Nắng Ban Mai: Trúng thầu hàng ngàn tỷ nhưng lãi èo uột, nợ ngất ngưởng

Nhà thầu quen mặt tại Phú Yên - Nắng Ban Mai báo doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận chưa đến nửa tỷ đồng, nợ cũng cao ngất ngưởng.
Công ty CP Tập đoàn đầu tư Nắng Ban Mai được thành lập năm 2015 tại TP.HCM liên tục trúng nhiều gói thầu tại Phú Yên trong khoảng thời gian ngắn. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn, tư vấn; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Anh Khoa.
Nhà thầu được phê duyệt trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia năm 2017 đến tháng 1/2018 trúng gói thầu số 05XL: Xây lắp hạ tầng (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí hạng mục chung, phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên). (Đăng tải trên báo đấu thầu số 02 ngày 03/01/2018) trị giá hơn 3,42 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu, gói thầu do BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Hòa làm chủ đầu tư.
Theo thống kê của PV từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tính từ thời điểm tháng 1/2018 đến nay, nhà thầu đã tham gia 86 gói, trúng 72 gói, 7 gói bị trượt, 5 gói chưa có kết quả, 2 gói bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu hơn 4.198 tỷ đồng (trong đó với hơn 82 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu); với vai trò nhà thầu độc lập hơn 274,98 tỷ đồng (có hơn 11,7 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu), với vai trò nhà thầu liên danh hơn 3.923 tỷ đồng (có hơn 70,39 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu).
Nhà thầu cũng là khách hàng của một số bên mời thầu như: Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên (25/26 gói); Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Tuy Hòa (24/25); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sông Cầu (4/5 gói)...
Từ đầu năm 2024 đến nay, Nắng Ban Mai tham gia 9 gói thầu tại Phú Yên, được công bố trúng 6 gói, 3 gói đang chờ kết quả.
Các gói đang chờ kết quả gồm: Gói thầu số 08XL: Xây lắp công trình (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị, chi phí đóng cắt điện và dự phòng 1,275%*Gxd) do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Đông Hòa làm chủ đầu tư; gói thầu số 01XL và Gói thầu số 01XL: Thi công xây lắp công trình đều do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tuy An làm chủ đầu tư.
Nang Ban Mai: Trung thau hang ngan ty nhung lai eo uot, no ngat nguong
Công ty Nắng Ban Mai có năng lực tài chính thế nào? 
Lãi 2023 chưa đến nửa tỷ đồng, khoản phải thu tăng đột biến
Nắng Ban Mai trúng nhiều gói thầu lớn nhưng sức khỏe tài chính không có sự tương xứng. Trong năm 2023, Nắng Ban Mai chỉ ghi nhận lãi ròng gần 425 triệu đồng, lao dốc đến 92% so cùng kỳ. Doanh thu gần 450 tỷ đồng, nhích nhẹ 3% so năm trước, trong đó giá vốn chiếm đến 417 tỷ nên lãi gộp chỉ ở mức 32 tỷ đồng.
Đáng nói, Nắng Ban Mai có ghi nhận doanh thu tài chính hơn 2,2 tỷ, trong khi năm trước con số chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng. Tuy vậy, chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay "ngốn" đến 15,6 tỷ, tăng 63%. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gia tăng đáng kể lên mức 19 tỷ từ mức 15,6 tỷ của cùng kỳ; Chi phí bán hàng chưa đến 1 triệu đồng, trong khi năm trước đến 100 triệu đồng.
Do đó, Nắng Ban Mai chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh với 380 triệu đồng, nhưng nhờ lợi nhuận khác đóng góp 920 triệu đồng nên công ty thoát lỗ. 
Nắng Ban Mai nặng gánh nhất là chi phí lãi vay. Tại ngày cuối năm 2023, khoản nợ phải trả của Nắng Ban Mai lên tới 720 tỷ, trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm 185 tỷ.
Khoản vay nợ ngắn hạn tăng đến 72% lên mức 109 tỷ đồng, còn vay nợ tài chính dài hạn ở mức 76 tỷ đồng, tăng đến 22%.
Quan trọng nữa là hệ số nợ/vốn chủ đến 3,4 lần cho thấy Nắng Ban Mai quá lạm dụng đến công cụ vay nợ, điều này gây áp lực và ăn mòn đến lợi nhuận.
Còn tài sản tại ngày 31/12/2023 của Nắng Ban Mai là 933 tỷ đồng, tăng 36% so năm 2022. Nắng Ban Mai chỉ nắm giữ gần 22 tỷ đồng tiền mặt, giảm phân nửa so đầu năm.
Trong khi đó khoản phải thu ngắn hạn có sự thay đổi lớn, tăng mạnh từ 181 tỷ lên 392 tỷ, tức gấp 2,1 lần cùng kỳ. Mức đột biến này đến từ khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm này lên 154 tỷ, gấp 22 lần cùng kỳ.
Ngoài ra còn có khoản trả trước cho người bán ngắn hạn đến 165 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm.
Thực tế, khoản phải thu của Nắng Ban Mai gia tăng đột biến nhưng doanh thu không có sự bứt phá cho thấy doanh nghiệp đang gặp vấn đề của quá trình thu hồi công nợ. Điều này khiến Nắng Ban Mai bị áp lực dòng tiền, tăng rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp, đồng thời nguồn vốn bị lãng phí không sử dụng được hiệu quả.
(Còn tiếp)...
Bài 2: Nắng Ban Mai 'quen mặt' tại Phú Yên: Tiềm lực nào đứng sau?
Minh Châu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN