Ukraine chi 1 tỷ euro xây tuyến phòng thủ, Nga vẫn đạt bước tiến đều đặn

Dù chính phủ Ukraine đã chi gần 1 tỷ euro để củng cố tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn đà tiến của Nga, tình hình trên chiến trường vẫn cho thấy Moscow tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể. Các công sự tốn kém của Ukraine bị đánh giá là thi công chậm trễ, thiếu hiệu quả và chưa đồng bộ.

Binh sĩ Ukraine tại một chiến hào. Ảnh: Euromaidan Press.

Thay đổi chiến lược để đối phó Nga

Trước sự thay đổi trong chiến thuật của Nga – sử dụng các đơn vị tấn công nhỏ kết hợp với máy bay không người lái (UAV) – quân đội Ukraine buộc phải điều chỉnh cách xây dựng công sự, theo tờ Euromaidan Press.

Không còn dựa vào hệ thống chiến hào dài hàng cây số, quân đội Ukraine hiện tập trung vào việc xây dựng các cụm phòng thủ nhỏ, được ngụy trang tốt và khó bị UAV trinh sát phát hiện. Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine, ông Oleksandr Syrsky nói mô hình công sự mới có chiều dài chỉ khoảng 60–70 mét và được thiết kế cho từng đơn vị nhỏ riêng lẻ.

“Vị trí hiệu quả nhất là cho tối đa một phân đội”, ông Syrsky cho biết, giải thích những cứ điểm chiến đấu nhỏ được trang bị lớp phòng thủ chống UAV đang thay thế các tuyến phòng thủ dài trước đây. Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov gọi đây là “phương án công binh thích ứng”, nghĩa là mô hình được điều chỉnh dựa trên chiến thuật của đối phương và ưu tiên bảo vệ binh sĩ.

Chi 1 tỷ euro nhưng hiệu quả phân tán

Thủ tướng Denys Shmyhal hồi đầu năm thông báo Ukraine đã phân bổ 46,2 tỷ hryvnia (gần 1 tỷ euro) để xây dựng khoảng 3.000 cứ điểm phòng thủ trên khắp đất nước, kể cả ở những nơi chưa bị Nga tấn công.

Tuy nhiên, các chuyên gia và binh sĩ tuyến đầu cho biết việc triển khai trên thực địa rất thiếu đồng bộ. Một số nơi như ở thành phố Dnipro cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương và quân đội, xây dựng được ba tuyến phòng thủ kiên cố. Ngược lại, ở các khu vực trọng yếu như Sumy và Kharkiv, công tác này bị đánh giá là hỗn loạn.

“Những gì đang diễn ra ở Sumy và Kharkiv đúng là một mớ hỗn độn”, ông Roman Pohorily, đồng sáng lập nhóm phân tích DeepState, nhận định. Ông cho biết không ai nắm rõ đơn vị nào phụ trách phần việc gì, dẫn đến tình trạng chiến hào bố trí sai chỗ, những khối “răng rồng” – bê tông dùng để tạo chướng ngại vật ngăn chặn xe tăng – bị chất đầy một chỗ mà không sử dụng còn các chướng ngại vật khác thì chế tạo dang dở.

Binh sĩ tự đào chiến hào giữa làn đạn

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrsky và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov. Ảnh: Euromaidan Press.

Dù số tiền đầu tư rất lớn, phần lớn công việc xây dựng chiến hào vẫn do binh sĩ ở tiền tuyến tự thực hiện bằng tay trong lúc chiến đấu. “Binh sĩ Ukraine vẫn phải tự đào tuyến phòng thủ đầu tiên bằng xẻng, ngay trong lúc giao tranh”, ông Syrsky thừa nhận.

Ông cũng lưu ý rằng một công sự dù vững chắc đến đâu cũng vô dụng nếu không có đủ người trấn giữ: “Nếu không có quân trong đó, hoặc số lượng không đủ, thì công sự đó không còn tác dụng”.

Trì hoãn thi công khiến tuyến đầu tổn thất

Các lực lượng Ukraine từng chiến đấu ở vùng Kursk của Nga, cho biết họ đã tạo điều kiện để lực lượng ở tuyến sau củng cố phòng tuyến ở vùng Sumy, nhưng khoảng thời gian đó lại không được tận dụng triệt để.

“Chúng tôi đã tạo ra thời gian để họ chuẩn bị tuyến biên giới… nhưng họ hầu như không tận dụng được tối đa”, binh sĩ Artem Kariakin nói.

Ví dụ, lưới chống UAV chỉ được lắp đặt vào tháng 1 năm nay, sau nhiều tháng vùng Sumy hứng chịu các cuộc tấn công bằng UAV của Nga. Một số chiến lũy chỉ được xây dựng sau khi quân đội Ukraine đã bắt đầu rút về Sumy, khiến chúng mất đi giá trị chiến lược.

Nga tận dụng sơ hở để mở rộng kiểm soát

Trong khi đó, lực lượng Nga liên tục "thăm dò" để phát hiện các điểm yếu trong phòng tuyến Ukraine và tập trung đột kích vào những khu vực phòng thủ mỏng.

“Đối phương tấn công mọi hướng, dò tìm các điểm yếu… rồi đâm xuyên qua đó”, ông Pohorily nói.

Theo dữ liệu từ DeepState, chỉ riêng trong tháng 6, Nga đã kiểm soát thêm 556 km² lãnh thổ – tốc độ tiến quân nhanh nhất kể từ đầu năm.

Chiến lược đúng nhưng triển khai yếu

Giới chức Ukraine khẳng định mô hình phòng thủ mới là phù hợp với điều kiện chiến trường hiện đại. Tuy nhiên, việc thiếu binh lực, phối hợp kém giữa các đơn vị, và sự chậm trễ trong thi công đã làm giảm đáng kể hiệu quả của khoản đầu tư 1 tỷ euro.

Một binh sĩ nhận định: “Tất cả phụ thuộc vào chỉ huy. Và quá nhiều lần, sự chỉ huy ấy đến quá muộn”, theo tờ Euromaidan Press.