Từ vụ bé 3 tháng tuổi bị xâm hại và những tổn thương vô hình: Người lớn liệu có chủ quan?

Vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị chính người thân xâm hại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thân thể của con trẻ. Liệu có phải chúng ta đã lơ là, phụ huynh nghĩ trong gia đình thì tuyệt đối an toàn, nhà trường và cả chỗ người quen đều không cần lo lắng?

Cách đây gần 10 năm, tôi với công việc giảng dạy, hỗ trợ và tư vấn tâm lý, đặc biệt thường xuyên tập huấn giáo dục giới tính cho các trường học, tổ chức trong và ngoài lĩnh vực giáo dục nên mỗi ngày “nghe tận tai, chạm tận mắt” những đứa trẻ hay nạn nhân hãy còn “ăn chưa no, lo chưa tới” lại phải đối mặt với vấn nạn xâm hại/tấn công tình dục… Trong đó, câu chuyện một em bé chỉ mới 2,5 tháng tuổi bị người thân xâm hại là điều khiến tôi bàng hoàng nhất, tiếp sau đó là một trẻ mầm non bị sát hại sau khi bị tấn công tình dục bởi một thanh niên trong xóm. 

Đôi lúc, những người làm chuyên môn như chúng tôi chỉ biết lặng lẽ, nhìn nhau, ngước mặt lên trời và thở dài trong đau xót: "Sao chuyện như vậy cũng có thể diễn ra được? Là con cháu, là hàng xóm… với nhau mà! Hành động như vậy, họ không từng nghĩ tới hậu quả cả về mặt thể chất, tâm lý và pháp lý hay sao? Tàn nhẫn với các con, các cháu quá!".

Nói về vụ bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại bởi người thân, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng vùng sinh dục, phải khâu tạo hình âm đạo và tầng sinh môn, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền xót xa bày tỏ: “Khủng khiếp! Tôi từng hỗ trợ các trường hợp trẻ bị xâm hại ở tuổi lên 3 nhưng khi thấy mọi người chia sẻ vụ việc đau lòng này thì nó vẫn ngoài sức tưởng tượng của mình”. 

Suốt 10 năm mang sách đến cộng đồng, tập huấn cho hơn 20.000 học sinh khắp các tỉnh thành về chủ đề Giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại, Tiến sĩ Thu Huyền được biết đến như một nhà giáo dục tiên phong đối với hoạt động bảo vệ an toàn thân thể trẻ em từ trước 2015 đến nay. 

“Chúng tôi từng tới tận nơi, dạy cả trường 1000-2000 học sinh, chia thành 20-30 lớp, có lúc gần chục tình nguyện viên/báo cáo viên chia nhau ra dạy. Hoàn toàn miễn phí”. Không dừng ở việc hướng dẫn trẻ bảo vệ bản thân, Tiến sĩ Thu Huyền và cộng sự còn hướng đến cha mẹ, thầy cô giáo, đội nhân viên trường học và người chăm sóc trẻ ở các mái ấm, nhà mở... Thế nhưng, “cũng không nhiều người sẵn sàng dành thời gian để học” - Tiến sĩ Thu Huyền tâm tư. 

Ngoài ra, Tiến sĩ Thu Huyền cũng mời các nhà chuyên môn hỗ trợ phương pháp giảng dạy, kiến thức cần thiết cho giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh để nhận thức được đồng bộ, phối hợp giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng tâm trạng, Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cũng bày tỏ bản thân cảm thấy “rất đau lòng” khi hay tin, đó lại chỉ là một em bé mới 3 tháng tuổi. Cùng với nhiều nhà chuyên môn, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy có rất nhiều năm kinh nghiệm trong việc hướng dẫn trẻ và phụ huynh “Kỹ năng phòng chống xâm hại”. Tiến sĩ Thuý cũng là gương mặt nhà chuyên môn xuất hiện đều đặn trên các phương tiện truyền thông, đồng thời viết nhiều đầu sách/tài liệu về chủ đề “phòng chống xâm hại tình dục” nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết bảo vệ an toàn cho trẻ.

Với từ khóa “xâm hại/xâm hại tình dục/xâm hại trẻ em”, các nhà giáo dục, quý phụ huynh chỉ cần mất vài phút để tìm thấy thông tin, giải pháp và những cảnh báo về vấn nạn xâm hại trẻ em nhưng không ít người lớn còn thiếu kiến thức, kỹ năng và phương pháp bảo vệ trẻ. 

Tôi còn nhớ như in “lời bàn ra” của một người lớn có chuyên môn như sau: “Tôi nghĩ, học sinh Trung học cơ sở trở lên mới cần được giáo dục giới tính, chứ trẻ nhỏ biết gì đâu mà dạy”. Tôi ngạc nhiên khi nghe nhận định này và tự hỏi, sao lại phát ngôn đầy chủ quan và thiên lệch như vậy?

Thực tế, tuổi nào cũng cần cảnh giác, bảo vệ. Đối tượng nào cũng cần nâng cao nhận thức về Giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại và các Luật liên quan nhằm hỗ trợ và chăm sóc trẻ tốt hơn.

Một lần tư vấn trên đài phát thanh, tôi nói với thính giả: “Nếu chúng ta không dạy trẻ bảo vệ chính mình, không cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại, không làm một điều gì cả là chúng ta đang âm thầm dâng con cho kẻ xấu”.

Điệp khúc: “trẻ còn nhỏ biết gì đâu mà dạy, chờ lớn rồi chỉ dạy, chờ con dậy thì có hiểu biết hơn rồi đề cập…” đã không còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại, thể hiện sự thờ ơ, chủ quan và thiếu trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính và bảo vệ an toàn thân thể cho trẻ. Điều này, dễ dẫn đến hậu quả xấu đối với an nguy của trẻ khi đến trường, ở gia đình lẫn tiếp xúc với người ngoài. 

Theo thống kê, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2024, đã tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại; trong đó, 65,1% là xâm hại thân thể, 28,8% là xâm hại tình dục và 6,1% do bị bỏ mặc. 

Nhiều nhà giáo dục, tâm lý và đồng nghiệp của chúng tôi vẫn đang miệt mài đi đến từng lớp học tình thương, từng mái ấm, từng khu ổ chuột, những thôn bản xa tít tắp nơi lẫn thành thị… để ngày đêm “bảo vệ trẻ em” bằng những chuyên đề/bài học giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại cụ thể, thiết thực. Chúng tôi nhắn nhủ nhau, phải nỗ lực không ngừng nghỉ và không được phép mệt mỏi hay dừng lại.

Bây giờ vẫn vậy, chưa từng dừng lại. Vì chúng tôi biết, xâm hại nói chung, xâm hại tình dục nói riêng không chỉ để lại vết thương cơ thể - hữu hình, còn in hằn vào tâm trí những vết thương vô hình – có thể giằng xé, đay nghiến và ám ảnh suốt phần đời còn lại. Điều này, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, học tập của trẻ ở hiện tại và công việc, đời sống hôn nhân lẫn các mối quan hệ xã hội khi trẻ trưởng thành.

Em T. (ngụ TP.HCM) là học sinh THPT từng đến gặp tôi để được hỗ trợ tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục tại hồ bơi công cộng. Em sợ cha mẹ biết chuyện và luôn nghĩ đến việc tự tử để giấu diếm mọi chuyện. Em mất rất nhiều năm để cân bằng cảm xúc sau khoảng thời gian dài đi học về là thu mình trong phòng, không gặp gỡ ai, không dám đi đâu mà không có cha mẹ đi cùng. Việc vào đại học của em sau sự cố gặp nhiều trắc trở vì đi đâu em cũng bị ám ảnh hình dáng của người tấn công mình, sau đó nghi ngờ hầu hết những người có nét tương đồng với thủ phạm, bất kể người đối diện em là bạn bè hay giảng viên đại học. 

Chị H. cũng từng bị xâm hại bởi chú ruột khi mới học lớp 10, ám ảnh mỗi đêm, mất ăn mất ngủ. Việc học chểnh mảng, uống rất nhiều thuốc ngủ, an thần để lấy bình tĩnh. Hệ quả kéo theo là suy gan, suy thận cấp… phải sống những ngày sau đó bằng cách “làm bạn với bệnh viện”. Không dám nhận lời yêu ai trong suốt thời gian dài vì suy nghĩ “đã đánh mất đời con gái”, đến khi lập gia đình và rất khó khăn để có con, nuôi con do tâm lý nhiều xáo trộn. Chị thậm chí còn giám sát chồng khi ở cạnh con gái vì tâm lý bất an, sợ con sẽ gặp chuyện không hay giống như mình khi ở cạnh người thân. Chị bày tỏ khi đến gặp chuyên viên tư vấn rằng bản thân ngày nào cũng lo sợ, hồi hộp và vô cùng trăn trở về việc “một ngày nào đó mình chết đi, con mình có được an toàn không?”.

Hậu quả của xâm hại tình dục có thể kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của nạn nhân nếu không được hỗ trợ kịp thời. 

Để phòng ngừa vấn nạn xâm hại trẻ em, cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe và phản hồi kịp thời những vướng mắc của con từ chuyện bạn bè, học tập cho đến tiếp xúc xã hội. Đặc biệt, chú trọng trang bị kiến thức bảo vệ bản thân và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp kẻ xấu/đối tượng khả nghi cho trẻ. Thường xuyên trò chuyện, đọc sách/khuyến khích trẻ xem video, sách, truyện lành mạnh về chủ đề giáo dục giới tính.

Nhà trường cần sinh hoạt liên tục, thường xuyên các chuyên đề tâm lý – giáo dục về giới tính, phòng chống xâm hại trong các giờ sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp. Truyền thông sinh động, thiết thực bằng bản tin, các cuộc thi tìm hiểu về Luật trẻ em, phòng chống xâm hại – bạo lực… Mời các nhà chuyên môn hỗ trợ phương pháp kiến thức cho cả giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh để nhận thức được đồng bộ, phối giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.

Cộng đồng xã hội và các tổ chức liên quan không ngừng thực hiện các hoạt tuyên truyền, triển khai kiến thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác với kẻ xấu, không im lặng trước bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời báo cáo kịp thời khi  phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường đến các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, cần đưa trẻ đi khám ngay và liên hệ Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để nhận hỗ trợ kịp thời nếu nghi ngờ trẻ bị xâm hại tình dục.

Bạn có thể quan tâm