Mới đây, MXH lan truyền câu chuyện về người phụ nữ đang mang thai ở tháng thứ 6 bất ngờ chuyển dạ và sinh non ngay trên tàu điện. Trong giây phút sinh tử, một hành khách là nghiên cứu sinh ngành y kịp thời có mặt, đỡ đẻ ngay tại hiện trường, đứa bé sinh ra chỉ nhỏ bằng bàn tay người lớn.
Trên chuyến tàu K569 khởi hành từ thành phố Nga Mi (Tứ Xuyên) đi Urumqi (Tân Cương) đang di chuyển giữa hai ga Long Nam và Hà Đạt Phố thì vào lúc 16 giờ 50 phút, một thông báo khẩn vang lên qua hệ thống loa: “Kính gửi quý hành khách, toa số 9 có người cần hỗ trợ y tế khẩn cấp, xin các nhân viên y tế có mặt hỗ trợ ngay”.

Hành khách (áo xanh lá) đến hỗ trợ bà bầu.
Nghe thấy lời kêu gọi, Giang Lộ - nghiên cứu sinh ngành điều dưỡng thuộc Đại học Y khoa Tân Cương, đang ở toa 7 lập tức bật dậy, đến gặp nhân viên tàu và nói: “Tôi là y tá, có thể giúp được gì không?” Không chần chừ, cô được dẫn đến hiện trường ở toa số 9.
Tại đây, một phụ nữ mang thai đang dựa vào cửa nhà vệ sinh trong tình trạng suy kiệt, bên dưới là một vệt máu lớn. Dưới chân chị là một bé sơ sinh mới lọt lòng, nhỏ như con mèo con, cơ thể tím tái, hơi thở yếu ớt, dây rốn vẫn còn nối với cơ thể mẹ. Tình trạng vô cùng nguy cấp.
Giang Lộ hiện đang làm việc tại khoa Cấp cứu Bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Tứ Xuyên Bắc. Đối diện với tình huống khẩn cấp, cô lập tức đeo găng tay, nhận bộ dụng cụ y tế khẩn cấp từ nhân viên tàu, tiến hành khử trùng, buộc và cắt dây rốn cho em bé. Bằng chuyên môn của mình, cô dùng ngón tay bắt mạch, áp tai lắng nghe hơi thở và nhanh chóng thực hiện các thao tác hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh.

Nữ y tá sơ cứu cho đứa trẻ.
Cô nhanh chóng quấn em bé trong khăn vô trùng và ga giường đã được khử trùng, đặt lên giường nằm, tạo thành không gian sạch sẽ nhất có thể. Với sự hỗ trợ của các hành khách và nhân viên tàu, một “phòng sinh tạm thời” đã được hình thành ngay giữa toa tàu, giúp sản phụ và em bé được xử lý bước đầu một cách khẩn trương.
Thông thường, thai nhi đủ tháng là khoảng 37 tuần, nhưng em bé sinh non này mới chỉ 25 tuần tuổi - một trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Là người có 5 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng, Giang Lộ chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên cô thấy một đứa trẻ nhỏ và yếu đến như vậy. Cô không ngừng thực hiện hồi sức, nỗ lực từng giây để níu giữ sự sống cho em bé.

Sau khi sơ cứu, thai phụ được đưa đến ga gần nhất - nơi có đội ngũ y tế chờ sẵn.
Trong khi đó, trưởng tàu lập tức gọi điện chỉ huy, yêu cầu tài xế cho tàu chạy nhanh nhất đến ga Hà Đạt Phố, đồng thời liên hệ trước với trạm cấp cứu địa phương để xe 120 có mặt sẵn tại sân ga.
Suốt 30 phút cứu hộ căng thẳng, Giang Lộ không rời khỏi vị trí, túc trực cạnh mẹ con sản phụ. Đến 17 giờ 26 phút, chuyến tàu dừng bánh tại ga Hà Đạt Phố. Sau thủ tục bàn giao nhanh chóng, sản phụ được đưa lên xe cấp cứu trong sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ tổ tàu và hành khách. “Cả gia đình họ khóc, tôi cũng khóc theo. Lúc chia tay, họ cảm ơn rối rít, còn tôi rơi nước mắt vì cảm động trước sự sống mạnh mẽ của đứa bé. Có lẽ, đó là một mối duyên", Giang Lộ xúc động kể lại.
Trẻ sinh non phải đối mặt với những nguy cơ gì?
Trẻ sinh non, đặc biệt là những bé chào đời trước 28 tuần tuổi, có nguy cơ cao gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe do cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Dưới đây là những nguy cơ phổ biến:
- Suy hô hấp: Phổi của trẻ sinh non chưa hoàn thiện, dẫn đến khó thở, phải thở máy hoặc dùng oxy hỗ trợ. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ sinh non nếu không được xử lý kịp thời.
- Nhiễm trùng: Hệ miễn dịch còn non yếu khiến trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công. Ngay cả những nhiễm trùng nhẹ cũng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh hoại tử ruột – một tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến phải phẫu thuật và ảnh hưởng lâu dài đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
- Tổn thương thần kinh: Não bộ chưa phát triển đầy đủ, dễ bị xuất huyết hoặc thiếu oxy, từ đó gây chậm phát triển trí tuệ, rối loạn vận động, thậm chí là bại não.
- Thiếu cân, hạ thân nhiệt: Do lớp mỡ dưới da chưa đủ, trẻ sinh non rất dễ mất nhiệt, tụt đường huyết, cần được giữ ấm nghiêm ngặt trong lồng ấp.
- Vấn đề về mắt và tai: Trẻ có thể mắc bệnh võng mạc do sinh non, có nguy cơ dẫn đến mù lòa; đồng thời dễ bị suy giảm thính lực nếu không được theo dõi và can thiệp sớm.
- Khó khăn trong ăn uống: Do phản xạ bú và nuốt yếu, trẻ sinh non thường phải nuôi ăn bằng ống và được hỗ trợ dần để tập bú mẹ.
Xem thêm video:
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sớm ít có nguy cơ sinh non. (Nguồn video: Sức khỏe & Đời sống)