Vai trò giám sát hai du thuyền bắn pháo hoa đêm tàu Vịnh Xanh 58 lật

Hai du thuyền Sea Octopus và Ambassador Cruise lên tiếng xin lỗi vì vẫn tổ chức bắn pháo hoa khi tàu Vịnh Xanh 58 bị lật. Câu hỏi về vai trò giám sát?

Sau vụ lật tàu thương tâm tại Vịnh Hạ Long khiến 37 người chết, 2 người hiện vẫn đang mất tích, hai du thuyền hạng sang Sea Octopus và Ambassador Cruise vẫn tổ chức bắn pháo hoa và mở nhạc. Dư luận phẫn nộ, doanh nghiệp xin lỗi, cơ quan quản lý lên tiếng. Nhưng ở giữa những phản ứng ấy, câu hỏi lớn hơn vẫn còn: Liệu có hay không khoảng trống pháp lý và đạo đức trong ngành du lịch?

11.jpg
Màn pháo hoa trên du thuyền Ambassador Cruise. Ảnh: Ambassador Cruise

chuẩn mực pháp lý thôi là chưa đủ

Luật sư Đặng Xuân Cường – Trưởng ban Hình sự, Công ty Luật TAT khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho rằng, trên bình diện pháp luật thuần túy, hành vi tổ chức pháo hoa và biểu diễn nghệ thuật – nếu có đủ điều kiện về an toàn, được cấp phép thì không cấu thành hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ở đây có một yếu tố đặc biệt: thời điểm. Khi sự kiện xảy ra trong không gian mà cộng đồng đang đối diện một thảm kịch, chuẩn mực pháp lý thôi là chưa đủ. Điều cần được nhắc tới là chuẩn mực ứng xử đạo đức trong môi trường kinh doanh dịch vụ công cộng, đặc biệt là ngành du lịch.

Luật sư Cường cho rằng, rõ ràng đây là một hành vi thiếu tỉnh táo và lệch chuẩn ứng xử xã hội. Trong kinh doanh du lịch, ngoài trải nghiệm khách hàng còn có một yếu tố không kém phần quan trọng: sự đồng cảm với cộng đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện được lên lịch từ trước, doanh nghiệp có thể không nhận kịp chỉ đạo dừng hoạt động, luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng, hệ thống doanh nghiệp lớn, đặc biệt là du thuyền 5 sao không thể vận hành mà thiếu bộ phận giám sát truyền thông xã hội hoặc phối hợp an ninh địa phương. Trong một sự kiện lớn như vụ lật tàu, khó có chuyện “không biết”.

Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, ông thiên về hướng xem đây là một sai sót quản trị hơn là hành vi cố ý xem thường nỗi đau cộng đồng. Sai sót ở đây là không có quy trình phản ứng kịp thời khi có biến cố khẩn cấp trong khu vực hoạt động. Việc tổ chức pháo hoa trong một đêm tang thương không chỉ gây tổn thương dư luận, mà còn gây thiệt hại truyền thông và danh tiếng nghiêm trọng cho chính doanh nghiệp.

45555.jpg
Luật sư Đặng Xuân Cường – Trưởng ban Hình sự, Công ty Luật TAT

không cần điều luật mới, nhưng cần bộ quy tắc ứng xử tối thiểu

Nói về công tác quản lý, giám sát, luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, nhìn vấn đề ở góc độ hệ thống, liệu cơ chế truyền đạt mệnh lệnh hành chính đã đủ nhanh, rõ và kiểm tra hiệu quả chưa? Nếu thực sự đã có chỉ đạo tạm dừng pháo hoa ngay trong chiều xảy ra tai nạn, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp mà cần xem xét vai trò giám sát của cơ quan cấp phép, lực lượng cảng vụ và đơn vị quản lý du lịch. Có thể không phải “chống lưng”, nhưng có dấu hiệu của lỏng lẻo quản trị công vụ và khoảng trống trách nhiệm liên đới.

Nhìn từ góc độ luật pháp, đạo đức và truyền thông, vụ việc này để lại nhiều bài học.

Thứ nhất, về pháp lý, cần xem xét bổ sung các quy định hoặc hướng dẫn ứng xử cho doanh nghiệp dịch vụ công cộng trong các tình huống khẩn cấp - từ thiên tai, tai nạn đến quốc tang. Có thể không cần điều luật mới, nhưng cần bộ quy tắc ứng xử tối thiểu mang tính bắt buộc.

Thứ hai, về đạo đức kinh doanh, đây là hồi chuông cảnh báo. Doanh nghiệp đừng chỉ chạy theo khách hàng VIP mà quên mất rằng cảm xúc xã hội là một yếu tố cấu thành giá trị thương hiệu. Một đêm pháo hoa có thể tốn tiền, nhưng một scandal đạo đức có thể tốn uy tín suốt nhiều năm.

Thứ ba, về truyền thông, rõ ràng các công ty chưa có kịch bản ứng phó khủng hoảng. Nếu họ dừng chương trình sớm, phát thông cáo chia buồn, treo cờ rủ hoặc giảm âm lượng, dư luận có thể đã không phản ứng dữ dội đến vậy. Truyền thông tốt không phải là biết nói, mà là biết lắng nghe đúng lúc và im lặng đúng nơi.

Luật sư Cường rất đồng tình với ý kiến “muốn du lịch bền vững, trước hết phải biết buồn cùng Nhân dân”. Du lịch bền vững không chỉ là bảo vệ môi trường hay giữ gìn di sản, mà còn là hài hòa với cảm xúc cộng đồng. “Chúng ta đang sống trong một xã hội giàu kết nối, giàu yêu thương – và cũng giàu sự quan sát. Vì thế, mỗi quyết định của doanh nghiệp hôm nay đều có thể trở thành câu chuyện định đoạt hình ảnh của ngày mai. Và trên hết, giữa lằn ranh của niềm vui và mất mát, doanh nhân nên chọn cách tỉnh táo và nhân văn, vì đó mới là đẳng cấp bền lâu”, luật sư Cường nói.

Ngày 20/7, du thuyền Ambassador Cruise và Sea Octopus đăng tải thông báo xin lỗi trên fanpage về việc tổ chức bắn pháo hoa và các hoạt động giải trí sau vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long.

Ambassador Cruise cho biết hoạt động bắn pháo hoa và giải trí diễn ra theo lịch trình đã lên trước đó. Đơn vị này thừa nhận sự việc xảy ra do "thiếu nhạy bén, gây tổn thương tâm lý cho gia đình các nạn nhân và cộng đồng". Đại diện tàu cho hay đã tiến hành kiểm điểm, rà soát quy trình vận hành và cam kết khắc phục triệt để, đồng thời gửi lời chia buồn và bày tỏ mong muốn được cộng đồng lượng thứ. Đơn vị cam kết sẽ "thực hiện các biện pháp cụ thể" nhằm sửa chữa và chịu trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

Sea Octopus cũng thừa nhận bắn pháo hoa tối cùng ngày là "sai lầm nghiêm trọng và khó chấp nhận", xuất phát từ thiếu sót trong cập nhật thông tin và đánh giá tình hình, khiến thuyền viên không nắm được sự cố. Đơn vị cam kết rà soát, siết chặt toàn bộ quy trình vận hành nội bộ và trao đổi thông tin khẩn cấp, đồng thời "nỗ lực đồng hành" cùng thân nhân các gia đình gặp nạn trong thời gian khó khăn tới.

Trung uý công an kể phút phá kính, cứu bé trai trên tàu Vịnh Xanh 58

Sau khi có mặt tại hiện trường vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, người cứu cháu bé 10 tuổi còn sống trong khoang tàu kể lại những giây phút giành giật mạng sống cho khách

Trong công tác tìm kiếm, cứu nạn những nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, trên vịnh Hạ Long có hai chiến sĩ thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp phá cửa sổ tàu để cứu cháu bé 10 tuổi còn sống bên trong.

Đó là Thượng úy Đỗ Nhân Tuấn và Trung úy Nguyễn Văn Nhất, cả hai đều công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Quảng Ninh.

Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở Hạ Long: Sang chấn tâm lý từ những lời từ biệt, dặn dò và dư luận đừng “đổ thêm dầu vào lửa”

Sau vụ lật tàu ở Hạ Long, nỗi đau và sự mất mát là vô cùng to lớn với gia đình các nạn nhân. Ngay lúc này, ngoài sự hỗ trợ về vật chất, những nạn nhân sống sót và người thân của họ rất cần “chữa lành” về tinh thần sau cú sốc to lớn này.

Người vững tâm lý đến đâu cũng vẫn bị ám ảnh

Liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 ở Hạ Long (Quảng Ninh), đến nay cơ quan chức năng xác định cứu sống được 10 người, 37 người chết và 2 người vẫn đang mất tích. Hiện các cơ quan, tổ chức, chính quyền và gia đình các nạn nhân vẫn tập trung hỗ trợ những người được cứu sống, cũng như lo hậu sự cho những người đã mất.

Tiếp tục tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích vụ lật tàu Vịnh Xanh 58

Ngày 23/7, các lực lượng cứu hộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long.

Đại tá Lê Hồng Vân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường sáng 23/7 để chỉ đạo và động viên cán bộ chiến sĩ nỗ lực mở rộng phạm vi tìm kiếm 2 nạn nhân.

222.jpg
Đại tá Lê Hồng Vân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh động viên CBCS khắc phục khó khăn, nỗ lực tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại.