Từ cậu bé đi bằng đầu gối tới chủ xưởng gỗ giúp bao người thoát nghèo, người đàn ông sống với châm ngôn "Chim ngốc bay sớm"

Năm 8 tuổi, khi những đứa trẻ cùng trang lứa còn đang vô tư chơi đùa, ông với cơ thể khiếm khuyết đã gánh vác việc nhà giúp đỡ cha mẹ. Từ việc cho gà ăn, nuôi lợn, giặt giũ đến nấu cơm, ông đều có thể tự mình hoàn thành.

Sự kiên cường và những bước đi trên đầu gối

Bình minh hé rạng trên ngôi làng Ma Dương Thủy, huyện Tự Phố, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Như mọi ngày, ông Hu Yushan đến xưởng gỗ khi trời còn chưa sáng và về nhà khi trời đã tối. Nhà máy đồ gỗ "Ghế đẩu kiên cường" của ông nằm sát con đường huyện lộ. Hàng xóm thường đi qua thường chào hỏi: "Thầy Hu, lại dậy sớm thế à?"

"Chân tay tôi không tiện, chim ngốc thì phải bay sớm thôi mà", Hu Yushan ngẩng đầu cười đáp.

"Chim ngốc bay sớm" chính là vũ khí của ông để chống lại số phận. Ông luôn tin rằng, chỉ cần đủ nỗ lực, dù khởi đầu có tồi tệ đến mấy, cũng có thể phấn đấu để có được cuộc sống lý tưởng.

Tháng 4/1974, Hu Yushan sinh ra tại huyện Tự Phố. Là con trai cả trong nhà, sự ra đời của ông từng mang lại niềm vui vô bờ bến cho gia đình nông dân nhỏ bé này. Tuy nhiên, niềm vui chỉ kéo dài 3 tháng, một cơn sốt cao đã biến nó thành cơn ác mộng. Bệnh bại liệt gây teo cơ, khiến đôi chân của Hu Yushan bị biến dạng và co quắp ra phía sau, vĩnh viễn không thể đi lại được.

“Đứa bé này rất kiên cường, trước tiên là bò, sau đó dùng mông nhích từng chút một về phía trước”.

Ông Hu Yushan từ nhỏ đã không chịu thua. Cha mẹ thương ông, chưa bao giờ gây áp lực cho con nhưng ông tự mình mày mò học cách bò, rồi học cách ngồi và nhích dần, sau đó, học cách dùng ghế đẩu làm điểm tựa, dùng hai đầu gối để “đi”…

Tấm lòng hiếu thảo và tài năng tự học của chàng trai với cơ thể khiếm khuyết

Mỗi ngày, cha mẹ bận rộn làm việc ngoài đồng, Yushan chỉ có thể ngồi ở cửa chờ. Thấy mẹ về nấu cơm, ông luôn lại từ xa lén nhìn, từ việc nhóm lửa, vo gạo, thêm nước, rửa rau, thái rau, xào nấu… mọi công đoạn đều được ông ghi nhớ kỹ lưỡng. Cuối cùng, vào một buổi chiều tà, ông lấy hết dũng khí, bò vào bếp.

Dùng một tấm ván kê cao mình lên, cậu bé gần như chỉ vừa đủ với tới bếp lò đã nấu xong bữa cơm đầu tiên trong đời. Người mẹ đi làm về, đứng sững ở cửa vài giây rồi vội chạy đến ôm chầm lấy con, bật khóc nức nở… Năm đó, ông Hu Yushan 7 tuổi. Từ đó về sau, thái rau lợn, cho gà vịt ăn, nấu cơm giặt giũ… ông đã thực sự trở thành “tổng quản hậu cần” nhỏ trong gia đình.

“Đôi chân tôi đi lại bất tiện, nhưng tôi còn có đôi tay, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình”, ông nói.

Không muốn trở thành gánh nặng của cha mẹ, càng không muốn làm kẻ hèn nhát trước số phận, ông thầm suy nghĩ, nhất định phải học một nghề, sau này còn nuôi sống gia đình. Thấy những người thợ mộc đến làng làm việc, ông thường ở bên cạnh quan sát. Ai cũng nghĩ đứa trẻ này không có việc gì làm, chỉ giết thời gian mà không hay ông đang dùng đôi mắt để “học lỏm nghề” rồi về nhà tự mình mày mò chế tác.

Sản phẩm đầu tiên ông làm ra là một cái cán dao chặt củi. Tuy kiểu dáng đơn giản nhưng cha đã dành cho ông lời khen ngợi lớn. Năm 12 tuổi, ông làm một cái giá đựng chậu than, hàng xóm thấy chắc chắn, liền bỏ 5 tệ ra mua. Cha ông để khuyến khích con còn thưởng thêm 1 tệ. 6 tệ này trở thành “khoản tiền đầu tiên trong đời” của Hu Yushan.

Nâng đỡ cộng đồng từ xưởng mộc giản dị, chan chứa hy vọng vào tương lai

Hu Yushan chưa bao giờ có ý định "chờ đợi hay xin xỏ". Năm 2014, ông được xếp vào diện hộ nghèo nhưng chỉ 2 năm sau, ông đã chủ động xin thoát nghèo khi thu nhập của mình vượt chuẩn. Ông từ chối sự giúp đỡ của các em, kiên quyết tự lực cánh sinh và ấp ủ một ước mơ lớn hơn: Dẫn dắt những người khuyết tật và hộ nghèo khác cùng thoát nghèo.

Năm 2017, với sự hỗ trợ của gia đình và chính quyền, Hu Yushan huy động hơn 400.000 tệ và thành lập nhà máy chế biến gỗ "Ghế Đẩu Kiên Cường". Ông còn thiết kế logo nhà máy với hình ảnh mình chống ghế đẩu, quỳ gối nhưng lưng thẳng tắp.

Không chỉ dừng lại ở thủ công truyền thống, Hu Yushan còn mua sắm máy móc hiện đại để sản xuất tủ quần áo, bàn ghế. Ông thuê hơn 20 công nhân, tất cả đều là người khuyết tật và hộ nghèo. Với ông, nhìn thấy niềm vui của công nhân khi nhận lương chính là khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã tìm thấy hy vọng và thu nhập ổn định tại nhà máy này.

Hu Yushan vẫn sống cùng cha mẹ già trong căn nhà giản dị. Trong phòng ngủ của ông, có một dòng chữ viết bằng phấn làm châm ngôn sống: “Tôi sẽ không bao giờ khuất phục trước sự hành hạ của bệnh tật, tôi muốn sống mỗi ngày thật vui vẻ và trọn vẹn”.

Dù đôi chân biến dạng, sần sùi vì ma sát nhưng đôi tay ông vẫn chắc khỏe, linh hoạt. Hu Yushan luôn nở nụ cười rạng rỡ, tràn đầy năng lượng tích cực và hy vọng vào tương lai. Ước nguyện lớn nhất của ông là nhà máy đồ gỗ có thể phát triển lớn mạnh, giúp đỡ thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tìm thấy hy vọng và ý nghĩa cuộc sống.

Bạn có thể quan tâm