Trong thai kỳ, chế độ ăn uống là yếu tố quyết định trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, một trường hợp vừa được ghi nhận tại Trung Quốc đang gây xôn xao dư luận khi một bà mẹ trẻ đã liên tục uống trà sữa thay cho nước lọc, dẫn đến tăng huyết áp thai kỳ, phải nhập viện cấp cứu, con sinh non với cân nặng chỉ 1,6kg.
Theo Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam, chị Lý, 28 tuổi, hiện đang mang thai tuần thứ 32, đã đến bệnh viện khám vì cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Sau khi thăm khám, chị được chẩn đoán mắc chứng tăng huyết áp do thai kỳ.
Bác sĩ Tân Diễm Diễm, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam, cho biết nguyên nhân là do suốt thời gian mang thai, chị Lý gần như không uống nước lọc mà thay vào đó là trà sữa, trung bình mỗi ngày một đến hai cốc.

Bà mẹ uống trà sữa thay cho nước lọc. (Ảnh minh họa)
Thói quen này khiến huyết áp của chị tăng cao bất thường, gây ra sinh non và thậm chí đã hai lần khiến chị phải nhập phòng hồi sức tích cực (ICU) để cấp cứu do biến chứng từ việc ăn uống không kiêng khem.
Trà sữa chứa chất béo trans, kẻ thù thầm lặng với mạch máu thai phụ
Bác sĩ Tân Diễm Diễm cảnh báo, trà sữa thường chứa kem béo và lớp phủ sữa, đều là những thành phần giàu axit béo dạng trans. Khi các chất này đi vào máu, cơ thể rất khó phân giải và bài tiết, lâu dần tích tụ lại và gây tắc nghẽn mạch máu.
“Các mạch máu của mẹ bị tắc thì thai nhi cũng chẳng còn được cung cấp nước, dưỡng chất và oxy đầy đủ. Trong những trường hợp đó, sinh non là điều bắt buộc để giữ an toàn cho cả mẹ và con”, bác sĩ cho biết. Bà cũng nhấn mạnh: “Chế độ ăn uống lành mạnh quan trọng hơn bạn tưởng rất nhiều”.
Dư luận phản ứng mạnh: Thai kỳ không phải lúc để nuông chiều sở thích
Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hậu quả của việc thiếu ý thức, không kiểm soát được bản thân trong giai đoạn nhạy cảm:
“Không kiểm soát đường huyết, lại còn uống trà sữa mỗi ngày, quá vô trách nhiệm với con!”, một người bình luận. Người khác bức xúc: “Vào ICU hai lần vì ăn uống bừa bãi, đứa trẻ có tội gì?”.
Có người so sánh đầy chua chát: “Ngày xưa người ta nói mang thai là một người ăn để hai người bổ. Giờ thì một người ăn bậy, hai người chịu tội”. Nhiều bình luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm làm mẹ, cho rằng những người không có khả năng kiểm soát bản thân thì không nên sinh con.

Người mẹ phải nhập viện vì thói quen ăn uống của mình. Ảnh minh họa.
Lời cảnh tỉnh cho tất cả phụ nữ mang thai
Câu chuyện của chị Lý là một bài học cảnh tỉnh nghiêm khắc. Trong thai kỳ, mọi lựa chọn dinh dưỡng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Các món ăn vặt như trà sữa, tuy hấp dẫn, nhưng nếu tiêu thụ thường xuyên và không kiểm soát, có thể để lại hậu quả khôn lường.
Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo trans, ưu tiên uống nước lọc, duy trì khám thai định kỳ và tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ. Sự an toàn của em bé bắt đầu từ những lựa chọn nhỏ nhất trong đời sống hằng ngày.
Ngoài ra, các món ăn chứa nhiều muối, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, nội tạng động vật và hải sản sống cũng nằm trong danh sách cần hạn chế. Một số loại phô mai mềm, sushi, pate hay thịt nguội có thể ẩn chứa vi khuẩn Listeria hoặc ký sinh trùng, gây nhiễm trùng nguy hiểm cho thai nhi nếu hệ miễn dịch của mẹ yếu.
Chuyên gia cũng khuyên bà bầu nên ăn nhạt, uống đủ nước, ưu tiên các loại thực phẩm tự nhiên, ít chế biến như rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt, cá giàu omega-3, sữa tiệt trùng, và thịt nạc được nấu chín kỹ. Đồng thời, duy trì việc khám thai định kỳ, theo dõi huyết áp, đường huyết và nghe theo tư vấn của bác sĩ để thai kỳ diễn ra an toàn, khỏe mạnh.
Xem thêm video:
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sớm ít có nguy cơ sinh non. (Nguồn video: Sức khỏe & Đời sống)