Một lệnh ngừng bắn tạm thời đang giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, tuy nhiên cả hai bên vẫn duy trì các hoạt động quân sự dọc theo khu vực biên giới.
Cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát sau vụ tấn công khủng bố ở Kashmir, kéo theo đó là việc New Delhi phát động chiến dịch quân sự “Sindoor” vào sâu bên trong lãnh thổ Pakistan.
Trong xung đột Ấn Độ - Pakistan vừa qua, vũ khí Trung Quốc đóng vai trò then chốt giúp Islamabad duy trì cán cân quân sự trước New Delhi. Số vũ khí này không chỉ giúp Pakistan phòng thủ mà còn cả phản công.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan, chiếm 81% lượng vũ khí nhập khẩu của nước này từ năm 2020 đến năm 2024. Vậy Pakistan đang mua gì?

Tiêm kích J-10C Vigorous Dragon
Mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 này được coi là phiên bản hiện đại nhất của dòng J-10, được trang bị động cơ tiên tiến hơn và radar mảng quét điện tử chủ động (AESA). Nó có thể mang theo hầu hết các dòng tên lửa và bom dẫn đường của Trung Quốc, điển hình như tên lửa không đối không PL-10 và PL-15.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar phát biểu trước quốc hội nước nàyrằng máy bay J-10C của Trung Quốc đã được sử dụng để bắn hạ năm máy bay chiến đấu của Ấn Độ trong trận không chiến dọc biên giới.
Tờ Reuters dẫn các nguồn tin quan chức Mỹ cũng cho biết rằng, Pakistan đã sử dụng một chiếc J-10C để bắn hạ hai máy bay chiến đấu của Ấn Độ, trong đó có ít nhất một chiếc là máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.
Pakistan tuyên bố rằng trong số năm máy bay chiến đấu của Ấn Độ bị bắn hạ trong cuộc đụng độ quân sự, có ba chiếc là Rafales.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên máy bay chiến đấu Trung Quốc hạ gục được máy bay địch trong chiến đấu thực tế, cũng như là lần đầu tiên máy bay phản lực Rafale bị mất trong chiến đấu.
Pakistan là quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc sở hữu J-10C. Pakistan đã đặt mua 36 chiếc phiên bản xuất khẩu từ Bắc Kinh, cùng với 250 tên lửa PL-15, vào năm 2020. Có ít nhất 20 chiếc J-10C được báo cáo là đang hoạt động tại Pakistan sau lần giao hàng đầu tiên từ Trung Quốc vào năm 2022.

Tiêm kích JF-17 Thunder
Là một sản phẩm liên doanh giữa các tập đoàn vũ khí Pakistan và Trung Quốc là Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn Máy bay Thành Đô – JF-17 là một trong những máy bay chiến đấu chính của lực lượng không quân Pakistan, cùng với J-10C và F-16 do Mỹ sản xuất.
Không quân Pakistan đã vận hành JF-17 từ năm 2007, với khoảng 120 máy bay đang hoạt động. Mẫu tiêm kích này cũng đã được xuất khẩu sang Azerbaijan, Myanmar và Nigeria.
JF-17 đã trải qua một số lần nâng cấp, với phiên bản Block 3 mới nhất được chuyển giao cho quân đội Pakistan vào tháng 3/2023. Máy bay được trang bị công nghệ tiên tiến của Trung Quốc như radar AESA KLJ-7A, động cơ WS-13 mạnh hơn do Trung Quốc sản xuất và hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận tương tự như hệ thống được sử dụng trên máy bay chiến đấu J-10C, J-16 và J-20 của Trung Quốc.
JF-17 tương thích với các loại đạn,tên lửa dẫn đường chính xác và tên lửa ngoài tầm nhìn như PL-15.
Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin, Ấn Độ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu JF-17 trong cuộc không chiến với Pakistan vào tuần trước – Islamabad đã phủ nhận thông tin này.
Trong khi đó, Pakistan tuyên bố rằng tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay JF-17 đã nhắm mục tiêu và phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Ấn Độ đặt tại bang Punjab. Tuy nhiên New Delhi đã phủ nhận thông tin này.
Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-15
PL -15 – mẫu tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn có tầm bắn hơn 40 km do Trung Quốc phát triển – đã thu hút sự chú ý khi Islamabad tuyên bố nó được sử dụng để bắn hạ máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ.
Được phát triển bởi Học viện Tên lửa Không quân Trung Quốc, tên lửa này lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Quân đội Trung Quốc vào năm 2015. Nó được trang bị trên các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 và J-35. Pakistan cũng được biết là đã tích hợp PL-15 với các phi đội J-10C và JF-17 Block 3 của nước này.
Tên lửa có tầm bắn ước tính khoảng 200-300km và sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn với hai tầng đẩy và dẫn đường radar chủ động. Điều đó cho phép theo dõi chính xác hơn và chống lại các biện pháp đối phó điện tử tốt hơn. Tên lửa không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phi công sau khi được phóng, điều này giúp PL-15 có thể tấn công các mục tiêu trên không hiệu quả hơn.
PL-15 đã được so sánh với tên lửa Meteor BVR của tập đoàn vũ khí châu Âu MBDA được trang bị trên các máy bay chiến đấu như Rafale, cũng như SAAB JAS 39 Gripen của Thụy Điển và Eurofighter Typhoon. Ấn Độ cũng sử dụng tên lửa Meteor trên các máy bay Rafale của mình.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Ấn Độ, các mảnh vỡ dường như đến từ tên lửa PL-15E của Trung Quốc đã được tìm thấy ở Punjab vào tuần trước. Điều đó cho thấy quân đội Pakistan đã bắn tên lửa từ máy bay J-10C hoặc JF-17C Block 3 vì chúng là những máy bay phản lực tương thích duy nhất được biết là đang hoạt động trong khu vực.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9P
HQ-9P là phiên bản dành cho Pakistan của hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc , được phát triển dựa trên hệ thống S-300 của Nga và đã được đưa vào sử dụng tại Trung Quốc từ năm 2001.
Pakistan mua hệ thống HQ-9P từ Trung Quốc và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2021. Hệ thống này được quân đội và không quân Pakistan sử dụng, với ít nhất sáu đơn vị phòng không được báo cáo là đang hoạt động.
Hệ thống này cung cấp phạm vi phòng không lên đến 125km để đánh chặn máy bay và khoảng 25km để đánh chặn tên lửa hành trình.
Pakistan lần đầu tiên tiết lộ hệ thống HQ-9P của mình trong một cuộc duyệt binh quân sự vào tháng 3/2024.
Ấn Độ tuyên bố đã phá hủy một trong những hệ thống HQ-9P của Pakistan và một hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung khác của Trung Quốc, HQ-16, bảo vệ Lahore ở tỉnh Punjab trong các cuộc không kích vào Pakistan vào tuần trước.
Pháo tự hành SH-15
SH-15 – phiên bản nội địa của Trung Quốc là PCL-181 – mẫu pháo tự hành 155mm được Tập đoàn Norinco giới thiệu lần đầu tiên từ năm 2019. Pháo có thể bắn bốn đến sáu viên mỗi phút với tầm bắn tối đa khoảng 50km.
Đây là pháo lựu pháo cỡ nòng 155mm đầu tiên đạt chuẩn NATO của Pakistan. Pakistan đã ký một thỏa thuận vào năm 2019 để mua hơn 200 đơn vị, nhận lô hàng đầu tiên vào tháng 1/2022.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Pakistan, giao dịch mua này được thực hiện để đáp trả việc Ấn Độ mua K9 Vajra-T – một biến thể của K9 Thunder của Hàn Quốc, chiếm hơn một nửa doanh số bán pháo tự hành toàn cầu.
Khi căng thẳng leo thang vào tuần trước, Pakistan được cho là đã triển khai SH-15 dọc theo Đường kiểm soát – biên giới thực tế với Ấn Độ ở Kashmir đang tranh chấp. Pakistan được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo vào lãnh thổ Ấn Độ để đáp trả các cuộc không kích của Ấn Độ, cho thấy lựu pháo có thể đã được đưa
vào sử dụng.
Tiêm kích tàng hình J-35
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng Pakistan đã bày tỏ sự quan tâm đến loại máy bay này.
Ra mắt tại triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11/2024, J-35 được coi rộng rãi là câu trả lời của Trung Quốc cho F-35 của Mỹ, với khả năng tàng hình hoàn toàn, khoang vũ khí bên trong và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Ban đầu, nó được thiết kế như một máy bay chiến đấu cho tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc nhưng một biến thể trên đất liền cũng được cho là đang được phát triển.
Truyền thông Pakistan cho biết không quân nước này có ý định mua 40 tiêm kích tàng hình từ Trung Quốc.
Nếu thương vụ mua lại được tiến hành, đây sẽ là động lực lớn cho quân đội Pakistan, lần đầu tiên đưa khả năng tàng hình vào lực lượng không quân của nước này để chống lại Ấn Độ, vì New Delhi cũng đang tìm cách xây dựng phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm bao gồm F-35 và Su-57 của Nga.