Tai bay vạ gió vì... “phây“

Cứ thế, các rắc rối xung quanh những chiếc máy “công nghệ cao” của vợ chồng chị càng thêm phức tạp.

Mạng xã hội hay facebook đã không còn xa lạ với nhiều cặp vợ chồng. Trong cuộc sống hằng ngày của họ, mạng xã hội đã trở thành nơi chia sẻ, giãi bày nhiều tình cảm, tâm sự... Nhưng, từ đây nhiều rắc rối cũng nảy sinh.
Sau khi trúng quả đậm từ một hợp đồng làm ăn, anh Mai Văn Lâm (ở Quảng Nam) hí hửng sắm cho mình và vợ 2 chiếc ipad đời mới nhất và “lên đời” luôn 2 chú “dế” với đầy đủ tính năng. Từ hồi có mấy chiếc máy “công nghệ cao”, vợ chồng anh cài đủ loại phần mềm xem phim, đọc báo, facebook, gọi điện gửi tin nhắn có hình... Thi thoảng, anh chị còn “chat chít”, gửi tin nhắn hình kiểu “xì tin” mùi mẫn cho nhau, rồi cùng viết facebook kể về những chuyến đi chơi, những câu chuyện tình cảm từ hồi “ngày xửa ngày xưa”. Ban đầu, họ có cảm giác, những vật vô tri vô giác ấy đang giúp “hâm nóng” tình cảm vợ chồng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế nhưng, càng ngày gia đình anh chị càng chìm đắm vào thế giới “ảo”, chồng thì mải mê “chém gió” tình hình thời sự, chính trị trên “phây”, vợ cũng tất bật “like” với “status” trên trang facebook cá nhân. Việc nhà cửa, chăm sóc con cái, nhiều khi người này “đùn đẩy” cho người kia. Buổi sáng, chuẩn bị đi làm rồi đưa con đến trường nhưng chị Thu, vợ anh Lâm vẫn cố nán lại để “chụp một phát đăng lên phây cho bạn bè “ngắm” cái váy mới mua”. Buổi chiều, tranh thủ đón con rồi chợ búa, cơm nước, chị muốn nhờ anh giúp một tay thì anh lại bận …làm mấy ván game online, chat chít với bạn. Buổi tối, đôi khi bữa cơm của cả nhà cũng gián đoạn vì chồng bận “bình loạn” mấy bức ảnh “chế” hài hước, vợ thì hì hụi chụp lại các món ăn vừa làm để “khoe” trên facebook…
Cứ thế, các rắc rối xung quanh những chiếc máy “công nghệ cao” của vợ chồng chị càng thêm phức tạp. Một hôm, vừa bước chân vào nhà, chị đã thấy chồng giận giữ: “Tôi không ngờ hồi sinh viên cô lại là cái loại “lẳng lơ” như thế. Bây giờ vẫn còn “lưu luyến” tình cũ lắm, thảo nào mà suốt ngày “ôm” cái điện thoại chụp ảnh “tự sướng” làm dáng. Chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện, anh Lâm đã quăng chiếc ipad xuống bàn. Cầm lên chị thấy màn hình máy tính bảng đang hiện ra mấy bức ảnh hồi sinh viên của chị chụp với các bạn nam trong lớp.
Thì ra, chính cái “phây” do nhóm cựu sinh viên trong lớp chị lập ra đã “bán đứng” chị. Từ hồi chơi “phây”, chị Thu tìm được nhiều bạn bè hồi sinh viên từ lâu đã không còn liên lạc được do mỗi đứa mỗi nơi. Nhóm bạn của chị lập ra một trang Facebook lớp đại học để cùng ôn lại kỷ niệm. Hôm ấy, bạn trai cũ của chị “xuất hiện” đăng mấy bức ảnh “tình củm” ngày xưa của hai người và viết một “status” tâm sự về những tình cảm dành cho nhau. Không ít bạn nam khác trong lớp cũng đăng lên những bức ảnh chụp cùng chị rồi “comment” bàn luận về mối tình nên thơ ngày ấy. Trong mắt mọi người, tất cả chỉ là kỷ niệm đẹp một thời. Hồi sinh viên nghịch ngợm, chụp ảnh đôi khi cũng bá vai, quàng cổ, giả vờ đang “mi” nhau. Nhưng không ngờ, với anh, nó lại là một minh chứng cho sự “lẳng lơ”, không đoan chính trong quá khứ của vợ.
Vậy là “khẩu chiến” giữa hai vợ chồng xảy ra, không ai chịu nhịn, bỏ qua cho nhau. Do đó, cuộc sống gia đình anh chị luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhận thấy tổ ấm có nguy cơ tan vỡ, anh chị phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Sau khi nghe anh chị giãi bày, chuyên gia tư vấn cho rằng, lỗi lớn nhất của 2 người là không biết giữ gìn thế giới thực và sa đà vào thế giới “ảo”. Cả 2 đều bị cuốn vào “phây” đến mức hạn chế trao đổi trực tiếp với nhau dẫn đến việc nghi ngờ, sứt mẻ tình cảm vợ chồng...
May mà đến nước này, vợ chồng chị Thu kịp nhận ra sai lầm của mình. Suýt nữa thì hạnh phúc tan vỡ chỉ vì mải mê “chém gió” trên Facebook.

Công em dã tràng xe cát

Ánh mắt lạ lẫm, ngơ ngác của các con khiến tim chị như có hàng ngàn mũi dao xuyên qua. Chị thành người xa lạ trong chính nhà của mình.

Chị chết lặng nhìn hai đứa con. Chúng là con chị rứt ruột đẻ ra, thế mà giờ chúng nhìn mẹ bằng ánh mắt ngơ ngác, xa lạ. Chị nhìn anh, mắt anh đang hướng về phía cuối góc giường, nơi đứa con nhỏ của chị nép vào lòng một người phụ nữ để tìm sự che chở.

Chị muốn hét lên thật to, muốn xông vào tung hê tất cả cho thỏa uất ức trong lòng. Nhưng, chị không làm được. Sự thật nghiệt ngã khiến chị muốn ngã quỵ.

Ba năm trước, chị đắng lòng rời bỏ căn nhà này để đi làm thuê ở nước ngoài, công việc cực nhọc vô cùng. Ngày chị đi, đứa con lớn mới năm tuổi, đứa nhỏ đang bi bô tập nói. Là mẹ, chẳng ai nỡ xa con lúc đó, nhưng chị đành cắn răng, quẹt nước mắt mà đi. Có đi thì mới mong con cái đỡ cực khổ, mới mong thoát được cuộc sống tù đọng, bế tắc này. Chồng chị việc làm không ổn định, lại thất nghiệp một thời gian dài, sinh ra chán nản, rượu chè, bài bạc. Chị tốt nghiệp trung cấp kế toán, ra trường lận đận mãi mới xin được cái chân tạp vụ ở một công ty tư nhân, lương bèo bọt. Căn nhà lụp xụp đã lâu chẳng có tiền tu sửa. Con nay ốm, mai đau, nhiều khi trong nhà chẳng có nổi vài trăm nghìn bạc. Vợ chồng lục đục mãi chỉ vì thiếu tiền. Cực chẳng đã, chị đành để con lại cho chồng mà đi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lúc đầu anh không muốn chị đi nhưng nhìn vào cuộc sống túng thiếu đành chấp thuận. Thương cảnh gà trống nuôi con, chị đã dặn dò, động viên anh rất nhiều.

Sống ở xứ người, ngày quần quật làm việc, đêm về cô bạn ở cùng phòng đặt lưng là ngủ, còn chị cứ trằn trọc, thao thức. Nhiều đêm, nhớ chồng con đến quặn lòng nhưng mỗi cuộc điện thoại gọi về nhà có khi bằng cả ngày công làm việc nên chị đành cố chịu đựng. Vài ba tháng, chị mới gọi về một lần, những cuộc gọi chớp nhoáng, có khi vừa nghe tiếng con gọi mẹ đã phải dằn lòng bỏ máy xuống. Rồi những cuộc điện thoại cũng thưa dần. Chị lao vào kiếm tiền, nhiều khi chẳng còn thời gian mà gọi điện thăm con. Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, kiếm được đồng nào chị đều dành dụm, tích cóp... Biết tính chồng không giữ được tiền, chị chỉ gửi một phần về cho anh chi tiêu, phần còn lại để dành làm “lưng vốn” sau này về sửa sang nhà cửa. Có những hôm người mệt, sáng cố mãi mới ngồi dậy được nhưng chị vẫn đến xưởng làm.

Đồng tiền có được từ mồ hôi, nước mắt, chị quý lắm. Cứ nghĩ đến cảnh con mình, đứa lớn có bộ quần áo mới mặc đi học, đứa nhỏ không còn phải thiếu sữa, chị như có thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật. Cứ thế, bệnh tự đến rồi tự đi. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ đến ngày đoàn tụ gia đình, thấy các con khôn lớn, phổng phao chạy nhảy trong ngôi nhà mới, lòng chị ngập tràn hạnh phúc.

Thế nhưng, ngày trở về, chị không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy gian bếp nơi chị thường đứng nấu thấp thoáng dáng người phụ nữ khác. Cô ấy không xinh đẹp nhưng trẻ trung hơn chị. Các con chị còn ríu rít gọi cô ấy là mẹ. Chồng chị sững người khi nhìn thấy chị. Trông anh béo tốt và bảnh bao hơn hồi chị còn ở nhà. Chưa kịp có một lời chào sau ba năm xa cách nhưng ánh mắt bối rối của anh khiến chị đau nhói lòng.

- Nếu như không có cô ấy, ba năm qua không biết bố con anh phải xoay xở thế nào.

Sau một lúc giải thích loanh quanh, anh “kết” lại một câu khiến chị hụt hẫng, suy sụp. Lại thêm những ánh mắt lạ lẫm, ngơ ngác của các con khiến trái tim chị như có hàng ngàn mũi dao xuyên qua. Chị trở thành người xa lạ trong chính căn nhà của mình. Lẽ nào ba năm qua, chị cật lực làm lụng để kiếm tiền, chịu đựng mọi thiếu thốn, nếm trải bao cực nhọc ở xứ người chỉ là dã tràng xe cát?

***

Đó là câu chuyện của chị tôi, người đàn bà có tiếng đảm đang ở một ngôi làng đồng bằng Bắc bộ. Chuyện của chị không phải cá biệt. Nhiều người phụ nữ đã bỏ lại những năm tháng tuy vất vả nhưng êm đềm sau lưng, vật lộn mưu sinh nơi xứ người với ước mơ nhỏ bé “đổi đời”, để rồi khi trở về, cuộc sống của họ như lật sang trang mới, đẫm nước mắt tủi hờn, đắng cay…

Chuyện hẹn hò tuổi “băm“

Ngần ấy thời gian, có lẽ đây là buổi hẹn hò hiếm có. Tôi cố gắng nghiêng đầu về phía vai anh, mắt xa xăm cho… đúng mốt hẹn hò.

Chuyện hẹn hò chẳng có gì lạ với những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, nhưng lại là một sự kiện lớn đối với cặp đôi đã gần hết tuổi “băm” như vợ chồng tôi. Thứ sáu, “anh xã” nói khẽ vào tai tôi, giọng ngọt như mía lùi: “Tối mai mình tìm quán cà phê nào lạ để… thay đổi không khí, em nhé!”. “Quán-cà-phê-nào-lạ?”. Tôi bật cười, nhấn rõ từng từ. Anh chưa bao giờ đưa tôi đến quán cà phê trong khoảng thời gian tám năm kể từ ngày cưới. Ngần ấy thời gian, có lẽ đây là buổi hẹn hò hiếm có.

Vào thang máy, nhìn anh bấm số tầng lầu cao nhất, tôi tỏ ra ngần ngại: “Cà phê sân thượng ở khách sạn này à?”, nghĩ đến khoản tiền phải trả, tôi tiếc đứt ruột. Anh thì cứ tủm tỉm cười, vẻ đắc ý. Thôi… “đâm lao thì phải theo lao”. Tôi khổ sở bám theo sau anh, bước chệch choạc bằng đôi giày cao gót dùng vài lần mỗi năm.

Chúng tôi ngồi ở một góc đẹp và lãng mạn. Theo lời quảng cáo của anh thì bàn này được đặt trước. Anh còn hãnh diện kể công với tôi rằng đã hủy hết mấy cuộc hẹn quan trọng để thu xếp thời gian đi với tôi. Sống với nhau ngần ấy năm, tôi thừa biết tối thứ Bảy nào anh cũng nằm kềnh ở nhà xem bóng đá.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
“Em đừng bận tâm chuyện con cái, tiền bạc… Tập trung vào vấn đề chính hoặc là chúng ta trả tiền và về ngay!”. Anh biết tôi tiếc của nên có thể hiểu đó là câu trêu chọc. Ừ thì tận hưởng. Tôi nhìn theo tay anh chỉ, phía đằng xa kia là dãy nhà quen thuộc nơi chúng tôi đã gắn bó mấy năm nay. Tôi chưa bao giờ thấy đèn đường lấp lánh, rực rỡ đến thế. Tôi cũng cố gắng nghiêng đầu về phía vai anh, mắt xa xăm cho… đúng mốt hẹn hò.

Người phục vụ đến chờ chúng tôi gọi thức uống. “Phụ nữ có quyền chọn trước”, sự ga-lăng mà anh thể hiện bỗng làm tôi lúng túng. Mất gần mười phút, tôi vẫn dán mắt vào thực đơn, cậu nhân viên phục vụ kiên nhẫn đứng chờ. “Cho vài lon bia!”, anh nói. Tôi nhẹ nhõm như thể anh vừa cứu mình thoát khỏi hoạn nạn.

Vậy là chúng tôi uống bia cùng đồ nhắm là một ít hạt dẻ. Hình như, lần đầu tiên tôi cảm nhận vị ngọt và say nồng của bia. Chồng vừa nhấm nháp từng ngụm vừa gật gù khơi chuyện. Anh kể lại chuyện ngày trước làm “mặt dày” đêm nào cũng đến nói chuyện với ba vợ tương lai, “cưa đổ” ba má tôi trước khi “cưa đổ” tôi. Anh hỏi tôi nhớ chuyện gì nhất, tôi cười: “Hồi đó, anh bảo em về giữ tiền giùm, nuôi con giùm và nhân tiện nuôi giùm luôn cả anh”. Những kỷ niệm xa xưa, những lần giận hờn, cãi vã không đâu vào đâu cứ ùa về. Xen vào đó là gương mặt của các con, là những va đập đời thường mà cả hai vợ chồng chưa một lần dừng lại để ngắm nghía, quan sát, an ủi, vỗ về. Bất chợt, tôi quặn lòng thương chồng, thương cả chính mình.

Chúng tôi trở về khi hơi men vẫn còn phảng phất, hai vợ chồng bật cười trước ánh nhìn vừa bất ngờ vừa lo lắng của ngoại: “Tưởng tụi bây đi cà phê cà pháo gì đó. Hư hỏng quá! Mấy đứa nhỏ khóc mệt lử rồi lăn đùng ra ngủ, tội nghiệp!”. Dù cảm thấy có lỗi với con, nhưng vợ chồng tôi vẫn không giấu được niềm vui.

Trước khi đi ngủ, anh quay sang ôm tôi, vòng tay ấm hơn mọi ngày. “Thực ra lúc đó anh cũng chẳng biết gọi đồ uống gì nên mới đẩy sang bắt em chọn. Nào ngờ em cũng kém thế. Anh đành gọi theo… thói quen”. Chúng tôi nhận ra mình đã bỏ quên nhiều thứ. Chẳng ai muốn vậy, chỉ là những thói quen mới dần lấn át thói quen cũ. Có lẽ, vợ chồng tôi sẽ lại trốn con để đi đến một quán cà phê nào đó, gọi một thức uống khác, theo thói quen mới, tạo sắc màu mới cho cuộc sống.

Ngột ngạt với sự ghen của vợ

Diễm không tin chồng. Theo cô, phải luôn phòng vệ từ xa, không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Diễm - vợ Trung - có tính hay ghen. Diễm hay đến cơ quan, viện cớ tìm chồng để ngầm thông báo cho các đồng nghiệp nữ của chồng biết, cô là vợ “chính chủ”, các cô đừng hòng léng phéng.

Có lần Diễm đi dự tiệc cùng chồng, thấy đồng nghiệp trò chuyện với Trung thân mật, cô liền hỏi: “Chị bao nhiêu tuổi?”. Cô bạn ngạc nhiên nhưng cũng nói số tuổi của mình. Diễm liền tuôn một hơi: “Tuổi chị lớn hơn chồng tôi, sao lại gọi anh ấy bằng anh. Chị trò chuyện với chồng tôi thân mật quá, lại “anh anh - em em” ngọt xớt. Hay chị có ý với chồng tôi?”. Trung giận xanh mặt. Sau khi xin lỗi cô bạn, anh liền kéo vợ về, bỏ dở cả bữa tiệc.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đây không phải lần đầu Diễm làm chồng mất mặt. Lúc cô sinh con đầu lòng, một sản phụ vừa sinh xong được y tá đẩy vào phòng. Ông chồng không biết chạy đâu, để bà mẹ và cô y tá hè hụi khiêng sản phụ trên qua giường nằm. Trung thấy vậy liền chạy tới đỡ một tay. Diễm tức tưởi khóc: “Có phải vợ anh không mà ôm dính vậy? Thứ đàn ông gì mà thấy đàn bà con gái là xáp tới”. Sợ vợ tức giận ảnh hưởng sức khỏe, Trung cố xoa dịu vợ cho yên chuyện.

Trung biết, do ba có người phụ nữ khác, Diễm lớn lên trong cảnh đổ vỡ của ba mẹ nên tâm lý bất an, luôn theo canh giữ chồng. Nhưng sự ghen tuông đến mức bệnh hoạn của vợ làm Trung mệt mỏi. Nhiều lần Trung nói “anh túi bụi với công việc đã mệt, hơi sức đâu mà đèo bòng”, Diễm vẫn không tin chồng. Theo cô, phải luôn phòng vệ từ xa, không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ngoài chuyện ghen tuông, Diễm còn có tật phân chia mọi thứ rạch ròi với chồng. Sắm chiếc xe, tủ lạnh, bộ salon… cô đều nói rõ với chồng đã góp vào bao nhiêu tiền. Mẹ vợ cho miếng đất, cô yêu cầu chồng làm bản cam kết, công nhận là tài sản riêng của vợ, không được tranh chấp về sau. Sự rạch ròi của vợ làm Trung tự ái. Diễm viện cớ ngày xưa ba mẹ ly hôn, tranh chấp tài sản rất gay gắt. Mẹ lao tâm khổ tứ mới tranh được chút tài sản nuôi con, nên cô phải lo phòng thân trước, mọi thứ phải rõ ràng để sau này dễ bề phân chia.

Có lần Trung nói với vợ: “Em sống với anh mà luôn bất an như vậy thì chúng ta ly hôn để cả hai cùng nhẹ nhõm”. Diễm chưng hửng: “Vợ chồng đang yên ấm, cớ gì ly hôn? À, tôi biết rồi, anh có bồ nhí nên kiếm cớ bỏ tôi chứ gì”.

Mẹ Diễm nghe chuyện, liền khuyên can. Trung nói: “Vợ con nhìn đâu cũng thấy tình địch. Con ra đường chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai. Vợ chồng không tin nhau thì thật ngột ngạt”. Nghe mẹ vợ phân tích thiệt hơn, lại thương con trai chưa đầy hai tuổi, Trung đành chịu hòa giải với vợ, nhưng anh luôn tự hỏi: Mình chịu đựng được bao lâu?