Quan tâm hay khống chế?

Đàn ông ngoài việc quan tâm tới gia đình, còn nhiều mối quan tâm khác, phụ nữ nên biết lúc nào giữ chồng ở nhà, lúc nào để chồng... thở.

Hồi mới cưới, tan sở là tôi hối hả về nhà, phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Hạnh phúc ngập tràn khi vợ chồng cùng kề vai trong bữa cơm đầm ấm, tay trong tay xem phim, dạo phố. Sau nhiều năm chung sống, đến nay vợ vẫn muốn ở bên chồng mọi lúc mọi nơi, như bóng với hình. Lúc tôi đi làm thì nàng “quản” từ xa. Trưa nào cũng gọi tới hỏi xem tôi ăn cơm chưa, đang buồn hay vui… Có khi nàng đột xuất tới tận nơi kiểm tra. Chiều về thì nàng “quản” luôn điện thoại lẫn máy tính với lý do để tôi toàn tâm toàn ý cho gia đình.
Bạn bè gọi rủ tôi đi lai rai. Lúc con còn nhỏ thì nàng viện cớ “con không khỏe, anh ở nhà phụ em”. Con đã lớn, nàng nói “anh phải dạy con học bài”, “lát nữa ảnh phải đưa con đi học thêm”. Giờ thì “anh bị cao huyết áp, đừng nhậu nữa”… Riết rồi bạn bè chẳng còn ai đủ kiên nhẫn rủ tôi nhậu nữa. Bực quá tôi làm dữ. Nàng liền bù lu bù loa bảo tôi lăm le ra ngoài tòm tem, xem trọng bạn bè hơn gia đình…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chán cảnh Chủ nhật nào cũng lếch thếch theo vợ đi siêu thị, mua sắm… tôi nói sẽ tham gia vào nhóm bạn đánh tennis. Nàng gật đầu cái rụp, “vừa xả stress vừa rèn luyện sức khỏe, em ủng hộ anh”. Tôi ngầm đắc ý, giải phóng bước một, sẽ đánh tiếp bước hai, miễn sao thoát khỏi tầm mắt của nàng. Hôm sau vợ đi làm về với hai cặp vợt mới tinh, nàng hớn hở khoe: “Em đã đăng ký cho vợ chồng mình vào câu lạc bộ tennis, Chủ nhật tới mình bắt đầu tập luyện nha anh”. Hứng thú đối với tennis của tôi bay cái vèo.
Có lần tôi nghe vợ tư vấn cho cô bạn: “Tụi con gái bây giờ ghê gớm lắm, cướp chồng người ta dễ như trở bàn tay. Tụi mình phải giữ chồng rịt bên mình mới mong mấy ổng không có thời gian léng phéng”. Quan điểm của nàng không ngờ được nhiều người đồng tình, trong đó có cả má và chị tôi. Má bảo tôi có số sướng, được vợ yêu thương, quan tâm chăm sóc, còn đòi gì nữa. Chỉ có đám bạn bè cùng cảnh ngộ là đồng cảm với nhau, chán phèo cái gọi là sự quan tâm của vợ.
Tôi nhớ nhà thơ Đỗ Trung Quân có lần nói đại khái: phụ nữ giữ chồng như giữ nước trong tay, nâng niu gượng nhẹ thì còn, nắm chặt lại thì nước sẽ chen qua kẽ hở. Đàn ông ngoài việc quan tâm tới gia đình, còn nhiều mối quan tâm khác, không phải ngày nào cũng đối diện với vợ trong bốn bức tường mới gọi là đàn ông tốt, là có trách nhiệm với gia đình. Phụ nữ nên biết lúc nào giữ chồng ở nhà, lúc nào để chồng... thở.

Niềm tin vào đàn ông?

Mới đó mà đã 15 năm rồi. Anh tự hỏi từng ấy năm trời, em vẫn chưa tìm được người nào có đủ kiên nhẫn theo đuổi, đợi chờ? 

Anh bật cười khi nghe thằng bạn oang oang: “Thắm “cuội” hả? Bây giờ bà ấy là tiến sĩ rồi nhưng vẫn lông bông. May cho thằng Minh, hồi trước mà cứ đeo theo bà ấy thì có mà tàn đời”. Sau câu nói ấy, cả bọn bật cười.

Lâu lắm rồi, mấy thằng K07 mới có dịp ngồi lại với nhau đông đủ như vậy. Những câu chuyện lan man từ Đông sang Tây rồi lại trở về quá khứ. Ngày đó, lớp mình có cô Thắm xinh như mộng...

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đầu tiên, Thắm yêu anh Quân, lớp trưởng, đẹp trai, học giỏi, có nhiều tài lẻ. Quân chưa đáp lại thì Thắm đã nói với mọi người anh chàng lớp trưởng là của em. Thế là chẳng ai dám bén mảng lại gần Quân. Được một thời gian lại nghe Thắm nói cô yêu anh lớp phó phong trào đàn giỏi, hát hay, chơi bóng xuất sắc. Cứ thế, đến hết 4 năm đại học thì toàn bộ ban cán sự lớp đều trở thành người yêu của em.

Nhưng hỏi ra thì ai cũng “có tiếng mà không có miếng”. Mang danh là bồ bịch mà đi chơi với nhau, em chẳng cho nắm tay, đụng chạm. Ai đòi hôn thì em ra điều kiện nọ kia nhưng cuối cùng lại “chạy làng” luôn. Anh là người cuối cùng “trong đám xuân xanh” ấy và cũng chịu chung số phận. Anh giận dỗi gọi em là “Thắm cuội” và tuyên bố: “Từ nay không có nợ nần gì hết, em hoàn toàn tự do”. Em có vẻ buồn và nói rằng đàn ông là những người không có đủ kiên nhẫn…

Mới đó mà đã 15 năm rồi. Bây giờ em vẫn một mình. Anh tự hỏi chẳng lẽ từng ấy năm trời, em vẫn chưa tìm được người nào có đủ kiên nhẫn theo đuổi, đợi chờ? Hãy mở lòng mình ra đi Thắm, bởi sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Nếu trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Đàn bà con gái chỉ có một thời thôi em ạ. Nếu em còn mãi cô đơn như thế thì bọn anh sẽ cảm thấy có lỗi vô cùng. Bởi tất cả đều làm cho em thất vọng, tất cả đều đã góp phần làm cho em chẳng còn niềm tin vào đàn ông…

Cảm ơn tình yêu

Sắp tới là kỷ niệm 12 năm ngày cưới, khoảng thời gian không dài so với đời người, nhưng là cột mốc đủ để em mỉm cười khi nhìn lại.

Cảm ơn anh đã làm em thay đổi, từ một cô gái lóng ngóng, vụng về nay đã biết vén khéo, lo toan và không còn ham chơi như thời con gái.

Lãng mạn thời hôn nhân

Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Sinh nhật vợ, chồng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ. Tối, chồng bảo vợ ngồi lên xe, chở đến một shop quần áo. Sau một lúc ngắm nghía, chồng nháy mắt với vợ rồi chỉ vào chiếc váy hoa điệu đà mà vợ đã ao ước bấy lâu. Quà sinh nhật của chồng bao nhiêu năm vẫn vậy: không bất ngờ, không cầu kỳ, không lời có cánh nào được “đính kèm”. Vậy mà, trong mắt vợ, chồng luôn là người lãng mạn.

Nhiều người ngần ngại hôn nhân vì mường tượng ra thời kỳ kinh khủng của hậu hôn nhân. Chồng luôn nhấn giọng: “Chẳng có lãng mạn cho vợ đằng sau tiếng con khóc, nợ đòi đâu!”. Đúng là không hoa hồng, không lời có cánh, không cà phê, xinê… Thời gian càng trôi, sự lãng mạn càng bị những gót chân bươn chải bỏ quên một cách vô tình. Nhưng bù lại, vẫn có những điều lãng mạn khác mà thời yêu nhau chưa bao giờ có được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Như chuyện hôm sinh nhật. Cái váy đó vợ đã ngắm nghía mấy tháng trời nhưng không dám mua vì quá đắt. Tiền học cho thằng cu lớn, tiền sữa cho thằng cu nhỏ, tiền ăn, tiền điện… rồi bao nhiêu thứ phải chi trả cứ bủa vây, ngăn không cho vợ phung phí. Thẻ lương của chồng, vợ giữ. Những khoản chi tiêu bên ngoài chồng tự xoay xở với tiền thưởng hàng quý của công ty. Eo hẹp là thế mà chồng vẫn dành dụm để mua váy tặng vợ (lại biết đúng cửa hàng và cái váy vợ “nhắm”), đó chẳng phải là lãng mạn sao?

Điểm lại, sau mấy năm làm vợ chồng, những cái nắm tay của chúng mình thưa thớt hẳn. Những buổi hẹn hò, cà phê bị vợ đưa vào danh sách những “trò tiêu khiển” xa xỉ. Những tin nhắn nhớ thương lùi vào… thời xa vắng. Biết bao nhiêu thứ “có” bị biến thành “không” từ ngày mình trở thành vợ chồng. Nói vậy mà không phải vậy, vợ chồng vẫn có những giây phút lãng mạn tuyệt vời mà ngày xưa chưa bao giờ được hưởng. Như cái hồi biết vợ có thai, chồng nhảy lên sung sướng, ôm vợ xoay mấy vòng rồi hốt hoảng dừng lại vì sợ đứa con trong bụng… chóng mặt. Đêm nào chồng cũng nằm áp tai lên bụng vợ, thầm thì nói chuyện với con. Chồng còn xung phong làm việc nhà, thỉnh thoảng đi chợ và làm “đạo diễn” nhà bếp cho vợ được nghỉ ngơi. Hay đơn giản hơn, dù bận rộn đến mấy thì mỗi sáng chồng đều dắt xe ra khỏi cổng giúp vợ. Chồng bảo, làm thế để vợ có động lực thắt cà vạt mỗi sáng cho chồng.

Khi vợ bị cảm, chồng không cuống cuồng hỏi han như thời đang yêu nữa mà thay vào đó, chồng nhìn vợ một cách nghiêm khắc rồi “phán”: “Sao em chủ quan với sức khỏe của mình thế? Mưa mặc mưa, nắng mặc nắng, người chứ có phải sắt đá gì mà không đổ bệnh”. Rồi cứ để cho vợ khóc sụt sùi vì tủi thân, chồng xách xe ra khỏi nhà, trở về với mấy vỉ thuốc cảm trên tay. Có hôm, chồng một mình hì hụi xây lại góc nhỏ trước thềm nhà. Thấy chồng mồ hôi nhễ nhại, vợ chạy ra toan bưng gạch, dọn rác phụ thì bị la té tát. Vợ thoáng buồn, chẳng lẽ chia sẻ công việc với chồng là sai? Chồng không an ủi, không thừa nhận mình quá đáng mà chỉ buông một câu: “Việc này cứ để anh lo, lỡ anh ốm còn có người lo cho anh chứ. Không phải việc gì em giúp anh cũng thấy vui đâu”. Lãng mạn thời vợ chồng đúng là có khác.

Là vợ chồng, biết hết tật xấu của nhau rồi nên “cuốn cẩm nang” mang tên “tốt khoe, xấu che” gần như bị vứt vào sọt rác. Thế là, bao nhiêu cái xấu được phô ra một cách tự nhiên, đôi khi thái quá. Ấy vậy mà những tật xấu ấy lắm lúc mang lại tiếng cười rộn rã trong căn nhà nhỏ và được vợ thay cho cái tên mỹ miều là “lãng mạn kiểu… chồng”.

Không còn như thời son trẻ, vợ dễ dãi hơn với nhu cầu làm đẹp của bản thân. Có gì mặc đó, ra ngoài cũng khoác vội mấy thứ quần áo đơn giản cho thoải mái. Đôi lúc chồng nhăn mặt góp ý. Vốn biết tiếp thu, vợ lấy lại phong độ cái thời “điểm phấn thoa son”, dù dáng dấp đã không còn như thuở hoàng kim. Hôm vợ chồng rủ nhau đi ăn cưới đứa em họ, vợ xúng xính trong chiếc váy maxi màu kem mềm mại. Mới bước xuống nửa cầu thang đã thấy cả chồng lẫn con nhìn lên vẻ… phấn khởi. Không cần những lời khen ngợi ngọt như đường phèn thuở đang yêu, chỉ cần cái nhìn ấy thôi là đủ cho vợ ngất ngây hạnh phúc. Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Thời đang yêu, nào là “nếu có tiền anh sẽ đưa em lên mặt trăng”, nào là “mình sẽ sống trong một ngôi nhà hạnh phúc và có một đàn con nhỏ thật dễ thương”, hay sướt mướt hơn “sau này lấy nhau, mỗi sáng đi làm mình sẽ hôn nhau để chào tạm biệt và không quên nói lời yêu thương”… Đến khi thành đôi, mình cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác phải đối mặt với những vấn đề lớn như nuôi con, có nhà thành phố… Thực tế cuộc sống khiến vợ chồng mình lao vào làm việc cật lực. Lãng mạn của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là ánh mắt sung sướng nhìn nhau khi dành dụm đủ tiền mua cái tủ lạnh, cái máy giặt hay đơn giản chỉ là sắm được chiếc nôi cho con. Nhớ nhất là khoảnh khắc mình ôm chặt lấy nhau, nước mắt ràn rụa khi cầm trong tay sổ đỏ của một miếng đất nhỏ vùng ven.

Vợ gọi đó là lãng mạn của thời hôn nhân.