Khi “vùng an toàn” nhất trở thành nơi trẻ bị xâm hại
Vụ việc đau lòng này không xảy ra ngoài xã hội, mà ngay trong môi trường gia đình, từ người thân hoặc người chăm sóc trực tiếp. Sự thật này không phải là cá biệt.
BS.CKII. Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1.000–1.800 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Gần 60% thủ phạm là người quen, hàng xóm hoặc chính người thân. Điều này khiến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, hoàn toàn không có khả năng lên tiếng hoặc được bảo vệ đúng lúc.
Theo BS Sang, ở trường hợp của bé gái 3 tháng tuổi, trẻ còn quá nhỏ để có thể nói, kể, hay phản kháng, khiến việc phát hiện phụ thuộc hoàn toàn vào sự quan sát và cảnh giác của người lớn. Nếu không có sự can thiệp y tế kịp thời, hậu quả có thể đã nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Dù trẻ không nhớ rõ sự việc bằng ký ức có ý thức, nhưng cơ thể và cảm giác của trẻ vẫn “nhớ”. (Ảnh minh hoạ).
Về thể chất, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ rối loạn tiết niệu, sẹo cơ quan sinh dục, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là những tổn thương tâm lý có thể âm thầm tồn tại và ảnh hưởng đến phát triển cảm xúc, hành vi và nhân cách của trẻ về sau.
BS Sang cho biết, có một hiểu lầm phổ biến rằng: trẻ sơ sinh “chưa biết gì” thì không thể bị tổn thương tâm lý. Thực tế, ngành tâm lý học phát triển và thần kinh học hiện đại đã chứng minh ngược lại. Những trải nghiệm đau đớn, đặc biệt là do con người gây ra sẽ được lưu trữ trong não bộ dưới dạng ký ức cảm giác và cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, vùng điều tiết cảm xúc và khả năng gắn bó của trẻ với người khác về sau.
Dù ở độ tuổi chưa thể diễn đạt và hình thành đầy đủ nhận thức, những trẻ từng bị xâm hại tình dục nói chung và trường hợp bé gái 3 tháng tuổi nói riêng, vẫn có thể phát triển các rối loạn tâm lý nghiêm trọng như:
- Ám ảnh sợ chuyên biệt (Specific Phobia)
- Rối loạn phản ứng gắn bó (Reactive Attachment Disorder)
- Rối loạn stress sau sang chấn (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD) – Có hoặc Không đi kèm chứng Quên phân ly (Dissociative Amnesia)
- Rối loạn căng thẳng cấp tính (Acute Stress Disorder)
- Rối loạn thích ứng (Adjustment Disorders)
- Rối loạn triệu chứng thần kinh chức năng (Functional Neurological Symptom Disorder)
- Các loại rối loạn giấc ngủ như (Rối loạn mất ngủ - Insomnia Disorder, Rối loạn ác mộng – Nightmare Disorder)
- Các loại rối loạn chức năng tình dục, các hội chứng lệch lạc tình dục
- Đặc biệt đối với những trẻ ở giai đoạn tiền phát triển ngôn ngữ, ảnh hưởng tâm lý có thể dẫn đến chứng Câm chọn lọc (Không nói có chọn lọc – Selective Mutism).
“Lý do mà chúng tôi đưa ra nhiều khả năng nhận định chẩn đoán như vậy vì mỗi đứa trẻ có cách biểu hiện và đối phó với sang chấn khác nhau, đồng thời cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác liên quan đến gia đình, người chăm sóc, môi trường sống, phương thức can thiệp,…Vì vậy, để đánh giá chính xác các loại rối loạn/ hoặc hội chứng tâm lý mà đứa trẻ bị tổn thương gặp phải sau các sự kiện không mong muốn như bạo lực tình dục, gia đình và người chăm sóc nên nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế (ưu tiên những nơi có thế mạnh về tâm lý lâm sàng) để được thăm khám và can thiệp kịp thời”, BS.CKII. Nguyễn Thanh Sang chia sẻ.
Giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ phải bắt đầu sớm
Là chuyên gia tâm lý học lâm sàng, ThS TLLS. Nguyễn Thị Ngọc Hà - Khoa Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 thường gặp nhiều phụ huynh né tránh việc dạy trẻ về cơ thể, giới tính và ranh giới cá nhân, vì sợ "mất đi sự ngây thơ".
Tuy nhiên, ThS Hà cho biết, chính sự im lặng này lại là thứ khiến trẻ dễ bị xâm hại nhất. Không những vậy, lâu nay, khi nói đến giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ, đa phần mọi người thường chỉ nghĩ đến việc bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại.
Nhưng điều mà nhiều người chưa nghĩ tới hoặc né tránh đó là: trẻ cũng có thể trở thành người xâm phạm, khi thiếu hiểu biết, bị ảnh hưởng bởi môi trường lệch lạc, hoặc không được dạy về giới hạn và sự tôn trọng thân thể người khác.
“Giáo dục giới tính không chỉ dừng ở việc nói với trẻ "không ai được chạm vào con", mà còn là: “Con không được chạm vào vùng riêng tư của người khác”, "Con không được cưỡng ép ai làm điều họ không muốn” và "Cơ thể của mỗi người là của riêng họ – con cần tôn trọng điều đó"”, ThS TLLS. Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ.

Giáo dục giới tính cần được thực hiện sớm để bảo vệ trẻ. (Ảnh minh hoạ).
Cũng theo ThS TLLS. Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo dục giới tính cần bắt đầu từ sớm, bằng cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp độ tuổi, cụ thể:
- Từ 0–3 tuổi: Đây là giai đoạn hình thành nhận thức đầu tiên về cơ thể là “của con”. Cha mẹ cần dạy trẻ gọi đúng tên các bộ phận cơ thể (ví dụ: âm đạo, dương vật), phân biệt “vùng riêng tư”, và hiểu rằng chỉ có cha mẹ hoặc bác sĩ mới được chạm vào cơ thể trẻ trong hoàn cảnh có lý do rõ ràng và với sự đồng thuận.
- Từ 3–6 tuổi: Trẻ bắt đầu có sự tò mò giới tính và thường tham gia vào các trò chơi có yếu tố cơ thể. Cần dạy trẻ quyền từ chối, nói “KHÔNG” khi không muốn ai chạm vào mình, và quan trọng là không giữ bí mật về cơ thể, kể cả khi bị ai đó dụ dỗ. Trẻ cũng cần hiểu rằng đụng chạm không phù hợp là điều không nên xảy ra, dù đến từ người quen.
- Từ 6–12 tuổi: Bắt đầu giáo dục rõ hơn về ranh giới cá nhân, sự khác biệt giữa đụng chạm tích cực (ôm khi được đồng ý, bác sĩ khám bệnh) và đụng chạm tiêu cực (xâm phạm, ép buộc). Trẻ cần được học về sự đồng thuận, cảm giác an toàn, và cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn đáng tin cậy nếu có điều gì khiến trẻ không thoải mái.
- Từ 12 tuổi trở lên (vị thành niên): Đây là thời điểm trẻ bước vào giai đoạn phát triển sinh lý mạnh mẽ. Cần giáo dục kỹ về giá trị cơ thể, mối quan hệ lành mạnh, kiểm soát cảm xúc, an toàn tình dục, ranh giới cảm xúc – thể chất – mạng xã hội. Đồng thời, đây cũng là lúc trẻ cần hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với hành vi tình dục của bản thân, không xâm hại, không ép buộc, và luôn dựa trên sự đồng thuận.
“Nên hiểu rằng, chúng ta không “làm hỏng sự ngây thơ” của trẻ bằng giáo dục giới tính mà là chúng ta bảo vệ sự an toàn và phẩm giá của trẻ bằng sự hiểu biết”, ThS Hà nhấn mạnh
Vai trò của cha mẹ, người chăm sóc và đơn vị y tế
BS.CKII. Nguyễn Thanh Sang cho rằng, để phòng ngừa những vụ việc đau lòng như trên, sự phối hợp giữa gia đình, y tế và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Trước tiên, cha mẹ và người chăm sóc cần có sự nhạy bén với những dấu hiệu bất thường của trẻ như quấy khóc bất thường, sợ hãi, vết thương không rõ nguyên nhân ở vùng kín. Tuyệt đối không để trẻ nhỏ ở một mình với người lớn mà mình không tin tưởng, kể cả họ hàng thân thích.
Bên cạnh đó, ngành y tế và bác sĩ nhi khoa cần được trang bị kỹ năng nhận biết dấu hiệu xâm hại tình dục ở trẻ, đặc biệt khi trẻ chưa biết nói. Khi nghi ngờ, cần có quy trình phối hợp với công an, phòng bảo trợ trẻ em, phòng khám tâm lý để xử lý nhanh chóng và đúng pháp luật. Thậm chí, những người làm công tác y tế và luật pháp có thể chung tay để đưa ra những sự bảo vệ rõ ràng cho trẻ nhỏ, tách rời và chỉ điểm những đối tượng và hành vi gây tổn thương lên đứa trẻ.

Sự phối hợp giữa gia đình, y tế và cộng đồng là vô cùng quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ trẻ. (Ảnh minh hoạ).
Mặt khác, cộng đồng và xã hội không nên thờ ơ hoặc giữ im lặng trước các nghi ngờ xâm hại trẻ em. Mỗi người lớn đều có trách nhiệm phát hiện và tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em.
BS Sang nhấn mạnh, vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại không chỉ là câu chuyện y tế, mà là lời cảnh tỉnh sâu sắc về sự thiếu hụt trong công tác bảo vệ trẻ em hiện nay cũng như sự nhận thức của cộng đồng.
“Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, cần được yêu thương, lắng nghe và giáo dục để biết tự bảo vệ bản thân. Nhưng trước hết, người lớn cần thực sự tỉnh táo, cảnh giác và hành động, để mỗi gia đình thực sự là nơi an toàn nhất cho một đứa trẻ được lớn lên đúng nghĩa”, BS Sang nói.