Vừa qua, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả có quy mô lên tới hàng chục nghìn tấn.
Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food đã sử dụng dầu ăn nhập khẩu dành cho thức ăn chăn nuôi để chế biến thành sản phẩm tiêu dùng cho người.
Cơ quan chức năng cho biết, nhãn hiệu dầu ăn OFood của Công ty Nhật Minh Food được rao bán rộng rãi trên thị trường với danh nghĩa là dầu thực phẩm bổ sung vitamin A. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm hoàn toàn không chứa vitamin như công bố. Nghiêm trọng hơn, đây là loại dầu thực vật không đạt chuẩn an toàn thực phẩm, vốn chỉ dùng để chế biến thức ăn cho vật nuôi.
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, hành vi này vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Vậy có gì khác biệt giữa dầu ăn chăn nuôi và dầu ăn cho người?
Dầu ăn chăn nuôi
Dầu ăn chăn nuôi là các loại dầu thực vật từ cây trồng như dầu đậu nành, dầu cải, dầu cọ, dầu hướng dương, dầu oliu,… được dùng để trộn vào thức ăn cho vật nuôi (các loại gia súc, gia cầm như lợn và gà,…) nhằm cung cấp năng lượng.
Các loại dầu này thường là ép thô, mới ép, chưa qua tinh chế, quy trình xử lý đơn giản chỉ đáp ứng tiêu chuẩn dành cho thức ăn chăn nuôi. Do đó những loại dầu này không đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho con người cả về chất lượng, giá trị dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dầu ăn chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích cho gia súc, gia cầm. Đối với gia cầm (gà thịt và gà đẻ):
Tăng năng lượng trong khẩu phần: Dầu thực vật chứa chất béo không bão hòa giúp tăng năng lượng chất lượng cao trong khẩu phần.
Cải thiện tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng: Chất béo không bão hoà trong dầu thực vật giúp gia cầm cải thiện hệ tiêu hoá, tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) và các chất dinh dưỡng khác.
Nâng cao tăng trưởng và hiệu suất thu hoạch: Bổ sung dầu thực vật - đặc biệt dầu ô liu hay dầu đậu nành - giúp tăng trọng tốt hơn đối với gà thịt và tăng khả năng sinh sản đối với gà đẻ.
Cải thiện sức khỏe, khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh: Dầu thực vật giàu MUFA/PUFA (axit béo không bão hòa) giúp nâng cao khả năng chống stress oxy hóa, cải thiện miễn dịch và tăng lượng lymphocyte, giảm phản ứng viêm, nâng cao sức khoẻ cho gia cầm.
Tăng chất lượng trứng/thịt: Dầu lanh hoặc dầu cải giàu omega‑3 giúp cải thiện tỷ lệ axit béo omega‑3/omega‑6 trong trứng, tăng chất lượng trứng và thịt gà.
Đối với gia súc nhai lại (bò sữa, bò thịt):
Tăng năng lượng khẩu phần: Cũng giống như đối với gia cầm, dầu thực vật rất giàu chất béo không bão hoà, giúp tăng năng lượng cho gia súc.
Tăng sản lượng sữa và tăng trọng: Đặc biệt với bò sữa, dầu đậu nành giúp tăng lượng sữa sản xuất ra và giúp bê sơ sinh có sức đề kháng tốt hơn.
Cải thiện hệ tiêu hoá: Chất béo không no trong dầu thực vật giúp gia súc điều chỉnh hệ vi sinh, tăng cường sức khoẻ hệ tiêu hoá, hấp thu dinh dưỡng và các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).
Cải thiện chất lượng thịt – sữa: Dầu omega‑3, omega‑6 có trong dầu oliu, dầu hạt lanh giúp tăng cường chất lượng thịt, sữa của gia súc.

Sự khác biệt giữa dầu chăn nuôi và dầu ăn cho người
Dầu thực vật dùng trong chăn nuôi và dầu thực vật dùng để chế biến thực phẩm cho người tuy có cùng nguồn gốc (đậu nành, hướng dương, cải, cọ, hạt lanh, oliu,…) nhưng có sự khác biệt lớn về mục đích, chất lượng, quy trình xử lý và tiêu chuẩn an toàn.
Nguồn nguyên liệu: Dầu dùng để chế biến cho người phải được ép từ hạt, quả sạch, đạt tiêu chuẩn (không mốc, hỏng, không chứa độc tố), trong khi đó tiêu chuẩn ép hạt cho động vật thấp hơn nhiều, thường là dùng hạt, quả không đạt tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn an toàn: Dầu ăn cho người phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Codex Alimentarius về hàm lượng tạp chất, kim loại nặng và vi khuẩn. Dầu chăn nuôi chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi, ít khắt khe hơn.
Quy trình chế biến: Dầu ăn cho người được tinh chế qua các bước khử tạp chất, khử mùi và khử màu, đảm bảo loại bỏ axit béo tự do, peroxide và kim loại nặng. Dầu chăn nuôi thường chỉ ép thô, chứa hàm lượng peroxide, kim loại nặng, tạp chất, hoá chất, chất phụ gia cao hơn và không đảm bảo vệ sinh.
Dầu ăn cho vật nuôi gây hại thế nào khi dùng chế biến thực phẩm?
Sử dụng dầu ăn chăn nuôi cho người có thể dẫn đến một số tác hại cho sức khỏe con người, cụ thể:
Hàm lượng peroxide cao: Hình thành các gốc tự do làm tăng stress oxy hoá cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch, viêm mạn tính, tổn thương gan và thận,...
Các kim loại nặng trong dầu chăn nuôi như chì, cadium,... gây độc cho cơ thể, đặc biệt là gan, thận.
Các hoá chất, phụ gia, nấm mốc, vi khuẩn,... không được phép có trong dầu ăn cho người có thể gây rối loạn tiêu hoá, ngộ độc, giảm hấp thu chất dinh dưỡng, suy yếu đường ruột và ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Oxy hóa: Trong quá trình chế biến nếu đun đi đun lại nhiều lần có thể khiến dầu bị oxy hoá và sinh ra các chất độc hại như peroxide, chất béo chuyển hoá, gốc tự do,... làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch, bệnh mạn tính...
Dầu thực vật là nguồn cung cấp năng lượng chất lượng cao cho vật nuôi, giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng và sản lượng thịt/ trứng. Khi được sử dụng đúng cách, đây là giải pháp hiệu quả và kinh tế trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, do tiêu chuẩn và quy trình sản xuất không đạt chất lượng so với khi sản xuất dầu thực vật cho con người nên trong dầu chăn nuôi thường chứa những hoá chất độc hại, tăng nguy cơ mắc bệnh cho con người.
Do đó, tuyệt đối không được dùng dầu chăn nuôi để chế biến thức ăn cho người để tránh những tác hại đối với sức khoẻ.
BS Đoàn Thu Hồng (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam)