Trong chiêm bao thấy sát sinh, có bị tội không?

Kính bạch thầy, trong giấc chiêm bao con thấy con giết nhiều cá. Vậy con có mang trọng tội sát sinh hay không?

Xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ. Con rất lo sợ.
Xin thưa ngay để phật tử yên tâm là không có gì tội lỗi mà phật tử phải lo sợ. Tại sao? Vì đó chỉ là giấc mộng. Ðã mộng thì làm gì có thật đâu mà phật tử lo sợ. Trong giấc mộng, chỉ có ý thức hoạt động thôi. Cho nên, nó không có năng lực tạo thành nghiệp. Ðã không phải thành nghiệp, thì làm gì có quả báo tội lỗi? Sở dĩ phật tử thấy giết nhiều cá như thế, có thể là do túc nghiệp sát sinh (nói cách khác là tập khí) hại vật của phật tử trải qua nhiều đời hoặc trong hiện đời kể ra cũng khá sâu nặng. Nếu như trong hiện đời nầy phật tử không có sát sinh hại vật nhiều, thì đó là hiện tượng bởi do nhiều đời trước. Ðây là những hạt giống (tập khí) mà chính do phật tử đã hành động huân chứa sâu vào trong kho A lại da thức.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chính vì thế, nên trong lúc ngủ thì những hạt giống này từ trong vô thức nó trồi lên và ý thức duyên vào đó để tác động thành hiện tượng chiêm bao thấy sát hại sinh vật. Như vậy, tôi thành thật khuyên phật tử nên sám hối và cố gắng tu tạo thêm nhiều phước lành. Nhờ đó, mà tội sát sinh hại vật trong nhiều đời cũng như hiện đời của phật tử sẽ được giảm bớt và lần lần sẽ được chuyển hóa không còn. Nên nói tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp quả không chuyển được thì thử hỏi chúng ta tu hành để làm gì?
Tóm lại, việc chiêm bao thấy giết nhiều cá của phật tử không thành tội. Ðã không thành tội nghiệp, tất nhiên sẽ không có quả báo. Phật tử đừng lo sợ. Kính chúc phật tử tinh tấn tu hành và chóng đạt thành sở nguyện như ý.
Thích Phước Thái
Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả.

Chuyển hóa mười ác nghiệp

Nhìn theo hướng lạc quan, hiện chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phát triển và kiện toàn về nhiều phương diện. 

Bình tâm mà suy xét thì tuy có phát triển nhưng đời sống nhân loại lại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa. Không ai có thể dám chắc bất cứ điều gì ở tương lai khi mà mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh, thảm họa, dịch bệnh, thiên tai… cứ chực chờ, đoanh vây, hủy diệt sự sống con người.

Lỡ làm tiểu nhân thì phải làm sao?

Chúng ta thường nói: “Xa tiểu nhân, gần quân tử” có ý là đối với kẻ tiểu nhân phải đề phòng và tránh xa. 

Nhưng nếu không may, chúng ta làm tổn hại đến người khác, bị mọi người coi là kẻ tiểu nhân thì chúng ta phải làm sao?