Dìm giá trị khu đất 5 ha từ 500 tỷ xuống còn 300 tỷ
Tối ngày 9/11, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, tạm giam 8 bị can trong đó có Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Y dược Vimedimex (HoSE: VMD) đồng thời là Chủ tịch của CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản".
Theo điều tra ban đầu, Công ty thẩm định giá thông đồng với cán bộ Ban quản lý dự án để can thiệp điều chỉnh giá trên chứng thư thẩm định. Các công ty đấu giá thì thông đồng dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá.
Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bị can Loan đã thông đồng với cán bộ của Ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực, còn 300 tỷ đồng. Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá khu đất trên.
Bà Loan đã lập nhiều công ty vệ tinh tham gia đấu giá khu đất trên. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối đã trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Kết quả điều tra xác định, chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán với khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu một mét vuông tùy vị trí.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Loan là ai?
Theo giới thiệu trên website Vimedimex, bà Loan sinh năm 1970, là tiến sĩ kinh tế. Bà từng là Kế toán trưởng Công ty TNHH Thịnh Phát; Trưởng phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank, VAB); Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group), CTCP Y Dược phẩm Vimedimex, CTCP Dược phẩm Vimedimex 2, Chứng khoán Hòa Bình.
|
Mối quan hệ của Vimedimex với các bên liên quan |
Trong đó, riêng Vimedimex có vốn điều lệ 154 tỷ đồng, tại thời điểm cuối năm 2020, cổ đông lớn nhất là Vimedimex 2 (45,34%) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (10,23%). Ngoài ra còn có loạt cá nhân khác như ông Trần Kiên Cường, ông Lê Xuân Tùng (con bà Loan) và bà Trần Thị Đoan Trang.
|
Cơ cấu cổ đông lớn của Vimedimex |
Còn Vimedimex Group, khi mới thành lập có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng với 8 cổ đông sáng lập, gồm có 5 tổ chức và 3 cá nhân.
Tuy nhiên, đa phần đều do nhóm 3 cá nhân là người từ VMD là bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch VMD), ông Trần Văn Kỳ (thành viên HĐQT VMD) và ông Nguyễn Tiến Hùng (Phó chủ tịch VMD) sở hữu.
|
Ảnh Internet |
Cổ phiếu VMD có những đợt tăng trần "lạ lùng"
Trên thị trường chứng khoán, VMD là một trong những cổ phiếu có những đợt tăng trần lạ lùng nhất trong năm 2021. Hiện tại, kết phiên giao dịch ngày 9/11, VMD vẫn đang ghi nhận mức tăng trần 4 phiên liên tiếp bắt đầu từ ngày 4/11, leo một mạch 31% lên 46,350 đồng/cổ phiếu.
Đây chưa phải là tất cả, trước đó hồi đầu tháng 8 đến 9 vừa qua, có tổng cộng 17 phiên tăng trần, bật từ mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu lên tới hơn 80.000 đồng/cp để rồi lao dốc không phanh và chỉ mới bật lên 4 phiên gần đây.
|
Biến động cổ phiếu VMD thời gian qua (nguồn tradingview) |
Trong khi đó, tình hình kinh doanh quý 3 cũng như 9 tháng 2021 của Vimedimex không mấy khả quan khi lần lượt chỉ đạt 9 tỷ đồng và gần 28 tỷ đồng lợi nhuận, suy giảm nhẹ so với cùng kỳ 2020.
Thậm chí, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này âm tới 538 tỷ đồng do tăng vọt các khoản phải trả (2.580 tỷ đồng), khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng âm 123 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của Vimedimex hao hụt hơn 2.000 tỷ xuống còn 6.183 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho vẫn chiếm mức cao với 3.336 tỷ đồng; tiền mặt và gửi ngân hàng cũng giảm gần phân nữa xuống mức 211 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ, Vimedimex tăng cường vay nợ tài chính ngắn hạn từ 345 tỷ đầu kỳ lên hơn 774 tỷ đồng.
HBS lãi lẹt đẹt, "góp phần" giúp VMD liên tục bật trần?
Tương tự tại HBS, cổ phiếu này cũng đang ghi nhận từ quanh mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 7 đã phi lên hơn gấp đôi khi chốt phiên ngày 9/11 tại mức 14.800 đồng/cổ phiếu.
|
Biến động cổ phiếu HBS trong thời gian qua (nguồn tradingview) |
Ngược lại với VMD, tình hình kinh doanh của HBS có phần khởi sắc hơn khi quý 3 đã lãi 559 triệu đồng và luỹ kế 9 tháng lên 2,4 tỷ đồng, gấp rất nhiều lần so mức vỏn vẹn 635 tỷ của cùng kỳ.
Trở lại với con sóng tăng trần của VMD thời gian qua ghi nhận có sự xuất hiện của HBS khi công ty chứng khoán này đăng ký mua 1.6 triệu cổ phiếu VMD, tương đương 10.36% vốn. Các giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 08/11-07/12/2021. Nếu giao dịch hoàn tất, HBS sẽ nâng sở hữu VMD từ mức 1,200 cổ phiếu (0.01%) lên trên 1.6 triệu cổ phiếu (10.37% vốn) và chính thức trở thành cổ đông lớn.
HBS có 2 người liên quan tại VMD gồm: Bà Nguyễn Thị Loan là đồng Chủ tịch HĐQT tại 2 công ty và bà Nguyễn Ngọc Dung đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT VMD và Kế toán trưởng HBS.