Quốc Cường Gia Lai và những khoản nợ khủng

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đang xôn xao dư luận.
 
Tại Quốc Cường Gia Lai, bà Loan từng kiêm nhiệm hai chức từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2007 đến nay. Bà Loan cũng là cổ đông lớn nhất khi tỷ lệ sở hữu 37,05% vốn, tương đương khoảng 102 triệu cổ phiếu.
Quoc Cuong Gia Lai va nhung khoan no khung
 Bà Nguyễn Thị Như Loan tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Bộ Công an).
Theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/3, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ các cá nhân, bên liên quan với đội ngũ lãnh đạo khoảng 676 tỷ đồng. Trong đó, công ty nợ bà Như Loan hơn 78 tỷ đồng, ông Lại Thế Hà - Chủ tịch HĐQT hơn 18 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp cũng cho mượn số tiền lớn, như: Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc (272 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia (gần 153 tỷ đồng), Công ty cổ phần thủy điện Mặt Trời (62 tỷ đồng).
Quoc Cuong Gia Lai va nhung khoan no khung-Hinh-2
Các khoản vay cá nhân tại Quốc Cường Gia Lai.
Theo Dân Trí, bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan đồng thời là cổ đông lớn của Quốc Cường Gia Lai) cho công ty vay nợ hàng năm. Năm 2021, bà My cho công ty vay gần 7 tỷ đồng, năm 2022 là 9 tỷ đồng, năm 2023 không còn mượn tiền.
Hoặc bà Lại Thị Hoàng Yến (con gái Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà) cũng đều đặn cho công ty vay mượn số tiền lớn qua nhiều năm. Năm 2021, bà Yến cho mượn hơn 108 tỷ đồng, năm 2022 cho mượn hơn 66 tỷ đồng, năm 2023 mượn gần 48 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2020, bà Loan cũng là người cho Quốc Cường Gia Lai mượn hơn 161 tỷ đồng, năm 2021 cho mượn hơn 74 tỷ đồng, năm 2022 cho mượn gần 69 tỷ đồng, và năm 2023 gần 86 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại ngày 31/3, Quốc Cường Gia Lai có hơn 570 tỷ đồng vay nợ tài chính. Số này biến động không đáng kể so với đầu năm. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu thấp, chỉ 0,13 lần. Trong số này, công ty có gần 313 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và hơn 257 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn.
Theo báo cáo, công ty vay ngắn hạn Ngân hàng Liên doanh Việt Nga - Chi nhánh Đà Nẵng gần 107 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với các lô đất tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngày đáo hạn 1/1/2025.
Ngoài ra, công ty có vay cá nhân hơn 164 tỷ đồng, cũng là khoản vay ngắn hạn lớn nhất trong cơ cấu. Còn lại, hơn 41 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả.
Đối với các khoản vay dài hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Gia Lai là chủ khoản nợ hơn 257 tỷ đồng, đáo hạn tháng 4 và tháng 6/2029. Mục đích vay để tài trợ cho 2 dự án thủy điện Iagrai 2 và Ayun Trung, có tài sản đảm bảo chính là quyền sử dụng đất tại các dự án này.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (SN 1960, quê Bình Định) sáng lập từ năm 1994. Đến năm 2007, công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển ngành bất động sản, Quốc Cường Gia Lai "đã luôn nỗ lực hoàn thành mục tiêu mang lại cho khách hàng những sản phẩm bất động sản phong phú về chất lượng cũng như những vị trí đắc địa bậc nhất TP HCM và Đà Nẵng". Doanh nghiệp cho biết quỹ đất đang sở hữu tại trung tâm TP HCM như quận 1, 3, 7, Bình Chánh, Nhà Bè…
Vào năm 2012, Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng thành công 3 tổ máy thủy điện Iagrai với công suất lên đến 10,8 MW. Ngoài ra, công ty bà Loan còn mở rộng sang lĩnh vực trồng cao su tại Tây Nguyên, sở hữu hơn 4.000 ha cao su tại huyện Chư PRông và hơn 3000 ha tại Campuchia.
Khánh Hoài (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN