lối đi. Chị đứng im giữa ngã ba đường, đang loay hoay tìm hướng quay về. Một thằng bé ăn xin yếu ớt xuất hiện. Nó ngửa tay trước mặt chị, giọng thỏ thẻ xin chị vài ngàn.

"Nhà con ở đâu?", chị nhìn thẳng vào đôi mắt thằng bé.

“Ngoài đường”, thằng bé đưa bàn tay gầy guộc lên dụi mắt.

“Tối nay con về đâu?”, chị thắc mắc.

“Con ra đường”, thằng bé cười ngây ngô.

Chị dúi vào tay thằng bé một ít tiền, nó lí nhí cảm ơn rồi tiếp tục bước bằng đôi chân trần. Từ sau ly hôn, chị nhạy cảm hơn, hay xúc động và suy ngẫm về cuộc sống. Thằng bé ấy cũng rất cần một điểm tựa. Chị thầm thì: “Mình còn may mắn hơn nhiều người”.

Chị nhắn cho anh: “Em đã từng hận anh vì anh bỏ rơi em. Nhưng bây giờ, em không còn hờn trách gì anh nữa. Em sẽ cẩn trọng để bước tiếp một mình. Cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với anh!”. Chị tắt điện thoại. Đã lâu lắm rồi chị mới có một giấc ngủ nhẹ nhàng và yên bình như thế.

Sợi dây hạnh phúc

Em và chồng đang nắm hai đầu của sợi dây hạnh phúc. Dây ngày càng giãn, đến độ chính em cũng không còn ước lượng được khoảng cách. 

Ngày trước, chồng ít khi về trễ. Cứ hết giờ làm là anh “ngoan ngoãn” phóng xe về nhà. Hôm nào bận việc hoặc phải đi đâu đó, chồng đều gọi điện báo cho em biết, sợ em trông. Chồng còn dặn mấy mẹ con tối đi ngủ sớm. Đó là khi hai con còn bé. Đến khi các con qua tuổi suốt ngày quanh quẩn bên cha mẹ, chồng cũng lơi dần sự quan tâm gia đình. Mỗi lần chồng về trễ, em thấp thỏm ngóng đợi. Nhắc khéo hoài nhưng chồng cũng chẳng chịu khó gọi điện hay nhắn một mẩu tin cho em.

Giờ em đã không còn chờ cửa mỗi khi chồng về trễ. Đơn giản vì em không đủ sức để đêm nào cũng thức khuya lơ khuya lắc. Chồng bạn bè vui chơi với ai? Em không biết. Những tối thứ bảy chồng đi đâu, làm gì đến tận hai, ba giờ sáng? Em cũng không biết. Vài người khuyên em “để mắt” xem có phải chồng lăng nhăng bên ngoài không. Chồng cười khẩy: “Thề là anh chẳng quan tâm đến ai ngoài vợ, dù chỉ một chút. Em phải tự hào khi có người chồng cực kỳ chung thủy đó nhé”. Chồng giải thích, chỉ đi uống, đi chơi với mấy ông bạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Em vẫn biết chồng thích tụ tập ồn ào, nhưng đâu ngờ chồng lại mê lông nhông ngoài đường đến nỗi chẳng còn để mắt đến gia đình. Ngày nào cũng như ngày nào, chồng có mặt ở nhà chỉ để ăn hoặc ngủ. Em bệnh, sốt mê man nhưng uống thuốc xong vẫn phải gượng dậy lo bữa cơm. Nhờ giúp đỡ, chồng từ chối ngay: “Thôi em ráng làm chút, anh không quen bếp núc, lóng ngóng lắm”. Suốt bữa cơm, chồng không thèm hỏi em đã bớt sốt chưa, uống thuốc gì, có cần đi bác sĩ không. Khi cơ thể không khỏe, tinh thần cũng sa sút, em thấy yếu lòng, tủi thân biết bao.

Đôi lúc em tự hỏi, chồng có nhận ra sự thất vọng và chán ngán ở em không? Dù em nói gì, chồng vẫn coi như chuyện bình thường. Chồng có một kết luận chung cho tất cả các vấn đề: “Phụ nữ đều giống nhau, lúc nào cũng nghĩ ra đủ thứ chuyện nghiêm trọng, nhức đầu!”. Với cách nhìn đó, chồng “để ngoài tai” mọi điều em bày tỏ. Chúng ta không giải quyết được một gút mắc nào. Em ôm hết nỗi buồn và sự ấm ức vào lòng.

Thất vọng, em thu mình vào khoảng im lặng riêng trong tổ ấm bé nhỏ của mình. Với em bây giờ, “cũng ổn” nghĩa là còn chịu đựng được, chưa nghĩ đến việc chia tay. Nhưng thật sự, từ lâu lòng em trống vắng quá. Em bắt đầu thấy sợ khi có ai đó hỏi dạo này sống ra sao. Em sợ cả câu trả lời gượng ép quen thuộc: “Cũng ổn”. Bởi sau câu trả lời ấy, em lại mất ngủ.

Em và chồng đang nắm hai đầu của sợi dây hạnh phúc. Dây ngày càng giãn, đến độ chính em cũng không còn ước lượng được khoảng cách. Một người vô tâm, một người cố níu giữ đến mệt nhoài. Người phụ nữ nào cũng muốn được bạn đời quan tâm yêu thương. Chồng đừng để em phải cô đơn trong chính tổ ấm của mình.

Ngược đời chuyện chồng phải quản vợ

Lấy nhau đã hai năm mà nàng cứ như đang ở nhà với mẹ, còn tôi thì như có thêm đứa… con gái để chăm sóc. 

Nhà ba má vợ tôi thuộc loại khá giả. Ông bà có ba người con trai. Mãi đến khi ông bà lớn tuổi, vợ tôi mới chịu ra đời. Thế là ông bà dồn hết tình thương cho vợ tôi.

Mấy ông anh vợ chỉ có một cô em gái nên cũng cưng chiều, chăm chút cho em út. Là “cục cưng” của cả nhà, vợ tôi không bao giờ phải làm gì động đến móng tay. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, nên đến khi vợ tôi lập gia đình, thì thằng chồng là tôi... lãnh đủ.

Vợ tôi làm việc trong một công ty truyền thông, nhanh nhẹn, tháo vát, giao tiếp giỏi, thu nhập hàng tháng tuy không bằng tôi nhưng cũng thuộc loại khá. Việc công ty nàng giỏi nhưng việc nhà thì... Hồi mới lấy nhau, nàng thỏ thẻ: “Anh ơi, em không biết nấu ăn đâu nha!”. Theo lời ông bà “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”, tôi cố hết sức động viên nàng: “Em ráng tập đi, anh chỉ em từ từ”. Nàng nhăn nhó: “Thôi mất công lắm, mình ăn… cơm tiệm cho lẹ”. Tôi cương quyết không chịu, bảo là “phụ nữ có gia đình thì ít nhiều cũng phải biết nấu ăn!”. Cãi tôi không được, nàng đành ấm ức bái tôi làm “sư phụ”. 

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế là, tôi bắt đầu dạy nàng bài học vỡ lòng về việc bếp núc, nào là lặt rau, kho cá, ram thịt, nấu canh… Sau cả tuần vất vả “đào tạo”, tôi cho nàng “đề thi tốt nghiệp” là “nấu một bữa cơm ba món cho hai người”. Nàng cũng xuống bếp, đánh vật cả buổi chiều Chủ nhật mới dọn xong mâm cơm. Vừa dọn cơm, nàng vừa thỏ thẻ: “Anh coi ăn được thì ăn, không thì… đổ bỏ nha”. Mà bỏ thiệt, tôi nuốt không nổi, canh ngọt như chè, cá kho thì mặn chát, còn rau xào thì nát như cháo...

Khổ nỗi, không chỉ nấu dở mà nàng còn lười. Sau đó, nàng chẳng muốn làm gì nữa. Thế là, cứ đến bữa ăn là nàng lấy hết lý do này đến lý do kia để đi ăn tiệm. Bữa thì nàng đề nghị: “Anh ơi! Lâu quá hai vợ chồng không đi ăn nhà hàng, bữa nay đi nha”. Bữa khác lại thỏ thẻ: “Anh ơi! Em ngán cơm thèm… ốc”. Thậm chí, có bữa muốn trốn nấu cơm, nàng còn rủ: “Hai vợ chồng mình đi… nhậu nha anh!”…

Không chỉ trốn nấu ăn, nàng cũng trốn luôn mấy việc khác, quét nhà thì kêu mệt, rửa chén thì sợ hư da tay… Lâu lâu bị tôi cằn nhằn, nàng mới động tay vào làm, nhưng chẳng đâu vào đâu. Thậm chí, mấy chuyện thuộc về cá nhân, nàng cũng đợi tôi làm giúp. Tôi chăm nàng cứ như chăm em bé.

Nấu cơm, rửa chén, quét nhà… việc nào nàng cũng lười. Có mỗi đi chơi là nàng siêng. Gia đình người ta thì vợ quản chồng, còn gia đình tôi ngược lại: chồng phải quản vợ. Bởi lẽ, xét về mức độ “ham vui”, vợ tôi hơn tôi cả chục lần. Hết ngồi quán cà phê, đi mua sắm với bạn, đi karaoke với đồng nghiệp, rồi tiệc sinh nhật, họp lớp, họp nhóm…

Nhiều lần tôi cũng đâm bực, to tiếng với nàng. Thế là nàng sướt mướt, trách tôi đủ điều, nào là không thương nàng, nào là gia trưởng… Thậm chí, nàng còn buộc tội tôi là người đàn ông ích kỷ, không biết thế nào là bình đẳng giới, toàn là “tội tày trời”. Riết rồi tôi chán chẳng thèm nói, chỉ biết chờ nàng thay đổi. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, lấy nhau đã hai năm mà nàng cứ như đang ở nhà với mẹ, còn tôi thì như có thêm đứa… con gái để chăm sóc. Chẳng biết tôi còn chịu đựng được bao lâu.