Sở dĩ lợi nhuận kỳ này của PC1 giảm do lợi nhuận yếu từ mảng phát điện và sản xuất trụ điện ảnh hưởng đến lãi tăng từ mảng xây lắp điện. Đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh 75% do lãi suất cao hơn và lợi ích của cổ đông thiểu số tăng 39%.
Chi tiết, lợi nhuận gộp từ mảng phát điện giảm 22% xuống còn 223 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng thủy điện thấp hơn đáng kể trong quý 1/2023, do lượng mưa ít hơn so với quý 1/2022.
ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/4 vừa qua của PC1 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 9.450 tỷ đồng, tăng 13% so năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng, lại suy giảm gần 5%. Như vậy, kết quả kinh doanh quý 1 của PC1 còn cách rất xa so kế hoạch cả năm.
Tại Đại hội, đại diện PC1 cho biết, hiện tình hình kinh tế chung không có nhiều thuận lợi, ngành năng lượng cũng không ngoại lệ. Quy hoạch điện 8 vẫn còn đang trong giai đoạn chờ ban hành. Tình hình tài chính của EVN gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, kế hoạch thu hồi công nợ. Ngoài ra, hoạt động phụ tải điện tăng trưởng thấp, một số vùng thậm chí còn tăng trưởng âm.
Nợ vay của PC1 tăng mạnh trong quá trinh đầu tư, dư nợ vay dài hạn khoảng hơn 8.000 tỷ trong khi một số dự án chưa sinh lời. Xu hướng tăng lãi suất khiến chi phí tài chính tăng cao.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, PC1 còn phải phân bổ lợi thế thương mại từ các dự án khoáng sản, mỗi năm vài chục tỷ. Lĩnh vực bất động sản nhà ở chưa mang lại doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, công ty cũng phải dự phòng tài chính cho các khoản đòi nợ chậm, một số dự án có thể kéo dài, thậm chí dừng lại và thanh lý hợp đồng.
Kết quả kinh doanh quý 1 thấp do điểm rơi của mảng sản xuất và xây lắp thường vào nửa sau của năm trong khi bất động sản nhà ở chưa có doanh thu, lợi nhuận. Do đó, 6 tháng đầu năm doanh thu của PC1 đạt chỉ đạt khoảng 37% và lợi nhuận dưới 30% kế hoạch năm.