Tình yêu anh trai

(Kiến Thức) - Chúng em yêu nhau 2 năm, cùng nhau trải qua bao buồn vui, cay đắng, vậy mà bỗng dưng anh ấy thay đổi.

Chúng em yêu nhau 2 năm, cùng nhau trải qua bao buồn vui, cay đắng, vậy mà bỗng dưng anh ấy thay đổi. Anh nói anh bỗng nhận ra tình cảm của anh dành cho em giống một người anh trai với một người em gái nhiều hơn chứ không phải tình yêu. Anh lo lắng, quan tâm tới em rất nhiều, nhưng ở bên em, anh không có được cảm giác đam mê, khao khát trai gái. Em bất ngờ, đau khổ, van xin anh đừng bỏ mặc em, anh vẫn cương quyết dứt khoát. 
Tuyệt vọng, em uống cả một lọ thuốc ngủ, rồi chính anh đã đưa em tới bệnh viện. Từ đó, anh không nhắc tới chuyện chia tay nữa, nhưng cách anh cư xử còn khiến em buồn hơn. Mỗi khi bên nhau, anh có vẻ miễn cưỡng, thậm chí chẳng chủ động ôm hôn em, chỉ cố gắng đáp ứng các yêu cầu của em. Ngoài mặt em cười, nhưng trong lòng đau đớn lắm. Có cách nào để anh ấy lại trở lại như xưa không? - Vũ Liên Hoa (Thanh Hóa).
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Liên Hoa thân, em thử tìm hiểu, xem có yếu tố nào đó chen ngang vào tình yêu giữa hai em hay không, nhiều khả năng nhất là người thứ 3... Cùng với đó em cũng ngẫm lại, xem từng ấy năm yêu nhau, trong cách cư xử với em, có đúng là anh ấy đã thiếu sự đam mê, khao khát giống như anh ấy nói? Từ đó để em biết được, lý do chia tay của anh ấy là sự thật, hay chỉ là cái cớ. 
Tuy nhiên, theo những gì em kể, thì Tri Giao nghĩ, có lẽ anh ấy đã không nói dối em. Bởi vì, khi thấy em tuyệt vọng, tìm đến cái chết, anh đã không dám làm trái yêu cầu của em nữa. Điều đó chứng tỏ, anh ấy vẫn quan tâm, lo lắng cho em rất nhiều. Nhưng tình cảm đó, như em thấy, vẫn không đủ để em cảm nhận là một tình yêu. 
Như vậy, dù em có nỗ lực đến đâu, thì cũng không thể khiến anh ấy trao em điều anh ấy không có. Sự níu kéo sẽ chỉ đem đến nỗi đau khổ, dằn vặt cho cả hai mà thôi. Hãy buông tay khi tình cảm chỉ còn từ một phía em ạ. Chúc em bình tâm. 

Mẹ chồng “soi bóng”… nàng dâu

Chị lấy chồng sớm nên hơn 40 tuổi đã “lên chức” mẹ chồng. Từ ngày có con dâu, nhà thêm người nên có chút xáo trộn nếp sinh hoạt...

Ngày trước, chị dù nắm quyền “lãnh đạo” nhưng cũng kiêm “nhân viên” phục vụ của ba bố con. Đi thì chớ về đến nhà là quần áo, giày dép bố con thay ra vứt từ tầng dưới lên tầng trên. Họ ngồi góc nào là góc ấy tàn thuốc lá, bã chè, bàn cờ tướng, báo chí bừa bãi. Dù nói thế nào, chị cũng chẳng thay đổi nổi mấy bố con. Vậy là chị tay làm miệng nói, lâu dần trở thành người phụ nữ lắm điều trong nhà. Cũng vì cách sống ấy mà chị không được lòng mẹ chồng nhiều. Bao năm nay, mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu cứ như lửa với nước.

Giờ con dâu chị không cần “lắm điều” nhưng lại đưa mọi người vào khuôn khổ đâu vào đấy. Tuần đầu, nó quan sát nếp sinh hoạt nhà chồng, tuần sau rủ mẹ chồng đi chợ. Hôm đó, nó mua mấy cái sọt nhựa lớn về đặt ở trước cửa mỗi phòng ngủ nhẹ nhàng bảo: “Từ nay công việc giặt giũ quần áo cả nhà con sẽ đảm nhiệm thay mẹ. Vì không tiện vào phòng mỗi người thu dọn quần áo bẩn nên bố mẹ và chú út thay xong cho vào sọt hộ con”. Chỉ một yêu cầu nhỏ ấy của con dâu nhưng đã thay đổi cả thói quen vứt quần áo bẩn bừa bãi của mấy bố con. Đơn giản thế mà sao trước đây chị không nghĩ ra. Cứ thế những việc trước đây, chị nhắc nhở, la mắng thế nào bố con nó cũng chẳng thay đổi nhưng con dâu lại âm thầm làm được điều đó mà không gây ức chế, khó chịu cho người nào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đi làm thì thôi, về đến nhà là con dâu luôn miệng “mẹ ơi”. Vào bếp dù làm được hay không nó cũng “mẹ ơi, con làm thế này được chưa”, “mẹ ơi, xem hộ con cái này”, “mẹ ơi, con sắp xếp thế này được không ạ”. Rõ ràng là nó làm được, hỏi cho có lệ nhưng sao chị vẫn thấy mát lòng mỗi khi được nó xin ý kiến. Mỗi lần nó có làm hỏng việc, chị chẳng nỡ buông lời trách mắng. Khi nó mới về, chị thấy khó chịu với cái từ “mình ơi” của con dâu gọi chồng. Bởi sau mỗi từ đó là con trai chị như một con rối để cho nó sai vặt. Nào là “mình ơi, giúp em cái này”, “mình ơi, lấy hộ em cái kia”…

Nhưng sau một thời gian, chị thấy cái từ “mình ơi” ấy khiến vợ chồng chúng nó lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, con trai sống có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ việc nhà với vợ và mẹ. Cứ mỗi lần nghe con dâu ngọt ngào “mình ơi” với con trai, chồng chị lại nhìn vợ nháy mắt: “Đàn ông mà lúc nào vợ cũng gọi như vậy thì bảo đi vá trời cũng làm”. Cái từ “mình ơi” hóa ra có tác dụng rất đặc biệt với đàn ông, chỉ là chị không biết cách sử dụng nó.

Chị dâu trưởng gọi điện sang báo mẹ chồng ốm phải nằm viện điều trị ít lâu. Chị theo nếp cũ: “Mẹ tính đưa cho bác trưởng ít tiền thuê người chăm bà ở viện như mọi lần”. Bên kia, bác trưởng cũng đồng ý với phương án đó nên mọi chuyện liên quan đến việc nằm viện của bà nội đều được giải quyết bằng các dịch vụ từ ăn uống đến chăm sóc hàng ngày. Thế mà, con dâu chị cứ cách ngày lại hì hục nấu cháo mang vào bảo đổi món cho bà. Mỗi lần vào viện, nó “kể công” vất vả nấu cháo để ép bà ăn. Suốt một tháng trời, cả nhà cứ vì nồi cháo nó cần mẫn nấu nên thay nhau mang vào viện cho bà liên tục. Không giống như trước kia chỉ thỉnh thoảng đảo qua thăm bà chớp nhoáng rồi về lo công việc.

“Nhà chị thật có lòng với mẹ chồng, lại khéo dạy dâu hiếu thảo với bà cụ quá. Chẳng bù cho nhà tôi…”. Nghe bà cụ nằm chung phòng bệnh khen, lòng chị thoáng chút ngại ngùng. Nếu không vì nồi cháo của con dâu, chắc chị cũng chẳng có cơ hội nhận được lời khen này. “Thấy cháu dâu bảo dạo này mẹ nó hay đau đầu chóng mặt. Mẹ nó mang cái này về bồi bổ, mọi người cho nhiều quá mẹ dùng không hết”. Mẹ chồng chị vừa nói, vừa đưa lấy ra hộp sâm. Lòng chị ngèn ngẹn: “Sắp tới bác trưởng đi chăm con dâu ở cữ, mẹ về nhà con sống ít lâu nhé!” – chị vừa bóp chân cho mẹ chồng vừa mở lời. Ánh mắt bà cụ nhìn chị trìu mến, bao năm làm dâu lần đầu tiên chị cảm thấy mọi khúc mắc mẹ chồng nàng dâu trước đây biến mất. Chị thầm cảm ơn cô con dâu trẻ người mà không non dạ nhà mình.

Tình yêu không nán đợi

Tình yêu là một hành trình mới, mà nếu chỉ một người bước tới, chắc chẳng thể thành đôi. 

Người phụ nữ cầu hôn trước, lại thường là người phụ nữ tỉnh táo, cá tính, mạnh mẽ và yêu say đắm. Họ biết họ đang tìm kiếm điều gì, và tin rằng họ sẽ có được thứ hạnh phúc xứng đáng.

1. Người con gái tỏ tình trước, thường là cô gái si tình đến ngây dại khờ khạo, thậm chí sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng bản thân để cầu xin tình yêu của một người con trai.

Người phụ nữ cầu hôn trước, lại thường là người phụ nữ tỉnh táo, cá tính, mạnh mẽ và yêu say đắm. Họ biết họ đang tìm kiếm điều gì, và tin rằng họ sẽ có được thứ hạnh phúc xứng đáng.

Dân gian hay gọi đó là cọc đi tìm trâu! Dân gian thật lạ, dân gian chỉ chấp nhận những người phụ nữ đưa đơn li dị trước, khi mọi sự đã rồi, hôn nhân đã không đạt được mục đích, tình yêu đã thất bại. Còn người phụ nữ chủ động tìm kiếm hạnh phúc và tình yêu, dân gian lại cứ chê trách họ là “cọc tìm trâu”, hão huyền phi lý và có vẻ trái chiều đạo đức truyền thống.

Dân gian chỉ chực chờ cô gái thất bại, để úp lên đầu cô ấy lỗi “cọc tìm trâu”!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh so sánh ấy. Nếu người con trai là trâu, hẳn tới mùa yêu, người con trai sẽ đi tìm một cô trâu cái có đôi mắt ướt, chứ tại sao lại phải đi tìm cái cọc?

Nếu người con gái là cọc, hẳn bạn đời của cô ấy, trong hình ảnh so sánh trên, chính là sợi thừng gần gũi, chứ đâu phải chú trâu vô tâm, dù buộc cách gì cũng chỉ muốn đi ăn cỏ xa, xa nhất mức độ mà sợi dây ràng buộc còn cho phép!

Và đàn ông, cứ cho là trâu đi, đâu có ngốc tới mức, cái cọc nào chạy tới là buộc được? Và cọc cũng đâu có ngốc tới mức, cứ khăng khăng làm ngược lẽ đời, nếu như trong tim cô ấy đã không tràn đầy tình yêu và hy vọng, đến mức, phải mở lời trước?

2. Cách đây bốn năm năm, khi tôi còn là phóng viên thực hiện các chương trình phỏng vấn đường phố tại Đài Loan để phát trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, có một lần tôi đã thực hiện clips phỏng vấn đề tài này: Con gái hay con trai nên ngỏ lời trước?

Tất cả những bạn trẻ Đài Loan đều trả lời trước ống kính truyền hình: “Ai ngỏ lời trước chẳng được? Nếu đã yêu nhau, cả hai đều yêu nhau, thì ai ngỏ lời trước cũng sẽ thành đôi, thành lứa. Còn nếu chỉ một người yêu đơn phương một người, thì con trai hay con gái ngỏ lời trước, khả năng rất cao là đều thất bại!”. Tôi không biết những bạn trẻ Việt Nam sau khi xem chương trình của tôi thực hiện thì suy nghĩ gì.

Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên mới, nơi tình yêu và cảm xúc thực sự trong tim quan trọng hơn rất nhiều so với những nghi lễ, ràng buộc, lề thói, sự ngại ngùng giới tính, lời thị phi của những kẻ vô công rỗi nghề xung quanh ta. Nếu người phụ nữ thực sự muốn người con trai ngỏ lời trước, cô ấy sẽ có vô số tín hiệu và tạo ra vô số cơ hội để người con trai tỏ tình trước!

Điều ấy hoàn toàn không liên quan tới việc, vị trí của cô ấy là cái cọc, phải đứng yên một chỗ chờ tình yêu tới!

Và nếu, người con trai vẫn không ngỏ lời, thì không phải là vì anh ta ghét cái vụ “cọc tìm trâu hay trâu tìm cọc”, chỉ là anh ta không đủ tình yêu mà thôi! Và anh ta chưa yêu hoặc chưa đủ yêu cô ấy mà thôi!

3. Dường như, phụ nữ vẫn phải nhường một lối cho đàn ông chủ động bước vào đời mình, hoặc bước vào cuộc tình mình! Nhiều người cho rằng, như thế mới bền được cuộc tình, mới lâu dài được hạnh phúc. Có thật vậy không?

Thật hài hước, có nhiều cuộc tình không hề bắt đầu bằng câu nói: “Anh yêu em” hoặc “Em yêu anh”. Tình yêu bắt đầu ngay lập tức bằng một nụ hôn, một cái nắm tay, thậm chí một cái ôm chầm sau nhiều xa cách, một ánh mắt da diết nhìn nhau qua một đám đông, mà không thấy đám đông, chỉ thấy nhau!

Những điều ấy dường như ngay lập tức, được tới từ cả hai người, không thể phân biệt được ai nhìn ai trước, ai có ý nghĩ ôm ai trước. Có một đôi mình quen, học cùng nhau năm sáu năm thì không tỏ tình, nhưng chỉ một đêm lửa trại dựa vào vai nhau ngắm trời sao, sáng sau đã thành tình nhân! Tức là tình yêu bắt đầu từ trước đó rất lâu, sự tha thiết đã ở trong trái tim rất lâu, đâu phải cứ khi chàng trai phát tín hiệu, cô gái mới có thể đón nhận hoặc bày tỏ?

Tình yêu là một hành trình mới, mà nếu chỉ một người bước tới, chắc chẳng thể thành đôi. Thật sai lầm khi những cô gái nghĩ rằng, mình yêu anh ấy, nhưng mình sẽ ngồi sau cánh cửa này. Chỉ cần anh ấy đẩy cửa, mở cửa ra, mình sẽ là của anh ấy. Còn nếu không, mình sẽ ôm tình yêu mãi mãi chôn trong trái tim này.

Vì cơ hội hạnh phúc thường trôi qua vào lúc ta không ngờ nhất.

Ghen điên cuồng vì xấu hơn người cũ

(Kiến Thức) - Anh ấy không bao giờ chia sẻ với tôi về người vợ cũ. Chỉ duy nhất một lần, ngày mà giữa chúng tôi vẫn chưa chính thức yêu, anh ấy nói với tôi: Vợ anh đã phản bội anh, đi theo người khác.

Anh ấy không bao giờ chia sẻ với tôi về người vợ cũ. Chỉ duy nhất một lần, ngày mà giữa chúng tôi vẫn chưa chính thức yêu, anh ấy nói với tôi: Vợ anh đã phản bội anh, đi theo người khác. Sau này, mỗi lần tôi tỏ ý tìm hiểu sâu hơn những chuyện về chị, anh đều lảng tránh. Tôi mà gặng hỏi, thì anh nổi cáu. Mới đầu tôi cứ nghĩ anh căm hận chị, muốn quên. Nhưng sau này, qua một người bạn của anh ấy tôi biết chị là người phụ nữ quyến rũ, xinh đẹp và anh yêu chị rất nhiều. Tôi có cảm giác ghen đến phát điên, bởi tôi chỉ là cô gái hình thức trung bình. 
Mặc cảm, tự ti, tôi hành hạ anh bằng việc nhắc thường xuyên đến chị, rằng chị đã phản bội anh thế nào, xấu xa ra sao. Tôi muốn xới tung ký ức của anh, để anh thôi nâng niu nó, đau đớn tận cùng rồi quên. Nhưng anh lại quay sang lạnh lùng với tôi, thậm chí đòi chia tay. Có phải nếu lấy anh, tôi phải chấp nhận là cái bóng của chị suốt đời không? Tôi có nên chấp nhận một tình yêu như thế không? - Trần Hương Lan (Thái Bình).