Sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream vượt ngưỡng thủy ngân, hại sức khỏe

"Người sử dụng mỹ phẩm chứa thủy ngân dễ đối mặt với nguy cơ suy thận, rối loạn thần kinh, suy giảm trí nhớ hoặc các rối loạn cảm xúc”, BS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - chuyên gia da liễu cho biết.

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc lô sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream (Melasma)-hộp 1 lọ 45g số lô CD03B, ngày sản xuất 05/02/2025, hạn sử dụng 04/02/2028, do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn thủy ngân.

Sản phẩm do SakurraDream Co., Ltd (Nhật Bản) sản xuất, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp & Dịch vụ Linh Anh (số nhà 02, ngõ 318, đường Đào Giã, khu 5, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.

Thủy ngân có thể gây tổn thương thận, thần kinh

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, BS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – chuyên gia da liễu cho biết: “Trước đây, thủy ngân từng được sử dụng trong các sản phẩm làm trắng da nhờ khả năng ức chế enzyme tyrosinase, từ đó ngăn chặn quá trình sản xuất melanin. Tuy nhiên, do mức độ độc tính cực kỳ cao, hiện nay thủy ngân đã bị cấm hoặc kiểm soát nghiêm ngặt trong mỹ phẩm tại hầu hết các quốc gia”.

Theo BS Tuyết, thủy ngân có thể thấm qua da, xâm nhập vào máu và tích tụ lâu dài trong các cơ quan quan trọng như gan, thận và não, gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Các dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân ban đầu thường rất mơ hồ, như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa nhẹ khiến người bệnh dễ chủ quan. Khi lượng thủy ngân tích tụ vượt ngưỡng cho phép, hậu quả trở nên trầm trọng hơn, có thể gây suy thận, rối loạn thần kinh trung ương, run tay, suy giảm trí nhớ, thậm chí tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream (Melasma) – Ảnh minh họa/ Nguồn Báo Gia Lai
Sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream (Melasma) – Ảnh minh họa/ Nguồn Báo Gia Lai

Người dùng mỹ phẩm chứa thủy ngân có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ngay từ đầu, nhưng các tổn thương vẫn âm thầm tích lũy. Đến khi cơ thể bộc phát triệu chứng thì nhiều trường hợp đã rơi vào tình trạng không thể cứu vãn.

Không chỉ gây hại cho nội tạng, thủy ngân còn tàn phá trực tiếp làn da, cơ quan lớn nhất và dễ bị tổn thương nhất của cơ thể. Theo BS Tuyết, những người sử dụng mỹ phẩm chứa thủy ngân thường có làn da trắng bệch thiếu sức sống, da mỏng yếu, dễ kích ứng, viêm đỏ, nổi mụn mủ và suy giảm khả năng bảo vệ tự nhiên.

Điều đáng lo ngại là hậu quả này không chỉ mang tính tạm thời. Nhiều bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng sẹo vĩnh viễn, rối loạn sắc tố không thể hồi phục và thậm chí nguy cơ ung thư da.

“Nhiều ca bệnh đến khám trong tình trạng da tổn thương nghiêm trọng, cần quá trình điều trị lâu dài, tốn kém mà kết quả chưa chắc đã phục hồi hoàn toàn”, bác sĩ Tuyết cho biết thêm.

Ngoài ra, việc da bị bào mòn bởi thủy ngân còn làm hệ miễn dịch da suy yếu, khiến người bệnh trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng, dễ bị nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn và có thể phát sinh biến chứng nặng như viêm mô tế bào.

Đáng lo hơn, tác hại của thủy ngân không chỉ giới hạn ở người sử dụng mà còn lan ra môi trường. Khi tắm rửa hoặc rửa mặt, thủy ngân từ mỹ phẩm sẽ thải ra nước và đất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thủy ngân có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường, tích tụ trong nguồn nước, đất và chuỗi thực phẩm, từ đó gây nhiễm độc cho cả cộng đồng.

“Chỉ cần một cá nhân sử dụng mỹ phẩm chứa thủy ngân cũng có thể đẩy nhiều người khác vào nguy cơ bị nhiễm độc mà họ không hề hay biết”, BS Tuyết nhấn mạnh. Vì vậy, việc kiểm soát mỹ phẩm chứa thủy ngân không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là vấn đề của toàn xã hội.

Hiện nay, thị trường tràn lan các sản phẩm làm trắng da “siêu tốc”, quảng cáo có thể cải thiện màu da chỉ sau vài ngày. Theo BS Tuyết, bất kỳ sản phẩm nào cam kết làm trắng nhanh đều tiềm ẩn nguy cơ chứa các hoạt chất cực mạnh như thủy ngân, corticosteroid hoặc hydroquinone.

“Làn da có chu kỳ tái tạo sinh học tự nhiên. Một sản phẩm an toàn không thể làm da trắng tức thì, trừ khi sử dụng các chất can thiệp hóa học mạnh và cái giá phải trả luôn rất đắt”, BS Tuyết phân tích.

Không ít bệnh nhân sau khi sử dụng kem trắng da cấp tốc đã phải đối mặt với những hậu quả nặng nề như viêm da mãn tính, tăng sắc tố sau viêm, suy giảm miễn dịch tại chỗ, khiến việc điều trị trở nên rất phức tạp và tốn kém.

Đồng thời, BS Tuyết khuyến người tiêu dùng: Ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm định an toàn; Cảnh giác với các sản phẩm làm trắng da nhanh chóng, giá rẻ bất thường; Kiểm tra kỹ thành phần mỹ phẩm trước khi sử dụng; Tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu khi cần thiết.

Mỗi người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết, vì sự thiếu hiểu biết có thể phải trả giá bằng chính sức khỏe và tuổi thọ của bản thân.

Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc lô sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream (Melasma) do không đạt chất lượng - Ảnh chụp màn hình
Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc lô sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream (Melasma) do không đạt chất lượng - Ảnh chụp màn hình

Người tiêu dùng có quyền đòi bồi thường thiệt hại

Về vấn đề pháp lý, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, nếu có đủ căn cứ cho rằng việc sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng đã gây thiệt hại, người tiêu dùng có thể khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm do mình cung cấp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi không có lỗi.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khỏe con người, khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm.

Nhà sản xuất, chủ sở hữu sản phẩm phải đánh giá tính an toàn trên mỗi sản phẩm mỹ phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của Asean. Giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm phải đáp ứng yêu cầu của Asean quy định tại Phụ lục số 06-MP. Thành phần công thức mỹ phẩm phải đáp ứng theo các Phụ lục (Annexes) - bản mới nhất của Hiệp định mỹ phẩm Asean.

Với thủy ngân, nồng độ tối đa cho phép có trong sản phẩm mỹ phẩm là 1 phần triệu (1 ppm).

Việc tái phạm hành vi sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn so với lần đầu vi phạm. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với hành vi này có thể bị tăng gấp đôi so với mức phạt lần đầu, nhằm răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, tức là từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng hoặc cao hơn, tùy theo mức độ vi phạm và quyết định của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các biện pháp xử lý khác như thu hồi sản phẩm, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, hoặc đình chỉ hoạt động cũng có thể được áp dụng tùy theo mức độ vi phạm và quy định của pháp luật.

Mặc dù mức phạt đã được nâng lên so với quy định trước đây, nhưng vẫn còn rất thấp so với thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi sử dụng mỹ phẩm không đạt chất lượng. Việc xử phạt hành chính cũng chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là khi sản phẩm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, để tăng cường hiệu quả răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần xem xét:​ Tăng mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, đặc biệt khi sản phẩm gây hại đến sức khỏe.​ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thị trường mỹ phẩm để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn và sử dụng mỹ phẩm an toàn, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng tố giác các hành vi vi phạm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, theo quy định tại Điều 49 Thông tư 06/2011/TT-BYT về quyền của người tiêu dùng mỹ phẩm, người tiêu dùng có quyền được thông tin về mỹ phẩm, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng mỹ phẩm sản xuất, lưu thông không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Nếu có đủ căn cứ cho rằng việc sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng đã gây thiệt hại cho mình, người tiêu dùng có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm trên bồi thường thiệt hại.

Công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH Thương mại tổng hợp & Dịch vụ Linh Anh khẩn trương gửi thông báo thu hồi đến toàn bộ các đơn vị phân phối, sử dụng lô sản phẩm Collagen 3D Perfect Whitening Cream Night Cream (Melasma)-hộp 1 lọ 45g nêu trên; Tiếp nhận, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm vi phạm; Báo cáo kết quả thu hồi, tiêu hủy về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/5/2025.

Giao Sở Y tế tỉnh Phú Thọ giám sát chặt chẽ quá trình thu hồi, tiêu hủy của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp & Dịch vụ Linh Anh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, xử lý các hành vi vi phạm nếu có và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 15/6/2025.

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; Tiến hành thu hồi, tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.