Chứng khoán Vietcap (VCSC) đã có những chia sẻ thông tin sau khi tham dự ĐHCĐ của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vào ngày 30/6.
6 tháng lãi trước thuế sơ bộ giảm 44% do lỗ tỷ giá 1 nghìn tỷ
ACV công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2025 (loại trừ phí cất cánh & hạ cánh) với doanh thu 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm 14% so cùng kỳ về còn 5,9 nghìn tỷ đồng (riêng quý 2/2025 chiếm 2,6 nghìn tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu 2025 yếu hơn so với cùng kỳ chủ yếu do lỗ tỷ giá 1 nghìn tỷ đồng (so với lãi tỷ giá thuần 524 tỷ đồng trong 6 tháng 2024) khi tỷ giá JPY/VND tăng 13% so với đầu năm.
Đối với kế hoạch năm 2025, ACV giả định JPY/VND tăng 20%, tương ứng lỗ tỷ giá cả năm là 1,7 nghìn tỷ đồng (so với lãi tỷ giá thuần 391 tỷ đồng vào năm 2024).
Vietcap cho rằng, mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn đang phù hợp dự báo, việc lỗ tỷ giá tăng cao có thể gây ra rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo cho ACV.
Kế hoạch năm 2025 suy giảm, cổ tức bằng cổ phiếu
Năm 2025, ACV đặt kế hoạch doanh thu 22,2 nghìn tỷ đồng (bao gồm thu nhập tài chính & khác; tăng 2% so cùng kỳ), với doanh thu cốt lõi (không bao gồm doanh thu cất & hạ cánh) là 21,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế (không bao gồm cất & hạ cánh) là 10,5 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so năm 2024.
Chênh lệch thu – chi cất & hạ cánh là 358 tỷ đồng, giảm 71% so cùng kỳ. Kế hoạch thấp hơn kỳ vọng chủ yếu do chi phí bảo trì tại một số sân bay (ví dụ: sân bay Vinh...).
Lượng hành khách 119 triệu, tăng 8%, với hành khách quốc tế đạt 45 triệu (tăng 9% so cùng kỳ) và hành khách nội địa đạt 74 triệu (tăng 7%).
ACV sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu 65% từ lợi nhuận giữ lại giai đoạn 2019-2023, với việc phân phối dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm 2025. Theo đó, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng 65% từ 21,8 nghìn tỷ đồng lên 35,8 nghìn tỷ đồng.
Còn việc phân phối lợi nhuận năm 2024, ACV đang chờ ý kiến của Cơ quan Nhà nước về phương án phân phối lợi nhuận 2024 và sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc ĐHCĐ bất thường sau đó.

Tiến độ các dự án trọng điểm thế nào?
Đối với Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) – Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu hoạt động thương mại trong nửa đầu năm 2026.
Về hạ tầng hỗ trợ, Chính phủ có kế hoạch khởi công mở rộng đường cao tốc TP.HCM–Long Thành lên 10 làn (từ 4 làn hiện tại) vào ngày 19/8/2025, với VEC là cơ quan chủ quản, chủ đầu tư. Đường cao tốc nâng cấp dự kiến sẽ thông xe vào tháng 9/2026. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đang được tiến hành cho các tuyến đường sắt nối TPHCM, Tân Sơn Nhất (TSN) và LTA để đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ khi LTA đi vào hoạt động.
Thời gian hoàn vốn (PPP) 14 năm theo báo cáo khả thi đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế nhanh chóng hiện tại, ACV nhận thấy thời gian hoàn vốn có thể sớm hơn.
ACV đặt mục tiêu chuyển 80–85% lưu lượng hành khách quốc tế và 10–15% hành khách nội địa từ TSN sang LTA. Theo ban lãnh đạo, tỷ lệ này tương đương với 15–16 triệu hành khách quốc tế và 5 triệu hành khách nội địa, nghĩa là riêng việc chuyển đổi sẽ lấp đầy 80–85% công suất Giai đoạn 1 của LTA.
Đối với dự án T2 Nội Bài mở rộng, việc xây dựng đang đi đúng tiến độ. Dự kiến bắt đầu vận hành vào năm 2026.
Tình hình xử lý nợ xấu
Các khoản phải thu sau đại dịch hiện được thu tự động thông qua các giao dịch ngân hàng hàng ngày, hạn chế nợ xấu mới. Các khoản phải thu tồn đọng chủ yếu phát sinh từ Covid19.
ACV lưu ý rằng các hãng hàng không như Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet (VJC) đang có kế hoạch trả nợ, với mục tiêu cơ bản giải quyết được các khoản nợ vào năm 2025.