Tiện lợi, ít đau, hiệu quả nhanh, không cần nghỉ dưỡng… các yếu tố này khiến những thủ thuật làm đẹp xâm lấn nhẹ trở thành lựa chọn hàng đầu của dân công sở. Tuy nhiên, song song với sự phổ biến đó là một dấu hỏi lớn về mức độ “nghiện” và hệ lụy đi kèm khi việc làm đẹp không còn dừng ở nhu cầu mà trở thành áp lực, thói quen khó dứt.
![]() |
Ảnh minh hoạ/ Nguồn Internet |
Cú hích từ nhu cầu “đẹp ngay lập tức”
Nếu như trước đây, các ca phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi thời gian chuẩn bị, phẫu thuật, nghỉ dưỡng và theo dõi dài ngày thì giờ đây, chỉ trong vòng 30 phút, một người có thể thay đổi đáng kể diện mạo với một mũi tiêm filler vào rãnh mũi má, tiêm botox làm thon gọn hàm, hay chỉnh lại đuôi mắt để có ánh nhìn sắc nét hơn.
Phổ biến nhất trong giới văn phòng là các thủ thuật làm đẹp nhẹ nhàng như:
Tiêm botox: Giúp xóa nhăn trán, làm thon gọn góc hàm, nâng cung mày, làm thon gọn bắp tay hoặc bắp chân.
Tiêm filler: Dùng để tạo hình khuôn mặt, nâng mũi, tạo cằm V-line, làm đầy rãnh cười, làm đầy thái dương hoặc má hóp.
Vì sao giới văn phòng dễ “nghiện” làm đẹp không phẫu thuật?
Áp lực ngầm về ngoại hình
Với môi trường đề cao hình thức, đặc biệt ở các ngành nghề như tài chính, marketing, bất động sản, truyền thông…, một gương mặt tươi tắn, không nếp nhăn, không mệt mỏi thường tạo cảm giác đáng tin cậy, năng động và có sức hút. Điều này gián tiếp thúc đẩy nhu cầu duy trì vẻ ngoài trẻ trung, bất kể tuổi tác.
Hiệu quả nhanh, ít rủi ro
Không phải ai cũng đủ thời gian hoặc dũng cảm để can thiệp "dao kéo". Trong khi đó, các thủ thuật tiêm không đau nhiều, gần như không để lại dấu vết và có thể trở lại công việc gần như ngay lập tức. Đây là “món quà lý tưởng” cho những người bận rộn, cần cải thiện diện mạo mà không ảnh hưởng đến lịch làm việc.
Tính phổ cập và chi phí hợp lý
So với phẫu thuật thẩm mỹ, botox và filler có giá thành tương đối “mềm”. Nhiều cơ sở thẩm mỹ còn áp dụng ưu đãi, gói dịch vụ theo chu kỳ 3 hoặc 6 tháng. Điều này khiến các thủ thuật này dễ tiếp cận hơn, không còn là điều xa xỉ.
Mặt tối của “cơn nghiện trẻ hóa”
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài trẻ trung tức thì, là những rủi ro không nhỏ nếu người dùng không có đủ hiểu biết, sự cẩn trọng:
Biểu cảm “đơ”, gương mặt mất tự nhiên
Tiêm botox thường xuyên vào vùng trán hoặc quanh mắt có thể khiến cơ mặt không còn linh hoạt, dẫn đến biểu cảm cứng, thiếu tự nhiên – điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó chịu trong giao tiếp.
Biến chứng do filler không đạt chuẩn
Việc tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, kỹ thuật kém có thể gây ra hiện tượng vón cục, lệch sống mũi, nhiễm trùng hoặc thậm chí hoại tử mô nếu tiêm sai vị trí mạch máu.
Lệ thuộc vào làm đẹp
Khi đã quen với việc “làm đẹp cấp tốc”, nhiều người bắt đầu cảm thấy lo lắng, mất tự tin nếu hiệu quả tiêm bắt đầu giảm. Một số người còn liên tục can thiệp vào những vùng không cần thiết, khiến gương mặt ngày càng mất đi vẻ tự nhiên vốn có.
Thực tế, ở nhiều công ty, làm đẹp đã trở thành một phần của văn hóa công sở, đồng nghiệp truyền tai nhau chỗ tiêm “có tâm”, giới thiệu nhau voucher ưu đãi, thậm chí đi làm đẹp cùng nhau vào cuối tuần. Điều này vừa phản ánh nhu cầu làm đẹp thực tế, vừa cho thấy sự thay đổi trong quan điểm về ngoại hình của người lao động hiện đại. Tuy nhiên, khi văn hóa làm đẹp không còn dừng ở chăm sóc mà tiến dần đến “phụ thuộc”, thì chính người trong cuộc cũng cần tỉnh táo để giữ được sự cân bằng.