Thức khuya làm ca đêm, cô gái trẻ rơi vào vòng xoáy bệnh tật, 14 năm phải chạy thận để giành sự sống

Khi đôi mươi, trong lúc người khác còn đang say giấc mộng về tương lai, chị Nguyễn Thị Hiền (33 tuổi, Bắc Ninh) phải học cách làm quen với kim tiêm, máy móc, thuốc men và cả những đêm nằm thao thức nghĩ về sự sống.

19 tuổi mắc bệnh suy thận

Năm 2011, chị Hiền làm công nhân tại Bắc Ninh. Ở tuổi 19, chị Hiền cũng có những giấc mơ giản đơn, một mái nhà nhỏ, công việc ổn định, những bữa cơm ấm cúng. Nhưng rồi mọi thứ đổ sụp chỉ vì những cơn mệt mỏi bất thường kéo theo cảm giác chán ăn triền miên và những lần tiểu đêm ngày một dày lên như lời cảnh báo của cơ thể.

“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ do mình làm ca đêm nhiều lại hay bỏ bữa nên mệt. Nhưng dù tôi cố gắng ngủ nhiều, cảm giác uể oải vẫn không giảm xuống. Khi vào viện, sau hàng loạt các xét nghiệm, tôi tìm được đáp án cho những dấu hiệu lạ của mình theo một cách không ngờ đến nhất: Suy thận giai đoạn ba”, chị Hiền nói.

Chị Hiền của lúc đó không hiểu nhiều về bệnh, những tưởng uống thuốc đều đặn thì căn bệnh sẽ lui dần. Chị từng thử uống thuốc Nam, hy vọng tìm lại sức khỏe theo cách tự nhiên, tránh can thiệp từ Tây y. Nhưng càng uống, cơ thể càng suy kiệt. Bên cạnh những cơn khó thở ập đến thường xuyên, chị Hiền lờ mờ cảm thấy nước tiểu của mình như có màu máu. Lần trở lại bệnh viện sau một năm âm thầm tự chữa, chị Hiền nhận được kết quả: Suy thận giai đoạn cuối.

Ở tuổi 19, chị Hiền mắc bệnh suy thận. (Ảnh NVCC).

Bác sĩ đưa cho chị Hiền 2 phương án. Một là ghép thận, cơ hội duy nhất để chị có thể sống một cuộc đời gần như bình thường nhưng đi kèm với đó là chi phí cao chót vót và những nguy cơ biến chứng sau mổ, đặc biệt là nguy cơ thải ghép nếu cơ thể không thích nghi với thận mới. Hai là lọc máu định kỳ 3 lần mỗi tuần để duy trì sự sống.

Càng nghe bác sĩ giải thích về căn bệnh suy thận tôi càng sụp đổ. Tôi nghĩ cuộc đời mình vậy là chấm hết rồi, không còn gì nữa”, chị Hiền nhớ lại. 

Đứng trước chi phí ghép thận cao không thể với tới, chị Hiền chọn phương án thứ hai. Vậy là khi bạn bè đang mơ chuyện lập nghiệp, chị Hiền bắt đầu học cách quen với ba buổi lọc máu định kỳ mỗi tuần. Ống tiêm gắn vào cánh tay, dòng máu đỏ sẫm từ cơ thể chảy ra, đi qua máy lọc rồi lặng lẽ trở về. Chìm trong vòng lặp đều đặn của tiếng tít tít từ máy lọc máu, có đôi khi Hiền cảm giác như mình không còn là một con người trọn vẹn mà chỉ là một phần của thiết bị y tế, được vận hành bằng dây nối và kim tiêm. 

Thời gian đầu, cơ thể chị Hiền như bị rút cạn sức lực. Có hôm chưa kịp rời khỏi ghế đã phải nằm lại thêm một lúc vì hoa mắt, chóng mặt, tim đập mạnh, mồ hôi túa ra lạnh toát. Có lần, vừa ra khỏi phòng chạy thận, chưa đi được bao bước thì chân như không còn cảm giác, đầu lâng lâng, mắt tối sầm lại, chị Hiền cố gắng bám lấy lan can hành lang nhưng tay run bần bật, rồi cơ thể đổ xuống nền gạch lạnh ngắt. Trước khi hoàn toàn mất ý thức, chỉ kịp thấy những bóng người lao đến.

“Tôi không đếm nổi bao nhiêu lần bản thân đứng giữa sống và chết như thế. Có khi nó bắt đầu từ cơn choáng bất chợt, có khi là tiếng tim đập dồn dập hay lúc đầu đau nhưng búa bổ, huyết áp tụt đột ngột. Tất cả chỉ diễn ra chớp nhoáng nhưng mỗi lần tỉnh dậy tôi không thể quên được cảm giác như thể vừa đi qua cái chết”, chị Hiền nói.

Học cách sống chung với bệnh

Ba năm đầu tiên mắc bệnh, cuộc sống của chị Hiền chỉ quẩn quanh cung đường từ khu trọ chạy thận đến bệnh viện. Từ cô gái trẻ vui vẻ, hoạt bát, nhiều hoài bão, chị Hiền trở thành một người luôn mang đầy mặc cảm. Chị sống vo tròn trong thế giới của riêng mình vì những mệt mỏi bám riết. Hơn hết, chị sợ cảm giác người khác dán mắt vào những vết sẹo do kim tiêm để lại đang lớn dần trên cánh tay.

Mười bốn năm chạy thận, chị Hiền học được cách sống chung với bệnh và trân trọng từng giây phút còn được sống. (Ảnh NVCC).

Không chỉ bệnh tật, mà cả nỗi đơn độc cũng như một chiếc áo dài bó chặt lấy cuộc đời chị Hiền. Không cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng khi mới lên hai, chị Hiền được bác ruột nuôi lớn. Nhưng khi phát bệnh, bác đã già yếu, không đủ sức để lo cho chị. 

Một mình giữa Hà Nội, chị Hiền phải tự xoay xở mọi thứ từ thuốc thang, viện phí đến chỗ ăn chỗ ở. Chị Hiền thuê trọ gần bệnh viện, sống trong khu nhà trọ của các bệnh nhân chạy thận. Ngày ba buổi cơm đạm bạc, ngoài ba ngày lọc máu, những ngày còn lại trong tuần, chị Hiền tranh thủ đi chợ thuê, đưa đón bệnh nhân đi khám, làm bất kỳ việc gì phù hợp với sức khỏe để có tiền duy trì thuốc men. Có những ngày phải nhặt ve chai, đồng nát, bán lấy vài chục ngàn để đủ mua một liều thuốc ngoài danh mục bảo hiểm.

“Nhiều lúc nhìn người khác có bố mẹ đi viện cùng, tôi chỉ biết khóc, tủi thân lắm chứ! Tôi có lỗi gì đâu mà sao nhiều bất hạnh đến với tôi thế!”, chị Hiền nghẹn ngào nói.

Qua ba năm đầu, sức khoẻ của chị Hiền cũng dần tốt lên. Vẫn còn đó những buổi chạy thận định kỳ nhưng đã thôi chìm trong đau khổ và dằn vặt. 

“Bệnh rồi mới thấy sức khoẻ đáng giá đến nhường nào. Khoảng thời gian đầu chạy thận, sức khỏe yếu nên suy nghĩ lúc nào cũng tiêu cực. Đến khi cơ thể dần tốt lên, những suy nghĩ tích cực cứ tự nhiên hình thành. Rồi tôi chợt nhận ra: Nếu đã không đổi được bệnh, thì mình đổi cách sống thôi”, chị Hiền tâm sự.

Hiện tại, chị Hiền hy vọng bản thân có đủ sức để tiếp tục điều trị. (Ảnh NVCC).

Mười bốn năm dài đằng đẵng qua đi, Hiền đã sớm coi bệnh như một người bạn đồng hành. Chị tập trung chăm sóc bản thân nhiều hơn, học cách biết ơn cơ thể mỗi ngày vì vẫn còn được thở, được sống. Thời gian rảnh chị dành thời gian để trồng một vài chậu xương rồng nhỏ, ghi lại nhật ký sức khỏe và lên kế hoạch cho những ngày sắp tới. 

Sau mỗi đợt lọc máu, nếu cơ thể còn đủ sức, chị lại tự thưởng cho mình những chuyến đi ngắn, có khi là về quê, lúc chỉ là loanh quanh một điểm du lịch gần Hà Nội. Không cần quá xa, chỉ cần có nắng, có gió và chút tĩnh lặng để chị lắng nghe cơ thể.

“Hành trình của tôi vẫn còn rất dài, tôi không dám mong vào phép màu có thể xảy ra, chỉ mong cơ thể còn đủ sức để tiếp tục điều trị, để sống thật ý nghĩa. Trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh, tôi trân trọng từng nhịp thở, từng ngày còn được thức dậy”, chị Hiền tỏ bày.

Bạn có thể quan tâm