Khổ vì... cái số đào hoa!

Anh nói rằng anh rất khổ vì cái số đào hoa của mình. Anh nói khi đang yêu em mà chạy theo người khác là vì “cái số nó vậy”...

Anh lại hỏi em tại sao không thể tha thứ cho anh lần nữa? Tận đáy lòng mình, em rất muốn tha thứ cho anh. Thế nhưng, khi em chưa kịp làm điều đó thì anh đã tiếp tục phạm lỗi.
Thử hỏi trái tim em làm sao có đủ chỗ cho đau buồn, làm sao có thể chịu đựng nổi sự phản bội không chỉ một lần? Em đã tha thứ cho anh lần một, lần hai và nhiều lần nữa. Nhưng rồi, lần nào em cũng phải đớn đau khi anh vẫn chứng nào tật ấy…
Anh nói với em rằng anh rất khổ vì cái số đào hoa của mình. Anh cho rằng khi đang yêu em mà chạy theo người khác là vì “cái số nó vậy” chớ anh không hề mong muốn làm điều đó đối với em. Tất cả chỉ là ngụy biện! Chẳng có số phận nào cả mà chỉ là do lòng người quá tham lam, ích kỷ, không bao giờ biết bằng lòng với cái mình đang có. Anh là một người như thế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bây giờ, sau bao nhiêu lần thất bại, anh lại quay về để xin em thêm một lần tha thứ. Hãy quên em đi! 10 năm là đã quá đủ để em nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của chúng mình. Không biết có bao nhiêu người phụ nữ giống như em, cứ hết lần này đến lần khác nhìn người mình yêu thương vuột khỏi tầm tay.
Giờ thì sau bao nhiêu giông bão, em quyết định để cho cánh diều tự do tung cánh. Em sẽ không quan tâm anh thương ai hay ghét ai, anh đang yêu ai hay bị ai phản bội. Như thế có nghĩa là lòng em đã nguội lạnh. Anh hãy tránh xa em như trước đây - mỗi khi có một người con gái khác thì anh lại có đủ lý do để rời xa em. Bây giờ, anh hãy cứ làm như vậy bởi trái tim em không thuộc về anh nữa. Cố níu kéo chỉ gây phiền phức cho nhau.
Điều cuối cùng em muốn nói là nếu vẫn cứ “đào hoa” như thế thì anh sẽ tiếp tục lêu bêu như đám rong rêu giữa cuộc đời này…

Bầm dập vì chồng “khéo mồm, tốt tính“

Ngày yêu nhau ai cũng ghen tỵ với chị vì anh đẹp trai, lãng tử, nhưng đến khi chị lấy anh, ai cũng cản...

Ngày yêu nhau ai cũng ghen tỵ với chị vì anh đẹp trai, lãng tử, nhưng đến khi chị lấy anh, ai cũng cản vì anh có số đào hoa, thích giúp đỡ và tán tỉnh người khác...

“Thờ” con một cách quá lố

Con tôi và con của Hồng là hai đứa bé trai, thế nhưng phải “xếp giáp quy hàng” trước hai cô bé gái kia vì chúng rất... quậy.

Nhóm bạn chúng tôi quyết định làm một cuộc “hành quân” xoay vòng, mỗi cuối tuần lần lượt đưa chồng con đến nhà bạn mình chơi. Đầu tiên là nhà tôi, bốn đứa bạn gái, thêm bốn ông chồng và bốn đứa trẻ. Theo bàn tính, khi đến nhà đứa này thì ba đứa kia “trổ tài” làm món “tủ”. Chủ nhà chỉ việc xếp bàn ghế. Mấy ông chồng được “xóa cấm vận” nên uống bia thỏa thuê. Người lớn vui tươi, con nít hồn nhiên. Nhưng có lẽ điều đáng suy nghĩ nhất là hai đứa trẻ con của Thúy và Tâm.

Con tôi và con của Hồng là hai đứa bé trai, thế nhưng phải “xếp giáp quy hàng” trước hai cô bé gái kia vì chúng rất... quậy. Vừa bước xuống xe, con của Thúy đã chạy ào vào tủ lạnh mở tung cửa để lục lọi. Những trứng, giò chả, rau củ, ruốc thịt, sữa chua… đều bị con bé lôi ra thật nhanh. Và cuối cùng nó dùng đôi bàn chân bé xíu của cô bé lớp 2 hất lung tung các thứ với lý do “Hổng có cái gì ăn được hết!”. Tôi vừa xuýt xoa mớ trứng vỡ, vừa phải lau chùi nhanh nền nhà trong khi Thúy thì không một tiếng rầy la con mà chỉ nói: “Thông cảm nghen bồ, ở nhà ông bà ngoại và vợ chồng mình không la mắng bé việc gì cả. Nó làm gì cũng được, miễn không nghịch điện, nước sôi, dao, kéo”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chưa lau xong mớ trứng vỡ thì có tiếng con của Tâm khóc ngất. Bé An con tôi chạy ra méc: “Mẹ coi bạn đó kìa! Máy vi tính của mẹ con còn không dám đụng mà nó mở lung tung hết! Nó đòi mở đĩa, con không cho nên nó lấy chổi lông gà đập lên màn hình rồi khóc um sùm vậy đó!”. Tôi suýt… đứng tim vì sợ bể chiếc màn hình tinh thể lỏng mới mua. Chưa kịp bước vào phòng thì Tâm đã níu lại: “Bồ đừng la bé Hằng Nga nha! Mới học lớp 1 nên nó còn khờ, muốn cái gì là phải được cái nấy hà! Nếu nó lỡ đập bể màn hình thì mình đền cho”.

Rồi Tâm kể, chuyện hai vợ chồng sống với nhau sáu năm mà chưa có con, suýt thôi nhau cũng vì hiếm muộn. Ông bà nội bé Nga bảo nó là "ngọc nữ" nên "chỉ thị" không ai được la mắng bất cứ chuyện gì. Vợ chồng Tâm là nhân viên văn phòng, mọi thứ chi dùng đều do ông bà nội “bao cấp” nên không dám cãi ông bà.

Bữa tiệc “kinh khủng” rồi cũng qua. Trước khi ra về, con của Tâm nhất quyết phải: “Bỏ ông địa của anh An vào giỏ xách cho con!”. Con của Thúy thì nhất định phải khều cho được chiếc bình hoa rơi xuống bàn mới chịu lên xe…

Cô vợ không nhăn

“Vợ không nhăn” là biệt danh của bạn bè anh Hùng đặt cho Thu Nguyệt - vợ anh vì “biệt tài” không nhăn nhó, cằn nhằn khi chồng xỉn, bê trễ. 

"Một điều nhịn, chín điều lành”, “dĩ hòa vi quý” là bài học có thể cứu được những cuộc hôn nhân bên bờ tan vỡ; nhưng cũng cái lẽ nhẫn nhịn ấy, nhiều cuộc hôn nhân lại bị đẩy đến bờ vực thẳm, khi những mâu thuẫn không được giải quyết cứ cộng dồn, nén chặt đến lúc nổ tung, hết đường cứu vãn.

“Chín sự lành”

Anh Hữu Hùng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn tự hào với bạn nhậu là có “cô vợ không nhăn”. “Vợ không nhăn” là biệt danh của bạn bè anh Hùng đặt cho Thu Nguyệt - vợ anh vì “biệt tài” không nhăn nhó, cằn nhằn mỗi khi chồng xỉn say, bê trễ. Hùng là bợm nhậu, cứ có “độ” là không kể vợ con, tha hồ hưởng ứng đến khi “tàn chiến cuộc” mới ngả nghiêng về nhà. Lúc mới cưới, Nguyệt cũng bực bội, ấm ức, nhưng vì sợ tạo tiền lệ vợ chồng mới đã gây cãi nên cố nhẫn nhịn. Vì thế, chuyện cứ lặp đi lặp lại. Có lúc cơm canh nguội lạnh, Hùng lại chân thấp chân cao dắt theo bạn nhậu về làm… tăng hai, Nguyệt tuy khó chịu vẫn ân cần tiếp đón, vì thể diện của chồng.

Lần đầu tiên theo Hùng về Bắc lo đám giỗ ba chồng cũng là lúc Nguyệt mang thai đứa con đầu lòng. Vừa về đến quê, Hùng bỏ mặc vợ đang ốm nghén một mình lo chuyện giỗ quảy, anh tụ tập ngay với bạn bè cũ để ăn nhậu. Hôm đám giỗ, tiệc vừa tàn, Hùng lại kéo bạn bè cũ đi chơi tiếp. Nguyệt dọn dẹp xong thì kiệt sức, về phòng rấm rứt khóc vì tủi, vì mệt. Gần sáng, nghe tiếng bước chân chồng lên cầu thang, Nguyệt đã định nói hết cho thỏa, nhưng thấy chồng mùi rượu nồng nặc, ý nghĩ đó lại tiêu tan, cô lại cho qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Không kiềm chế được như Nguyệt, để giữ cho nhà cửa được yên, mỗi lần giận chồng, Kim Phượng (Dĩ An, Bình Dương) phải tự giải tỏa bằng cách vào phòng tắm, khóc nức nở cả tiếng đồng hồ. Lập, chồng Phượng, là người gia trưởng, luôn giành quyền quyết định, phán xét mọi việc trong nhà. Lập luôn “tinh mắt” phát hiện những thiếu sót của vợ rồi phán xét, chê bai nhưng tuyệt đối không động tay phụ giúp. Biết rằng với tính cách của chồng thì đấu tranh chỉ thêm mệt mỏi nên Phượng chọn cách nhẫn nhịn, tự mình giải quyết mọi chuyện. Nhưng từ khi có con, việc nín nhịn chồng càng lúc càng trở nên quá sức chịu đựng của cô. Lập không giúp vợ chăm con, nhưng mỗi lần con đau ốm, anh lại giãy nảy lên, buộc tội vợ “vô tích sự”, “không biết nuôi con”. Sốt ruột nhìn con ốm, lại thêm áp lực từ những trách móc, đổ lỗi của chồng, Phượng một mình ôm con mà đầu óc cứ căng như dây đàn. Nhiều lần được bạn bè, họ hàng góp ý, bản thân Phượng cũng nhận ra mình bị ức hiếp, lấn lướt trong quan hệ với chồng. Nhưng… “hơn thua làm gì khi còn có đứa con ràng buộc”, nghĩ vậy, rồi nghĩ cho con, Phượng lại nín chịu.

Con cái, danh dự, cuộc hôn nhân đã dày công xây dựng là những lý do khiến nhiều người vợ im lặng lùi bước trước sự quá quắt của chồng. Hơn nữa, những khuyết điểm của các ông chồng vốn đã dậy sóng cuộc sống gia đình, người vợ đã quá mệt mỏi nên không muốn tự mình làm mưa làm gió thêm nữa, nhường nhịn trở thành cách duy nhất để họ giữ sự yên bình.

Tức nước vỡ bờ

Nhưng, đâu phải cứ nhịn là được yên. Sau mỗi lần Phượng cắn răng nhẫn nhịn, sự lấn lướt của Lập càng quá đáng. Bản tính gia trưởng dần trở thành thái độ coi thường vợ. Bản thân Phượng sau một thời gian dài thất vọng về chồng đã trở nên vô cảm, không còn hy vọng gì ở người đàn ông ấy nữa. Sự nhường nhịn vốn xuất phát từ lòng bao dung dần nhường chỗ cho thái độ buông xuôi, không buồn đáp trả. Lập quát tháo, Phượng nín lặng. Lập lớn tiếng sai bảo, Phượng lẳng lặng làm theo. Quan hệ vợ chồng như được lập trình theo mẫu “ra lệnh - tuân lệnh”. Dù vậy, sự tự ái, tủi hờn vẫn không buông tha Phượng mỗi lúc bị chồng quát tháo, sai bảo. Trong dịp thôi nôi con trai, chỉ vì thiếu vài vật dụng cần thiết để làm lễ, Lập hung hăng quát tháo, trách mắng vợ trước mặt bạn bè của hai người. Vẫn im lặng, Phượng vừa bế con chạy ra quầy tạp hóa đầu ngõ để mua thêm đồ, vừa lau nước mắt. Trên đoạn đường ngắn ngủi ấy, cô quyết định từ bỏ người đàn ông đã trở nên thô bạo, xấu xí trong mắt mình.

Cũng một kiểu “tức nước vỡ bờ” như thế, sau khi sinh con, Nguyệt trở nên trầm cảm, cáu bẳn mỗi khi nhìn thấy chồng. Theo cô, sự nhường nhịn của cô đã không giúp chồng biết nghĩ lại, mà càng khiến anh ngày càng trở nên vô tâm. Hôm Nguyệt chuyển dạ, cả nhà vào bệnh viện để cùng cô chờ sinh. Hùng chờ được một lát thì ra ngoài, đi nhậu với bạn bè. Trong phòng sinh, Nguyệt gặp sự cố phải chuyển sang mổ gấp. 

Đau đớn, sợ hãi, lại không tìm thấy bàn tay của chồng giữa những đôi tay người thân đang hối hả phụ đẩy giường bệnh sang phòng mổ, Nguyệt uất ức, tủi hờn đến phát khóc. Sau lần vượt cạn một mình ấy, Nguyệt không thể nhìn chồng mà nói những lời lịch sự, ân cần được nữa. Mỗi lần chồng bước vào phòng hai mẹ con, Nguyệt lại liên hồi kể tội trước đây của chồng với giọng chua chát, hằn học. Dù Hùng tỏ vẻ hối hận, tự trách mình vô tâm, nhưng Nguyệt vẫn không ngăn được cơn giận dữ, bực bội cứ trào lên mỗi khi thấy chồng.

Rõ ràng, trong hôn nhân, khi có một bên nhẫn nhịn, xung đột sẽ lắng xuống, mối đe dọa sóng gió cũng tiêu biến. Nhưng mọi sự yên lành có được từ sự nhẫn nhịn đều chỉ nhất thời, tạm bợ vì nguyên nhân gây ra xung đột không hề mất đi, những ẩn ức cũng cứ thế chất chồng. Xung đột sẽ tiếp diễn, thách thức sức chịu đựng. Sự nhẫn nhịn lâu ngày còn khiến vợ/chồng mất thói quen đối thoại, chia sẻ; phá vỡ sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Chưa kể, con người luôn bất toàn, luôn cần được động viên và góp ý để hoàn thiện dần. 

Nhẫn nhịn, suy cho cùng, là một động thái bất công với mọi bên, về mọi mặt. Việc che giấu tiếng nói phản biện tước đi của người nhẫn nhịn cơ hội được tỏ bày, tước đi của người được nhẫn nhịn một cơ hội để nhìn lại mình và sửa đổi, cản trở sự gắn kết, hòa hợp trong hôn nhân. Vì thế, trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng, nhẫn nhịn chỉ nên là một phép “hoãn binh”, để từ đó hướng tới sự giãi bày một cách tỉnh táo, chân thật. Sau mọi cơn nóng giận, vợ chồng cần đối thoại để hiểu những bức xúc, mong muốn của nhau, hoặc chỉ đơn giản là để cho nhau cơ hội được tâm sự. Thói quen kiềm chế sẽ khiến ta đeo mang hoài những ẩn ức, trở thành quả bom nổ chậm, như một con sông mang trong mình những đợt sóng ngầm, chẳng biết khi nào sẽ bung trào.