Sở dĩ VPBank điều chỉnh room ngoại lên 17,5% nhằm đủ tỷ lệ để nhà băng này có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.
Bởi theo luật định, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VPB mở phiên sáng 4/3 bật lên hơn 38.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch vọt lên gần 26 triệu cổ phiếu, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua tới gần 25 triệu cổ phiếu.
Trước đó, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý 1/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của VPBank có thể đạt mức kỷ lục khoảng 120.000 tỷ đồng.
Theo MBSecurities, việc phát hành thêm này của VPB trong năm 2022, kỳ vọng sẽ mang lại cho ngân hàng một khoản thặng dư vốn hơn 33 ngàn tỷ đồng, đưa mức CAR của ngân hàng đạt 17% trở thành ngân hàng có CAR lớn nhất ngành.
Từ đó, MBSecurities kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của VPB (hợp nhất) sẽ đạt trên 23% trong năm 2022; tăng trưởng tiền gửi dự phóng đạt 15.4%, trong đó tỷ lệ CASA đạt mức 27.5%; lãi suất cho vay được dự báo ở mức 14.5% cho cả năm 2021, chi phí vốn vẫn duy trì ở mức thấp 4.3% giúp NIM được cải thiện lên mức 8.5%; tỷ lệ trích lập dự phòng/nợ vay đạt mức 5.5% trong năm 2022 so với mức 5.7% trong năm 2021 giúp chi phí DPRRTD đạt 18,147 tỷ đồng (+24.1% YoY).