Ngoài kế hoạch kinh doanh khá ấn tượng trong năm 2021 với doanh thu 9 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 1,35 nghìn tỷ đồng thì ban lãnh đạo của Đất Xanh cũng đưa ra kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP và 200.000 cổ phiếu riêng lẻ.
Với phương án này cổ đông của Đất Xanh có thể mất 1.361 tỷ đồng. Phải chăng đây là lý do chính khiến cho cổ phiếu DXG của doanh nghiệp này bị bán tháo trong những phiên giao dịch gần đây?
Cụ thể, trong dự thảo tờ trình đến cổ đông ban lãnh đạo DXG đặt kế hoạch doanh thu năm 2021 là 9 nghìn tỷ đồng (tăng 211% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số là 1,35 nghìn tỷ đồng (so với mức lỗ 496 tỷ đồng trong năm 2020).
Đối với kế hoạch chia cổ tức năm 2020, ban lãnh đạo đề xuất không chia cổ tức tiền mặt. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019 của công ty, các cổ đông đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2020 là 20% mệnh giá bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Đối với kế hoạch cổ tức năm 2021, ban lãnh đạo cũng đề xuất kế hoạch chia cổ tức 20% mệnh giá bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Đặc biệt, ban lãnh đạo công ty này đề xuất phương án phát hành ESOP 7,0 triệu cổ phiếu (tương đương 1,35% số cổ phiếu đang lưu hành) với giá phát hành bằng không. Thông tin chi tiết về thời gian phát hành, điều kiện và thời gian hạn chế giao dịch sẽ do HĐQT quyết định. Với mức giá đang được giao dịch là 25.900 đồng/cổ phiếu thì số tiền mà cổ đông của DXG “cho không” những người nhận cổ phiếu ESOP là 181,30 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty đề xuất phương án phát hành riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu (tương đương 38,6% số lượng cổ phiếu đang lưu hành). Cổ phiếu mới phát hành sẽ bị hạn chế giao dịch ít nhất 1 năm. Giá phát hành được đề xuất thấp hơn 20% so với giá đóng cửa bình quân trong 20 ngày cuối cùng trước ngày quyết định giá phát hành cổ phiếu do HĐQT quyết định. Số tiền thu được từ đợt phát hành này dự kiến được sử dụng để tài trợ cho việc mở rộng quỹ đất của công ty và bổ sung vốn lưu động.
Cho đến nay chưa rõ DXG sẽ chọn đối tác nào để bán lượng cổ phần này và đối tác sẽ đóng góp gì cho tương lai của DXG nhưng với mức giá thấp hơn 20% giá thị trường thì chỉ riêng tính giá trị cổ phiếu giao dịch ngày 8/6/2021 thì tổng số tiền chênh lệch mà đối tác được hưởng là 1.180 tỷ đồng.
Như vậy, tính cả lượng cổ phiếu ESOP và chênh lệch trong đợt phát hành dự kiến tổng số tiền mà cổ đông của DXG mất đi do giá trị doanh nghiệp sụt giảm là 1.361,30 tỷ đồng. Có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu DXG sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/6 vừa qua.