Tình yêu không nán đợi

Tình yêu là một hành trình mới, mà nếu chỉ một người bước tới, chắc chẳng thể thành đôi. 

Người phụ nữ cầu hôn trước, lại thường là người phụ nữ tỉnh táo, cá tính, mạnh mẽ và yêu say đắm. Họ biết họ đang tìm kiếm điều gì, và tin rằng họ sẽ có được thứ hạnh phúc xứng đáng.
1. Người con gái tỏ tình trước, thường là cô gái si tình đến ngây dại khờ khạo, thậm chí sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng bản thân để cầu xin tình yêu của một người con trai.
Người phụ nữ cầu hôn trước, lại thường là người phụ nữ tỉnh táo, cá tính, mạnh mẽ và yêu say đắm. Họ biết họ đang tìm kiếm điều gì, và tin rằng họ sẽ có được thứ hạnh phúc xứng đáng.
Dân gian hay gọi đó là cọc đi tìm trâu! Dân gian thật lạ, dân gian chỉ chấp nhận những người phụ nữ đưa đơn li dị trước, khi mọi sự đã rồi, hôn nhân đã không đạt được mục đích, tình yêu đã thất bại. Còn người phụ nữ chủ động tìm kiếm hạnh phúc và tình yêu, dân gian lại cứ chê trách họ là “cọc tìm trâu”, hão huyền phi lý và có vẻ trái chiều đạo đức truyền thống.
Dân gian chỉ chực chờ cô gái thất bại, để úp lên đầu cô ấy lỗi “cọc tìm trâu”!
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh so sánh ấy. Nếu người con trai là trâu, hẳn tới mùa yêu, người con trai sẽ đi tìm một cô trâu cái có đôi mắt ướt, chứ tại sao lại phải đi tìm cái cọc?
Nếu người con gái là cọc, hẳn bạn đời của cô ấy, trong hình ảnh so sánh trên, chính là sợi thừng gần gũi, chứ đâu phải chú trâu vô tâm, dù buộc cách gì cũng chỉ muốn đi ăn cỏ xa, xa nhất mức độ mà sợi dây ràng buộc còn cho phép!
Và đàn ông, cứ cho là trâu đi, đâu có ngốc tới mức, cái cọc nào chạy tới là buộc được? Và cọc cũng đâu có ngốc tới mức, cứ khăng khăng làm ngược lẽ đời, nếu như trong tim cô ấy đã không tràn đầy tình yêu và hy vọng, đến mức, phải mở lời trước?
2. Cách đây bốn năm năm, khi tôi còn là phóng viên thực hiện các chương trình phỏng vấn đường phố tại Đài Loan để phát trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, có một lần tôi đã thực hiện clips phỏng vấn đề tài này: Con gái hay con trai nên ngỏ lời trước?
Tất cả những bạn trẻ Đài Loan đều trả lời trước ống kính truyền hình: “Ai ngỏ lời trước chẳng được? Nếu đã yêu nhau, cả hai đều yêu nhau, thì ai ngỏ lời trước cũng sẽ thành đôi, thành lứa. Còn nếu chỉ một người yêu đơn phương một người, thì con trai hay con gái ngỏ lời trước, khả năng rất cao là đều thất bại!”. Tôi không biết những bạn trẻ Việt Nam sau khi xem chương trình của tôi thực hiện thì suy nghĩ gì.
Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên mới, nơi tình yêu và cảm xúc thực sự trong tim quan trọng hơn rất nhiều so với những nghi lễ, ràng buộc, lề thói, sự ngại ngùng giới tính, lời thị phi của những kẻ vô công rỗi nghề xung quanh ta. Nếu người phụ nữ thực sự muốn người con trai ngỏ lời trước, cô ấy sẽ có vô số tín hiệu và tạo ra vô số cơ hội để người con trai tỏ tình trước!
Điều ấy hoàn toàn không liên quan tới việc, vị trí của cô ấy là cái cọc, phải đứng yên một chỗ chờ tình yêu tới!
Và nếu, người con trai vẫn không ngỏ lời, thì không phải là vì anh ta ghét cái vụ “cọc tìm trâu hay trâu tìm cọc”, chỉ là anh ta không đủ tình yêu mà thôi! Và anh ta chưa yêu hoặc chưa đủ yêu cô ấy mà thôi!
3. Dường như, phụ nữ vẫn phải nhường một lối cho đàn ông chủ động bước vào đời mình, hoặc bước vào cuộc tình mình! Nhiều người cho rằng, như thế mới bền được cuộc tình, mới lâu dài được hạnh phúc. Có thật vậy không?
Thật hài hước, có nhiều cuộc tình không hề bắt đầu bằng câu nói: “Anh yêu em” hoặc “Em yêu anh”. Tình yêu bắt đầu ngay lập tức bằng một nụ hôn, một cái nắm tay, thậm chí một cái ôm chầm sau nhiều xa cách, một ánh mắt da diết nhìn nhau qua một đám đông, mà không thấy đám đông, chỉ thấy nhau!
Những điều ấy dường như ngay lập tức, được tới từ cả hai người, không thể phân biệt được ai nhìn ai trước, ai có ý nghĩ ôm ai trước. Có một đôi mình quen, học cùng nhau năm sáu năm thì không tỏ tình, nhưng chỉ một đêm lửa trại dựa vào vai nhau ngắm trời sao, sáng sau đã thành tình nhân! Tức là tình yêu bắt đầu từ trước đó rất lâu, sự tha thiết đã ở trong trái tim rất lâu, đâu phải cứ khi chàng trai phát tín hiệu, cô gái mới có thể đón nhận hoặc bày tỏ?
Tình yêu là một hành trình mới, mà nếu chỉ một người bước tới, chắc chẳng thể thành đôi. Thật sai lầm khi những cô gái nghĩ rằng, mình yêu anh ấy, nhưng mình sẽ ngồi sau cánh cửa này. Chỉ cần anh ấy đẩy cửa, mở cửa ra, mình sẽ là của anh ấy. Còn nếu không, mình sẽ ôm tình yêu mãi mãi chôn trong trái tim này.
Vì cơ hội hạnh phúc thường trôi qua vào lúc ta không ngờ nhất.

Tình yêu “thuốc phiện“

(Kiến Thức) - Cách đây hơn một năm, tôi gặp một người đàn ông tính cách khác hẳn chồng tôi, đặc biệt là việc biết lắng nghe, chia sẻ.

Tôi 32 tuổi, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc do chồng tôi ít quan tâm tới vợ con, đã thế lại còn hay nói ngang. Là vợ chồng mà hầu như chúng tôi chẳng bao giờ tâm sự được với nhau, vì chỉ câu trước câu sau đã cãi vã rồi. Cách đây hơn một năm, tôi gặp một người đàn ông tính cách khác hẳn chồng tôi, đặc biệt là việc biết lắng nghe, chia sẻ. Hằng ngày chúng tôi gặp nhau trên mạng, qua điện thoại, thi thoảng đi uống nước, tình cảm ngày càng thắm thiết, tuy nhiên, tôi không cho anh đi quá giới hạn, tất cả chỉ dừng lại như vậy. 
Từ khi có anh, tôi vơi rất nhiều nỗi cô đơn, và nhờ anh, tôi mới yêu đời, chăm sóc vô điều kiện gia đình, dù chồng có thế nào chăng nữa. Nhưng tôi vẫn mặc cảm mình đang làm điều có lỗi. Liệu tôi có cả nghĩ quá không, nhất là khi tôi giữ được không làm điều gì quá giới hạn, và mối quan hệ này đem lại sức sống cho tôi? - Nguyễn Mai Hương (Hà Nội).

Cái giá của “Công, dung, ngôn, hạnh”?

Công, dung, ngôn, hạnh theo chị tôi là phải lọt qua đôi mắt “khó tính” của mẹ chồng và những cái gật gù hài lòng của cha chồng. 

Từ ngày lấy chồng, chị tôi tàn tạ hẳn đi. Chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng trông chị như bà cụ hom hem. Ngược lại anh chồng chị cứ phơi phới trẻ trung, trông chẳng khác nào trai tân. Đó là cái giá của “công, dung, ngôn, hạnh” mà chị tôi phấn đấu từ khi bước chân về nhà chồng.

Mỗi lần nhà chồng có giỗ chạp hay ngày lễ Tết, chị tôi tức tốc về nhà. Chị xắn tay áo vào bếp làm thoăn thoắt như một cái máy. Từ 1 giờ sáng, chị đã thức dậy chuẩn bị thực đơn từng bàn. Đám giỗ gần 10 mâm, một tay chị đứng bếp nấu nướng. Bà con nhà chồng đến ăn cỗ, ai cũng tấm tắc khen ngợi chị tôi khéo léo, đảm đang. Họ bảo ba mẹ chồng chị thật có phước, vừa lấy được dâu hiền lại khéo léo nội trợ. Nghe những lời khen ngợi của mọi người, chị tôi càng tự hứa phải phấn đấu đảm đang hơn nữa để chồng và nhà chồng được nở mặt nở mày.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vì nhà chị gần nhà cha mẹ chồng nên ngày hai bữa, tranh thủ giờ làm, chị lại chạy sang nhà chồng phụ cơm nước, chợ búa. Thời gian chị có bầu dù thai hành lên, hành xuống nhưng vẫn không quên nhiệm vụ cơm nước cho cha mẹ chồng. Dù tôi nhiều lần khuyên chị nên giữ gìn sức khỏe, bên nhà chồng đã có cô em gái lớn, học đến lớp 12. Nhưng chị bảo: “Con đó lười lắm. Việc gì cũng chờ đến tay chị”. Chị không biết rằng chính sự nhiệt tình quá mức của chị đã khiến cô em chồng và cả nhà chồng ỷ lại.

Nhớ ngày 30 Tết, tôi sang nhà chị mà tức cành hông. Trong khi anh chồng chị mải cụng li sang sảng với bạn bè, chị tôi ôm cái bụng bầu lớn hết chạy ra lại chạy vào chuẩn bị món nhậu cho chồng cùng các chiến hữu. “Sao không để anh vào bếp? Chị bụng mang dạ chửa thế kia mà còn phải phục dịch chồng à”, tôi gắt gỏng. Chị tôi cười xòa, vẻ nhẫn nhịn: “Em chưa có gia đình nên không hiểu. Đàn ông sĩ diện lắm. Trước mặt bạn bè, bao giờ họ cũng muốn vợ đảm đang, chiều chuộng chồng”. Tôi chỉ biết im lặng, thở dài.

Ngay khi sinh em bé được hai tháng, về nhà mẹ ruột chị cũng chẳng yên việc ở nhà chồng. Cuối tuần, chị lại chạy sang phụ mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa. Nhiều lần mẹ tôi nhắc nhở: “Con mới sinh non ngày, không biết kiêng cữ sau này sẽ khổ đó. Cái gì thì cha mẹ mang vác thay chứ bệnh tật thì chỉ một mình con chịu”. Chị tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của mẹ. Chị lo em trai của chồng vừa cưới vợ mới. Nàng dâu lại ở chung với cha mẹ chồng nên chị sợ em dâu mới xì xào to nhỏ, nói xấu sau lưng chị. Tôi cười buồn: “Là chị sợ cái công lấy lòng ba mẹ chồng bấy lâu nay đổ sông đổ biển chứ gì. Sao chị phải khổ sở hành xác mình chỉ vì mấy lời khen vớ vẩn”, tôi tức giận nói thẳng. Chị tôi chỉ biết im lặng.

Từng ngày chứng kiến chị tôi hết tất bật công việc ở công ty, về nhà lại lao vào dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho chồng con. Những khi rảnh rỗi chị cũng chẳng được nghỉ tấm thân lại sang nhà chồng giúp mẹ chồng làm những công việc nội trợ không tên. Tôi chẳng biết khuyên nhủ ra sao? Vì chị tôi luôn muốn là “số 1” trong mắt chồng và nhà chồng. Với chị những lời khen có cánh ấy chính là thước đo để đánh giá đức hạnh của người con dâu. Công, dung, ngôn, hạnh theo chị tôi là phải lọt qua đôi mắt “khó tính” của mẹ chồng và những cái gật gù hài lòng của cha chồng. Chỉ khổ cho chị mỗi ngày lại như con trâu “cày” cả thửa đất rộng lớn của giang sơn nhà chồng. Tôi chẳng biết chị còn đủ sức lực để kéo sợi dây đức hạnh, công dung ấy dài được suốt cuộc đời này không?

Nhọc nhằn cởi bỏ chính mình vì chồng

Anh vẽ sẵn đời con như đặt để một con búp bê - một con “búp bê con”. Còn người phụ nữ đang nằm bên anh, là “búp bê vợ”.

Loay hoay mãi chị cũng nấu xong bữa cơm. Vừa ngồi xuống thở phào, trút cái mệt mỏi sau một buổi chiều dằng dặc với công việc, chợ búa, kẹt xe, bếp núc; chị nhận được điện thoại. Anh gọi, báo “cắt cơm”.

Ngay lúc ấy, bao nhiêu vất vả suốt buổi chiều tái diễn lại hết trong đầu chị, rồi “bung” ra không kịp kìm nén. Sao giờ anh mới nói? Nhà có hai người, anh không ăn thì em đâu nấu làm gì? Anh nói thích cơm nhà mà cứ dăm bữa lại cắt cơm là sao? Mà… anh đi đâu? Anh nghiêm giọng, chậm rãi: “Anh đi tiếp khách, em cứ ăn phần em, còn bao nhiêu tối về anh sẽ ăn bằng hết. Từ mai, em không cần nấu nữa!”. Cúp máy. Anh chẳng cho chị thêm một giây nào để… chữa cháy.

Mâm cơm đã nguội ngắt chị vẫn còn ngồi ngẩn ngơ. Cũng một lần tương tự, anh đã gia ơn: “Thêm một lần nữa, anh sẽ không bỏ qua!”. Lần này chắc anh sẽ giận cả tuần, có khi cả tháng, mà cũng có khi anh đòi ly hôn luôn cũng nên.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh về nhà sau 22h, chị kỳ kèo mãi, rốt cuộc anh cũng chịu “đối thoại”. Mà thực ra là anh độc thoại, còn kẻ sai là chị chỉ lẳng lặng mà nghe. Anh bảo, vì chị vẫn chưa hiểu hạnh phúc của người nội trợ, xem nấu ăn như một sự hy sinh nặng nề; vì chị chưa đủ chững chạc để làm vợ… nên mới phản ứng thế. Anh “khai sáng” tiếp: “Em không biết đó thôi, phụ nữ nào mà tới bữa chẳng phải nấu cơm? Dù chồng không ăn, thì ngày mai, ngày mốt họ vẫn tiếp tục nấu, em thử nhìn qua những nhà khác mà xem…”. Chị thầm đổ lỗi cho tuổi trẻ phóng khoáng, ham chơi của mình nên hình mẫu gia đình anh hay đề cập thật xa lạ, khiến chị ép mình hoài mà vẫn thấy “lệch”, vẫn bị anh chê trách.

Trước khi lấy anh, chị chỉ biết học và làm, ngoài chuyện học giỏi và làm tốt, mọi thứ khác đều là “sở đoản” của chị. Chị không thích mà cũng không biết nấu ăn, những cuộc hội họp bạn bè ở những cửa hàng thức ăn nhanh luôn hấp dẫn chị. Những hôm không tụ tập bạn bè, chị đã có cơm nhà do cô giúp việc nấu sẵn. Anh là người miền Trung, hơn chị mười tuổi, giỏi kiếm tiền và… “bị ám ảnh bởi những bữa cơm nhà” - đó là lời chị trêu anh lúc còn yêu nhau. Cưới về, chị hào hứng đi học nấu ăn, rồi cũng biết làm những bữa cơm vừa ý chồng. Nhiều sở đoản đã trở thành sở trường, những niềm vui mà anh cho là trẻ con, vô bổ, chị dần từ bỏ hết. Ra đường, chị chẳng chịu thua ai, ngay cả với sếp, chị cũng cãi cho ra ngọn ra ngành, nhưng về nhà, chị lại nhường nhịn anh hết mức. Bạn bè nói chị “lụy” chồng, chị cười, sống với nhau cả đời, lụy một chút cũng chẳng sao. Thế mà, “bản chất” của chị, những “lệch lạc vô thức” của chị cứ làm anh thất vọng, rồi cãi vã, giận hờn.

Lúc chưa cưới, du lịch là niềm vui của chị. Cưới về, chị tập quen với suy nghĩ, du lịch là trò vô bổ nhất đời. Anh nói: “Em nhìn những tay phượt bạn em mà xem, rồi họ sẽ chẳng có gì, gia đình nào mà yên ấm nổi, sự nghiệp nào mà thăng tiến nổi khi người ta chẳng chịu ngồi yên một chỗ?”. Quả thật, bạn bè chị, những người cùng chị rong ruổi lên rừng xuống biển thời son trẻ, giờ chẳng ai giàu có, thành đạt như anh. Bị chồng thuyết phục, chị thôi mơ tưởng những chuyến đi xa. Cho tới một kỳ nghỉ dài ngày, chị nổi hứng, năn nỉ anh xuống Vũng Tàu đổi gió. Anh lại đem lý thuyết cũ ra, cộng thêm lý do “anh cần nghỉ ngơi”, chị lại thấy đòi hỏi của mình thật là trẻ con, vì “với một người đã lập gia đình, chẳng nơi đâu hấp dẫn bằng nhà mình”.

Những thứ từng được xem là “lẽ sống” chị đã dần “cai” được hết, vậy mà cái hình xăm ở thắt lưng, cứ xóa hoài xóa mãi vẫn chưa phai. Đêm khuya, hai vợ chồng vừa “hòa giải” ôm nhau bàn chuyện sinh con. Nhắc chuyện con cái, chị nóng lòng, anh thì điềm tĩnh. Anh nói, phải chờ chị xóa xong hình xăm thì mới có em bé được. Thứ nhất, vì việc xóa xăm sẽ có hại cho thai nhi. Thứ hai, hình xăm đó là dấu vết của một thời nông nổi, mà một người mẹ thì không được nông nổi, dù chỉ là "dư âm". Nhắc chuyện xóa xăm, chị bỗng rùng mình. Mỗi lần tới thẩm mỹ viện để xóa xăm theo đúng liệu trình, chị lại thấy lòng buồn man mác, phần vì đau đớn, phần vì xót thương khi phải cố xóa đi một thứ hữu hình mà chị đã từng nâng niu thời thiếu nữ. Chị vẫn còn nhớ hồi đó chị say mê những hình xăm ra sao, rồi khi xăm được hình xăm này, chị đã hạnh phúc thế nào. Anh vẫn đang miên man nói chuyện sinh con. Con anh sẽ phải mặc áo đầm, đi giày búp bê, hồi sinh viên anh mê tít mấy cô gái như thế, đâu như mấy cô ăn mặc bụi bặm, hippy.

Anh say sưa như đang sáng tạo ra một con người mà anh mơ ước. Mặc đầm công chúa, đi giày búp bê, học piano, theo nghề của bố - đứa con chị chưa kịp thai nghén đã có cuộc đời. Anh vẽ sẵn đời con như đặt để một con búp bê - một con “búp bê con”. Còn người phụ nữ đang nằm bên anh, là một con búp bê khác, “búp bê vợ”. Phải rồi, chị đâu khác gì con búp bê anh giữ trong tay, thêm cái này, bớt cái kia cho vừa ý. Anh nói, thích thức ăn nhanh, yêu du lịch, mê mẩn những hình xăm là những dẫn chứng cho một thời nông nổi của chị. Than thở sau những lần nấu nướng chẳng ai ăn, hay vòi vĩnh một lần đổi gió, là biểu hiện của “bản chất”, của những “lệch lạc vô thức” của chị. Nhưng, bản chất, vô thức, lại là những điều không thể chối bỏ của con người chị. Chị đã nhọc nhằn cởi bỏ chính mình để bước vào thế giới của anh, còn thế giới của chị, anh chẳng mảy may nhìn vào, chỉ muốn gạt bỏ. Nghĩ tới đó, chị lại rùng mình. Không biết ngày đó, anh vì yêu chị mà chọn chị làm vợ hay anh chọn chị, một dung nhan vừa phải, đủ trình độ và ngoan hiền, để dễ “đào tạo” trở thành một người vợ đúng như ý anh?