Lợi nhuận các ngân hàng được dự báo ra sao trong năm 2023?

Với nhận định ngành ngân hàng năm 2023 ngày càng khó khăn, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra những dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng ở mức thận trọng hơn so với năm 2022.
Nhận định về ngành ngân hàng trong năm 2023, Chứng khoán VNDirect cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như là thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, rủi ro "đứt gãy thanh khoản" tại các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lên nợ xấu của ngân hàng.
Nhìn chung, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn vĩ mô sẽ ảnh hưởng lên triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Trong bối cảnh khó khăn ngày càng gia tăng, VNDirect nhận định tăng trưởng lợi nhuận ròng của HDBank (HoSE: HDB) theo đó sẽ chậm lại trong năm 2023-2024 khi tăng lần lượt 16-20% so cùng kỳ (tăng trưởng kép giai đoạn 2019-2021 là 30%). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn cao hơn dự phóng toàn ngành (10,4%) do HDBank có khả năng nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Trong đó tăng trưởng tín dụng đạt 20% trong 2023 (tăng trưởng kép giai đoạn 2019-2021 là 21%).
Về dài hạn, VNDirect vẫn ưa thích HDBank nhờ mô hình cho vay tập trung vào khu vực có nhu cầu cao như vùng nông thôn, hoạt động bảo hiểm mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng thu nhập từ phí, chất lượng tài sản tốt hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh rủi ro cao và tỷ suất sinh lợi tốt 23% so với toàn ngành là 20% trong giai đoạn 2020-2022.
Tương tự, VNDirect cũng đưa ra nhận định giai đoạn 2023-2024, VietinBank (HoSE: CTG) sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt ở khoảng 10%, thấp hơn 1-2% so với kỳ vọng cho toàn hệ thống.
Về trích lập dự phòng, công ty chứng khoán này cho rằng VietinBank sẽ vẫn duy trì trích lập dự phòng trên cho vay ở mức cao là 1,65% (2023) và 1,45% (2024) so với 1,85% trong năm 2022. Với giả định này, chi phí dự phòng sẽ giảm lần lượt 1,9% và 3,5% so với cùng kỳ xuống còn khoảng 21,6 nghìn tỷ và 20,8 nghìn tỷ trong 2023-2024 từ mức 22 nghìn tỷ trong năm 2022.
Nhìn chung, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của VietinBank sẽ tăng trưởng 10,2% trong năm 2023 và 18% trong năm 2024 với ROE lần lượt là 15,5% và 16%.
Còn Chứng khoán MBS dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của VietinBank sẽ có mức tăng trưởng 13,8% đạt 23.152 tỷ đồng, tương đương năm 2022 vì hiện tại mức này tương đối hợp lý đối với hầu hết các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không quá nới lỏng của NHNN đồng thời phù hợp với những nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản của VietinBank.
VNDirect cũng đưa ra dự báo thận trọng trong năm 2023-2024 cho Techcombank (HoSE: TCB) do những trở ngại của ngành và sự giám sát chặt chẽ trên thị trường trái phiếu và bất động sản.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng của Techcombank sẽ đạt 10% trong 2023 (tăng trưởng kép 2019-2021 là 25%). Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Techcombank sẽ giảm khoảng 12 điểm cơ bản trong 2023. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao và “dư địa mở rộng” cho vay bán lẻ giúp Techcombank giảm thiểu một phần rủi ro này. Techcombank sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng để đề phòng rủi ro nợ xấu.
Tóm lại, VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của Techcombank sẽ tăng 12-14% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024 (tăng trưởng kép 2019-2021 là 34%).
Loi nhuan cac ngan hang duoc du bao ra sao trong nam 2023?-Hinh-2
Lợi nhuận năm 2023 các ngân hàng được dự báo tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022. Ảnh: Internet 
Với “ông lớn” Vietcombank (HoSE: VCB), Chứng khoán MBS dự phóng tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong năm 2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt là gần 62.852 tỷ đồng (tăng 10,8%) và 70 nghìn tỷ đồng (tăng 11%). Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự đạt 33.600 tỷ đồng (tăng 22,7%) và 2023 đạt 41.050 tỷ đồng (tăng 22,2%). 

Trước áp lực của việc tăng lãi suất huy động, MBS cho rằng tỷ lệ CASA của Vietcombank trong năm 2022 và 2023 sẽ ở quanh mức 31%/năm. Tăng trưởng tín dụng được dự tính sẽ đạt mức 18,7% trong năm 2022. 

MBS cũng dự phóng TOI của ACB trong năm 2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt là gần 26.500 tỷ đồng (tăng 12%) và 29 nghìn tỷ đồng (tăng 9%). Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ACB ở mức 17.000 tỷ đồng (41,7%) và năm 2023 đạt 18.414 tỷ đồng (tăng 8,6%). 

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 của ACB chiếm khoảng 997 tỷ đồng (giảm 70%) nhưng năm 2023 lên tới 1.675 tỷ đồng (tăng 68%). Thu nhập từ lãi dự tính đạt 82% tổng thu nhập hoạt động trong năm 2022 và 2023. Tỷ lệ CASA của ACB trong năm 2022 và 2023 sẽ ở mức 21%/năm. 

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá về Sacombank (HoSE: STB) khá khả quan với mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ giai đoạn 2023-2025 nhờ hoàn thành xử lý lãi phải thu giúp biên lãi thuần quay trở về mức hấp dẫn hơn; Ngân hàng đã hoàn thành xử lý nợ xấu theo Đề án cùng kỳ vọng có thể tất toán trái phiếu VAMC trong năm 2023 góp phần giảm mạnh cho phí dự phòng; Đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quá khứ mà Sacombank sẽ có các khoản hoàn nhập dự phòng nếu đấu giá thành công tài sản.
Theo đó, Sacombank sẽ có mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14,5%. Năm này, ngân hàng đẩy mạnh khai thác vốn từ thị trường 2 và giấy tờ có giá, nhờ đó huy động vốn cả năm đạt 14%. Lãi suất cho vay bình quân được kỳ vọng sẽ hồi phục tốt hơn trong năm 2023, lên mức 8,85%. NIM 2023 sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,74 điểm % lên 4,04%.
Thu nhập lãi thuần 2023 từ đó tăng 39,1% lên 23.242 tỷ đồng. Dự báo chi phí dự phòng cho cả năm 2023 của Sacombank dự kiến giảm một nửa xuống còn 2.495 tỷ đồng. Trong trường hợp Sacombank có thể xử lý toàn bộ nợ VAMC trong năm 2023 thì chi phí dự phòng sẽ chỉ còn khoảng 1,5-2 nghìn tỷ đồng (giảm mạnh 140% so cùng kỳ).
Với MBB, KBSV nhận định trưởng tín dụng cả năm 2022 là 22% thấp hơn room được giao trong năm nay là 24% do ngân hàng sẽ không mở rộng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; Hoạt động cho vay cẩn trọng hơn do khả năng NHNN áp tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động thị trường 1 vẫn còn; Huy động từ tiền gửi đang gặp khó khăn.
KBSV kỳ vọng câu chuyện tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong năm 2023 cùng việc MBB có thể sẽ bắt đầu quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có room tín dụng 30%. 

Do đó, dự phóng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2022 và 2023 của MBB lần lượt đạt 18.661 tỷ đồng (tăng 47%) và 24.509 tỷ đồng (tăng 31,3%). 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN