Ngày 8/5, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đã điều trị thành công ca nhiễm trùng huyết hiếm gặp. Một vết cắn tưởng chừng vô hại lại suýt trở thành thảm họa sức khỏe với người đàn ông khoảng 70 tuổi. Nhờ sự nhanh nhạy trong chẩn đoán và xử trí của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh đã vượt qua nguy kịch một cách ngoạn mục.
Khởi phát bất thường: Sốt, giảm tiểu cầu, men gan tăng
Người bệnh nam, khoảng 70 tuổi, nhập khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng sốt kéo dài 5 ngày không rõ nguyên nhân. Ngoài ra còn ghi nhận tình trạng tiểu cầu giảm và men gan tăng dần theo thời gian – gây nhiều nghi vấn và khó khăn trong chẩn đoán.
Những nguyên nhân thường gặp tại Việt Nam như sốt rét, sốt xuất huyết đã được nhanh chóng loại trừ qua xét nghiệm và thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, tình trạng sốt dai dẳng và các chỉ số sinh học bất thường tiếp tục tiến triển.
![]() |
Đi rừng bị “vết cắn nhỏ” người đàn ông suýt tử vong vì nhiễm trùng huyết - Hình minh họa BVCC |
Manh mối từ một vết thương nhỏ
Trong quá trình khai thác kỹ bệnh sử, đội ngũ điều trị ghi nhận chi tiết quan trọng: người bệnh vừa đi rừng khoảng 2 tuần trước và bị một loại sinh vật giống con vắt cắn vào đầu ngón chân, sau đó có vết thương rỉ máu kéo dài nhưng chỉ được xử trí sơ sài.
Đây là gợi ý lâm sàng quan trọng, bởi các loại côn trùng hoặc sinh vật hút máu như vắt, đỉa... trong rừng có thể mang vi khuẩn gây bệnh và vết cắn chính là cửa ngõ vi khuẩn xâm nhập khi da bị tổn thương.
Chẩn đoán nhiễm trùng huyết – điều trị đúng, hồi phục nhanh
Dựa theo hướng dẫn quốc tế SSC 2021, người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng huyết (sepsis) và bắt đầu điều trị với hai loại kháng sinh theo kinh nghiệm, nhằm bao phủ tác nhân vi khuẩn thường gặp.
Hiệu quả điều trị đến bất ngờ, sau 2 ngày, người bệnh hết sốt, tiểu cầu tăng trở lại, men gan giảm dần về mức gần bình thường.
Sau 5 ngày, kết quả cấy máu dương tính với vi khuẩn Klebsiella pneumoniae, nhạy cảm nhiều kháng sinh - gợi ý nguồn nhiễm trùng từ cộng đồng - kèm theo cải thiện lâm sàng ngoạn mục đã củng cố chẩn đoán nhiễm trùng huyết của đội ngũ điều trị.
Đừng xem nhẹ vết cắn nhỏ
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 cảnh báo, nguy cơ nhiễm trùng thứ phát sau khi bị côn trùng hút máu cắn tuy không phổ biến, nhưng không phải hiếm. Đặc biệt, Klebsiella pneumoniae là vi khuẩn gram âm có độc lực cao, có thể gây nhiễm trùng huyết nguy hiểm.
Các loại côn trùng như vắt, đỉa, muỗi rừng... có thể là trung gian mang vi khuẩn. Khi lớp da bị rách, vi khuẩn xâm nhập sẽ gây nhiễm trùng nếu không được xử trí đúng cách.
Cách phòng tránh
• Khi đi rừng, nên trang bị các phương tiện bảo hộ phòng tránh côn trùng hoặc sinh vật hút máu cắn.
• Khi bị côn trùng cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng, theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, chảy dịch, sốt...
• Nếu có biểu hiện bất thường kéo dài như sốt, mệt mỏi, xét nghiệm bất thường – hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
• Đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền, nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn và cần cảnh giác.