Các nhà khoa học tìm ra loại đá lâu đời nhất trên Trái Đất?

Các nhà nghiên cứu vừa công bố phát hiện có thể được xem là những tảng đá lâu đời nhất trên Trái Đất từng ghi nhận.

Nằm trong một vành đai đá xoáy ở vùng đông bắc Canada, còn được gọi là Vành đai đá xanh Nuvvuagittuq, đây là nơi chứa một số khoáng chất cổ xưa nhất mà con người từng biết đến. Phát hiện này mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về những năm đầu tiên của hành tinh chúng ta.

Vành đai đá xanh Nuvvuagittuq thực sự có niên đại lên đến 4,16 tỷ năm.

Phân tích niên đại mới cho thấy những tảng đá này có thể có tuổi đời lên tới 4,16 tỷ năm, gần bằng tuổi ước tính của Trái Đất. Việc xác định niên đại của Vành đai đá xanh Nuvvuagittuq không hề đơn giản khi mà các nhà khoa học địa chất đã theo dõi vành đai này trong hơn 15 năm. Họ cho biết, mặc dù có thể tồn tại những nhóm đá tương tự ở nơi khác, nhưng bề mặt và lớp vỏ Trái Đất liên tục thay đổi do các lực kiến tạo và tác động phong hóa khiến việc tìm kiếm các khu vực chứa khoáng chất cổ xưa trở nên khó khăn.

Những tảng đá này đặc biệt quan trọng đối với các nhà khoa học vì chúng chứa khoáng chất Hadean, thuộc kỷ địa chất đầu tiên của Trái Đất, kéo dài từ khi hành tinh hình thành cho đến hơn 4 tỷ năm trước. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp niên đại trên một loại đá gọi là metagabbro.

Cả hai thử nghiệm đều cho kết quả tương đồng, củng cố niềm tin rằng họ đã đi đúng hướng. Mặc dù còn nhiều điều cần khám phá, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng độ tuổi tối thiểu của Vành đai đá xanh Nuvvuagittuq là 4,16 tỷ năm, điều này mở ra cánh cửa cho những nghiên cứu tiếp theo về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.