Xã hội và đạo đức nhân quả

Nhân quả không phải là tín điều của tôn giáo mà là hệ quả tất yếu của mọi hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ.

Ngày nay, trên các trang mạng cũng như báo giấy, tin tức xã hội đều phản ảnh quá nhiều tệ nạn: giết người, sát sinh hại vật, trộm cướp, tham ô, bạo hành gia đình, bạc đãi trẻ con, thực phẩm độc hại, con người vô cảm trước mọi tai nạn đau thương....Người quan tâm xã hội đành bất lực, an ninh trật tự xã hội cũng bó tay.
Tuy trong chiến tranh, cả hai miền Nam - Bắc chưa xuất hiện nhiều tệ nạn như thế, có lẽ do tuổi trẻ được chiến tranh tận dụng; phía Bắc sống theo tem phiếu, xã hội được kiểm soát chặt chẽ, vì thế khó mà tràn lan tội phạm. Miền Nam tuy không bị chi phối bởi tem phiếu, tệ nạn cũng có, nhưng được khoanh vùng ở một mức độ vừa phải, vì thế cuộc sống người dân ít bị đe dọa.
Ở những cộng đồng các tôn giáo trong vùng các giáo xứ, trong cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, trong các đạo tràng tu tập của các chùa... rất ít khi có chuyện mất cắp, trộm, cướp. Song ở các vùng trắng về tôn giáo và nhìn chung ngoài xã hội thì tình trạng quá đáng như đã và đang xảy ra trong xã hội. Tại sao?
Theo quan điểm cực đoan thì tôn giáo là thuốc phiện, ru ngủ quần chúng, đánh mất nghị lực đấu tranh trong xã hội; vì vậy, đấu tranh giai cấp và đạo đức cách mạng thay thế tín ngưỡng tôn giáo, lao động hóa toàn bộ xã hội, tăng gia sản xuất cung ứng cho chiến tranh, vì thế, thế hệ sau 1954 nhiều người ở miền Bắc không còn biết tôn giáo là gì, xem là tổ chức xa lạ cản bước tiến của xã hội; chỉ những tín đồ trong các giáo xứ được hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ của các linh mục, giám mục, ông trùm, họ mới giữ được tín ngưỡng riêng của mình.
Mỗi tôn giáo đều có cách giáo dục tín đồ theo cách riêng, nhưng dù cách nào thì vấn đề thiện, bác ái, từ bi, tình thương vẫn là cốt lõi của giáo dục tín ngưỡng. Nếu tôn giáo nào đi sai ra khỏi điều đó thì tổ chức đó là lỗi thời là sản phẩm quái thai của xã hội.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa. 
Ở miền Nam, trong học đường từ lúc mầm non, cấp tiểu học, học sinh được thầy cô dạy lễ phép đứng đầu. Học sinh được dạy lịch sử các đấng tiền nhân khai sơn lập quốc để biết tôn trọng, tri ân; biết tôn trọng người quá cố khi xe tang đi qua phải ngã nón chào; biết hiếu kính ông bà cha mẹ; biết tôn trọng người lớn tuổi; biết giúp đỡ chia sẻ cuộc sống xung quanh; ngay cả "chị ngã em nâng" và sự nhường nhịn cũng được truyền trao; thương người như thể thương thân...
Như vậy, cơ bản vẫn là giáo dục học đường và giáo dục gia đình giúp cho trẻ con biết lễ nghĩa trước khi biết đến văn chương, kiến thức khác.
Ngày nay, đất nước ổn định, nhưng cuộc sống cấp bách, chạy đua với kinh tế và dân số gia tăng, cha mẹ cũng muốn dạy con nên người, nhưng ảnh hưởng xã hội quá mạnh, một khi xã hội du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau qua thông tin mạng không được chọn lọc; cuộc sống chật vật vì áp lực kinh tế nên cha mẹ ít có thời giờ chăm sóc con. Cũng không thiếu con đại gia dư thừa của ăn của để mà con vẫn hư là vì cha mẹ chạy theo lợi nhuận kinh doanh, áp phe làm kinh tế, không có thời giờ dành cho con, cứ nghĩ chu cấp tiền bạc vật chất đầy đủ là xong bổn phận. Nhất là thời đại @ ngày nay, liên thông toàn cầu lẫn lộn tốt xấu, mà trẻ con có khuynh hướng tiêm nhiễm xấu dễ hơn cái tốt.
Những trò chơi bạo lực trên mạng đã giáo dục con em thành kẻ hiếu sát.
Một sự tiềm ẩn vô hình ít ai thấy được, đó là máu sát sinh. Sát sinh vì thú vui như các lễ hội phía Bắc, sát sinh vì tham lợi như giết mổ, sát sinh vì thực dục cầu kỳ như khỉ, gấu, rùa và các loại thú quý hiếm...
Ngày nay, từ Bắc chí Nam mỗi ngày hàng vạn con chó bị sát hại; trâu bò heo gấu cũng không thoát khỏi bàn tay đồ tể. Có tiền là có quyền hưởng thụ, hưởng thụ một cách vội vã, có lẽ đắp bù vào một quá khứ chiến tranh nghiệt ngã, mà phần lớn người hưởng thụ sa đọa là người không có tín ngưỡng hoặc tín ngưỡng theo truyền thống thiếu nhận thức.
Những uất khí do nghiệp sát như thế bao trùm trong cuộc sống thì nạn tai và bạo hành không thể không xảy ra. Giết hại vì thực dục, uống máu loài vật bị sát hại không gớm tay và có vẻ thích thú, thì lúc nóng giận, bản chất hiếu sát kia làm chủ ý thức, sẵn sàng sát hại đối thủ một cách dễ dàng vì những chuyện không đáng manh động. Đó là quy luật nhân quả tự nhiên.
Những nhà xây dựng xã hội không đặt vấn đề nhân quả lên hàng đầu, thì luật pháp chỉ là cách răn đe khi sự việc đã xảy ra, mà nên tìm cách ngăn ngừa nguyên nhân xấu tạo ra sự cố.
Nhà Phật có câu: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Những tội phạm nếu sợ nhân thì quả hình phạt của luật pháp sẽ không xảy đến. Biết bao kẻ sau song sắt ăn năn hành động ác đã tạo, nhưng trước khi hành động, không nghĩ đến hậu quả sẽ đến với bản thân mình.
Thời xưa, có vị vua đã áp dụng câu: “Phàm làm việc gì cũng phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Nhà vua đã lưu truyền câu nói ngàn vàng này trong triều đình, ngoài dân gian, đã giúp cho đạo đức vào thời ấy tốt đẹp. Và cũng nhờ đã cho khắc câu nói ngàn vàng ấy vào chén, mà nhà vua đã thoát khỏi âm mưu đầu độc. Vị vua này đã biết áp dụng bài học nhân quả vào đời sống, vào việc trị nước.
Như thế, ngay từ đầu ở học đường, chuẩn bị cho lớp trẻ ý thức về đạo đức xã hội, về luật nhân quả thì chắc chắn xã hội cũng sẽ giảm đi khá nhiều tệ nạn như ngày nay. Một người quen nhận hối lộ hoặc móc ngoặc tham ô, được càng nhiều càng tốt, nhưng khi bị còng tay thì hối hận nghĩ rằng: thà nghèo mà an lạc!
Cũng từng có những người khi ý thức về đạo đức nhân quả thì tự khắc thủ phận an thường, xài đồng tiền do mồ hôi nước mắt của mình làm ra để tâm hồn luôn thoải mái.
Cổ nhân đã dạy: Không tài năng mà giữ chức vụ quá cao là điều nguy hại, không có công mà hưởng bổng lộc quá nhiều là "thọ tài như thọ tiển", không có đức mà chịu sự tôn kính là tự mình làm giảm thọ... Đạo đức người xưa tự xét mình như thế nên xã hội ít xảy ra bạo loạn.
Tình cảm và ý thức tôn giáo hỗ trợ một phần cho sự nhận thức hành động của một tín đồ, nhưng xa hơn, luật nhân quả là một định luật không thuộc tôn giáo, không thuộc đặc tính xã hội, mà là quy luật tất yếu của mọi chúng ta qua lời nói, hành động và ý tưởng để trở thành đặc tính trong một xã hội văn minh tiến bộ.
Những quốc gia văn minh họ kinh tởm loại văn minh sát hại động vật. Một xã hội thiếu tình cảm đối với động vật thì chưa nói đến tình cảm nhân loại, chính vì thế nhiều quốc gia sát hại sinh vật nhiều quá cũng là những quốc gia liên tục gánh chịu thiên tai, tệ nạn xã hội tràn lan, lâm vào áp lực của chiến tranh và nền hòa bình khó mà lâu dài.
Thiết nghĩ, cũng chưa muộn khi giáo dục học đường ngay từ đầu phải giúp cho học sinh biết giá trị về luật nhân quả. Một lần nữa chúng ta nhắc lại: Nhân quả không phải là tín điều của tôn giáo mà là hệ quả tất yếu của mọi hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ. Luật pháp chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không là phương tiện giáo dục xã hội.

Một sự ngộ nhận về luật nhân quả

Hỏi: Kính thưa thầy, con không phải là người tu theo đạo Phật, nhưng lâu nay con nghe nói nhiều về luật nhân quả của đạo Phật và duyên nghiệp nhiều đời trồng chéo lên nhau. Con thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình. Con có một cá tính là khi biết người khác đối xử xấu với mình, con thường im lặng và tìm cách tránh chứ không nói. Như vậy, đối với luật nhân quả con có phạm hay không? Kính mong thầy giải thích.

Ðáp: Trong câu hỏi của bạn, nếu phân tích thì tôi thấy có ba vấn đề chi tiết cần được trao đổi chia sẻ:

Thứ nhất, theo bạn nói: “Bạn thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình”. Ðiều này, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng thưa bạn, trên đời này ít có mấy ai thật hành đúng theo hết những gì mà mình đã nói. Giữa lý thuyết và thật hành, thật khó mà song hành hợp nhất với nhau. Nói thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Vì thế, nên sách Nho có câu: “Thuyết dị, hành nan” hay “năng thuyết bất năng hành”. Lý thuyết bao giờ cũng đi xa hơn hành động. Nếu nói và làm đi đôi với nhau, thì cõi đời này chắc không còn ai chịu nhiều đau khổ nữa. Do đó, nên ta thấy các bậc Cổ đức, thường các ngài ít nói, và chỉ nói những gì trong phạm vi khả năng mà các ngài có thể thật hành được thôi. Bởi vậy, nên các ngài rất cẩn trọng ở nơi lời nói.

 

Trong đạo Phật có câu nói: “Tri hành hợp nhất”. Câu nói này nhằm để cảnh tỉnh khuyến tấn, nhưng trên thực tế thì ít có mấy ai làm đúng. Chính vì không hợp nhất, nên đôi khi trở thành là kẻ nói khoát. Hiểu biết tuy cũng rất cần thiết, nhưng nó chỉ đem lại lợi ích cho phần sở tri kiến giải của mình thôi. Cũng như người có đôi mắt thật sáng, nhìn xa thấy rộng, họ có thể nói đông nói tây đủ thứ chuyện trên đời, nhưng nhìn lại, thì họ vẫn còn dậm chân tại chỗ. Dù rằng họ có đôi chân rất mạnh.

Như thế, thì thử hỏi làm sao đến nơi mà họ nhắm tới. Khác nào như người ngồi đó chỉ biết diễn tả phân tích đủ thứ món ăn tuyệt diệu trên đời, nhưng rốt lại thì bụng họ vẫn đói meo. Họ nói thì rất hay, nhưng bản thân họ chưa từng bước chân xuống bếp.  Người xưa có câu: “Muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn chết phải lết vô hòm”. Ðây là câu nói nhằm cảnh tỉnh thức nhắc người ta nên làm hơn là nên nói. Hãy biến nhận thức của mình thành hành động cụ thể. Có thế, thì mới có lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, sự nhận định hiểu biết đúng hướng chân lý (chánh kiến) tuy chưa thật hành đúng theo, nhưng điều đó cũng rất là tốt và cần thiết. Chỉ sợ nhận định sai lầm (tà kiến) rồi chấp chặt bảo thủ làm theo, đó mới là điều tai hại đáng nói. Cho nên, điều quan yếu trước tiên là phải nhận định đúng với chân lý, còn việc thật hành thì có thể thực hiện từng bước cũng không sao. Cũng như người đứng dưới chân núi, thấy rất rõ hình dạng của ngọn núi, nhưng muốn tới ngọn núi, thì đòi hỏi họ phải gắng sức trèo lên từ từ từng bước vững chắc. Tuy chưa tới ngọn núi liền, nhưng cái hướng thấy của họ không bị sai lệch.

Trong nhà Phật có câu nói: “Ðốn ngộ, nhưng phải tiệm tu”. Có thể cái chỗ thấy biết tương đồng với Phật tổ, nhưng phải từ từ tu tiến, vì tập khí nghiệp chướng của con người còn quá sâu nặng. Như vậy, có những người tuy họ nói nhiều về nhân quả, nhưng sự thật hành của họ quả không đúng theo những gì họ nói. Người như thế, tuy họ không được lợi ích nhiều, nhưng ít ra họ cũng không đến nổi phải gây ra những lỗi lầm sâu nặng. Vì họ đã có ý thức đến lý nhân quả vay trả phần nào.

Như bạn nói, họ ít khi áp dụng chớ không phải hoàn toàn là họ không có áp dụng. Nghĩa là họ có áp dụng từ từ, đó gọi là họ đang hướng đời mình trên bước đường tu tập. Như thế, kể ra họ cũng vẫn còn tốt hơn là những người mà cả đời chưa bao giờ học hỏi biết đến nhân quả và họ cũng không bao giờ áp dụng một chút nào theo lý nhân quả trong cuộc sống. Do đó, nên suốt đời họ gặp phải nhiều tai nạn khổ đau. Có tránh nhân xấu thì mới không gặp quả xấu. Ở đời, nếu mình đòi hỏi phải thật hành một cách toàn vẹn, điều đó, thật khó có ai làm được, ngoại trừ các bậc Thánh nhân.

Thứ hai, bạn nói: “là bạn có cá tánh khi biết người khác đối xử xấu với mình thì bạn thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói”. Ðiều nầy là bạn hiện tập cho mình có một thói quen tương đối khá tốt. Nghĩa là bạn khéo áp dụng câu châm ngôn của người xưa: “Im lặng là vàng nói là bạc”. Ðiều đáng nói hơn nữa, là bạn khéo biết tránh duyên. Bạn tìm cách tránh né chớ không muốn đương đầu để tranh cãi hơn thua. Ðứng về mặt xử thế tự lợi, điều nầy bạn xử sự rất tốt cho bạn. Vì bạn không muốn gây ra những chuyện phiền phức rắc rối cho mình và người.

Ðấy là bạn đang thực tập hạnh nhẫn nhục rồi đó. Nhưng nếu bạn tập tánh khá hơn nữa là tuy tìm cách tránh né, nhưng bạn không bao giờ quan tâm cất chứa những lời nói của họ ở trong lòng. Ðó là bạn đang thực tập hạnh hỷ xả. Hạnh này thật rất khó làm. Nhưng nếu bạn cố gắng thực tập, thì chắc chắn có ngày bạn sẽ thành công. Chẳng những bạn không buồn giận họ, mà bạn còn thương xót tật tánh của họ. Vì họ chưa biết thực tập tánh tốt không nói xấu ai. Người thích nói xấu chỉ trích lỗi lầm kẻ khác là vì người đó tâm của họ còn quá thô tháo vọng động, còn thích nhiều chuyện thị phi. Họ là hạng người thích làm cảnh sát quốc tế. Do đó, nên bạn cần thương họ nhiều hơn. Vì biết họ vẫn còn ôm ấp quá nhiều đau khổ nội kết trong lòng. Bởi thế, họ là người thật đáng thương hơn đáng trách!

Thứ ba, bạn nêu ra câu hỏi: “Như vậy đối với luật nhân quả bạn có phạm hay không?”  Ðiều này, có lẽ bạn đã hiểu lầm về luật nhân quả rồi. Thưa bạn, luật nhân quả khác hơn những điều luật cấm giới. Luật nhân quả không mang tính giới điều như là giới luật mà người ta đã lãnh thọ. Dù bạn tu theo bất cứ tôn giáo nào, mỗi tôn giáo đều có những giới luật răn cấm cả. Nhân quả, sở dĩ người ta gọi là luật, bởi vì nó là luật tắc thiên nhiên có tác dụng vận hành chi phối toàn thể vũ trụ. Vì thế nên nói nhân quả là một chân lý phổ biến. Chân lý nầy nó tiềm tàng bao trùm trong mọi sự vật, không có một vật thể nào thoát ngoài định luật này. Từ thực vật, động vật, khoáng vật v.v… không một loài nào thoát khỏi.

Nói cách khác là từ vật lý, sinh lý, cho đến tâm lý… không có một thứ gì mà không có nhân quả. Lý nhân quả được đặt định trên chiều thời gian. Vì từ nhân tới quả phải có thời gian. Ngoài chánh nhân ra, nó còn nhiều trợ duyên khác nữa. Cho nên nhân quả là một hiện tượng rất phức tạp xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai, chớ không phải đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bạn thử tìm mọi hiện tượng trên đời nầy có cái gì không phải là nhân quả. Ăn là nhân, no là quả. Học là nhân, biết chữ là quả v.v…

Nói tóm lại, người hiểu lý nhân quả và khéo biết ứng dụng vào trong đời sống, thì họ sẽ có được lợi lạc rất lớn. Như vậy luật nhân quả là quy luật vận hành tự nhiên của vạn hữu vũ trụ. Không ai đặt định bày ra luật nhân quả này. Ðức Phật cũng chỉ là người giác ngộ khám phá ra luật nhân quả mà thôi. Mong bạn cố gắng khéo ứng xử hành hoạt đúng theo luật nhân quả, tức theo chiều hướng thánh thiện, thì đời bạn sẽ gặt hái nhiều điều lợi lạc trong đời sống vậy.

Thích Phước Thái


Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả


TIN BÀI LIÊN QUAN


BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Đức Phật dạy về nhân quả

Tiến trình từ nhân đến quả, có thể báo ứng ngay trong hiện tại mà cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Chỉ cần quan sát trong hiện tại, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra quả báo nhãn tiền của những việc làm ác.

Ai làm cho ta khổ?

Không thấy được duyên sinh, vô ngã, nên sinh khởi các phiền não dẫn đến những tạo tác mê lầm.

Khi khổ, người ta thường đổ lỗi cho các nhân tố bên ngoài, đổ lỗi cho hoàn cảnh: tại người này làm cho tôi khổ, tại người kia làm cho tôi khổ, tại hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội v.v... Thế nhưng tại sao có người sống trong hoàn cảnh tốt mà tâm vẫn khổ, có người sống trong hoàn cảnh xấu mà tâm vẫn an vui? Cùng một hoàn cảnh giống nhau mà người vui ít khổ nhiều, ngược lại người khổ nhiều vui ít. Từ ngàn xưa cho đến nay, con người luôn tìm cách tác động vào thế giới, thay đổi hoàn cảnh, nhưng chưa ai hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn mãn nguyện trên cuộc đời này.
 

Đức Phật dạy, vì vô minh, phiền não mà con người phải khổ. Do không sáng suốt, nhận thức sai lầm, không đúng sự thật về các pháp, bản chất các sự vật hiện tượng trong đời sống, không hiểu duyên sinh nhân quả, từ đó sinh khởi các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…, dẫn đến khổ đau.

Câu chuyện cười dân gian sau đây rất đáng cho ta suy gẫm: “Có một ông nhà giàu đi ăn giỗ. Sau khi ăn uống no say, thấy bánh ít nhà đám ngon quá, ông muốn mang về nhà ăn nữa, nhưng sợ bị gia chủ cho là mình tham ăn. Ông bèn lấy mấy cái bánh đưa cho người hầu rồi nháy mắt ra hiệu, ý bảo người hầu bỏ vào giỏ mang về cho ông. Người hầu không hiểu ý, cứ ngỡ là ông cho mình bèn ăn hết sạch.

Trên đường về nhà, ông nhà giàu đi trước, người hầu lẽo đẽo theo sau. Ông nhà giàu gõ đầu người hầu mắng:

- Tao đâu phải là tù binh mà mày đi sau áp giải.

Người hầu nghe chủ quở bèn tiến lên đi song song với ông. Ông lại quát:

- Tao với mày là bạn bè ngang vai ngang vế hay sao mà mày đi ngang hàng với tao?

Người đầy tớ sợ quá bèn đi vụt tới trước. Ông nhà giàu lại đá vào mông cậu ta và mắng:

- Mày là cha tao hay sao mà đi trước mặt tao?

Người hầu bối rối chẳng biết phải đi làm sao cho đúng, bèn vòng tay thưa:

- Xin ông dạy con phải đi như thế nào ạ?

Lúc này lửa sân trong ông nhà giàu cháy bùng lên:

- Bánh của tao đâu?”.

Ông nhà giàu có thái độ cư xử như thế là do người hầu đi không đúng phép hay do người hầu ăn bánh của ông? Ai cũng thấy rõ, ông nhà giàu tham lam rồi sinh ra sân si nên mới có hành vi như thế.

Câu chuyện vui nhưng rất đáng suy gẫm. Đôi khi mình không thấy được nguồn gốc của những phiền não khổ đau trong tâm mình (giận hờn, bất mãn, oán hận, lo lắng, buồn phiền…). Mình cứ đổ lỗi cho người này người kia, đổ lỗi cho điều này điều nọ, ít khi mình nhìn thấy trách nhiệm của mình. Vì tham, sân, si, vì lòng tự tôn hoặc tự ti, tự ái, vì lòng ích kỷ v.v... mà mình có thái độ, cách hành xử, có lối sống không hay không đẹp, hoặc tự mình làm mình khổ, nhưng mình lại không thấy điều đó.

Nếu mình nhìn sự vật, sự việc, hay nhìn người khác với cái tâm kỳ thị, ganh ghét, đố kỵ, với cái tâm đầy thành kiến, giận hờn thì mình không thấy được sự thật, không biết rõ, hiểu rõ những gì mình đang thấy, đang nghe, đang tiếp xúc. Nếu nhìn người khác với cái tâm vẩn đục phiền não cấu uế như thế, thì mình thấy ai cũng xấu xa, đáng ghét cả, thấy ai cũng lầm lỗi, ai cũng ngu dốt dù thực tế họ rất dễ thương, họ có nhiều điểm đáng yêu đáng quý, họ có nhiều điều hay đáng cho mình học hỏi. Nếu nhìn người khác với cái tâm tham sắc (thấy người ta đẹp nên mình mê), tham tài (thấy người ta giàu nên mình thích), với cái tâm vị kỷ vị thân (vì là bà con quyến thuộc, vì là bạn bè với mình nên mình thương, mình quý trọng), thì mình sẽ không thấy được cái xấu, cái dở của họ.

Do không thấy rõ bản chất của con người, sự vật, sự việc mà mình có những suy nghĩ, hành động sai lầm. Vì không biết rõ con người mình, không biết rõ cái tâm của mình nên có những suy nghĩ và hành động sai lầm, gây ra nỗi khổ cho mình và người khác.

Có nhiều người than vì nghèo nên khổ, nhưng khi có cơ hội vươn lên (nhờ sự giúp đỡ của người khác) trở nên giàu có khá giả, họ cũng chẳng có niềm vui và hạnh phúc, thậm chí họ còn khổ hơn. Do ông trời chăng? Do thần linh chăng? Do định mệnh chăng? Tất cả đều không phải.

Do không hiểu tâm mình, không thấy nguồn gốc cái khổ của mình nên người ta đổ thừa cho người khác, đổ thừa cho thần linh, đổ thừa cho số phận, định mệnh. Khi còn những tập khí (thói quen, nghiệp) như ham vui, lười biếng, thích hưởng thụ, cờ bạc rượu chè, hút xách, sắc dục, thì dù đi đến đâu họ vẫn nghèo vẫn khổ; chẳng chóng thì chầy cũng rơi vào chỗ bế tắc, phá sản. Khi ấy, để “chạy tội”, tự bào chữa, biện hộ, hoặc do không hiểu mà họ cho rằng tại ông trời, tại thần linh, tại năm tuổi, vận hạn, tại gặp thời vận không may, tại cái này cái nọ…

Ở các nước có nền văn minh tân tiến, kinh tế, văn hóa, pháp luật, đời sống xã hội phát triển nhưng vẫn có chiến tranh, bạo động, trộm cướp, mại dâm, lừa đảo, tham ô, tham nhũng. Bởi vì còn nhận thức sai lầm về bản chất con người và thế giới (không thấy duyên sinh vô ngã), bởi vì còn vô minh, phiền não (tham, sân, si…) thì vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, con người không có sự bình an và hạnh phúc trọn vẹn.

Thế giới ngày nay phát triển, tiến bộ, so với thời xa xưa như trời với vực, có nhiều thành tựu mà trước đây không ai tưởng tượng ra, tuy nhiên thái bình, an lạc của nhân loại vẫn chỉ là mơ ước, con người vẫn phải đối mặt với nhiều hiểm họa: bạo động, khủng bố, chiến tranh, nguy cơ bị hủy diệt toàn cầu do vũ khí nguyên tử hạt nhân, thiên tai do môi trường bị tàn phá v.v…

Tóm lại, do vô minh, phiền não mà con người khổ chứ không phải do những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài. Vô minh phiền não chính là cái gốc, cội nguồn của muôn sự khổ. Nếu tâm thanh tịnh, sáng suốt, không còn vô minh, phiền não, có chánh tri kiến, trí tuệ (thấy biết đúng sự thật), tâm không điên đảo mộng tưởng thì khổ đau vắng bóng và an lạc hạnh phúc có mặt.

Có người thắc mắc, dường như Đức Phật không thực tế lắm. Rõ ràng là do người này người kia, do việc này việc nọ làm mình khổ; do gia đình, do tổ chức, do đoàn thể, do xã hội làm mình khổ v.v… Sao lại quy trách nhiệm về mình, cho rằng vì mình có phiền não tham, sân, si… nên mới khổ; nhận thức như thế e rằng mơ hồ, không xác thực. Tuy nhiên ít ai đặt câu hỏi cho mình: Tại sao mọi người ai ai cũng có những nỗi khổ riêng và những nỗi khổ chung do ảnh hưởng cộng đồng, xã hội? Tại sao mình lại sinh trong gia đình này mà không phải là một gia đình khác? Tại sao mình thương người này, ghét người nọ, không thích người kia? Tại sao mình có thiện cảm với người nào đó ở ngay lần gặp gỡ đầu tiên trong khi chẳng có cảm tình với người hàng ngày gặp mặt? Tại sao người này cứ theo làm khổ người kia như đòi một món nợ đã cho vay từ kiếp nào? Có khả năng thoát khỏi hoàn cảnh khổ, nhưng tại sao có người vẫn cam tâm chấp nhận chịu đựng? Ân, oán, tình, thù cứ xoay vần và đôi khi như có sự an bài sắp đặt. Tại sao con người cứ lẩn quẩn mãi trong vòng khổ, vui mà không ra thoát được? Tại sao và tại sao? Có trăm ngàn câu hỏi tại sao mà con người không thể giải đáp nếu không hiểu lý duyên sinh-nhân quả.

Đức Phật đã thấy rõ nhân quả mà con người đã tạo và thọ lãnh từ vô thủy kiếp cho đến nay trùng trùng lớp lớp, chằng chịt và xuyên suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai chứ không phải chỉ trong một đời này. Nhân đưa đến quả, quả lại làm nhân, vừa là nhân của cái này lại vừa làm duyên cho cái khác, vô số nhân, duyên, quả hình thành nên đời sống con người và thế giới.

Vì vô minh, không thấy được duyên sinh nhân quả, không thấy vạn pháp vô ngã nên sinh khởi các phiền não, tham ái, chấp thủ; thân, khẩu, ý hành động sai lầm, điên đảo. Không thấy được duyên sinh, vô ngã nên thấy thật có ta, có người, thật có những thứ sở hữu của ta, của người, thật có các sự vật, hiện tượng (trong khi thực chất tất cả chỉ là do nhân duyên sinh khởi, không đối tượng nào có thật thể và thường hằng bất biến, mỗi sự vật hiện tượng đều do muôn ngàn sự vật hiện tượng khác cấu thành, luôn ở trong tình trạng biến đổi), từ đó sinh khởi các phiền não dẫn đến những tạo tác mê lầm, rơi vào mạng lưới nhân quả trùng trùng lớp lớp.

Nếu không thấy được bản chất của hiện tượng vạn hữu, không hiểu được quy luật của đời sống, tức là không có nhận thức đúng thì không thể nào có được những tư duy, hành động tích cực mang lại an lạc hạnh phúc cho mình và mọi người, không thể nào xây dựng, cải thiện thế giới ngày một tiến bộ hơn.

Khi hiểu được bản chất và những quy luật của đời sống, khi có sự rèn luyện tâm lý, ý chí, sự tu tập tâm thì con người sẽ bớt khổ hơn. Mục đích của đạo Phật là chuyển hóa những phiền não khổ đau và có được an lạc hạnh phúc ngay trên cuộc đời này. Dù sống trong cõi đời ngũ trược, đời sống đầy những khó khăn nhưng tâm vẫn bình an và hạnh phúc là mục đích phấn đấu của người tu học Phật.