Trì chú qua... điện thoại

Sẽ hay hơn rất nhiều nếu hai bạn thu xếp thời gian để cùng nhau đi chùa tụng kinh, trì chú...

HỎI:
Mỗi đêm, tôi và bạn trai đều trì chú chung với nhau bằng cách cả hai cầm điện thoại và đọc chú Đại bi 3 lần. Xin hỏi, chúng tôi sáng tạo ra cách cầm điện thoại trì chú chung với nhau như vậy có điều gì bất kính đối với kinh pháp không? Anh ấy hay hỏi tôi tại sao phải đọc kinh, trì chú mỗi ngày? Nếu ngày nào bận công việc quá không trì chú có được không?
(HOA HẠNH, maitdung2011@yahoo.com.vn)
ĐÁP:
Bạn Hoa Hạnh thân mến!
Các bạn đã sáng tạo ra cách trì chú Đại bi chung với nhau qua điện thoại là điều khá thú vị. Mỗi ngày đêm đều có trì ba biến thần chú Đại bi là rất tốt. Thân tâm của các bạn sẽ được tưới tẩm và thấm nhuận trong từ tâm vô hạn của Bồ-tát Quán Thế Âm. Trong tinh thần phương tiện, hàng Phật tử chúng ta có thể trì chú (hay niệm Phật) mọi lúc, mọi nơi với những cách thức khác nhau. Tâm thành thì Phật chứng. Nên thiết nghĩ, việc các bạn cùng nhau trì chú qua điện thoại nhằm trợ duyên, sách tấn nhau tu học không có điều gì bất kính với kinh pháp cả.
Ảnh minh họa. Internet.
 Ảnh minh họa. Internet.
Có thể xem đó là một trong những cách tu tập về trì niệm thần chú Đại bi. Tuy nhiên, sẽ hay hơn rất nhiều nếu hai bạn thu xếp thời gian để cùng nhau đi chùa tụng kinh, trì chú hay cùng nhau trì niệm kinh chú trước bàn thờ Phật. Có Tam bảo chứng minh và trợ duyên thì sự tu niệm sẽ tinh tấn và dễ nhiếp tâm hơn.
Người Phật tử tu tập trì chú (hay tụng kinh, niệm Phật, thiền định…) hàng ngày nhằm thâu nhiếp và chuyển hóa ba nghiệp thân, miệng, ý cho thanh tịnh. Bình thường, ba nghiệp thân, miệng và ý của chúng ta luôn theo duyên trần dấy khởi hoặc là thiện, hoặc là ác. Khi trì chú thì thân ngồi ngay thẳng (không làm ác), miệng đọc chân ngôn (không nói lời ác) và ý nhiếp vào thần chú (không nghĩ ác) tức ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh. Nhờ đó chúng ta ngày càng trở nên hiền thiện, hạn chế được những lỗi lầm, tội chướng tiêu trừ, phước đức tăng trưởng, đời sống hướng thượng và thăng hoa hơn.
Dĩ nhiên, nếu ngày nào có công việc đột xuất hoặc bận rộn quá thì người Phật tử có thể tạm nghỉ hoặc dời đổi thời gian công phu tu niệm cho thích hợp.
Chúc bạn tinh tấn!

Bí ẩn trong chùa cổ Võng La

Ngôi chùa này còn là nơi chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí khá độc đáo, trong đó có dấu tích người Chăm Pa cổ.

Chùa Võng La, một ngôi chùa cổ vẫn còn giữ được nét cổ kính, nguyên sơ vốn có, cảnh vật chùa đẹp thơ mộng, hữu tình làm say đắm lòng người. Ngôi chùa này còn là nơi chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí khá độc đáo, trong đó có dấu tích người Chăm Pa cổ.

Chuyện về một nhà sư liệt sĩ

Trong danh sách các liệt sĩ của xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có một liệt sĩ khoác áo cà sa, đó là sư thầy Thích Đàm Hiền.

Những ngày cuối tháng Tám lịch sử, chúng tôi về chùa Khánh Tân (Hương Khánh tự), một ngôi chùa nằm trong quần thể chùa Thầy, toạ lạc giữa làng Khánh Tân xã Sài Sơn, nơi sư thầy tu hành, để tìm hiểu về cuộc đời của bà. Đã 57 năm kể từ ngày bà dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, người dân xã Sài Sơn vẫn kể về bà bằng một tấm lòng tự hào, tôn kính. Cụ Lê Xuân Chỉnh - Hội trưởng hội người cao tuổi làng Khánh Tân, từng gặp sư thầy nhiều lần cho biết: "Sư thầy Đàm Hiền là người rất xinh đẹp, hiền hậu, đoan trang".
Sư thầy, nữ du kích, liệt sỹ Thích Đàm Hiền - Nguyễn Thị Vân.
 Sư thầy, nữ du kích, liệt sỹ Thích Đàm Hiền - Nguyễn Thị Vân.
Khi được sư thầy Thích Đàm Thanh, trụ trì chùa Khánh Tân hiện nay, cho xem di ảnh sư thầy Thích Đàm Hiền trên nhà Tổ của chùa, chúng tôi thấy nhận xét của cụ Chỉnh quả không sai. Gương mặt thầy mang vẻ thanh tao, đôn hậu của người con gái Việt Nam, toát lên vẻ từ bi của một nhà tu hành chân chính.
Qua lời kể của nhiều người và tư liệu của xã, vào năm 1939, có một cô gái tìm đến chùa Khánh Tân gặp nhà sư trụ trì. Nhà sư gạn hỏi, cô cho biết tên cô là Nguyễn Thị Vân, quê ở xã Nghĩa Hưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Phú Thọ. Do gia cảnh riêng, gặp nhiều bất hạnh nên cô rời quê đến đây xin xuất gia tu hành. Xót thương cho hoàn cảnh của cô, trụ trì đã đồng ý cho cô ở lại chùa. Pháp danh Thích Đàm Hiền của cô là do trụ trì đặt. Năm ấy, cô vừa 20 tuổi. Vốn thông tuệ, chẳng bao lâu sư thầy Đàm Hiền đã làu thông kinh kệ.
Nhưng xuất gia mà không xuất thế. Đau lòng trước cảnh đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, người dân một cổ ba tròng nào phong kiến, nào đế quốc, nào phát xít, thấm nhuần lời dạy của Đức Phật: “Dục chủng bồ đề thụ/ Nghi trì cảnh ác đao” (Muốn vun trồng cây bồ đề cho tươi tốt, thì phải vung đao phạt hết loài cỏ dại), sư thầy Đàm Hiền tìm đến với những chiến sỹ Cộng sản đang hoạt động bí mật trong vùng và được giác ngộ. Cách mạng tháng Tám thành công rồi kháng chiến bùng nổ, sư thầy đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1947 thầy được kết nạp Đảng. Cuối năm 1948 thầy là chi uỷ viên chi bộ Cộng sản Sài Sơn, trực tiếp phụ trách thôn Khánh Tân, tham gia đội du kích xã. Đó là giai đoạn cực kỳ cam go của cuộc kháng chiến.
Giặc đã chiếm được gần hết tỉnh Sơn Tây (cũ). Vùng Quốc Oai - Sài Sơn trở thành một địa bàn nóng bỏng. Giặc đóng bốt dầy đặc, lập tề, tung quân càn quét, chà đi xát lại liên miên, có những trận càn chúng huy động tới hàng trung đoàn, có cả xe tăng. Lực lượng kháng chiến tại các địa phương của ta phải rút vào hoạt động bí mật.
Trụ trì chùa Khánh Tân lúc đó là sư Thích Đàm Thuận. Ngoài sư Thuận còn ba vị nữa là Thích Đàm Hiền, Thích Đàm Thìn, Thích Đàm Mùi. Được sư Đàm Hiền vận động, cả ba vị đều ủng hộ kháng chiến.
Các sư đã đào hầm bí mật ngay dưới bàn thờ Tam Bảo của chùa Khánh Tân.
 Các sư đã đào hầm bí mật ngay dưới bàn thờ Tam Bảo của chùa Khánh Tân.
Các sư đã đào hầm bí mật ngay dưới bàn thờ Tam Bảo của chùa để nuôi dấu cán bộ. Các đồng chí Nguyễn Văn Phiên (sau là chủ tịch huyện Quốc Oai), Nguyễn Văn Xuất (chủ tịch UBKC xã lúc đó)… đều được các sư nuôi dấu ở đây. Nhiều cuộc họp quan trọng được tổ chức tại chùa. Với cương vị Chi uỷ viên, sư thầy Thích Đàm Hiền đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng kháng chiến thôn Khánh Tân. Bà đã vận động nhân dân đấu tranh, kiên quyết không để bọn tề nguỵ phản động cướp lại ruộng đất mà cách mạng đã chia cho dân sau cách mạng tháng Tám.
Với vóc dáng mảnh mai trong tấm áo cà sa, bọn giặc không thể nào thể nào ngờ được đó lại là một đảng viên kiên trung, một chiến sỹ du kích kiên cường, dũng cảm… Nhưng rồi dần dần chúng cũng “đánh hơi” được hoạt động của sư thầy. Ngày rằm trung thu năm 1951, giặc bất ngờ tung quân càn quét làng Khánh Tân, định chụp gọn lực lượng kháng chiến của ta ở đó. Lùng sục suốt ba tiếng đồng hồ không thấy gì, chúng điên cuồng đập phá chùa, xả súng bắn vào tượng Phật, đào tung cả sân chùa. Không may, sư thầy Đàm Hiền sa vào tay chúng. Cùng lúc đó, giặc phát hiện một hầm bí mật khác trong nhà cụ Lê Xuân Ba, một cơ sở kháng chiến, có 3 con tham gia cách mạng. Khui hầm, chúng bắt được xã đội trưởng Lê Xuân Nhĩ…
Ngay lập tức, bọn giặc đã tra tấn hai người rất dã man, bằng những ngón đòn hết sức tàn độc, buộc hai người phải khai báo các cơ sở cách mạng khác, chỉ những hầm bí mật khác, nơi có nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương ẩn náu nhằm “hốt gọn” bộ máy kháng chiến địa phương. Thấy hai người kiên quyết không khai báo, chúng bắn chết đồng chí Lê Xuân Nhĩ trước mặt sư thầy để uy hiếp tinh thần, tưởng sư thầy sẽ gục ngã, nhưng vô ích. Sư thầy chỉ điềm nhiên đọc kinh cầu siêu cho đồng chí của mình. Nổi điên lên, chúng đẩy sư thầy ngã xuống cạnh xác xã đội trưởng và bắn luôn. Năm ấy, sư thầy 32 tuổi.
Sư thầy, nữ chiến sỹ du kích Thích Đàm Hiền- Nguyễn Thị Vân đã được công nhận liệt sỹ, được nhà nước tặng bằng Tổ Quốc ghi công. Sau khi sư thầy hy sinh, ba nhà sư Đàm Thuận, Đàm Thìn, Đàm Mùi vẫn tiếp tục ủng hộ kháng chiến.
Chùa Khánh Tân đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào tháng 3/2008. Theo trụ trì Thích Đàm Thanh thăm bàn thờ Tam Bảo, nơi có căn hầm bí mật thuở xưa, chúng tôi cứ ước ao giá như hầm được khôi phục lại nguyên trạng, để các thế hệ sau, khi vãng cảnh chùa, được chiêm ngưỡng, được hiểu thêm về truyền thống cách mạng của quê hương mình…

Những kẻ đánh bom nhắm vào tượng Đại Phật ở Bodh Gaya

 Quả bom đã được đặt ngay phần trên bệ của pho tượng.

Theo nguồn tin từ cảnh sát Ấn Độ, những kẻ gây ra vụ nổ hàng loạt tại Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng vào sáng sớm ngày 7-7 vừa qua cũng đã đặt một quả bom tại pho tượng Đức Phật Thích Ca vĩ đại được tạc bằng đá cao 24 mét tại Bodh Gaya, nhưng quả bom không nổ và sau đó đã được các chuyên gia tháo gỡ an toàn. Quả bom đã được đặt ngay phần trên bệ của pho tượng.
Toàn cảnh tượng Đại Phật ở Bodh Gaya.
Toàn cảnh tượng Đại Phật ở Bodh Gaya. 

Pho tượng Đại Phật này được tôn tạo dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản vào năm 1981. Trong khuôn viên của tượng Đại Phật, bên cạnh pho tượng Đức Phật Thích Ca còn có tượng 10 vị Đại đệ tử của Đức Phật. Đây cũng là một điểm đến quan trọng của khách hành hương mỗi khi tới Bodh Gaya.

Hiện tại, chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng cảnh sát Ấn Độ cho rằng, vụ đánh bom này là hình thức trả thù việc cộng đồng Phật giáo chống lại những người Hồi giáo ở Myanmar.