Triển vọng ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm chưa thực sự khả quan?

KBSV tiếp tục duy trì quan điểm trung lập với ngành ngân hàng trong ngắn hạn do bối cảnh hiện tại vẫn chưa thực sự khả quan và các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả.
Nguyên nhân hoạt động cho vay các ngân hàng đều chậm lại
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm kém khả quan trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Cụ thể, dư nợ tín dụng tại thời điểm 30/6 mới tăng 4,2%, còn huy động vào khoảng 4,16% theo NHNN.
Một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp cao có mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành trong quý 1/2023 như TCB (+9%), HDB (+9%), VPB (+4,9%)... Trong khi đó, tín dụng tại các ngân hàng cho vay khách hàng cá nhân ghi nhận mức tăng trưởng âm như VIB (-1,3%), ACB (-0,6%).
Theo Chứng khoán KB (KBSV), nhìn chung, hoạt động cho vay của hầu hết các ngân hàng đều chậm lại trong những tháng đầu năm, nguyên nhân chính đến từ việc hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu kém khả quan; Nhu cầu tiêu dùng suy giảm; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản ảm đạm.
Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng niêm yết đạt 140.558 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so cùng kỳ. Nhóm ngân hàng quốc doanh (VCB, BID, CTG) có kết quả tích cực nhất với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 22,9% so cùng kỳ, nhóm NHTM tư nhân lớn (TCB, MBB, VPB, ACB, STB) giảm nhẹ 2%.
Tăng trưởng thu nhập của toàn ngành chủ yếu được hỗ trợ bởi sự duy trì đà tăng của thu nhập lãi thuần, bù đắp cho sự sụt giảm đang kể từ thu ngoài lãi khi nguồn phí từ Bancassurance, IB giảm tốc trong thời gian qua.
Lãi suất danh mục cho vay toàn ngành quý 1 tăng lên mức 8,53% (tăng 0,61 điểm%) nhờ mặt bằng lãi suất trong quý 1 vẫn ở mức cao. Việc tăng lãi suất huy động trong tháng 11 và tháng 12 năm ngoái đã bắt đầu phản ánh vào chi phí vốn của các ngân hàng trong quý 1/2023, ghi nhận mức tăng 0,92 điểm % QoQ, lên mức 5,47%. Từ đó, NIM toàn ngành tiếp tục giảm 21 điểm %, về mức 3,64%.
Chất lượng tài sản suy giảm đáng kể. Tính đến cuối quý 1/2023, nợ xấu nội bảng của toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% (cuối năm 2022 là 2%) - theo số liệu NHNN công bố.
Kể từ khi TT14/2021 về tái cơ cấu nợ do Covid-19 hết hiệu lực, đây là quý thứ 3 liên tiếp nợ xấu ngành ngân hàng tiếp tục gia tăng. Trong đó nợ nhóm 2 và nhóm 3 tăng mạnh, lần lượt +43% QoQ và 66.7% QoQ.
Bối cảnh kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng tới dòng tiền của các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến các cá nhân có thu nhập trung bình thấp, khiến các đối tượng này gặp khó khăn trong việc tất toán nợ đúng hạn. Đa phần các ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh trong quý 1 đều có dư nợ cho vay bất động sản lớn trong cơ cấu tín dụng hoặc các ngân hàng bán lẻ có mảng tài chính tiêu dùng như MBB, TPB, VPB,...
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) toàn ngành tiếp tục giảm xuống mức 106%. Nhóm ngân hàng quốc doanh duy trì dẫn đầu về tỷ lệ dự phòng nợ xấu như VCB (320,8%), BID (171,3%), CTG (173%). Một số ngân hàng TMCP lớn (TCB, MBB, STB) LLR cũng ghi nhận sự suy giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Trien vong nganh ngan hang 6 thang cuoi nam chua thuc su kha quan?
 
Triển vọng ngành ngân hàng chưa thực sự khả quan
Trong bối cảnh đó, KBSV đánh giá triển vọng ngành Ngân hàng là Trung lập nhưng vẫn có những mã tiêu biểu như VCB, BID, ACB, TCB, MBB.
KBSV nhận thấy một số yếu tố tích cực đến từ các chính sách được ban hành trong nửa đầu năm 2023, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho thị trường tài chính và bất động sản có thể kể đến như TT 02/2023 cơ cấu lại nợ cho vay, TT 03/2023 cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp, NĐ 08 sửa đổi NĐ 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, và đặc biệt là việc NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Dù vậy, KBSV tiếp tục duy trì quan điểm trung lập với ngành ngân hàng trong ngắn hạn do bối cảnh hiện tại vẫn chưa thực sự khả quan và các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tích cực hơn trong 2 quý cuối năm 2023 sau diễn biến ảm đạm trong những tháng đầu năm dựa trên chính sách hạ lãi suất của NHNN giúp các NHTM điều chỉnh lãi suất cho vay, từ đó thúc đầy cầu tín dụng.
Tuy nhiên, việc giải ngân vốn cho vay đang tồn tại các vấn đề (1) nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chưa cao do triển vọng kinh tế không tích cực, (2) các ngân hàng thận trọng hơn trong việc giải ngân cho khách hàng có rủi ro lớn.
Do vậy, KBSV cho rằng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch 14% mà NHNN đặt ra.
Thứ hai, chất lượng tài sản của toàn ngành vẫn là vấn đề cần lưu tâm, dù vậy KBSV kỳ vọng việc NHNN ban hành TT02 sẽ hỗ trợ giảm bớt áp lực gia tăng tỷ lệ nợ xấu cho các ngân hàng, và phần nào giảm chi phí dự phòng trong 2 quý tới.
Thứ ba, tốc độ giảm của NIM được hãm lại sau khi NHNN đã điều chỉnh hạ lãi suất, thậm chí một số ngân hàng sẽ có sự cải thiện về NIM do tốc độ giảm lãi suất cho vay có độ trễ với lãi luất huy động.
Cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tăng trở lại trong 6 tháng qua nhưng mức định giá vẫn tương đối hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm. Sau khi những khó khăn về bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp dần được tháo gỡ, P/B của ngành đã quay trở lại độ lệch chuẩn -1 bình quân 5 năm, và đây vẫn là vùng giá hợp lý để các nhà đầu tư dần tích luỹ dài hạn đối với nhóm cổ phiếu này.
Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện thêm một nhịp chỉnh trong ngắn hạn cần được tính đến và nhà đầu tư chỉ nên giải ngân khi mặt bằng giá có những mức chiết khấu sâu hơn.
KBSV vẫn ưa thích VCB, BID, ACB với hoạt động an toàn, ổn định. Ngoài ra TCB, MBB cũng là những cổ phiếu được cân nhắc sau khi đã vượt qua cơn bĩ cực của trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN