Doanh nghiệp Việt sẵn sàng tham gia đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(Vietnamdaily) - Doanh nghiệp Việt khẳng định đã sẵn sàng tham gia các dự án đường sắt lớn, nhưng mong Nhà nước sớm ban hành hành lang pháp lý, tạo cơ chế hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Với mục tiêu chuẩn bị cho việc đầu tư dự án đường sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các tuyến đường sắt đô thị, ngày 21/3, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo ''Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam''.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, trình Quốc hội 3 nghị quyết quan trọng: Xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; xây dựng, phát triển đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM.

Trong các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có thể làm chủ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đối với đường sắt có tốc độ từ 160km/h trở xuống và đường sắt đô thị.

Về thông tin tín hiệu, từ năm 2030 trở đi, bắt đầu sản xuất phần mềm và làm chủ thiết bị hệ thống điều khiển, hệ thống điện động lực, sản xuất đầu máy, toa xe trong nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty FECON cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị nhân lực để tham gia vào các dự án đường sắt đòi hỏi kỹ thuật cao. Theo đó, ngay từ năm 2014, doanh nghiệp đã đưa hàng loạt kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ đi “khoác áo công nhân” ở nước ngoài để học hỏi.

Dù đã chuẩn bị nhân lực khá sớm nhưng ông Cường cho biết gần đây mới được tham gia xây dựng một tuyến metro ở trong nước nhưng vẫn chỉ là nhà thầu phụ.

Vì vậy, ông Cường cho rằng cần tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận công việc với vai trò chủ đạo, thay vì nhà thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài; giao nhà thầu trong nước thành lập các tổ hợp, dẫn dắt các tổ hợp và nếu thiếu nguồn lực sẽ thuê các chuyên gia, tư vấn nước ngoài.

Thêm vào đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp trong nước tiếp cận cơ chế về vay vốn ưu đãi, cơ chế chỉ định thầu và đặt hàng cho các nhà thầu cũng như nhà sản xuất Việt Nam. Đặc biệt cần phải bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các công nghệ để họ tự tin đầu tư.

“Tôi tin với một thị trường đủ lớn và một chính sách hợp lý, các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư…”, ông Cường nói.

Tương tự, ông Hồ Sỹ Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam hầu như đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, biện pháp, thiết bị thi công hạng mục hầm, cầu.

Ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp nội hiện nay chờ đợi Nhà nước sớm ban hành bộ khung về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu, tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng vật liệu và hạng mục thi công.

Doanh nghiep Viet san sang tham gia duong sat toc do cao Bac - Nam

Hệ thống đường sắt tốc độ cao ở Lào. Ảnh: Hoàng Hà. 

Thêm vào đó, Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng phương án về cơ chế trình Chính phủ, Quốc hội về giải pháp lựa chọn nhà thầu để các doanh nghiệp có cơ sở, lòng tin, có cơ hội mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, công nghệ, thiết bị. Song song đó để doanh nghiệp tìm hiểu hợp tác với đối tác trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng bị động và thời gian quá gấp.

Ông Hòa khẳng định, nếu được giao các hạng mục cầu, hầm thì sẽ “vào việc ngay và không mất thời gian tí nào”.

Bổ sung thêm, các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam… cũng khẳng định đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng tham gia dự án. Tuy nhiên, Nhà nước cần tạo sân chơi bình đẳng, có chính sách đặt hàng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế chỉ định liên danh tổng thầu EPC cho các dự án đầu tiên, trong đó bắt buộc phải có sự tham gia của doanh nghiệp trong nước để tiếp thu, làm chủ công nghệ.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến để báo cáo cấp thẩm quyền, nhằm đưa ra các chính sách cụ thể và phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án đường sắt hiện đại thời gian tới.

*Tiêu đề đã được Vietnamdaily đặt lại
https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-noi-se-vao-viec-ngay-khi-duoc-lam-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-2383195.html

Tuyến đường sắt Lào Cai – Quảng Ninh cần vốn gần 184 nghìn tỷ đồng

Trên cơ sở phương án quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch đã tính toán nhu cầu vốn để đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (trong thời kỳ quy hoạch đến 2050) khoảng 183.856 tỷ đồng.

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo Quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Chiều dài toàn tuyến là 447,66km; điểm đầu là điểm kết nối với đường sắt Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai, điểm cuối là ga Cái Lân thuộc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

TPHCM: Sẵn sàng những chuyến tàu Xuân

(Vietnamdaily) - Những chuyến tàu Xuân sẵn sàng đưa khách về quê đón tết tại Ga Sài Gòn.

Những chuyến tàu Xuân sẵn sàng đưa khách về quê đón tết tại Ga Sài Gòn

Vì sao 2 Cty Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn bị hủy đại chúng?

(Vietnamdaily) - Từ ngày 01/11/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn.

Ngày 17/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT) và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (UPCoM: SRT) kể từ ngày 01/11/2024.