Hiện các kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã hoàn thành và có kết quả. Kỳ thi khép lại, nhiều gia đình hân hoan với niềm vui đỗ đạt, nhưng cũng nhiều gia đình rơi vào nỗi buồn vì kết quả không được như kỳ vọng.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tâm lý phụ huynh luôn mong con được học tập tại các ngôi trường danh tiếng, nên dễ đặt kỳ vọng lớn và gây áp lực đối với việc học tập của con. Và khi không đạt được kết quả, những áp lực đó lại càng đè nén tâm lý, cảm xúc của các sĩ tử, dẫn tới những ảnh hưởng, sang chấn, thậm chí là hậu quả vô cùng đau đớn.
Điển hình nhất như trường hợp một nữ sinh ở tỉnh Thanh Hóa đã chọn chấm dứt cuộc sống sau khi thi trượt vào lớp 10, khiến gia đình, người thân và cộng đồng vô cùng đau lòng, xót xa.
TS.BS Nguyễn Mai Hương – Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau mỗi kỳ thi khoa tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và điều trị những khủng hoảng tương tự. Các em học sinh đã phải chịu áp lực, căng thẳng trong suốt quá trình ôn thi. Khi kết quả thi không như mong đợi, các em sẽ chán nản và có các phản ứng như buồn bã, căng thẳng, lo âu, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát.

Rất nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý sau thi cử, từ đó dẫn tới hành vi tự sát. Ảnh minh họa.
Ngoài sự thất vọng về điểm số, những tác động từ bên ngoài, đôi khi từ chính người thân cũng là “chất xúc tác” khiến trẻ dễ rơi xuống hố sâu tâm lý. Theo đó, khi các con không đạt kết quả như mong muốn, không ít phụ huynh so sánh con với các bạn khác, khiển trách bằng những câu nói như: “Bạn A đỗ rồi, sao cùng đi học ôn nhà thầy cô như nhau mà con lại không bằng bạn?’; “Bố mẹ nuôi con vất vả, chăm lo cho con từng tí, mỗi việc thi cử cũng không xong”, hay thậm chí là ánh mắt thất vọng hoặc sự lạnh lùng dành cho con… Những điều này sẽ càng làm tăng thêm sự chán nản và để lại chấn thương tâm lý lâu dài cho trẻ.
Bác sĩ Mai Hương cho biết, sau mỗi kỳ thi dù kết quả như thế nào thì các sĩ tử rất cần sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ từ cha mẹ và những người xung quanh. Vì thế, cha mẹ cần giữ tâm lý bình tĩnh trước việc các cha mẹ khác kể về thành tích của con trên mạng xã hội, không phán xét, so sánh kết quả điểm số của con với các bạn khác.
Để các sĩ tử không bị ảnh hưởng tâm lý, dẫn tới các rối loạn tâm thần sau mỗi kỳ thi, bác sĩ Mai Hương khuyên:
- Cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe, động viên và thấu hiểu con. Cha mẹ có thể tạo cảm giác an toàn cho trẻ bằng cách hỏi han con: “Con cảm thấy thế nào?’, “Con có muốn nói gì về kỳ thi không?”, “Bố mẹ luôn ở đây bên cạnh con”. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ không thất vọng, không áp đặt, mà đang sẵn sàng cùng con vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

Dù kết quả thi thế nào bố mẹ cũng hãy đồng hành cùng con, đây chính là chìa khóa giúp con vượt qua áp lực thi cử và điểm số. Ảnh minh họa.
- Cha mẹ nên chia sẻ với con rằng thất bại cũng là một cách để trưởng thành, ai cũng từng vấp ngã trong đời, quan trọng là con đứng lên sau vấp ngã và không bỏ cuộc.
- Mỗi đứa trẻ có một tiềm năng riêng, vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ phát huy các thế mạnh của bản thân, trân trọng giá trị của chính mình và tiếp tục bước đi trên một con đường mới với nhiều điều đẹp đẽ còn đang chờ phía trước.
- Những cái ôm, lời yêu thương và cả lời chúc mừng, cảm ơn vì những nỗ lực của con trong thời gian qua sẽ có sức mạnh rất lớn giúp con cảm thấy gia đình luôn là điểm tựa, giúp con quên đi nỗi thất vọng, cảm thấy vui vẻ và nhẹ nhõm hơn.