Theo các chuyên gia, nhiệt độ và độ ẩm cao vào mùa hè dễ khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, vì vậy nhiều người tăng tần suất tắm. Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhặt này lại ẩn chứa nhiều nguy cơ ở vùng khí hậu nóng bức, đặc biệt là một số phương pháp tắm không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến tim, chẳng hạn như gây loạn nhịp tim, ngất xỉu, thậm chí là đột tử do tim.
Do đó, việc hiểu đúng về thời điểm tắm, cách điều chỉnh nhiệt độ nước và môi trường xung quanh khi tắm là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
6 sai lầm khi tắm vào mùa hè
1. Tắm khi đang đổ mồ hôi
Vào mùa hè, khi trở về nhà sau các hoạt động ngoài trời hoặc tập thể dục, nhiều người có thói quen tắm nước lạnh ngay khi cơ thể còn đẫm mồ hôi. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe tim và não.
Khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều, các mao mạch đang ở trạng thái giãn nở. Nếu dùng nước lạnh, cơ thể có thể phản ứng bằng co thắt tim và mạch máu đột ngột, dễ gây nhồi máu cơ tim do huyết áp dao động mạnh. Nó cũng có thể gây co thắt mạch máu não, dẫn đến chóng mặt, đau đầu, thậm chí ngất xỉu.

Tắm khi đang đổ mồ hôi khiến tim phải làm việc quá sức để điều hòa nhiệt độ. (Ảnh minh hoạ).
2. Tắm quá lâu
Tắm trong thời gian dài khiến các mạch máu dưới da giãn nở lâu, làm cho lượng máu dồn lên bề mặt da, từ đó làm giảm lượng máu lên tim và não. Kết quả có thể là chóng mặt, hồi hộp, rối loạn nhịp tim, thậm chí ngất xỉu.
3. Tắm sau khi ăn hoặc uống
Tắm ngay sau khi ăn sẽ làm phân tán lưu lượng máu vốn tập trung ở hệ tiêu hóa, làm giảm máu cung cấp cho tim. Tắm khi đói lại khiến bạn dễ chóng mặt và mệt mỏi do hạ đường huyết. Ngoài ra, nếu bạn tắm sau khi vận động mạnh hoặc uống rượu, huyết áp và nhịp tim có thể biến động mạnh, dẫn đến hồi hộp, choáng váng hoặc ngất xỉu trong những trường hợp nghiêm trọng.
4. Đóng kín cửa sổ và cửa ra vào khi tắm
Nhiều người có thói quen đóng kín phòng tắm, khiến không gian bí bách và thiếu oxy. Trong môi trường như vậy, dễ xuất hiện các triệu chứng như tức ngực, hồi hộp, khó thở. Nếu tim không được cung cấp đủ oxy, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ tăng lên.
5. Điều chỉnh nhiệt độ nước tắm không phù hợp
Nước tắm quá nóng có thể khiến mạch máu giãn nở quá mức, làm tăng lưu lượng máu và gánh nặng cho tim, gây hồi hộp hoặc rối loạn nhịp tim. Ngược lại, nước quá lạnh sẽ làm mạch máu co lại đột ngột, huyết áp tăng cao, gây thiếu máu nuôi tim, dẫn đến đau thắt ngực.
6. Sử dụng máy lạnh hoặc tiếp xúc nước lạnh ngay sau khi tắm
Sau khi tắm, cơ thể còn ấm và da vẫn ẩm, nếu tiếp xúc ngay với không khí lạnh từ máy lạnh hoặc nước lạnh, rất dễ bị nhiễm lạnh, gây rối loạn tuần hoàn và ảnh hưởng đến chức năng tim phổi.
Nhớ kỹ 2 nguyên tắc này khi tắm vào mùa hè
1. Kiểm soát thời gian tắm
Nên giới hạn thời gian tắm trong khoảng 10–15 phút, nếu chỉ cần làm sạch cơ bản thì 5 phút là đủ. Người cao tuổi hoặc người có vấn đề về tim nên rút ngắn thời gian tùy theo thể trạng. Nếu cần gội đầu cùng lúc, bạn nên tắm và mặc quần áo trước, mở cửa sổ cho thông thoáng, rồi mới gội đầu để tránh thiếu oxy do ở trong không gian kín quá lâu, dễ gây chóng mặt.
Với người có bệnh tim, đặc biệt là người già, tốt nhất nên tắm khi đang ngồi. Ngoài ra, cần đảm bảo tắm và ăn cách nhau ít nhất 1 giờ. Nếu vừa uống rượu, hãy đợi đến khi tỉnh táo hẳn mới tắm.

Tắm sai cách, nhất là trong mùa hè, có thể ảnh hưởng đến tim và sức khỏe nói chung. (Ảnh minh hoạ).
2. Tắm khi cơ thể đã ngừng đổ mồ hôi
Khác với các mùa khác, vào mùa hè, cơ thể thường đổ mồ hôi nhiều trước khi tắm. Không nên tắm khi trên da còn rõ ràng những hạt mồ hôi, và đặc biệt tránh dùng nước lạnh ngay lập tức. Cách tốt nhất là nghỉ ngơi một lúc, để mồ hôi ngừng tiết rồi tắm bằng nước ấm.
Ngoài ra, các bác sĩ khuyên rằng, nếu bạn vừa tập thể dục, hãy đợi khoảng 20–30 phút rồi mới tắm. Lúc đó, nhiệt độ cơ thể đã dần ổn định, mồ hôi đã bay hơi phần lớn và tuần hoàn máu cũng trở lại bình thường. Đây là thời điểm an toàn nhất để tắm.