Năm 2025 là một trong những năm đặc biệt. Năm này theo âm lịch là năm Ất Tỵ, có thêm một tháng 6 nhuận – tức là sẽ có hai tháng 6 âm lịch. Tháng 6 nhuận sẽ diễn ra từ ngày 25/7 đến 22/8/2025 theo Dương lịch. Nhiều người vẫn thường thắc mắc: “Sau tháng 6 âm lịch sẽ bước sang tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch. Vậy tháng 6 nhuận năm nay có được tính là tháng cô hồn hay không?”.
Theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương, câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại liên quan đến những khái niệm phức tạp về lịch âm – dương, tháng nhuận, cũng như tín ngưỡng dân gian lâu đời.
Âm lịch và dương lịch – mỗi loại có cách tính riêng
Dương lịch, hay lịch phương Tây, được tính dựa trên chu kỳ Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời. Một năm dương lịch thường có 365 ngày, nhưng con số chính xác lại là 365 ngày, 5 giờ, 48 phút, 46 giây – tức khoảng 365,25 ngày. Phần lẻ 0,25 ngày đó, người ta quy ước cứ 4 năm thì thêm một ngày vào tháng 2, là ngày 29/2, gọi là năm nhuận dương lịch. Điều này giúp điều chỉnh độ sai lệch và đồng bộ hóa với chu kỳ thực tế của Trái Đất.

Ngược lại, âm lịch – hay còn gọi là lịch truyền thống của người phương Đông lại dựa trên chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất. Mỗi tháng âm lịch bắt đầu từ ngày trăng non (tức mùng 1) và kết thúc vào ngày trăng tròn cuối tháng. Do chu kỳ này chỉ dài khoảng 29,5 ngày nên một năm âm lịch thường chỉ có 354 ngày – ngắn hơn dương lịch khoảng 11 ngày.
Nếu không điều chỉnh, theo thời gian các tháng âm lịch sẽ lệch dần so với mùa vụ. Đó là lý do tại sao người xưa phải chèn thêm một tháng – gọi là tháng nhuận sau khoảng 2 đến 3 năm một lần để lịch âm "đuổi kịp" với chu kỳ của năm dương. Như vậy, năm nhuận âm lịch sẽ có tới 13 tháng thay vì 12 tháng như thông thường. Tháng nhuận không cố định mà có thể rơi vào bất kỳ tháng nào trong năm: tháng 2, tháng 4, tháng 6 hay thậm chí tháng 7..., tùy theo sự tính toán của lịch pháp.
Vậy tháng 6 nhuận năm Ất Tỵ có phải là tháng cô hồn không?
Đây là băn khoăn của không ít người khi năm 2025 này có tháng 6 âm nhuận. Họ lo ngại rằng liệu sau tháng 6 có bước sang tháng cô hồn, tức tháng 7 âm? Và nếu thế thì tháng 6 nhuận có bị coi là "xui xẻo" như tháng cô hồn hay không?
Chuyên gia phong thủy Phùng Phương lý giải, trước tiên cần hiểu rằng tháng cô hồn hay còn gọi là tháng 7 âm lịch bắt nguồn từ quan niệm tín ngưỡng dân gian có ảnh hưởng từ Đạo giáo và Phật giáo Trung Quốc. Theo truyền thuyết, đây là thời điểm quỷ môn quan mở ra, các vong hồn được "thả về dương thế", đi lang thang tìm chốn nương tựa. Vì thế, trong dân gian, tháng này thường gắn liền với các hoạt động cúng kiếng, xá tội vong nhân, cầu siêu cho các vong hồn không nơi nương tựa, đặc biệt là vào dịp rằm tháng 7.

Trong khi đó, tháng nhuận trong âm lịch xuất phát từ việc chúng ta sử dụng ngày để bù vào những năm bị thiếu, để cân bằng giữa tháng và mùa. Tháng nhuận còn không cố định, có thể tháng 2, tháng 4, tháng 6, tháng 7 tùy theo năm. Vì thế, tháng 6 nhuận sẽ không được tính là tháng cô hồn.
Tháng 6 nhuận cần lưu ý điều gì?
Từ kinh nghiệm dân gian, tháng 6 âm năm Tỵ thường là thời điểm dễ xảy ra biến cố như: bệnh tật, tai nạn, mâu thuẫn gia đình, thời tiết khắc nghiệt hoặc rủi ro trong công việc. Đây cũng là giai đoạn nắng nóng cực điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, mùa màng và tâm trạng con người.
Về mặt phong thủy, năm Tỵ thuộc hành Hỏa, trong khi tháng 6 cũng rơi vào mùa Hỏa vượng. Hai tháng 6 trong năm Tỵ (tức Hỏa gặp Hỏa) dễ tạo ra xung năng lượng mạnh, dẫn đến mâu thuẫn, nóng nảy, tai nạn hoặc bất ổn về tự nhiên và xã hội.
Người có mệnh Kim hoặc Thủy nên cẩn trọng, hạn chế thực hiện việc lớn như xây nhà, cưới hỏi hay đầu tư trong giai đoạn này. Nếu buộc phải làm, cần xem ngày giờ kỹ và có biện pháp hóa giải.
Từ góc nhìn tâm linh, tháng 6 âm cũng được cho là lúc âm dương giao tranh mạnh, lặp lại hai lần càng dễ gây xáo trộn linh khí. Vì thế, nhiều người chọn cúng lễ, cầu an để giữ tâm an, gia đạo yên ổn trong thời gian này.