3 năm sinh phải đổi thẻ Căn cước công dân trong năm 2025 để tránh gặp rắc rối

Nếu những người này không chủ động đổi mới thẻ Căn cước công dân, có thể sẽ gặp nhiều sự cản trở trong nhiều hoạt động thường ngày, đặc biệt là không thể thực hiện giao dịch rút/chuyển tiền tại các ngân hàng.

Những đối tượng nào phải cấp đổi thẻ Căn cước công dân?

Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân quan trọng, có giá trị xác thực thông tin cá nhân của mỗi công dân Việt Nam trong các giao dịch hành chính và dân sự. Đây là căn cứ pháp lý để xác định danh tính, nơi cư trú, mã số định danh cá nhân và các thông tin cơ bản khác, góp phần hỗ trợ công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một điều mà ít ai quan tâm chính là Căn cước công dân cũng có thời hạn sử dụng nhất định tùy theo độ tuổi, do đó công dân cần theo dõi để thực hiện cấp đổi đúng quy định.

Theo khoản 01 Điều 21 Luật Căn cước số 26/2023/QH15 quy định các trường hợp công dân phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước bao gồm: “Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi”. Theo đó, công dân sinh năm 2011 chưa có thẻ Căn cước thì phải làm thẻ Căn cước ngay khi đủ tuổi; công dân sinh năm 2000, 1985, 1965 phải đổi sang thẻ Căn cước trong năm 2025.

Tuy nhiên theo khoản 02 Điều 21 Luật Căn cước số 26/2023/QH15 quy định: “Trường hợp thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước theo quy định thì có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ Căn cước tiếp theo”.

Căn cước công dân có thời hạn sử dụng và cần được đổi khi hết hạn.

Do đó, trường hợp công dân đã cấp đổi thẻ Căn cước trước 02 năm ở các độ tuổi 14, 25, 40, 60 sẽ không phải cấp đổi thẻ Căn cước. Ví dụ:

- Người sinh năm 2012 đã làm Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 12 tuổi đến ngày đủ 14 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2037.

- Người sinh năm 2000 đã làm Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 23 tuổi đến ngày đủ 25 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2040.

- Người sinh năm 1985 đã làm thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 38 tuổi đến ngày đủ 40 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ căn Căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2045.

- Người sinh năm 1965 đã làm thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 58 tuổi đến ngày đủ 60 tuổi thì Căn cước công dân hoặc thẻ căn Căn cước sẽ được sử dụng đến cuối đời.

Nếu thẻ Căn cước công dân hết hạn, có thể bị phạt hành chính

Thẻ Căn cước công dân hết hạn cần được đổi để đảm bảo tính hợp lệ và tránh các rắc rối khi thực hiện các giao dịch hành chính, tài chính.

Cụ thể, nếu công dân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 01 điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Nếu thẻ Căn cước công dân hết hạn sử dụng, các tài khoản ngân hàng của bạn cũng sẽ không thể thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Theo Điều 19 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng”. Do đó, nếu Căn cước công dân hết hạn sử dụng, tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu sẽ bị tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền.

Hiện nay, công dân có thể cấp đổi thẻ Căn cước công dân theo hai cách. Cách thứ nhất là đến trực tiếp cơ quan quản lý căn cước tại Công an tại nơi cư trú, cung cấp thông tin cá nhân để đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu thông tin chính xác, cán bộ sẽ tiến hành thủ tục cấp đổi; nếu sai sót, sẽ điều chỉnh trước khi xử lý hồ sơ. Trường hợp công dân dưới 14 tuổi, người đại diện hợp pháp cần xuất trình giấy tờ chứng minh.

Cách thứ hai là thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước công dân qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID. Người dân đăng nhập hệ thống, kiểm tra thông tin, chọn thời gian và địa điểm đến cơ quan làm thủ tục. Nếu đến đúng hẹn, hồ sơ sẽ được xử lý như bình thường; nếu không đến, lịch hẹn sẽ tự động hủy. Trường hợp mất, hỏng thẻ hoặc cấp đổi cho trẻ em dưới 6 tuổi, người dân hoặc người đại diện cũng có thể thực hiện thủ tục online tương tự. Khi cấp đổi, cơ quan công an sẽ thu lại thẻ cũ để tránh trùng lặp thông tin.

Bạn có thể quan tâm