Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Năm thông báo áp đặt trừng phạt lên một mạng lưới các công ty do công dân mang hai quốc tịch Iraq và Anh – ông Salim Ahmed Said – điều hành. Mạng lưới này bị cáo buộc mua và vận chuyển dầu Iran với giá trị hàng tỷ USD, trá hình dưới dạng dầu Iraq, kể từ ít nhất năm 2020.
Các tàu và công ty do ông Said kiểm soát được cho là đã pha trộn dầu Iran với dầu Iraq rồi bán cho các khách hàng phương Tây qua ngả Iraq hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sử dụng giấy tờ giả để né lệnh trừng phạt quốc tế.
Mặc dù không đứng tên sở hữu chính thức, ông Said được cho là có quyền kiểm soát VS Tankers, công ty đặt tại UAE. Công ty này từng hoạt động dưới tên Al-Iraqia Shipping Services & Oil Trading (AISSOT) và bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động buôn lậu nhằm mang lại lợi ích cho chính phủ Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – một tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.
Phản hồi với cáo buộc, VS Tankers bác bỏ thông tin từ phía Mỹ và tuyên bố sẽ "áp dụng mọi biện pháp pháp lý cần thiết", theo hãng tin Reuters.

Các công ty và tàu của Said trộn dầu Iran với dầu Iraq, sau đó bán cho người mua phương Tây thông qua Iraq hoặc UAE.
Ngoài dầu lậu, Mỹ còn trừng phạt thêm lĩnh vực nào liên quan đến Iran?
Bên cạnh việc nhắm vào VS Tankers và các tàu vận chuyển bí mật dầu Iran, Bộ Tài chính Mỹ còn trừng phạt nhiều cá nhân cấp cao và một tổ chức liên kết với Al-Qard Al-Hassan – định chế tài chính bị cho là nằm dưới quyền kiểm soát của Hezbollah.
Theo phía Mỹ, các cá nhân và tổ chức này đã thực hiện các giao dịch tài chính trị giá hàng triệu USD, cuối cùng đều mang lại lợi ích cho Hezbollah nhưng được ngụy trang để che giấu sự liên quan trực tiếp.
Đây là bước tiếp theo trong nỗ lực của Mỹ nhằm cắt đứt các dòng tài chính quốc tế nuôi dưỡng các tổ chức mà họ cho là “gây bất ổn khu vực Trung Đông.”
Phát biểu về đợt trừng phạt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm đến các nguồn thu của Iran và gia tăng áp lực kinh tế nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận tài chính của chính quyền Tehran cho các hoạt động gây bất ổn.”
Trong những năm qua, Mỹ đã nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran nhằm phản ứng trước chương trình hạt nhân của nước này và sự hậu thuẫn của họ đối với các nhóm vũ trang trong khu vực như Hezbollah, Houthi và Hamas.
Riêng trong năm 2023, một mạng lưới buôn lậu nhiên liệu có trụ sở tại Iraq được cho là đã giúp Iran và các lực lượng đồng minh thu về ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm, theo Reuters.
Mỹ đang theo đuổi mục tiêu gì qua các đòn trừng phạt liên tiếp?
Các lệnh trừng phạt mới được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ tiến hành các đợt không kích vào ba cơ sở hạt nhân của Iran, bao gồm Fordow – cơ sở làm giàu uranium được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Iran.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các cuộc tấn công này có thể đã làm chậm chương trình hạt nhân của Iran tới hai năm.
Đáng chú ý, Mỹ và Iran dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân tại Oslo trong tuần tới, theo tiết lộ từ Axios. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về khả năng cân bằng giữa đối thoại và áp lực trong chính sách đối ngoại của Washington với Tehran.
Các động thái liên tục của Mỹ cho thấy nước này đang theo đuổi một chiến lược "gọng kìm": một mặt dùng các đòn trừng phạt tài chính để ngăn Iran tiếp cận nguồn lực, mặt khác gây sức ép quân sự để làm suy yếu tiềm lực hạt nhân của Tehran.
Việc nhắm vào các công ty trung gian, các tàu vận tải và mạng lưới tài chính quốc tế cho thấy Mỹ muốn bẻ gãy toàn bộ chuỗi tiếp vận dầu mỏ – vốn là nguồn thu quan trọng giúp Iran duy trì hoạt động của các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực.
Dù phía Iran chưa chính thức phản hồi về đợt trừng phạt mới nhất, giới quan sát dự đoán căng thẳng giữa hai nước sẽ tiếp tục leo thang, đặc biệt nếu các cuộc đàm phán sắp tới không đạt tiến triển đáng kể.