Vợ bị ăn hiếp mà chồng “bỏ của chạy lấy người”

Tôi nghe tiếng la ré như xé vải quen quen, không ai khác là cô vợ yêu quý. Xấu hổ quá, tôi cứ thế chạy luôn không về nhà.

Chiều hôm ấy, sau khi tan sở, tôi chạy xe về nhà. Về gần đến nhà thì tôi thấy xóm tôi đang xảy ra một vụ cãi nhau làm náo loạn cả xóm. Tôi nghe tiếng la ré như xé vải của ai đó, nghe quen quen. Chẳng cần nhìn kỹ tôi cũng biết nhân vật chính của cuộc náo loạn đó không ai khác mà là cô vợ yêu quý của tôi. Xấu hổ quá, tôi cứ thế chạy luôn không về nhà.
Khi thành phố đã lên đèn tôi mới trở về nhà, tưởng thế là được yên chuyện. Ai ngờ vừa vào cửa, tôi đã bị vợ mắng cho té tát vì tội thấy vợ bị ăn hiếp mà “bỏ của chạy lấy người”. Tôi luôn là chỗ để vợ trút tàn dư cơn thịnh nộ với xóm giềng.
Không phải tôi không thương vợ, không phải tôi không đau lòng khi thấy vợ bị ăn hiếp, không phải tôi không can đảm che chở cho vợ mà đơn giản chỉ một điều: Những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa ở xóm tôi mà trong ¾ số vụ đó vợ tôi thủ vai chính. Có hôm mới sáng sớm chưa thức dậy, tôi đã nghe tiếng chửi bới the thé “mở hàng” của vợ chỉ vì một sự xích mích nhỏ với hàng xóm. Tôi chẳng còn dám ngẩng cao đầu nhìn hàng xóm khi mà vợ luôn làm tôi mất mặt. Tôi luôn lấy cớ để ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Vậy mà tôi cũng không được yên thân, vợ hay xách mé: "Anh mới được thăng chức lên làm sếp à? Sếp gương mẫu nhỉ? Được thế thì tôi đây đâu phải khổ…”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ngày xưa, tôi đã từng bị “đổ” vì giọng nói như hát, tính cách nhẹ nhàng của vợ. Từ khi đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống gia đình tôi đã chẳng còn chút yên ấm nào. Những lo toan thường nhật khiến cho tính cách dịu dàng của vợ đã biến mất. Cuộc sống vô vàn khó khăn của đôi vợ chồng trẻ với hai bàn tay trắng đã biến vợ thành một con người hoàn toàn xa lạ. Vợ bỗng trở nên chanh chua, chát chúa, không biết phải trái khiến cho tôi bị sốc, bị tổn thương rất nhiều . Rất nhiều lần, tôi tự hỏi chính mình, phải chăng tôi quá bất tài khi không lo được cho vợ con một cuộc sống sung sướng. Phải chăng nếu tôi để vợ không phải lo lắng đến “cơm áo gạo tiền” thì vợ sẽ trở lại như ngày xưa kia?
Tôi lao vào kiếm tiền, tôi làm tất cả những điều đó chỉ vì tình yêu dành cho vợ con, để vợ con không phải hổ thẹn với đời. Chỉ buồn một nỗi, vợ chưa bao giờ cảm thấy vừa lòng. Vợ luôn so bì với những đứa bạn cùng trang lứa. Vợ luôn tự trách bản thân sao ngày xưa không chọn anh A, anh B đã có sẵn địa vị cao quý để giờ đây chỉ việc mà “ngồi mát ăn bát vàng”. Vợ đâu biết rằng chính những lời nói và hành động của vợ càng ngày càng đẩy hạnh phúc gia đình mình xuống bờ vực thẳm. Bữa cơm gia đình hầu như chỉ nghe thấy âm thanh khô khốc, lạch cạch của bát đũa, của tiếng thở dài mà không phải là những câu chuyện vui, chuyện buồn cần chia sẻ với nhau. Chưa dừng lại ở đó, vợ còn “giận cá chém thớt” sang cả con, vợ quát con bằng những lời lẽ chợ búa rất khó nghe. Tôi luôn lo lắng cách dạy con như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của một đứa trẻ, làm nhiễm thói quen xấu ấy vào tâm hồn trong trắng của chúng. Những bất đồng vợ chồng ngày càng nhiều, khoảng cách vợ chồng ngày càng xa.
Đã có lúc tôi cảnh báo vợ rằng cái gì cũng phải có mức độ giới hạn của nó. Tôi đã không thể tìm thấy sự bình yên, thoải mái mỗi khi trở về nhà và vì thế càng ngày tôi càng không muốn trở về nhà. Nếu vợ không dừng lại trước khi quá muộn thì chắc một ngày không xa, tôi cũng sẽ “ Bỏ của chạy lấy người” như những lời mà vợ tôi đã từng nói…
Thế nhưng, vào một buổi chiều đẹp trời, tan sở về nhà, tôi bỗng rùng mình khi thấy cảnh nhà vắng lặng như tờ. Cứ tưởng là không có vợ ở nhà, ai dè khi bước vào phòng khách thì thấy vợ đang cắm hoa. Tôi gần như không tin vào mắt mình trước chuyện lạ đó, vì từ trước tới giờ, hoa đối với vợ là thứ xa xỉ, vô bổ, tốn tiền vô ích. Chưa hết, đêm hôm đó khi tôi đang lơ mơ ngủ thì bị vợ đánh thức dậy để xem nàng trình diễn thời trang đồ ngủ với vẻ mặt hớn hở. Trước đây, cứ hễ vợ mở miệng ra là hỏi tiền, vậy mà đã qua ngày lãnh lương mấy hôm rồi mà chẳng thấy vợ hỏi câu tiền đâu. Vợ tự dưng không hối thúc tôi lao vào kiếm tiền như trước, đã vậy còn “dở chứng” rủ cả gia đình đi ăn nhà hàng, đi du lịch. Hàng xóm cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy vợ không kiếm cớ gây sự như trước, gặp ai cũng cười toe toét. Còn con tôi thì khỏi phải nói, cháu cứ tấm tắc: Mẹ tự dưng hóa thành nàng tiên…
Hóa ra tất cả mọi chuyện thay đổi 360 độ như vậy từ cái hôm vợ đi đám ma chồng một cô bạn học. Chứng kiến nỗi đau mất chồng của cô bạn vì tai nạn giao thông, mà trước đó hai vợ chồng cô bạn đã có một cuộc cãi nhau kịch liệt chỉ vì cơm áo gạo tiền. Do muốn kết thúc cuộc cãi nhau, anh chồng phóng xe ra khỏi nhà trong trạng thái chán đời và bi kịch đã xảy ra ngay chính lúc đó. Tiếng khóc than cùng dòng nước mắt hối hận, đau khổ tột cùng của cô bạn đã khiến vợ tỉnh ngộ. Hình ảnh cô bạn ngất lên ngất xuống trước quan tài chồng cùng những lời hối tiếc, ân hận cứ ám ảnh vợ mãi. Vợ chợt nhận ra rằng: Cuộc sống thật mong manh, đời người thật ngắn ngủi, hạnh phúc ở trong tay, tại sao không biết trân trọng giữ gìn, tại sao tự mình đầy đọa mình và làm khổ những người thân yêu bên cạnh mình. Khi nghe vợ tâm sự như vậy tôi mới chợt nhớ ra ý định “ Bỏ của chạy lấy người” mà trước đây tôi thường hay nghĩ tới. May mà vợ tôi đã kịp nhận ra…

Bỏ chồng, đừng bỏ mình

Khi đã bỏ chồng, đừng bỏ chính mình. Đừng từ chối lời cầu hôn khác chỉ bởi bạn đã từng chấp nhận một lời cầu hôn trong quá khứ.

Tôi thích lời chia sẻ của một chuyên gia tâm lý, rằng, phụ nữ phải bốn mươi mới biết tình yêu quý giá và hiếm hoi đến nhường nào. Bởi khi hai mươi, nàng nhiều tình nhân và yêu nhiều người nhưng lại là lúc nàng dễ bị tổn thương bởi tình yêu nhất.

Tuổi ba mươi yên ổn và biết cách duy trì mối quan hệ lâu dài. Thế nhưng yêu lại ở tuổi bốn mươi, phụ nữ dường như rất khó để quay trở lại là một nguời phụ nữ tin tưởng vào tình yêu.

Không có tình yêu, hôn nhân biết đâu trở thành ràng buộc, ở những nơi ràng buộc lỏng lẻo, có người phụ nữ đã gỡ sợi dây ấy ra khỏi đời mình.

Ly hôn không có nghĩa là bị thải ra khỏi hôn nhân. Chỉ là chúng ta cố gắng để xoay sở trong vô số ràng buộc, mà muốn đứng vững, ta buộc phải bứt vài nút thắt hoặc gỡ xuống vài mơ ước trong đời. Có người hy sinh cái tôi hoặc bỏ việc. Một số khác chia tay người bạn đời để được tự do cứới chính hạnh phúc của mình.

Liệu chúng ta có thể sống như một phụ nữ thông minh, cân nhắc kỹ bằng khối óc, trứớc khi để cho con tim rung động hay không?

1. Không lấy sai lầm của bản thân để tự trừng phạt mình

Rất nhiều người sau ly hôn đã đánh mất đi sự rung cảm với cái đẹp, với cả thế giới này.

Nhiều người chỉ nhớ những nỗi đau đớn từ cuộc hôn nhân cũ. Ánh mắt và lời nói xúc phạm của chồng hoặc người thân; Những giây phút chật vật khó khăn và cô đơn; Sự phản bội và thất vọng; Những mất mát lớn về tiền, nhan sắc, sức khỏe, tình cảm và con cái sau cuộc sống chung với người đàn ông từng được gọi là chồng... Những kỷ niệm ấy luôn quay trở lại giày vò người phụ nữ sau hôn nhân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bạn có lỗi không? Tôi nghĩ bạn đúng là có lỗi đấy chứ. Lỗi của bạn là đã để cho quá khứ giết chết mọi cơ hội hạnh phúc tiếp theo của chính mình.

Có lần tôi viết một kịch bản quảng cáo cho một công ty địa ốc đang rao bán khu chung cư mới trong nội thành. Tôi nói, người Việt Nam thường mua nhà khi cưới hoặc khi con họ cưới. Còn chúng ta, chúng ta sẽ bán nhà cho những nguời ly hôn. Bởi khách hàng ly hôn sẽ có nhu cầu gấp đôi. Trên lý thuyết, một đám cưới chỉ cần một ngôi nhà, một cuộc ly hôn cần có ngay lập tức hai căn hộ. Bởi rất nhiều phụ nữ đã không dám quay trở về nhà bố mẹ đẻ, càng không thể ở lại ngôi nhà của chồng và gia đình chồng, dù con họ đang sống ở đấy. Và họ bán một căn "hôn nhân" để mua hai căn "ly hôn" mới!

Những người phụ nữ xách va li ra khỏi cuộc hôn nhân, họ không chỉ tìm một căn hộ chung cư mới, họ muốn tìm một cuộc sống mới. Tôi thương khoảnh khắc những người phụ nữ xách va li đi ra khỏi cuộc đời người đàn ông họ từng tha thiết yêu, ra khỏi mái nhà họ từng tưởng đó là mái ấm.

Những quảng cáo bất động sản ở Việt Nam chỉ rao bán những lợi ích vật chất, sự tiện nghi, gợi lên lòng tham hoặc mong uớc đầu cơ, mong ước hưởng thụ vật chất, một cách rất tầm thuờng và dễ dãi. Tôi muốn khi nói về một căn phòng, hãy nói đến tình yêu và những giá trị nhân văn, những sự cảm động và những cảm xúc rất con người ở đó. Ta không bán một căn hộ, ta bán một cuộc sống mới.

Có thể tôi không phải một người có tố chất viết copywrite tốt. Nhưng tôi tin rằng rất nhiều phụ nữ sau ly hôn hoặc đang ngấp nghé cánh cửa ly hôn sẽ cảm nhận đuợc điều ấy. Chúng ta có quyền có một cuộc sống mới, khi người đàn ông sau lưng đã không yêu ta và thương ta được như họ nói.

Tỉnh dậy mỗi sáng trong một căn phòng của chính mình, tận hưởng một bình minh yên tĩnh và trong lành, không bị vẩn đục bởi quá khứ, mới là điều mà một phụ nữ bỏ chồng nên làm, để có thể lại cảm thấy hạnh phúc.

Có thể đã yêu nhầm người, đã lấy nhầm chồng. Nhưng sau đó, có quyền bỏ chồng để cưới lại chính đời mình chứ, ai bảo sẽ không hạnh phúc!

Ai bắt một phụ nữ phải sống mãi với quá khứ, hoặc để sai lầm trong quá khứ hành hạ mãi mãi?

2. Không lấy sai lầm của kẻ khác để trừng phạt chính ta

Khi người phụ nữ xách va li đi khỏi cửa, người đàn ông còn hé cánh cửa nhìn theo.

Người vợ cũ có thể sẽ tuột tay đánh rơi vali, người chồng vẫn sập cửa như thể không nhìn thấy gì, hoặc người chồng sẽ hả hê trên sự trục trặc của nguời đàn bà cũ. Rất ít người chồng cũ sẽ giúp sửa nhà nơi bà vợ cũ dọn tới ở, hoặc đơn giản hơn, khuân vác những đồ đạc giúp vợ để cô ấy ra khỏi cuộc hôn nhân một cách ít vất vả hơn.

Rất ít người đàn ông gọi điện bảo thằng bồ mới của vợ cũ rằng, mày cư xử không tốt với cô ấy, tao sẽ tính sổ với mày. (Bởi nếu họ làm được như thế, hẳn bạn đã không phải ly dị họ, đúng không?)

Nhà quảng cáo không chấp nhận kịch bản của với lý do, nó quá trân trọng cảm xúc của phụ nữ nên vô hình trung hơi mỉa mai đàn ông thời nay. Và một xã hội ăn chắc mặc bền như Việt Nam hiện nay, nói đến tài sản như một căn hộ, tòa nhà mà lại nhấn mạnh tới khía cạnh cảm xúc nhân văn, điều ấy xa xỉ quá.

Nhưng đàn ông thời nào chẳng thế, những sai lầm họ phạm phải trong hôn nhân, thường điều tiếng lại dành sang cho phía người phụ nữ. Đàn ông ngoại tình là do người vợ chả chăm sóc họ được như họ mong muốn, không mang lại cảm xúc tình dục hoặc những lạc thú như đàn ông đáng được hưởng. Đàn ông thua kém, bà vợ giỏi giang, thì tiếng xấu sẽ đổ lên đầu bà vợ giỏi đã lấn át vía chồng. Hay người đàn ông đánh đập vợ thì người đàn bà dễ bị nghe khuyên giải trách móc rằng một sự nhịn chín sự lành, cơm sôi bớt lửa, dù đời nay đâu còn ai nấu cơm bằng lửa.

Nhưng người phụ nữ nếu cố giữ gia đình ấy, hoặc sau khi ly hôn không còn dám yêu, thì khác gì bạn đang lấy lỗi lầm của kẻ khác để trừng phạt chính bản thân bạn?

3. Không lấy sai lầm của bản thân để trừng phạt kẻ khác

Khi đã bỏ chồng, đừng bỏ chính mình. Đừng từ chối lời cầu hôn khác chỉ bởi bạn đã từng chấp nhận một lời cầu hôn trong quá khứ. Đừng bao giờ yêu người đàn ông này mà trong đầu vẫn ám ảnh bởi cuộc sống chung hay tình dục với người đàn ông kia, hoặc ngược lại, đòi hỏi người đàn ông yêu bạn bây giờ cũng phải yêu như người đàn ông trong quá khứ.

Tôi từng được một cô gái trẻ thổ lộ, sau khi ly hôn, đã luôn day dứt khi nghĩ mình là phụ nữ đã "một lần đò" trong khi mấy anh bạn trai đang theo đuổi mình đều trẻ hơn, đều là "trai tân" chưa vợ lần nào. Tôi không hiểu vì sao người phụ nữ lại biến vấn đề của cô (cuộc hôn nhân không thành công trong quá khứ) trở thành vấn đề khó khăn của những anh chàng kia? Họ có xứng đáng bị đối xử như thế không?

Có một phụ nữ nữa, sau ly hôn bỗng biến thành một bà ghê gớm, như một con gà mái lúc nào cũng chực xù lông ra. Những ai lỡ nhắc lại cuộc hôn nhân cũ, chị đều cao giọng như thách thức. Những câu trêu đùa của mọi người được chị trả đũa ngay lập tức. Vào những lúc không ghê gớm đanh đá, chị lại trở nên yếu đuối và làm khổ mọi người bằng những tâm sự than thở từ blog chị, đến các diễn đàn trên mạng, rồi tỉ tê với đồng nghiệp không chán. Nhiều khi người phụ nữ sau ly hôn không nhận ra, mình đã mang tâm trạng u ám của mình để nhuộm xám mọi không gian mình tới.

Sao không yêu đời trở lại, bởi bạn chỉ có thể sống một lần, và hạnh phúc cũng như niềm vui của một phụ nữ không mấy liên quan tới việc, hôn nhân của cô ấy hiện nay có tồn tại hay không.

Vợ mê muội, chồng mệt mỏi

Lần này, tận mắt chứng kiến cảnh con khóc không thành tiếng mà vợ vẫn vô tư “hun khói” cả nhà để tẩy phong long, anh không thể nhịn nổi.

Đi làm về đến cổng, anh hốt hoảng khi thấy khói bốc ra mù mịt từ nhà mình. Nghe tiếng khóc ngặt nghẽo của đứa con mới tám tháng trong phòng ngủ, anh lo quá, quẳng xe chạy vội vào nhà. Khói phủ khắp nhà, dưới bếp nổ lốp bốp mà không thấy vợ đâu, anh cuống quýt cả lên loay hoay bế con chạy ra ngoài.

Lúc đó vợ anh mới lù lù xuất hiện, trên tay cầm cái chổi rành đang cháy dở lửa đỏ rực, huơ lên huơ xuống. Anh bực mình quát vợ “Em làm cái trò gì vậy, không sợ con bị ngạt à”. Nào ngờ, vợ anh đanh mặt nạt lại: “Anh đừng có ồn ào, em đang xông phong long, nói nhiều mất thiêng”. Anh tức quá, chạy xuống bếp, dội ngay gáo nước vào cái thau đầy than, bồ kết, muối và thuốc xông đang “nhả” khói um cả nhà. Quả thật, đến nước này thì anh hết chịu nổi sự mê tín ngày càng quá đáng của vợ…

Nhiều lần, anh góp ý với vợ: đã đành “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng cứ mê muội như vậy thì khổ cả chồng lẫn con. Đứa con trai mới học lớp ba đã thuộc nằm lòng lời dặn của mẹ, sắp thi hay làm bài kiểm tra là cu cậu nhất định không đụng đến chuối hay trứng, kể cả xúc xích cũng không vì sợ điểm kém. Ngày con đi thi học kỳ thôi mà chị bắt anh ra đứng canh cổng từ sớm, lúc nào không thấy bóng dáng “đàn bà” mới chở con đi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vì kiêng kỵ quá mức, lắm lúc, vợ anh làm mất lòng nhiều người. Nhớ hồi mới sinh bé thứ hai được ba tháng, cô anh lên thăm, bồng cháu rồi nựng: “Yêu quá cơ, mập mạp thế này, nhìn chỉ muốn cắn một cái thôi à”. Vợ anh đã phủ đầu ngay: “Phủi phui cái mồm ăn mắm ăn muối của bà, chỉ tổ độc mồm thôi”. Sau lần ấy, bà cô tức giận bỏ về, chẳng thấy quay lại thăm cháu lần nào. Vợ anh cứ càm ràm mãi chuyện này, con người ta đang nhỏ xíu mà “quở” mập mạp thế là xui phải biết. Rồi đến chuyện, Tết năm ngoái, ngay sáng mồng một ông chú họ anh đã lặn lội từ dưới quê lên để chúc Tết khiến vợ anh không mấy hài lòng. Bởi theo quan niệm của vợ, tuổi của ông chú không hợp để “xông đất” nhà anh. Thế là, ra năm, cứ có chuyện gì xảy ra là vợ anh đổ riết cho ông chú đã ám vía xui xẻo…

Vì vợ mê tín nên nhà anh cứ cúng kiếng liên miên, tốn kém cả tiền triệu. Mặc dù chuyện thờ cúng ông bà, xây lăng, tạ mộ, anh rất coi trọng nhưng vợ hở tí là mời thầy về cúng thì anh không thể nào đồng ý. Con anh bị sốt mấy ngày, vợ chồng đã đưa đi khám bác sĩ nhưng chị khăng khăng phải cúng, con mới khỏi bệnh vì chị đi coi bói, thầy bảo con anh bị người âm theo. Sáng mồng một đầu tháng, vợ rửa bát làm vỡ cái dĩa thì y như rằng tối đó, vợ anh đã mua lễ để cúng giải hạn. Nghe ai bảo chỗ nào có thầy xem đúng thì bằng mọi giá, vợ anh phải đi cho bằng được, có khi, qua tận tỉnh khác. Lần đầu, anh giật mình khi mới tờ mờ sáng đã thấy vợ dậy thắp hương, khấn vái rồi rón rén ra khỏi nhà. Cả ngày hôm đó, điện thoại của chị không liên lạc được làm anh vô cùng lo lắng. Riết dần quen, hôm nào chị có hành động như vậy, anh biết chắc là chị đang đi xem bói. Nhưng rồi, khi con bị ốm mà chị vẫn đi xem bói vì đã hẹn thầy thì anh nổi khùng…

Lần này, tận mắt chứng kiến cảnh con khóc không thành tiếng mà vợ vẫn vô tư “hun khói” cả nhà để tẩy phong long, anh không thể nhịn nổi. Sau khi dẹp xong đống “đồ nghề” của vợ, anh cương quyết tuyên bố, nếu chị không chấm dứt thói mê tín quá đà thì anh sẽ ly hôn. Mặc cho chị thút thít khóc, than vãn: chị làm vậy cũng vì gia đình chứ có phải lo cho bản thân mình đâu!....

Chẳng biết, nghe lời đe dọa, vợ anh có bớt mê tín hay không?

Khổ vì... cái số đào hoa!

Anh nói rằng anh rất khổ vì cái số đào hoa của mình. Anh nói khi đang yêu em mà chạy theo người khác là vì “cái số nó vậy”...

Anh lại hỏi em tại sao không thể tha thứ cho anh lần nữa? Tận đáy lòng mình, em rất muốn tha thứ cho anh. Thế nhưng, khi em chưa kịp làm điều đó thì anh đã tiếp tục phạm lỗi.

Thử hỏi trái tim em làm sao có đủ chỗ cho đau buồn, làm sao có thể chịu đựng nổi sự phản bội không chỉ một lần? Em đã tha thứ cho anh lần một, lần hai và nhiều lần nữa. Nhưng rồi, lần nào em cũng phải đớn đau khi anh vẫn chứng nào tật ấy…

Anh nói với em rằng anh rất khổ vì cái số đào hoa của mình. Anh cho rằng khi đang yêu em mà chạy theo người khác là vì “cái số nó vậy” chớ anh không hề mong muốn làm điều đó đối với em. Tất cả chỉ là ngụy biện! Chẳng có số phận nào cả mà chỉ là do lòng người quá tham lam, ích kỷ, không bao giờ biết bằng lòng với cái mình đang có. Anh là một người như thế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bây giờ, sau bao nhiêu lần thất bại, anh lại quay về để xin em thêm một lần tha thứ. Hãy quên em đi! 10 năm là đã quá đủ để em nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của chúng mình. Không biết có bao nhiêu người phụ nữ giống như em, cứ hết lần này đến lần khác nhìn người mình yêu thương vuột khỏi tầm tay.

Giờ thì sau bao nhiêu giông bão, em quyết định để cho cánh diều tự do tung cánh. Em sẽ không quan tâm anh thương ai hay ghét ai, anh đang yêu ai hay bị ai phản bội. Như thế có nghĩa là lòng em đã nguội lạnh. Anh hãy tránh xa em như trước đây - mỗi khi có một người con gái khác thì anh lại có đủ lý do để rời xa em. Bây giờ, anh hãy cứ làm như vậy bởi trái tim em không thuộc về anh nữa. Cố níu kéo chỉ gây phiền phức cho nhau.

Điều cuối cùng em muốn nói là nếu vẫn cứ “đào hoa” như thế thì anh sẽ tiếp tục lêu bêu như đám rong rêu giữa cuộc đời này…